Những người lính Điện Biên năm xưa
Hôm nay, Tròn 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những người lính tuổi 20 năm ấy, những người lính đã tham gia chiến dịch Điện Biên giờ tóc đã trắng như mây và không ít người đã về với trời xanh mây trắng.
Những người lính Điện Biên năm xưa bước ra từ chiến trường khói lửa có người bước tiếp con đường binh nghiệp, có người trở về với cuộc sống đời thường.
Nhưng dấu ấn về những ngày lịch sử vẫn hằn sâu trong ký ức của mỗi người. Ngày còn ở quê nhà, vào ngày 7/5 tôi vẫn thường chuẩn bị ít bánh kẹo, hoa quả và ấm nước chè ướp hương nhài, để cha và đồng đội của ông quây quần bên nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Những câu chuyện lần nào cũng vậy, nhưng năm nào cũng được nhắc lại và kết thúc bằng một khoảng lặng của những mái đầu đã bạc. Đây con đường hành quân qua Suối Rút, Chợ Bờ ngày đêm bị đạn cày bom xới. Từng mảng núi đá vôi trúng bom bở toác như lò vôi ngun ngút khói. Những kho gạo bị cày tung lên, gạo vãi trắng cả một khoảng rừng. Những lúc trời chang chang nắng, các chàng lính trẻ mệt mỏi rã rời được các bà các mẹ bên đường tiếp nước xua đi cơn khát vò xé tâm can. Rồi những ngày mưa dầm bám cứ điểm, ăn nắm cơm nguội ngắt thấm ướt mưa rừng, bên chiến hào thấm máu đồng đội. Rồi thì anh A, anh Q…ngã xuống khi chỉ còn cách ngày chiến thắng vài giờ đồng hồ. Và cả cậu H đẹp như con gái trước khi hy sinh vẫn cố rút lá thư thấm máu nhờ đồng đội gửi về cho mẹ….Tôi cứ ngồi nghe cha và đồng đội của ông kể chuyện mà không biết nước mắt chảy ra tự bao giờ. Những câu chuyện ấy khiến tôi hiểu rằng: Cuộc chiến nào mà không có mất mát hy sinh. Có chiến thắng nào mà không thấm máu và nước mắt của bao chàng trai cô gái đang tuổi thanh xuân.
Những người lính làm lên chiến thắng Điện Biên lẫy lừng ấy, về với đời thường vẫn luôn giữ trọn phẩm chất bộ đội cụ Hồ và tình đồng đội vẫn keo sơn qua bao năm tháng. Đi qua cuộc chiến, nhiều lần cận kề với cái chết nên những người lính ấy hiểu sự sống quý giá đến nhường nào. Mỗi lần có một ai đó ốm đau họ lại thay nhau túc trực bên giường bệnh. Sẵn sàng vét đến đồng tiền cuối cùng để giúp bạn mình. Đối với họ tình đồng đội thiêng liêng, keo sơn hơn cả máu mủ ruột rà. Tôi nhớ có lần bố tôi ốm vì vết thương cũ tái phát. Cả tuần liền ông không đụng đến bất cứ thứ gì, người gầy khô như dán xuống giường. Mẹ tôi đã phải cậy nhờ đến đồng đội của ông. Kỳ lạ thay chỉ cần nghe vài câu động viên, trêu đùa của bạn mình ông đã ngồi dậy ngoan ngoãn ăn hết bát cháo của bạn mình bón và nở nụ cười như chưa hề nằm ốm bẹp mấy ngày. Tình đồng đội chẳng khác gì phép màu giúp cha tôi vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.
Buồn thay khi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam, từng làm chấn động Năm Châu lại đã và đang bị lãng quên. Thỉnh thoảng tôi có đặt câu hỏi với một vài người:
- Ngày 7/5/1954 là ngày gì?
- Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi vào ngày nào?
Thật buồn khi một số không ít người đã không còn nhớ dấu mốc lịch sử trọng đại này. Dấu mốc mà để có nó, để có ngày giải phóng Điên Biên, đã có biết bao chàng trai cô gái ngã xuống khi tuổi đời còn xanh. Mỗi nắm đất trên đồi A1, trên cánh đồng Mường Thanh đều thấm xương máu của biết bao người. Tự nhiên tôi lại có một liên tưởng khá kỳ quặc: Giá mà những người lính bước ra từ cuộc chiến ấy cũng quên đi những đau thương mất mát thì hay biết mấy. Họ sẽ không phải đớn đau khi nhớ lại những đồng đội đã trút hơi thở trên tay mình ngay trước giờ toàn thắng. Họ sẽ không phải đớn đau, dày vò bởi những mảnh đạn còn nằm trong người mỗi khi trái gió trở trời.
Những chàng lính Điện Biên năm ấy giờ đã là những cụ ông trên dưới 100 tuổi. Mỗi năm lại có một vài đồng đội của cha tôi cưỡi hạc về với trời xanh. Những lần nghe tin bạn mất ông lại buồn rất lâu. Bởi ông biết, từ đây ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên ông không còn được gặp họ, không được cùng họ ôn lại những câu chuyện ngày xửa, ngày xưa... Nhiều lần quên quên, nhớ nhớ ông hỏi các con:
- Sao lâu rồi không thấy bác ấy, chú ấy sang chơi?
Tôi và các anh mình lại phải nêu một lý do nào đó về sự vắng mặt của đồng đội ông mà lòng thấy thật xa xót.
Năm nay tôi về thăm cha, biếu ông cuốn sách viết về những người lính của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Nhìn người lính già run run lật giở từng trang sách, tôi lại không khỏi ngậm ngùi. Những người lính, những nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở thành phố Hòa Bình giờ chỉ còn lại vài người và con đường Tây Tiến các ông từng đi qua năm nào giờ chỉ còn duy nhất cha tôi. Rất có thể năm, mười năm nữa thế hệ tương lai chỉ biết đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua những con số, qua những trang tư liệu khô khan.
Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng mong đừng ai quên những dấu mốc lịch sử quan trọng mà thế hệ cha ông đã phải đổi bằng máu xương mình. Đừng ai quên những người lính đã đi qua cuộc chiến. Bởi thời gian có lùi xa bao lâu thì ký ức về một thời hào hùng và cũng không ít đớn đau sẽ không bao giờ phai trong trái tim họ.
Hồng Vân