Làng rèn Vân Chàng
Làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Tương truyền, vào đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293), nghề rèn đã được du nhập vào Vân Chàng. Khi đó làng có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ gồm Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... được sáu ông thầy từ nơi khác đến truyền dạy. Để ghi nhớ công lao, quê hương Vân Chàng đã tôn sáu ông thầy dạy nghề là Lục vị Thánh sư, lập đền thờ làm Thành hoàng của làng
Thời xa xưa Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, bếp kiềng, cuốc xẻng, răng cào... Mấy chục năm trở lại đây, làng nghề Vân Chàng từng bước phát triển. Sản phẩm của họ một phần đã được cơ giới hóa với kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp. Chính nhờ những mặt hàng này, trên chục năm trước hai hợp tác xã Tân Tiến và Tiền Tiến của đại phương trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Do cơ chế thị trường, hai hợp tác xã cơ khí đã giải thể, song nghề cơ khí ở Vân Chàng lại phát triển chưa từng có. Vân Chàng không thiếu người giỏi tay nghề và hầu hết những tay nghề giỏi đều có nhà xưởng sản xuất. Nhờ thế đời sống người dân Vân Chàng luôn tăng trưởng, nhà cửa xây cất khang trang
Mọi phế liệu được chuyển về Vân Chàng, đều trở thành đồ vật hữu ích, đạt hiệu quả sử dụng cao. Ngày ngày, hàng của Vân Chàng đi khắp nơi trong nước, sang cả Lào, Campuchia.