Nigeria
Nigeria là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi và là thành viên của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nhờ xuất khẩu dầu mỏ, kinh tế Nigeria đã bắt đầu phát triển trong những năm gần đây nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Năm 1960, Nigeria trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc, ngoài ra nó còn tham gia các tổ chức khác như Liên minh châu Phi, và Khối Thịnh vượng chung Anh. Với GDP bình quân đầu người đạt 2.929 USD, Nigeria là một trong những quốc gia giàu nhất châu Phi. Đây là quốc gia có số dân đông nhất và sản xuất dầu mỏ hàng đầu tại châu lục này. Nigeria cung cấp khoảng 10% lượng dầu nhập khẩu ở Mỹ, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế. Các lĩnh vực mới và ngành công nghiệp mới bao gồm: viễn thông và công nghiệp điện ảnh đã xuất hiện và phát triển một cách nhanh chóng giúp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nông nghiệp mới chính là ngành kinh tế chủ đạo của quốc gia này, sản lượng nông nghiệp của Nigeria đứng đầu danh sách các nước có nền nông nghiệp phát triển ở châu Phi.
Tăng trưởng kinh tế Nigeria cao hơn rất nhiều so với Nam Phi (dự báo năm 2012 là 6,6% so với 2,5%), quốc gia Tây Phi sẽ vượt qua đối thủ Nam Phi trong những năm tới, nếu xu hướng này tiếp tục. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Nigeria chủ yếu dựa vào giá dầu tăng cao và sự bùng nổ trong lĩnh vực điện thoại di động. Nông nghiệp Nigeria chiếm 40% GDP và nước này đang tìm cách tăng sản xuất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhà kinh tế Nigeria Bismarck Rewane lưu ý rằng Nigeria có 160 triệu người, so với Nam Phi chỉ có 52 triệu. Do đó, GDP của Nigeria phải gấp ba lần so với GDP của Nam Phi để Nigeria có thể đuổi kịp đối thủ của mình về thu nhập bình quân đầu người. Hiện nay, nền kinh tế dựa vào nguồn thu nhập của ngành công nghiệp dầu khí chiếm 80% trong tổng doanh thu. Với tài nguyên dồi dào, hệ thống tài chính, pháp luật, thông tin liên lạc, giao thông ngày càng hoàn thiện, Nigeria được hy vọng sẽ trở thành nước có nền kinh tế đứng đầu châu Phi.