Lựa chọn chế biến và ăn những thực phẩm an toàn
Khi ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm nhiễm khuẩn hay nhiễm độc, thức ăn bị ôi thiu,… có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia cho biết, tình trạng ngộ độc có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể là 1 đến 2 ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Ngộ độc thực phẩm khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng như lẫn máu và chất nhầy trong phân, đau bụng dữ dội, bên cạnh đó, đau cổ, đau họng. Ngộ độc thực phẩm có thể khiến sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, những trường hợp như trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc những người đang điều trị bệnh phải dùng thuốc gây ức chế miễn dịch, người mắc bệnh gan, dạ dày,… thì tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng.
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do thiếu vệ sinh. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm, bạn cần để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, thức ăn phải được nấu chín trước khi ăn, chỉ dùng nước sạch và thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, vịt để tránh cúm gia cầm và nhiễm liên cầu khuẩn. Nên hạn chế chất béo, các món ăn nhiều dầu mỡ. Ăn uống vừa phải không quá no và ăn kèm với thực phẩm lên men như: Sữa chua, dưa cải, kim chi,... nhằm tăng khả năng tiêu hóa. Đặc biệt bạn không nên ăn những thức ăn đã để quá 6 giờ và tốt nhất là nên ăn ngay sau khi chế biến.