Phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong "Bài ca ngất ngưởng" bài số 5
Nguyễn Công Trứ là một nhà nho tài tử nổi tiếng với những tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, đương thời ông là một con người sống khí phách, hiên ngang bản lĩnh dám đối đầu với những bất công trong cuộc đời, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Ông đến với văn thơ bằng cái tài và cái tâm, ông là một trong những người đã góp phần phát triển thể hát nói của nước nhà. Nguyễn Công Trứ có bản lĩnh sống vững vàng, phóng khoảng, không sợ quyền uy, thế lực. Bài thơ Bài ca ngất ngưởng được tác giả sáng tác khi cáo quan về ở ẩn, đó là lúc tác giả cảm thấy bất lực với triều đình phong kiến, không trọng dụng người tài chỉ chăm lo chia bè, kết cánh, trục lợi của nhân dân, đất nước. Bài thơ cũng thể hiện những tâm sự của ông trong thời buổi đương thời đồng thời người đọc sẽ phát hiện vẻ đẹp nhân cách của tác giả qua bài thơ.
Ngất ngưởng là một từ chỉ cách sống, lối sống phóng khoáng, những con người có tài năng, bản lĩnh mới dám sống ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ là một nhà nho tài tử và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình vì thế ông có thể ngạo nghễ nâng cao giá trị bản thân mình, tự hào về những gì mình đã làm được. Sáu câu đầu của bài thơ là lời tự thuật về tài năng, chức vụ, danh vị của chính mình, mở đầu ông viết: Vũ trụ nội mạc phi phận sự ( mọi việc trong trời đất đều thuộc phận sự của ta). Đây là câu thơ thể hiện thái độ tự tin, ý thức trách nhiệm trước cuộc đời ý chí lớn lao của Nguyễn Công Trứ, phải là người có tài năng có lực mới có thể nhận trách nhiệm lớn lao ở cuộc đời về chính mình. Thời trẻ, ông đã từng có câu nói:
“Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”,
“Không công danh thà nát với cây cỏ”.
Những câu thơ trên cho thấy ý thức muốn tự khẳng định mình của Nguyễn Công Trứ, ông tự tin bản lĩnh nhìn nhận thực chất về tài năng của mình. “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”, tài bộ tức là tài hoa, đặc biệt là tài thao lược, câu thơ đã thể hiện được tinh thần nhập thế tích cực của Nguyễn Công Trứ, như thế tài năng của Nguyễn Công Trứ đã được sử dụng để phục vụ triều đình và nhân dân, hơn nữa Nguyễn Công Trứ không chỉ giữ một chức vụ, mà ông đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau: Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông, đại tướng, phủ doãn, đó là những vị trí cần những tài năng đặc biệt và Nguyễn Công Trứ đã chứng minh được khả năng của mình qua những vị trí đó, để làm rạng danh cho bản thân mình và cho dòng họ. Trong khổ thơ sử dụng cách ngắt nhịp dồn dập, mạnh mẽ thể hiện niềm vui, niềm tự hào của tác giả, trong khổ thơ sử dụng nhiều từ Hán Việt cùng với điệp từ Khi mang âm hưởng lâng lâng tự hào. Tự hào vì mình có tài năng thực sự thì mới đảm nhiệm những vị trí như vậy.
Cách viết của Nguyễn Công Trứ không phải là để khoe khoang tự mãn, mà đây là một cách ông tự khẳng định bản thân, cách nhà nho tự tin, vững chãi khi đứng giữa cuộc đời đầy biến động, bấp bênh. Những câu thơ trên đã làm hiện lên hình ảnh một người quân tử ngạo nghễ giữa cuộc đời, đầy bản lĩnh, đầy sự kiên trì lý tưởng. Nguyễn Công Trứ xứng đáng là tấm gương cho thế hệ sau không ngừng học hỏi và noi theo. Đó là những hình ảnh mà chúng ta biết được khi ông làm quan trong triều, còn sau khi cáo quan về quê thì tâm thế của tác giả như thế nào, chúng ta cùng nhau phân tích những câu thơ tiếp theo đó là hình ảnh ông ngất ngưởng khi cáo quan về hưu. Ngày về hưu: Đô môn giải tổ chi niên những câu thơ chữ Hán mở đầu chặng đường về hưu của mình, âm điệu dường như trang trọng và nghiêm túc. Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng, ngày về hưu của Nguyễn Công Trứ thật bình yên và giản dị, không lọng, võng, không chiêng trống, kèn pháo mà lại hiện lên một hình ảnh bình dị đời thường tác giả cưỡi con bò vàng, đeo đạc ngựa, treo mo cau có ghi một bài thơ trong đó có câu: Sẵn tấm mo che miệng thế gian. Đó là hành động ngược đời ngạo nghễ nhằm mục đích trêu người ngạo thế.
Bức chân dung của Nguyễn Công Trứ hiện lên đầy tính trào lộng. Vậy thì khi cáo quan về quê ở ẩn thì cuộc sống ngày thường của Nguyễn Công Trứ như thế nào qua những câu thơ tiếp theo: Cuộc sống hàng ngày lối sống ngất ngưởng được thể hiện trong sự dối lập gay gắt: Đi thăm thú những nơi danh làm thắng cảnh, đây quả thực là một phong cách của bậc tao nhân, Nguyễn Công Trứ lại mang theo cung kiếm. Tư thế của một võ tướng đi lại với khuôn mặt từ bi. Ông lên chùa lại mang theo hầu gái: Chùa chiền là nơi thâm nghiêm, nghiêm túc đến đây con người phải rũ bỏ hết mọi phàm tục của đời sống, Nguyễn Công Trứ giữ nguyên kiểu sống đời thường để vào nơi tôn nghiêm, trang trọng nên Bụt cũng nực cười. Qua phép đối lập và cách nói trào lộng, tác giả đã vẽ nên hình ảnh một con người trái khoáy lạ lùng. Đây là hình ảnh có phong thái lãng mạn của một con người muốn gạt bỏ tất cả những ràng buộc của đời thường để tận hưởng cuộc sống theo thú vui yêu thích của mình chứ không phải theo tiêu chuẩn đạo đức cho phép. Âm điệu lời thơ nhẹ nhàng thể hiện phong thái lãng mạn, hào hoa của con người.
Khi rời khỏi chốn quan trường Nguyễn Công Trứ không còn quan tâm đến những danh lợi, quyền hành mà trở về với lối sống ung dung tự tại của một con người bình thường. Càng thờ ơ với danh vọng ông càng vui thú với cuộc sống. Điệp từ khi cùng với nhịp thơ ngắn dồn dập, và phép đối gợi không khí cảm giác được đắm chìn vào cung đàn nhịp phách, đắm trong men rượu chếnh choáng mà Nguyễn Công Trứ là người thăng hoa. Lời thơ thể hiện thái độ sống thiên về hưởng lạc, vui thú tinh thần. Nguyễn Công Trứ tự khẳng định bản thân trước tất cả mọi người, ông tự tin vào khả năng của mình xếp mình vào hạng danh tướng, tự hào về cái người ta ít tự hào, ít kể – nghĩa vua – tôi. Đây là con người có tài có đức ít ai bì kịp, không ai sánh bằng. Từ đây chúng ta có thể nhìn nhận về con người Nguyễn Công Trứ một con người giàu năng lực, dám sống tự tin bản lĩnh, tự khẳng định mình bỏ qua lễ giáo phong kiến, theo đuổi cái tâm tự nhiên. Chúng ta nhận ra vẻ đẹp nhân cách của tác giả càng thêm mến yêu, và khâm phục những gì mà tác giả đã để lại cho cuộc đời. Đọc thơ Nguyễn Công Trứ chúng ta được thừa hưởng nhiều bài học: đó là bài học về thái độ sống tự tin, bản lĩnh dám đương đầu với mọi thách thức trong cuộc sống nhưng vẫn giữ được nhân cách cao đẹp của mình. Đó là bài học về cách sống hiên ngang, không sợ cường quyền, ung dung tự tại. Nhân cách nhà nho Nguyễn Công Trứ được nâng cao, được mọi người kính trọng, mến phục.
Bài ca ngất ngưởng đã thể hiện được nhân cách, tấm lòng của Nguyễn Công Trứ là một con người sống bản lĩnh, phóng khoáng, có nhiều quan niệm sống mới mẻ vượt qua những khắt khe của lễ giáo phong kiến. Hơn nữa Nguyễn Công Trứ là người đi tiên phong trong việc phát triển thể hát nói phù hợp với việc bày tỏ tư tưởng, tình cảm tự do phóng túng thoát ra ngoài khuôn khổ của tác giả.