Năm Bính Tuất 1946, Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến
Nếu như sự kiện ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng Trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cũng được xem là mốc son quan trọng trong lịch sử của đất nước, vì đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Tất cả các tờ báo lúc đó đồng loạt đưa tin với những dòng chữ đậm nét "Tất cả hãy đến thùng phiếu" hay lời khuyên của Bác Hồ "Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào hội đầu tiên của nước ta".
Như vậy chỉ hơn 4 tháng sau ngày Độc Lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử. Dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ. Cách mạng tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị rất phức tạp, ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp đã mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược và dựng lên chế độ "Nam Kỳ tự trị" với một chính phủ bù nhìn tay sai. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật. Nhưng nhân dân các nơi vẫn bày tỏ niềm tin tưởng vào những đại biểu Việt Minh và những người yêu nước chân chính nên từ sáng sớm ngày 6 tháng 1, nhân dân Hà Nội đã nô nức đi bỏ phiếu với nét mặt hân hoan, cuộc tổng tuyển cử đã thành công ngoài mong đợi.
Quốc hội khóa I (nhiệm kỳ 1946 - 1960) với tên gọi lúc đó là: Nghị viện nhân dân, là khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Là nhiệm kỳ đầu tiên của cơ quan lập pháp tối cao, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua hai bản Hiến Pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và ba chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây thật sự là bước ngoặc lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.