Lễ hội Katê của người Chăm
Hiện nay người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận có số lượng lớn nhất Việt Nam, chiếm gần 50% tổng số lượng người Chăm trên cả nước, chính vì thế mà sắc Chăm Ninh Thuận được xem như một nét đặc sắc văn hoá tại nơi này.
Đến nơi đây bạn có thể dễ dàng tìm thấy những nét đặc sắc văn hoá về phong tục, tập quán, lễ hội... của đồng bào Chăm. Đây là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần, để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghi thức mở đầu của lễ hội là lễ rước y trang nữ thần Ponagar (còn gọi thần mẹ xứ sở dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải) từ nhà người con út của nữ thần (xã Phước Hà, H.Thuận Nam) về đền Pô Nư Kành (xã Phước Hữu, H.Ninh Phước) để thờ cúng.
Ngày thứ hai lễ hội là rước y trang lên tháp Pô Klong Garai và các vị chức sắc Chăm làm nghi lễ tắm cho thần, dâng lễ vật cúng thần. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tại các làng, thôn người Chăm sinh sống nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng cùng với điệu múa quạt của những thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống, làm say đắm du khách khi đến tham dự lễ hội.