Nỗi nhớ tháng ba
“ …Tháng Ba mưa rào, hồ ao nhiều nước, cá tha hồ vùng vẫy, chúng rủ nhau bơi thi…”
Từ năm học lớp hai, lớp ba gì đó, tôi không còn nhớ rõ, cứ mỗi lần ngồi vào bàn học, mẹ tôi lại bắt đọc bài tập đọc đại loại như thế nhiều lần. Chính vì vậy mà đến nay dù đã hơn năm mươi năm, nhiều bài tôi còn nhớ gần như thuộc lòng.
Thời gian trôi, bao nhiêu cái mất đi nhưng kỷ niệm tháng Ba vẫn đau đáu trong tôi chẳng thể phai mờ. Nhất là vào những trận mưa đầu mùa. Không nón mũ, tôi theo anh đằm vào mưa, đến các hồ ao, ngòi rãnh, bắt từng đàn cá ngược theo dòng nước. Có lần chúng tôi mang về hàng rổ cá. Nhìn những con cá rô đầu nước to bằng cả bàn tay, những con riếc lấp lánh ánh bạc, đầy căng bụng trứng, những con trê bẹp đầu, những con chầy đỏ mắt mẹ tôi vừa vui, lại vừa buồn. Vui vì ngày mai mang số cá này ra chợ, mẹ có thể đong được vài yến gạo. Buồn vì mẹ cho rằng, những con cá xấu số kia vì muốn chu du đến miền đất lạ, vì muốn thưởng thức vị ngọt của những hạt mưa đầu mùa mà bỗng nhiên gặp nạn. Lúc ấy mặc dù đã mười hai, mười ba tuổi nhưng tôi còn ngây ngô lắm, chỉ thích được đằm mưa, được xách giỏ theo anh chứ không hề để ý đến tâm tư, tình cảm của người lớn. Thế rồi lớn lên xa nhà, cứ mỗi lần tháng Ba đến, lòng tôi lại nao nao nhớ về những trận mưa đầu mùa như thế.
Tháng Ba trời cũng như trêu ngươi, đang nắng chang chang, bỗng nhiên lại mưa, lại rét. Người xưa đã nói “Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc, tháng Ba là rét nàng Bân”. Câu chuyện cổ tích về nàng Bân vẫn theo tôi trong suốt chặng đường dài.
Là người đàn bà chậm chạp nhưng cần mẫn, kiên trì, may áo cho chồng mà suốt cả mùa rét chỉ được cái cửa tay. Đến khi xong áo, trời lại nắng chang chang. Muốn được chồng mặc thử sản phẩm của mình, nàng bèn xin với Ngọc Hoàng cho trời rét trở lại. Thương tình đứa con vụng về, chậm chạp, Ngọc Hoàng đã phá lệ đồng ý chiều con. Từ đấy mà cái rét tháng Ba được gọi là rét nàng Bân:
Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng được cái cửa tay
Lạy trời trời rét hôm nay
Cho chồng tôi mặc áo này tôi xem.
Tháng Ba, theo quy luật chỉ là tháng thứ ba của một năm (tính theo lịch âm) và thường là tháng thứ tư (tính theo lịch dương) nhưng với những người dân quê nói chung, người làm nghề trồng lúa nói riêng thì tháng Ba lại đầy ắp vui buồn. Tháng Ba là tháng giáp hạt, lúa ngoài đồng đang vào mẩy, thóc trong nhà thì nhiều người đã hết, cứ ngồi mong làm sao cho hạt lúa chín nhanh.
Câu ngạn ngữ “tháng Tám đói qua, tháng Ba đói chết” dường như ai cũng biết. Một năm có hai vụ lúa cũng có hai lần giáp hạt, ấy là vào tháng Ba và tháng Tám, nhưng tháng Ba kinh khủng hơn nhiều, bởi tháng Tám còn có quả thị, quả ổi, còn tháng Ba thì chẳng có gì !
Bố tôi chết sớm, mình mẹ tôi phải chạy vạy nuôi mấy anh chị em chúng tôi. Với mấy sào ruộng cấy, lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, dù có chịu thương, chịu khó, dù có tằn tiện đến mấy, bao giờ cũng qua tết là trong nhà hết gạo ăn. Chính vì vậy mà tháng Ba thường là nỗi kinh hoàng cho những người ở độ tuổi mẹ tôi.
Cây gạo đầu cầu, bên bờ sông quê như nhuộm hồng tháng Ba và tuổi thơ tôi. Bầy chim chào mào cất tiếng hót làm rụng những chùm hoa xoan rải kín trên con đường dẫn về quê ngoại. Nghe đài báo gió mùa đông bắc, tự nhiên trong lòng cứ thắc thỏm nghĩ đến tháng Ba.
Dẫu giờ đây tháng Ba không còn là nỗi lo cho một sự đói kém nữa.Thế hệ cháu con nghe chuyện này có thể cho là cổ tích nhưng trong tôi ấn tượng tháng Ba vẫn còn nguyên vẹn. Một tháng Ba với những cơn mưa bất chợt, để rồi sau đó phía trời xa lại lung linh những sắc cầu vồng. Một tháng Ba trời đang nắng, bỗng nhiên rét về.
Cái rét bắt đầu từ một tình yêu, không dữ dằn mà dịu ngọt, đủ để cho người ta trưng ra những bộ thời trang điệu đà quý phái. Rồi trận mưa rào đầu mùa, nhìn về phía những ao hồ thưở bé đã san sát nhà ở, nỗi nhớ tháng Ba trong tôi da diết hơn nhiều.
Tản văn của Nguyễn Văn Thích