Nụ cười của Tràng
Kim Lân cho người đọc tiếp cận với chân dung Tràng ngay ở những trang đầu của phần trích giảng, trong trạng thái tràn ngập hạnh phúc ấy của anh. Trên nền cảnh “tối sầm lại vì đói khát” của xóm ngụ cư, Tràng hiện ra: “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh” bên cạnh người vợ nhặt của mình. Với ba từ láy: “phớn phở”, “tủm tỉm”, “lấp lánh”, Kim Lân đã làm sáng lên hình ảnh một anh cu Tràng bấy lâu bị vùi lấp bởi nỗi cơ cực, bần hàn của cuộc mưu sinh tủi nhục. Đó là chân dung của một người đàn ông hạnh phúc với gương mặt “phớn phở” đầy kiêu hãnh, với nụ cười “tủm tỉm” đầy ý vị, với đôi mắt “lấp lánh” đầy vẻ mãn nguyện. Người đọc bắt đầu cảm thấy tò mò về Tràng, về những thay đổi kì diệu trong con người hắn. Và, vẫn bằng những từ láy rất giản dị, quen thuộc, Kim Lân tiếp tục đưa người đọc gặp gỡ với nhân vật ở những trang viết sau đó hết sức tự nhiên.
Hình ảnh nụ cười của Tràng được nhà văn nhắc đến nhiều lần khi khắc họa chân dung nhân vật này. Khi đẩy xe bò thóc, anh vuốt mồ hôi trên mặt cười, trên đường dẫn người vợ nhặt về: anh tủm tỉm cười, hai con mắt sáng lên lấp lánh, khi trẻ con trêu chọc, Tràng bật cười "Bố ranh". Khi người vợ nén tiếng thở dài trước quang cảnh của nhà Tràng, hắn “quay lại nhìn thị cười cười”. Bà cụ Tứ về, Tràng tươi cười mời mẹ ngồi lên giường...
Nụ cười của Tràng đã góp phần khắc họa tính cách, tâm lí tính cách thuần phác, nhân hậu, yêu đời của gã trai quê mùa, thô kệch; nói cùng ta niềm hạnh phúc, sung sướng của con người trong tận cùng đói khát vẫn không thôi khao khát tình yêu, tổ ấm gia đình. Đặt trong bối cảnh của câu truyện viết về nạn đói thảm thương 1945, hình ảnh nụ cười của Tràng (lặp lại 8 lần) giống như cơn gió mát lành làm dịu đi cái căng thẳng ngột ngạt, cái trăm đắng ngàn cay của con người ngày đói, thể hiện cái nhìn lạc quan, niềm hi vọng của nhà văn vào cuộc sống. Phải chăng, nhà văn đã gửi gắm một thông điệp giản dị: "Chỉ có tình yêu thương mới có thể mang đến niềm vui, nụ cười hạnh phúc cho con người".