Nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Top 10 trong Top 11 Lưu ý quan trọng nhất về rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim thường được ưu tiên điều trị bằng thuốc trước tiên, nếu không hiệu quả mới xét các biện pháp can thiệp lên tim vì có thể gây biến chứng hoặc tái phát. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc trong thời gian dài để điều chỉnh rối loạn xung điện và phục hồi nhịp tim bình thường. Các cơ chế tác động của thuốc gồm:
- Ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường.
- Kéo dài thời gian trơ và tăng thời gian phục hồi cơ tim.
- Giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền xung điện trong tim.
Với 3 cơ chế trên, nhóm các thuốc được sử dụng gồm:
- Nhóm thuốc chống loạn nhịp: Nhóm thuốc này có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường, gồm các thuốc: Dronedaron, sotalol, amiodaron, propafenon,...
- Nhóm thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim để giảm gánh nặng hoạt động cho tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, gồm các thuốc: Atenolol, metoprolol, bisopropol,...
- Nhóm thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm thuốc này có tác dụng giãn mạch, làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, gồm các thuốc: diltiazem, verapamil,...
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các thuốc phụ trợ như:
- Digoxin: Là một glycoside tim giúp tăng sức co bóp cơ tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Adenosine: Là chất chủ vận purin giúp giãn mạch và làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất.
Nhìn chung, các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim đều cần được bác sĩ kê rõ liều dùng và bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ sử dụng. Bởi nếu sử dụng sai cách, các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim có thể gây tác dụng phụ như:
- Khiến tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn.
- Sưng chân.
- Dị ứng thuốc.
- Xạm da do nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
- Mắt mờ.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Táo bón, tiêu chảy,...