Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong "Bài ca ngất ngưởng" bài số 4

Nguyễn Công Trứ là một nhà nho đã có những đóng góp lớn cho sự hình thành thơ ca hát nói. Trong hàng loạt bài thơ ca hát nói đạt tới mức cổ điển, mẫu mực mà ông để lại, “Bài ca ngất ngưởng” thuộc loại xuất sắc nhất, có thể xem đây như một bản tổng kết về cuộc đời đầy thăng trầm và phong phú của ông. Thể hiện nhân cách của nhà nho chân chính thật cụ thể và lay động lòng người.


Bài ca ngất ngưởng như một lời tự thuật độc đáo về cái tôi ngông nghênh, khinh đời ngạo nghễ, đối lập giữa bậc tài danh có phong cách chân chính với tầng lớp bất tài. Nhan đề của bài thơ tạo ra nhiều ấn tượng độc đáo “bài ca ngất ngưởng” tác giả sử dụng từ láy chỉ trạng thái đồ vật ở trên cao, không chịu giữ yên vị trí lúc lắc chông chênh, muốn đổ nhưng không thể đổ. Qua đó diễn tả được thái độ sống, tư thế và tinh thần của con người vươn lên thế tục. Sống giữa mọi người dường như không thấy ai, đi giữa cuộc đời tưởng như không có ai, một cá tính ngang tàn, khác đời, bất chấp mọi người và khẳng định cái tôi đầy tự tin, ngạo nghễ trước cuộc đời này. Nhân cách ở đây đó chính là tư cách phẩm giá của mỗi con người. Nhà nho là những người có tri thức thời xưa, theo nho học đọc sách thánh hiền và được thiên hạ vô cùng kính nể. Họ nhìn chung là những người rất hiểu lễ giáo có ích cho đất nước và cho thiên hạ. Hình ảnh nhà nho chân chính ngất ngưởng ở chốn quan trường, đó là sự xuất hiện của nhà nho với tài năng, bản lĩnh với cá tính phóng khoáng:


“ Vũ trụ nội mạc phi phận sự ’’


Câu thơ đầu tiên thể hiện thái độ tự tin với quan niệm chí làm trai cùng tinh thần, ý thức trách nhiệm trong đời sống, mọi việc trong trời đất đều là phận sự của tác giả. Chí làm trai này ta đã từng bắt gặp trong thơ của Phạm Ngũ Lão:


‘’Công danh nam tử còn vương nợ’’


Nợ công danh như một món nợ mà kẻ làm trai nguyện trả, nguyện đền bằng xương máu của mình. Họ sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để ‘’cùng trời đất muôn đời bất hủ’’. Trả xong món nợ công danh cũng là lúc hoàn thành nghĩa vụ với dân với nước. Họ khao khát lập công để lại sự nghiệp, lập danh để lại tiếng thơm cho đời. Như trong ca dao:


‘’Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng’’.

Hay như Nguyễn Công Trứ đã từng khẳng định:

‘’Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông’’

Còn Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện được cái tôi cá nhân của mình:

“ Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng ‘’


Hy Văn là biệt hiệu của Nguyễn Công Trứ, cách xưng danh cho thấy cái tôi và khẳng định cái tôi cá nhân, hoàn toàn khác với văn học Trung Đại là văn học phi cá nhân “xưng thì khiêm, hô thì tôn” ít khi đề cao mình. Còn Nguyễn Công Trứ lại mang tâm thế thật tự tin với cách nói cường điệu độc đáo, mang đến phong cách mới mẻ. Coi nhập thế là việc làm trói buộc nhưng đó cũng là điều kiện để bộc lộ tài năng của nhà nho chân chính. Tác giả đã điểm lại việc mình đã làm ở chốn quan trường và những tài năng của mình:


“ Khi Thủ khoa, khi Tham tân, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.’’


Trong câu thơ đã có sự biến đổi linh hoạt với cách ngắt nhịp nhanh, âm điệu nhịp nhàng thể hiện tâm trạng của nhà nho. Sử dụng điệp từ “khi” bốn lần liệt kê ra những danh vị đã trải qua, nhấn mạnh cuộc đời đã gắn bó với nhiều danh vị, khẳng định được tài năng lỗi lạc xuất chúng, đó cũng là niềm tự hào xong vẫn có phần xem nhẹ danh vị. Từ “tay ngất ngưởng” thể hiện được phong cách sống, tư thế tài năng khác đời, khác người và khác thiên hạ. Một cốt cách tài tử phóng túng ”ngông” một cách tự tin và cũng là sự ý thức tài năng, trách nghiệm của Nguyễn Công Trứ. Trớ trêu thay, trong xã hội phong kiến xưa luôn phải tuân theo những khuôn khổ, khiến cho lối sống của ông có sự ràng buộc, đó cũng là sự thách thức với thế gian. Nhà nho chân chính ấy còn mang phong cách sống tự nhiên, độc đáo:


“Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.”


Ông cưỡi bò vàng đeo đạc ngựa, đi chùa có mang theo kiếm cung, có gót tiên theo sau. Phải chăng đó là thái độ sống bất cần, trêu ngươi, thách thức cả xã hội và cả thế gian.Ông “ngất ngưởng” ngồi trên lưng bò được mọi người nhìn theo bằng con mắt hiếu kì, ngạc nhiên. Con bò cũng trở nên “ngất ngưởng” nhờ Nguyễn Công Trứ. Nhà nho với triết lí sống tự nhiên, lấy tận hưởng lạc thú làm lẽ tồn tài trên đời:


“Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọc đông phong.”


Trong câu thơ tác giả sử dụng từ láy ”dương dương, phơi phới” kết hợp cùng điển tích ”tái ông thất mã” thể hiện tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản và thoải mái. Cách ngắt nhịp thơ 2/2/3 cùng tiểu đối, từ ngữ được – mất, khen chê: nêu ra suy nghĩ của mình “được” và “mất” là hai chuyện thường tình trong cuộc sống. Ông không buồn khi “mất” cũng chẳng vui khi “được”. Ông chấp nhận những gì cuộc sống mang lại cho ông dù đó là “được” hay “mất” cũng không quan trọng. Những hành động của ông khiến cho bụt cũng phải cười vì cái lạ, cái ngông của một nhà nho:


”Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục.”


Từ ”khi” được điệp bốn lần và từ ”không” được điệp lại ba lần, câu thơ diễn tả niềm vui, tâm hồn thật sảng khoái và thảnh thơi, không bị ràng buộc bởi điều gì ở đời. Qua đó thể hiện tâm hồn phóng khoáng và bản lĩnh cứng cỏi, cá tính ”ngông” độc đáo, hoàn toàn thoát khỏi tư tưởng phong kiến bảo thủ. Nhà nho chân chính theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ còn là thái độ ngất ngưởng giữa chốn quan trường mang theo đạo lí trung quân:


“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,

Trong triều ai ngất ngưởng được như ông.”


Sử dụng nghệ thuật so sánh để thấy được sự ý thức về tài năng, giá trị của cá nhân, luôn giữ được nhân cách của vua tôi. Sử dụng điển cố điển tích và ví mình sánh ngang với những người nổi tiếng có sự nghiệp hiển hách như Trái Tuân, Hàn Kì, Phú Bật… Cũng là lời tự hào kiêu hãnh với cách sống riêng của mình, như một lời tuyên ngôn khẳng định cái tôi phi thường của Nguyễn Công Trứ. Đó là sự tôn trọng trung thực cá tính của chính bản thân, không uốn mình theo dư luận bên ngoài, phải luôn có tài năng và sống với đúng quan niệm của chính mình mới thực là đáng sống.


Bài ca ngất ngưởng thể hiện phong cách sống đẹp, sống phải có bản lĩnh ngay cả trong khuôn khổ của xã hội phong kiến chuyên chế: hết lòng vì vua, vì nước, bất chấp những được mất và khen chê ở đời. Không chỉ ở nội dung mà còn ở phương thức nghệ thuật đã tạo nên một con người phong cách mới lạ và độc đáo, Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên có công đem đến cho thơ hát nói một nội dung phù hợp, sâu sắc để bày tỏ tư tưởng, sự phóng túng trong tâm hồn và là giá trị nhân văn của một thời đại, của một nhà nho chân chính.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy