Top 8 Chi tiết nghệ thuật đắt giá nhất trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân

Hà Ngô 3522 0 Báo lỗi

"Vợ nhặt" là tác phẩm khiến chúng ta cảm nhận được cuộc sống nghèo khổ của nhân dân lúc bấy giờ. Không những thế tác giả còn khéo léo thể hiện giá trị nhân đạo ... xem thêm...

  1. Kim Lân cho người đọc tiếp cận với chân dung Tràng ngay ở những trang đầu của phần trích giảng, trong trạng thái tràn ngập hạnh phúc ấy của anh. Trên nền cảnh “tối sầm lại vì đói khát” của xóm ngụ cư, Tràng hiện ra: “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh” bên cạnh người vợ nhặt của mình. Với ba từ láy: “phớn phở”, “tủm tỉm”, “lấp lánh”, Kim Lân đã làm sáng lên hình ảnh một anh cu Tràng bấy lâu bị vùi lấp bởi nỗi cơ cực, bần hàn của cuộc mưu sinh tủi nhục. Đó là chân dung của một người đàn ông hạnh phúc với gương mặt “phớn phở” đầy kiêu hãnh, với nụ cười “tủm tỉm” đầy ý vị, với đôi mắt “lấp lánh” đầy vẻ mãn nguyện. Người đọc bắt đầu cảm thấy tò mò về Tràng, về những thay đổi kì diệu trong con người hắn. Và, vẫn bằng những từ láy rất giản dị, quen thuộc, Kim Lân tiếp tục đưa người đọc gặp gỡ với nhân vật ở những trang viết sau đó hết sức tự nhiên.


    Hình ảnh nụ cười của Tràng được nhà văn nhắc đến nhiều lần khi khắc họa chân dung nhân vật này. Khi đẩy xe bò thóc, anh vuốt mồ hôi trên mặt cười, trên đường dẫn người vợ nhặt về: anh tủm tỉm cười, hai con mắt sáng lên lấp lánh, khi trẻ con trêu chọc, Tràng bật cười "Bố ranh". Khi người vợ nén tiếng thở dài trước quang cảnh của nhà Tràng, hắn “quay lại nhìn thị cười cười”. Bà cụ Tứ về, Tràng tươi cười mời mẹ ngồi lên giường...


    Nụ cười của Tràng đã góp phần khắc họa tính cách, tâm lí tính cách thuần phác, nhân hậu, yêu đời của gã trai quê mùa, thô kệch; nói cùng ta niềm hạnh phúc, sung sướng của con người trong tận cùng đói khát vẫn không thôi khao khát tình yêu, tổ ấm gia đình. Đặt trong bối cảnh của câu truyện viết về nạn đói thảm thương 1945, hình ảnh nụ cười của Tràng (lặp lại 8 lần) giống như cơn gió mát lành làm dịu đi cái căng thẳng ngột ngạt, cái trăm đắng ngàn cay của con người ngày đói, thể hiện cái nhìn lạc quan, niềm hi vọng của nhà văn vào cuộc sống. Phải chăng, nhà văn đã gửi gắm một thông điệp giản dị: "Chỉ có tình yêu thương mới có thể mang đến niềm vui, nụ cười hạnh phúc cho con người".

    Nụ cười của Tràng
    Nụ cười của Tràng
    Nụ cười của Tràng
    Nụ cười của Tràng

  2. Chi tiết này xuất hiện trong hoàn cảnh gặp gỡ của nhân vật với Tràng ngoài chợ tỉnh, khi anh cu Tràng đang ngồi nghỉ và Thị bỗng nhiên xuất hiện với một ngoại hình của một con ma đói, quần áo rách như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, Thị gầy sọp hẳn đi, chỉ còn thấy hai con mắt. Sự biến đổi về ngoại hình ấy khiến Tràng không nhận ra người đàn bà đã đẩy xe cho mình lần trước.


    Lúc này, Thị trông nhếch nhác, tội nghiệp. Cái đói đã khiến người đàn bà không chỉ thay đổi về ngoại hình mà còn biến đổi cả nhân cách. Thị trở nên “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa”, “đanh đá”. Thị “cong cớn, sưng sỉa” khi giao tiếp, nói chuyện. Thị gợi ý để được ăn. Và khi được cho ăn, thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.”


    Thị phải đánh đổi cả danh dự, cái duyên của người con gái, lòng tự trọng để kiếm miếng ăn và nuôi niềm hi vọng sống... Thị đã đặt sự tồn tại của mình, miếng ăn lên trên cả nhân cách. Nhưng qua đó ta thấy nhân vật có một lòng ham sống mãnh liệt. Thị đang cố gắng bám lấy sự sống. Thị tỏ ra “đanh đá chua ngoa cũng là để bảo vệ sự sống. Sống rồi mới tính tiếp được. Và một hành động tưởng như nông nổi, dễ dãi tiếp theo là sau câu nói đùa của Tràng, Thị đã đồng ý theo người đàn ông xa lạ về làm vợ.


    Hành động theo Tràng xuất phát từ niềm ham sống mãnh liệt. Thị như người sắp chết đuối cố gắng bám lấy cái phao của sự sống, với một niềm hi vọng được sống, được hạnh phúc. Cận kề bên cái chết, người đàn bà ấy không hề buông xuôi sự sống mà trái lại, Thị vẫn vượt lên cái thảm đạm để hướng đến hạnh phúc, tương lai. Niềm lạc quan yêu sống của thị thật đáng quý, đáng trân trọng.

    Thị bỗng nhiên xuất hiện với một ngoại hình của một con ma đói
    Thị bỗng nhiên xuất hiện với một ngoại hình của một con ma đói
    Thị bỗng nhiên xuất hiện với một ngoại hình của một con ma đói
    Thị bỗng nhiên xuất hiện với một ngoại hình của một con ma đói
  3. Hành động thị gặp Tràng, đòi ăn, rồi đi theo Tràng, không phải là hành động của một kẻ bị cái đói làm mất hết lí trí, mất hết nhân phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà thị bảo Tràng:


    - “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!”


    Câu nói ấy hẳn nhiên không phải chỉ là một câu thể hiện sự cảm thông, lo ngại cho Tràng, sự xuất hiện của từ “chị ấy” cho ta thấy đây là một câu dò hỏi: “Tràng có vợ hay chưa?”. Và câu dò hỏi ấy đã tỏ ra là có tác dụng, anh Tràng trả lời:


    - "Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về".


    “Này nói đùa chứ” nhưng lại thành chuyện thật! Quyết định theo không Tràng ngay tức khắc của cô vợ nhặt cho ta thấy câu nói đã trích dẫn bên trên của cô rõ ràng còn ẩn chứa một mong mỏi sau cái ướm hỏi. Nạn đói như một cơn lũ siết dìm chết con người, cô vợ nhặt - quay cuồng trong cơn lũ ấy đã vớ được Tràng - một cái cọc cứu sinh! Đây là vấn đề bản năng sinh tồn, hay như tiến sĩ Chu Văn Sơn gọi: bản năng ham sống. Con người ta sẽ tìm mọi cách để sống, để tồn tại dù cho nghịch cảnh có khắc nghiệt như thế nào, đó là một điều tất yếu. Cô vợ nhặt trong trường hợp này cũng vậy, theo không một người đàn ông về nhà làm vợ, lại mang tiếng vợ nhặt, lại có những câu hỏi dò, không phải là không tự trọng, mà là sự trỗi dậy của bản năng ham sống. Đó là sự lựa chọn giữa sống và chết mà lằn ranh có khi chỉ trong tích tắc!


    Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng nhận xét: “Con người là tổng hòa của các đối cực”, ngay trong diễn biến nội tâm cô vợ nhặt ở đoạn này, cũng đã có thể thấy sự giao tranh, giằng co quyết liệt giữa bản năng ham số và nhâm cách làm người. Nếu như thật sự đã trâng tráo đòi ăn cho bằng được mấy bát bánh đúc của Tràng, thì tại sao trước khi ăn cô vợ Nhặt còn nói:


    - "Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì".


    Cứ cho câu đó là một phép lịch sự xã giao khi được người ta mời một món ăn, thì chỉ cần nói một lần, “Ăn thật nhá!” là được rồi, tại sao lại còn lặp đi lặp lại đến 2 lần, thêm cả “Ừ ăn thì ăn sợ gì”.


    Không chỉ là phép xã giao, câu nói ấy còn có tác dụng để che đi sự hổ thẹn. “Miếng ăn là miếng nhục”, nhất là lại cong cớn chao chát chỏng lỏn để có miếng ăn, hỏi sao không xấu hổ. Nhưng ở đây không có sự lựa chọn, hoặc là ăn hoặc là chết, không có chỗ cho sự xấu hổ. Hai câu nói trên có tác dụng xua đi nỗi thẹn trong lòng thị.


    Và - người biết thẹn không thể là người đánh mất hết lòng tự trọng. Ở đây, Kim Lân đã khéo léo mở ra cho người đọc thấy một khía cạnh nhân phẩm của cô vợ nhặt, một vẻ đẹp khuất lấp dưới vẻ chao chát chỏng lỏn, mà để sinh tồn trong nạn đói, buộc cô vợ nhặt phải khoác lên mình. Vẻ đẹp khuất lấp ấy đến đoạn sau của tác phẩm ngày một hiện rõ hơn, cô vợ nhặt dần lột bỏ vẻ ngoài xấu xí chao chát chỏng lỏn để trở thành người vợ hiền con thảo đúng mực chăm lo cho cuộc sống của Tràng, trở thành nhân vật “vô danh nhưng không vô nghĩa”, có vai trò mở ra cho cuộc sống của Tràng một con đường sáng.

    Thị nói: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!”
    Thị nói: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!”
    Thị nói: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!”
    Thị nói: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!”
  4. Chi tiết 4 bát bánh đúc là chi tiết kinh điển của văn học Việt Nam, tượng trưng cho hiện thực đau lòng của nước ta vào nạn đói 1945. Nạn đói năm 1945 đi vào lịch sử dân tộc như một trong những sự kiện đau lòng nhất, hơn hai triệu đồng bào ta chết đói vì chính sách nhỏ lúa trồng đay của Nhật. Cái đói ám ảnh thành mùi thành hương thành vị.


    Hình ảnh bốn bát bánh đúc thể hiện sự khốn cùng của người dân Việt Nan. Vì miếng ăn mà Thị mất đi nữ tính của người con gái, Thị đánh đổi cái sĩ diện, cái duyên của người con gái. Khi Thị "sa xuống ăn một chắp bốn bát bánh đúc". Chi tiết bát bánh đúc trong tác phẩm đã phản ánh hiện thực về nạn đói trong đó con người bị coi như cọng rơm cái rác, giá trị cả con người trở nên rẻ mạt, bị bào mòn trước gánh nặng cơm áo gạo tiền.


    Hình ảnh này cũng đồng thời làm nổi bật lên phẩm chất của Thị - khát vọng sống mãnh liệt. Trước cái đói, những hành động của Thị chỉ như một bản năng, con người ai cũng muốn sống. Thị thể hiện là một con người mạnh mẽ và có sức sống mãnh liệt.


    Chi tiết bốn cái bánh đúc được nhà văn khéo léo đưa vào, làm đòn bẩy để làm bật lên tình người trong nạn đói. Giữa cái đói đang hoành hành, Tràng sẵn sàng mua cho thị bốn bát bánh đúc để ăn. Như vậy không chỉ có giá trị hiện thực sâu sắc, hình ảnh bốn bát bánh đúc đồng thời cũng thể hiện phẩm chất cao cả của Tràng, lời khẳng định cho những giá trị nhân văn cao đẹp không bị lu mờ trước cái ăn, cũng như truyền tải lời xót thương cho thân phận của con người trở nên rẻ mạt.

    Bốn cái bánh đúc
    Bốn cái bánh đúc
    Bốn cái bánh đúc
    Bốn cái bánh đúc
  5. Chọn nạn đói năm 1945 - trang sử bi thương nhất của lịch sử dân tộc làm bối cảnh của câu chuyện, Kim Lân đã kể cho ta nghe một câu chuyện lạ lùng nhất trong cuộc sống - Vợ Nhặt: "Chuyện anh Tràng bỗng nhiên có người đàn bà về trong những ngày tối sầm vì đói khát ấy". Chính tình huống độc đáo và éo le ấy đã nảy sinh bao nét tâm lí ngổn ngang, bao niềm vui, nỗi buồn. Và hình ảnh nụ cười, nước mắt trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm được coi là những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện tài năng của Kim Lân trong việc khắc họa tâm lí nhân vật và thể hiện tư tưởng nhà văn, chủ đề tác phẩm.


    Khi hiểu ra cơ sự nhặt vợ của con “kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Khi lo lắng cho cảnh ngộ đói khát của chúng: "bà cụ Tứ nghẹn lời không nói, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng". Khi nghe thấy tiếng trống thúc thuế, bà vội ngoảnh mặt đi, bà không muốn để con dâu nhìn thấy bà khóc.


    Giọt nước mắt của bà cụ Tứ góp phần thể hiện nỗi xót xa của người mẹ trước cảnh ngộ của con lấy vợ giữa “tao đoạn” và số phận không được bằng người. Việc lấy vợ của con là vui nhưng vì cái cái đói, cái chết mà khiến bà xót xa, tủi thân, tủi phận. Giọt nước mắt khổ đau ấy như lời kết án sâu sắc thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy dân ta đến thảm cảnh cùng cực đó.


    Giọt nước mắt của bà cụ Tứ cho thấy tấm lòng chan chứa yêu thương con của người mẹ, những giọt nước mắt như cố kìm nén "rỉ ra hai dòng nước mắt, ngoảnh vội ra ngoài". Thương con, mừng lòng trước hạnh phúc của con, bà đào sâu chôn chặt, giấu đi nỗi lo lắng, bà khóc thầm, khóc vụng, để rồi chỉ nói những lời yêu thương, động viên con.


    Nụ cười của Tràng - nước mắt của bà cụ Tứ là biểu hiện của hai trạng thái cảm xúc đối lập nhau nhưng cùng lấp lánh ánh sáng của tình người, của tình yêu thương giữa những ngày đói khát, chúng góp phần thể hiện sự éo le của tình huống truyện, làm nên giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc. Khắc họa hình ảnh giàu ý nghĩa đó, Kim Lân chứng tỏ là nhà văn thấu hiểu tâm lí nhân vật, biệt tài xây dựng những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhưng hàm chứa tầng ý nghĩa sâu xa, thể hiện quan niệm sáng tác “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - chất lượng quan trọng hơn số lượng.

    Giọt nước mắt của bà cụ Tứ
    Giọt nước mắt của bà cụ Tứ
    Giọt nước mắt của bà cụ Tứ
    Giọt nước mắt của bà cụ Tứ
  6. Có những chi tiết nghệ thuật đọc rồi là nhớ mãi bởi nó có sức rung động sâu xa, sức ám ảnh lâu bền trong người đọc như “bát cháo hành” của Thị Nở trong Chí Phèo (Nam Cao), như “nồi cháo cám” của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Kim Lân). Nếu bát cháo hành là liều thuốc giải độc đối với những “con quỷ dữ” như Chí Phèo biết quay về cuộc sông lương thiện, thì nồi cháo cám chính là tấm lòng thương yêu chân thực, cảm động của người mẹ nghèo khổ đối với những đứa con trong bữa cơm ngày đói đón dâu mới.


    Nhà văn đã để cho cái đói quay quắt se duyên cho một mối tình nhưng cũng đẩy họ đến bên bờ vực: "liệu có nuôi nổi nhau qua cái giai đoạn này không?" Bữa cơm đón nàng dâu mới minh họa rõ nét hơn cho cái thực trạng thảm thương của những con người khốn khó đó: "giữa cái mẹt rách chỉ có niêu cháo loãng, một lùm rau chuối thái rối, đĩa muối trắng và nồi cháo cám". Bà cụ “lật đật chạy xuống bếp, lễ bễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút […] vừa khuấy vừa nói: "Chè đây! Chè khoán đây!” nhưng kì thực đó lại là một nồi cháo cám. Đây được xem là một chi tiết đắt giá, nó vừa gợi lên cái nghèo đói cùng cực, vừa cho thấy tình người cao đẹp trong đó. Trong hoàn cảnh là nạn đói năm 1945, khi mà “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”, thì nồi cháo cám lại được xem là một món ăn cứu đói, là món “chè” xa xỉ hơn nhiều nhà khác rồi. Và vì thế, mặc dù có chút thất vọng nhưng cả ba người không một ai chê trách. Mẹ Tràng thì đon đả khen “ngon đáo để”. Tràng tuy cảm thấy nghẹn bứ nơi cổ họng nhưng vẫn cố gắng ăn để mẹ vui lòng. Còn người vợ thì “điềm nhiên và vào miệng”.


    Bát cháo cám như đập tan cái không khí vui tươi ở phần đầu bữa ăn. Hiện thực về cái đói vô cùng khốc liệt và ám ảnh một lần nữa xuất hiện, đe dọa hạnh phúc của con người. Thứ hạnh phúc bé nhỏ, mong manh vừa mới nhen nhúm ngay lập tức bị đe dọa bởi cái đói. Nỗi xót xa, buồn tủi thấm trong trang văn của Kim Lân như lan sang người đọc.


    Nhưng vượt lên trên nghĩa tả thực, bát cháo cám còn làm ngời sáng trước mắt ta tấm lòng, tình cảm của người mẹ già khốn khó. Bà cụ Tứ vừa múc cháo, vừa đùa vui: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Nào phải bà không thấu cái vị đắng ngắt, chát xít của cháo cám, đâu phải bà không hay về tương lai mù xám của những đứa con mình? Người mẹ già ấy đã có nén lại nỗi lo lắng thắt lòng cho tương lai đôi trẻ, đã vượt qua mọi sượng sùng, ngần ngại với người con dâu về gia cảnh nhà mình để khơi dậy chút nguuồn vui cho không khí gia đình. Bên tận cùng nỗi xót xa, ta lại cảm động vô cùng trước mênh mông tấm lòng người mẹ. Hơn nữa, chẳng phải ngẫu nhiên Kim Lân lại để cho người mẹ già nua tuổi tác, xế bóng ngả chiều lại là người khơi niềm vui trong thảm cảnh ngày đói. Là Kim Lân thấy lửa, khơi lửa và tin rằng có lửa ngay trong đống tro tưởng sắp lụi tàn, thấy mầm xanh sự sống chẳng những vươn lên từ thân non hay một đời cây cường tráng mà còn khỏe khoắn vươn lên từ chính một gốc cây sắp tròn cổ thục. Không nghi ngờ gì nữa, món chè khoán của bà cụ Tứ làm một chi tiết Kim Lân trọn vẹn gởi trao niềm tin và khát vọng sống của con người.


    Chi tiết bát cháo cám cũng thể hiện khát khao hạnh phúc gia đình của người đàn bà vô danh. Vợ Tràng không còn chao chát đỏng đảnh như hôm gặp trên phố nữa mà Thị đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. Chính vì thế mà tất cả ba người cùng tin vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn.Ta hiểu Thị nhắm mắt đưa chân không đơn thuần vì miếng ăn, Thị không bỏ đi khi chứng kiến gia cảnh bần hàn của Tràng, nay ta càng thấu hiểu sâu sắc hơn cái khát vọng có một bến đỗ cho con thuyền phiêu dạt, một tổ ấm dừng chân nơi thị trong cái cử chỉ “điềm nhiên và vào miệng miếng cháo cám”. Cái cử chỉ và thái độ ấy cho thấy Thị thật ý tứ, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với gia đình Tràng. Hạnh phúc mong manh vừa nhen nhóm ấy, phải chăng cần lắm những đôi bàn tay nâng niu như vậy. Lời nói của bà cụ Tứ và hành động của người con dâu chính là cách những người phụ nữ giữ gìn, bảo vệ và vun đắp cho niềm hạnh phúc vừa mới chớm nở.


    Có thể nói rằng, hình ảnh nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng đậm nét trong tâm trí người đọc. Chi tiết này vừa có giá trị hiện thực lại vừa có giá trị nhân văn, nhân đạo rất lớn. Qua hình ảnh nồi cháo cám, người đọc hiểu rõ hơn về tình cảnh nghèo đói, khốn khó của đồng bào ta trong nạn đói 1945. Tuy vậy nhưng trong cảnh chết chóc nghèo đó, người ta vẫn thấy ánh lên tình người, tình yêu thương và lòng ham sống vô bờ bến. Tưởng chừng như đang trong bờ vực của cái chết lắt lay, người ta chỉ nghĩ đến những thống khổ nhưng không, ở đây người đọc vẫn bắt gặp tình thương của một người mẹ dành cho con, tình cảm của người vợ dành cho chồng và trách nhiệm của một người chồng dành cho gia đình của mình. Tất cả đều cùng hướng đến một tương lai hạnh phúc và no đủ hơn. Trong cảnh đói bi thương ấy, họ vẫn không thôi yêu thương, vẫn nương tựa vào nhau cùng sẻ chia và cùng hi vọng.

    Bát cháo cám
    Bát cháo cám
    Bát cháo cám
    Bát cháo cám
  7. Cùng với những chi tiết miêu tả nhân vật, truyện ngắn “Vợ nhặt” còn có nhiều chi tiết về kết cấu, cốt truyện rất đặc sắc. Nhờ đó mà ý nghĩa của chủ đề của tác phẩm càng trở nên sâu sắc hơn. Đó là tiếng hờ khóc tỉ tê “của những nhà có người chết đói, tiếng trống thu thuế đầu đình, và cảm giác đắng chát và nghẹn bứ của Tràng khi ăn bát chè cám của mẹ vừa múc cho”. Ba chi tiết khác nhau nhưng cùng chung một ý nghĩa: "hạnh phúc đang bị đe dọa". Niềm vui của bà cụ Tứ và hạnh phúc của Tràng đang phải đối mặt với một thực tế: "nạn đói khủng khiếp đang hoành hành khắp nơi, sinh mạng người lúc này có thể bị mất đi rất dễ dàng".


    Trong ba chi tiết, có lẽ tiếng trống ngoài đình là đắt nhất - “Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám vẩn trên nền trời như những đám mây đen”. “Về phương diện biểu tượng, đàn quạ ấy che đen cả bầu trời như những đám mây đen làm cho ta nhận thức được cảnh sống bế tắc, tối tăm, chết chóc tưởng chừng như đang ụp xuống, đóng lại kín mít, tối bưng”.


    Về chi tiết cuối hình ảnh “đoàn người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”, đây là một chi tiết rất đáng trân trọng về chủ đề tác phẩm và quan điểm nghệ thuật của tác giả. Bởi cùng với chi tiết mở đầu tác phẩm: một buổi chiều “chạng vạng mặt người” và kết thúc là một buổi sáng “mặt trời lên bằng con sào” chi tiết này đã mở ra một kết thúc mở về niềm hy vọng tươi sáng dành cho “Vợ nhặt”.

    Tiếng khóc hờ tỉ tê và tiếng trống thúc thuế từ đầu làng
    Tiếng khóc hờ tỉ tê và tiếng trống thúc thuế từ đầu làng
    Tiếng khóc hờ tỉ tê và tiếng trống thúc thuế từ đầu làng
    Tiếng khóc hờ tỉ tê và tiếng trống thúc thuế từ đầu làng
  8. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiện lên là một hình ảnh có thực và là một tín hiệu thực nó mở ra một thời kì mới, như một sự cứu rỗi mới mẻ về sự thay đổi của số phận con người. Có rất lớn lao, có ý nghĩa và quyết định tới sự đổi thay của số phận con người.


    Đây là một trong những điều mà tác phẩm văn học hiện thực tìm kiếm trong giai đoạn 1930 - 1945 không nhìn thấy được. Hình ảnh những lá cờ đối lập hẳn với hình ảnh cái lò gạch cuối truyện Chí Phèo. Kim Lân đã nhờ đó mà tìm ra lối giải thoát cho con người đó không chỉ giải quyết về vấn đề số phận con người mà còn theo một cách khác là thể hiện niềm tin sự lạc quan niềm hi vọng lớn lao.


    Cuộc đời của họ là tiêu biểu cho số phận người dân nghèo nước ta thủa trước, khi chưa có đói nghèo thì không lấy nổi vợ. Trong nạn đói, lấy được vợ là niềm hạnh phúc đan xen với những lo lắng, bất hạnh.. không biết lấy vợ liệu có nuôi nổi nhau, đèo bòng nhau qua cái tao đoạn này...


    Cuộc đời của Tràng nếu không có một sự thay đổi mang tính đột biến, thì có lẽ mãi chìm vào u tối mất. Ở Tràng, tuy chưa cso được sự thay đổi đó, nhưng đã hé mở cho anh một hướng đi mới. Qua đó là con đường dẫn đến với cách mạng một cách tự nhiên, tự nguyện. Những điều mà tất yếu những người như Tràng sẽ hăng hái tham gia.


    Kết thúc tác phẩm vẫn dư âm mãi về một anh Cu Tràng và một niềm hi vọng tươi đẹp dành cho con người, qua đó thể hiện sự cảm thông, nâng niu của tác giả đối với số phận con người.

    Lá cờ đỏ phất phới
    Lá cờ đỏ phất phới
    Lá cờ đỏ phất phới
    Lá cờ đỏ phất phới




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy