Những ngôi sao xa xôi - Bài 1
Tóm tắt:
Ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn – Phương Định, Nho và chị Thao. Nhiệm vụ của họ là quan sát khi địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Định va Thao lo lắng săn sóc cho Nho.
Bố cục:
- Phần 1 (từ đầu... ngôi sao trên mũ) : Phương Định kể về cuộc sống bản thân và tổ trinh sát mặt đường của cô.
- Phần 2 (tiếp ... chị Thao bảo) : Nho bị thương, hai chị em lo lắng chăm sóc.
- Phần 3 (còn lại) : Sự lạc quan, niềm vui trước cơn mưa đá đột ngột.
Đọc hiểu văn bản:
Câu 1 (trang 121 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Truyện được trần thuật ở ngôi thứ nhất từ Phương Định - nhân vật chính. Ngôi kể tạo điểm nhìn phù hợp dễ dàng tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh, tâm hồn con người.
Câu 2 (trang 121 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
- Nét chung của ba cô gái: còn trẻ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ cùng chung nhiệm vụ trinh sát mặt đường, tinh thần trách nhiệm cao, có tình đồng đội gắn bó. Họ chiến đấu dũng cảm, sống giản dị, lạc quan, hồn nhiên.
- Nét riêng:
+ Phương Định : cô gái Hà Nội, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng, hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và thành phố.
+ Nho : xinh xắn, hồn nhiên kiểu trẻ thơ, trong chiến đấu thì rất nhanh gọn, dù bị thương nhưng không rên la, không muốn đồng đội lo lắng.
+ Chị Thao : tổ trưởng, từng trải, mơ ước có phần thiết thực hơn; cương quyết, táo bạo, bình tĩnh trong công việc, chị hát tệ nhưng thích chép lời bài hát.
Câu 3 (trang 121 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Tâm lí nhân vật Phương Định:
- Nhân vật tự quan sát và đánh giá mình ở đầu truyện: nhạy cảm, thường quan tâm đến hình thức (tự đánh giá mình là một cô gái khá), biết mình nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, kiêu kì.
- Trong một lần phá bom ở cuối truyện: dũng cảm, có trách nhiệm, tình đồng đội (chăm sóc cho Nho), cô coi cái chết là mờ nhạt trước điều quan tâm lớn là bom nổ.
- Cảm xúc trước trận mưa đá cuối truyện: hồn nhiên, vui thích cuống cuồng như trẻ con, nhớ về những kỷ niệm về thành phố, về mẹ, những ngôi sao.
Câu 4 (trang 121 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Ngôn ngữ giản dị, vừa mang tính khẩu ngữ vừa đậm chất trữ tình, trẻ trung và có phần nữ tính, ngôi kể trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện. Câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập, gợi lên không khí chiến trường.
Câu 5 (trang 121 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến Mĩ là những người hồn nhiên, dũng cảm, ham học hỏi, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì vì tương lai đất nước. Họ không ngại hiểm nguy, gian khổ, luôn hướng tới mục tiêu tự do, độc lập dân tộc.
Luyện tập:
Câu 1 (trang 122 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Một số bài thơ, đoạn thơ hay viết về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ :
Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Khoảng trời – hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Gửi em cô thanh niên xung phong (Phạm Tiến Duật)...
Câu 2 (trang 122 sgk Ngữ Văn 9 Tập 2):
Nhân vật Phương Định trong truyện là một cô gái Hà Thành có vẻ đẹp hồn nhiên, trẻ trung. Đồng thời, cô cũng là một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ và trách nhiệm. Cô yêu thương những người đồng đội của mình, điều đó thể hiện trong hành động chăm sóc Nho chu đáo. Cô quý trọng và cảm phục tất cả những người chiến sĩ cô đã gặp trên tuyến Trường Sơn, luôn hướng về độc lập, tự do dân tộc. Hình ảnh của Phương Định thật đáng tự hào và đáng được học tập.