Hát mãi khúc quân hành
Sắc xanh màu cỏ úa luôn là hình ảnh thân thương trong trái tim tôi từ khi còn là một cô bé cùng bạn bè hát vang bài “Cháu yêu chú bộ đội” đến khi là một sinh viên tuổi đôi mươi mộng mơ và lãng mạn cùng những cánh thư vượt qua bao chặng xa xôi về đến giảng đường đại học…
Duyên phận không cho tôi trở thành vợ lính, nhưng ai cấm tôi yêu màu xanh quân phục và những bài ca về người lính. Một trong những bài hát yêu thích của tôi là “Hát mãi khúc quân hành”. Những ngày đại dịch này, khi báo chí và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những người lính trên đường phố Sài Gòn, ngắm những chàng trai trẻ măng đang canh gác mỗi con phố, mỗi hẻm nhỏ, làm những công việc bình thường hỗ trợ người dân, lòng ai mà không rưng rưng xúc động. Nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ, thành phố Vinh quê tôi nằm trên trục đường quốc lộ 1 vào Nam nên là nơi chứng kiến nhiều đơn vị bộ đội từ phía Bắc hành quân Nam tiến. Những người lính trẻ tuổi chừng mười tám đôi mươi nghỉ lại thôn nào là thôn đó rộn rã tiếng cười, tiếng hát. Những đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên như chúng tôi được các chú dạy hát, được nghe kể về những miền quê xa nơi các chú ra đi, được chép tặng những vần thơ vào cuốn sổ mà hầu như hồi đó đứa trẻ nào cũng có. Rồi vài ngày lại có một đợt chia tay đầy bịn rịn, có những chị thiếu nữ tuổi mười bảy mắt đỏ hoe, vẫy mãi chiếc khăn tay… Những ca khúc “Hành quân xa”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”… chúng tôi đều được các chú bộ đội dạy hát trong giai đoạn này. Phải chăng những lời ca hào hùng của một thời ấy đã ngấm sâu vào tâm hồn ngây thơ, thuần khiết như tờ giấy trắng của lũ trẻ chúng tôi, theo chúng tôi suốt tuổi thơ và tuổi trưởng thành để không ít người lại tiếp bước ra đi cùng thế hệ trước viết nên trang sử đáng tự hào của non sông đất nước.
Khoảng cuối những năm 80 (tôi không nhớ rõ thời gian), khi tôi đang làm việc ở Vietsovpetro, có sự kiện gì đó mà công đoàn mời hai nhạc sỹ của Hội nhạc sỹ thành phố Hồ Chí Minh về gặp gỡ giao lưu với cán bộ công nhân viên trong xí nghiệp. Đó là cố nhạc sỹ Xuân Hồng khi ấy là Tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và cố nhạc sỹ - nhà thơ Diệp Minh Tuyền nguyên phó Tổng thư ký Hội âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tổng biên tập tạp chí “Sóng Nhạc”. Tôi nhớ ông Xuân Hồng dáng người thấp đậm trông chất phác như một lão nông Nam Bộ kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những năm tháng hoạt động trong chiến khu, những trăn trở, giai thoại vui liên quan đến những ca khúc của ông như hai mùa Xuân (Xuân chiến khu và Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh) sau này lại có “Mùa Xuân bên cửa sổ” với hình ảnh “có hai người hôn nhau…”. Chuyện của nhạc sĩ Xuân Hồng rất dí dỏm, mọi người thích nghe và cứ đặt câu hỏi mãi trong khi bên cạnh ông, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền ngồi mỉm cười hiền lành. Nhớ năm đó NS Diệp Minh Tuyền khoảng ngoài 40 tuổi, ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp là ông có vẻ ngoài rất lãng tử, đầy chất văn nghệ sĩ và gây cho người đối diện một chút tò mò muốn tìm hiểu. Khi được giới thiệu, ông cầm ngay cây đàn ghitar và nói “Tôi hát cho các bạn nghe nhé!” rồi say sưa hát mà không nói một lời về bản thân mình. Bài “Hát mãi khúc quân hành” tôi được nghe lần đầu vào dịp này lại chính tác giả trình bày bằng một giọng trầm ấm đầy cảm xúc mà bao năm qua vẫn còn dư âm xao xuyến trong lòng.
“Dù rằng đời ta thích hoa hồng
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”
Khi những lời ca đẹp ấy vang lên, trước mắt tôi là đoàn quân đi, những gương mặt trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai mười tám vừa rời ghế nhà trường. Họ gửi lại làng quê những kỷ niệm của tuổi học trò, những xao xuyến rung động đầu đời với người bạn gái, niềm thương nhớ mẹ cha… ra đi khi Tổ Quốc cần, không toan tính, không ngại ngần khi phía trước là hòn tên mũi đạn hiểm nguy.
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi, những tưởng rằng người lính thời bình cũng có thể hòa mình vào cuộc sống có hoa hồng, có nắng ấm, có những bản tình ca, có sự yên bình thanh thản mà bao người được hưởng. Nhưng “giặc Covid” lại một lần nữa kéo họ ra chiến trường. Họ lại thực sự bước vào một cuộc chiến sinh tử như lời Đại tướng Phan Văn Giang Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói “Đây là trận chiến, không thắng không về”. Một lần nữa, sau chiến thắng 1975, Sài Gòn lại tràn ngập sắc xanh áo lính – một màu xanh mang lại sự yên tâm, vững tin cho người dân đang vô cùng vất vả chống chọi với con virud quái ác đến từ Vũ Hán. Thương lắm những ánh mắt ngỡ ngàng của những cháu lần đầu tiên thấy một thành phố lớn với vô số nhà cao tầng và đường chằng chịt. Xót xa lắm trưa nắng hừng hực, các cháu bồng súng đứng canh giữ trên từng giao lộ, từng con đường lớn nhỏ, ngõ ngách thành phố. Sài Gòn đang cần họ - những người lính không bao giờ ngại ngần luôn xông lên tuyến đầu trong bất kỳ cuộc chiến nào…
“Mãi mãi lòng chúng ta
Ca bài ca người lính
Mãi mãi lòng chúng ta
Vẫn hát khúc quân hành ca…”
Rộn rã mãi trong tôi khúc quân hành của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền năm ấy để giờ đây ngắm màu xanh áo lính trên đường phố Sài Gòn vẫn như thấy đoàn quân đi rầm rập, những khuôn mặt ngời lên niềm tin chiến thắng.
Mãi mãi, mãi mãi trong tôi tình yêu màu áo xanh – màu áo mang đến sự bình yên cho muôn người!
Nguyễn Minh Nguyệt