Người khởi kiện
Người khởi kiện hay chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Điều này được quy định tại điểm a khoản 1 điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ nhất, người khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Đồng thời, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm mới có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp đặc biệt, để bảo vệ quyền hay lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có quyền khởi kiện. Ví dụ như: cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, người khởi kiện cần có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trong đó cần căn cứ quy định tại Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để xác định năng lực hành vi tố tụng dân sự của cá nhân. Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp.