Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị hay nhất số 2

Tô Hoài là một gương mặt tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại. Tài năng của ông được ghi dấu trong lòng độc giả bởi rất nhiều sáng tác có giá trị. Trong số đó, đặc sắc nhất phải kể đến truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn sáng tác trong chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1953. Tác phẩm tái hiện cảnh sống bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến, thực dân. Nổi lên trên bối cảnh thối nát của chế độ xã hội, Tô Hoài tập trung ca ngợi tâm hồn, phẩm chất tốt đẹp cùng sức sống mãnh liệt của con người. Có lẽ, đến với “Vợ chồng A Phủ” không ai trong chúng ta có thể quên được một cô Mị, đau khổ, cam chịu nhưng lại tiềm tàng sức sống mãnh liệt quật cường. Mị là nhân vật kết tinh bởi những giá trị tinh thần cao đẹp, giá trị nhân đạo sâu sắc mà Tô Hoài gửi gắm.


Sức sống tiềm tàng, hiểu đơn giản là khao khát chính đáng một cuộc sống có ý nghĩa của một “con người” vốn bị che lấp bởi hoàn cảnh, bởi sự cam chịu nhưng có thể bùng lên mãnh liệt khi có tác động. Để thấy được sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, trước hết, chúng ta phải hiểu hoàn cảnh mà nhân vật đang sống. Mị vốn là một cô gái trẻ vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Mị cần cù, đảm đang, hiếu thảo, giàu đức hi sinh vị tha, yêu đời và rất mực tài hoa. Một cô gái như thế đáng lẽ phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, “hồng nhan bạc mệnh”, cuộc đời xô đẩy Mị vào hoàn cảnh phải làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Một danh phận bẽ bàng làm sao – làm dâu trừ nợ. Chính vì vậy, tại nhà thống lí, Mị không khác gì một kẻ tôi đòi, đầy tớ. Mị phải “vùi vào làm việc cả đêm cả ngày” “quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên”. Mị gần như tê liệt hết về sức sống. Mị “tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm thôi”. thờ ơ với sự chảy trôi của thời gian, trở thành “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Cuộc sống của Mị trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo, tất cả thu lại bằng ô cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay mờ mờ trăng trắng trông ra không biết là sương hay là nắng. Tất cả những điều đó khiến chúng ta không thôi liên tưởng Mị giống như cái xác không hồn, không quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều gì đã biến một thiếu nữ đương độ xuân thì, phơi phới yêu đời trở nên cam chịu, chấp nhận cuộc sống vô nghĩa như vậy? Chính bởi gánh nặng của mấy tầng áp bức cường quyền, thần quyền, những hủ tục phong kiến ở miền núi. Sự mục nát của xã hội tất yếu sản sinh ra thế hệ người không có tiếng nói, dù là tiếng nói vì quyền sống của mình như nhân vật Mị.


Tuy nhiên, nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở việc thể hiện sự u mê, mông muội của con người trước hủ tục và cái ác thì có lẽ “Vợ chồng A Phủ” đã không gây ấn tượng với độc giả như vậy. Cái hay của Tô Hoài là ông không để nhân vật của mình vĩnh viễn chìm trong tăm tối. Đối với Mị, sức sống vẫn luôn tiềm tàng, chỉ cần một sự đánh thức kịp thời có thể khiến nó trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


Khi mới về làm dâu nhà Pá Tra, Mị cũng đã từng phản kháng dù chỉ là sự phản kháng yếu ớt là khóc: “có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”, khóc vì không muốn chấp nhận hiện thực, vì không cam lòng. Cũng đã có lúc, Mị nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời vô nghĩa, đau khổ bằng cách ăn lá ngón tự tử. Tìm đến cái chết, có thể với Mị chính là một sự giải thoát, biểu hiện cho sự không cam chịu, sự kháng cự trong tuyệt vọng.


Mị đã từng kháng cự nhưng có thể nói, ý chí đấu tranh ở Mị khi ấy không đủ sức vượt qua lề thói xã hội, lòng hiếu thảo hay cường quyền nên nó nhanh chóng vụt tắt. Mặc dù vậy, nó vẫn luôn âm ỉ cháy trong tiềm thức của Mị. Để rồi, đêm tình mùa xuân đến với tiếng sáo, tiếng khèn của trai làng gọi bạn tình, như mồi lửa nhỏ làm bùng lên ngọn lửa khát khao sống, khát khao hạnh phúc trong Mị. Mị cũng uống rượu, “Mị… cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say”. Mùa xuân đến gọi về trong Mị biết bao hồi ức đẹp đẽ “Mùa xuân đến, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Mị thoát khỏi tâm trạng dửng dưng bấy lâu để trở thành con người thức tỉnh, vươn tới những ý nghĩ và khát vọng đẹp đẽ. “Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng” làm lòng Mị đang phơi phới sống về những ngày trước. Mị thấy “trong lòng đột nhiên vui sướng… Mị trẻ lắm… Mị muốn đi chơi” Lúc này,ý thức về bản thân trong trỗi dậy. Mị biết mình cần gì, mình muốn gì chứ không còn là cái xác vô hồn,dửng dưng với đời như trước nữa. Càng nhận thức được bản thân, nhận thức được hoàn cảnh, Mị càng phẫn uất mãnh liệt và thấm thía nỗi tủi nhục của mình. Mị khêu to ngọn đèn cho sáng như thể khêu ngọn lửa của lòng ham sống, của sự khát khao. Sự thôi thúc của trái tim như muốn phá vỡ những xiềng xích tàn bạo trong nhà thống lí Pá Tra, thách thức mọi ràng buộc khắt khe của cường quyền. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm sống kiếp con vật, khao khát biến thành hành động: “Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa” chuẩn bị đi chơi ngày Tết. Giữa lúc ngọn lửa của lòng ham sống trong Mị trỗi dậy, bùng lên mãnh liệt thì A Sử, chồng Mị đã xuất hiện vùi dập tất cả, hắn thản nhiên “trói đứng Mị vào cột nhà”. Thế nhưng, khi người đọc tưởng như lại một lần nữa Mị sẽ đầu hàng số phận thì Mị “như không đang biết mình đang sợ bị trói… Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi”. Sức sống tiềm ẩn trong con người Mị khiến Mị quên hết nỗi đau thể xác, “Mị vùng dậy bước đi”.


Dường như, Mị đã hoàn toàn thức tỉnh. Đặc biệt, qua hành động cởi trói cho A Phủ rồi cùng nhau trốn khỏi Hông Ngài thì sức sống tiềm tàng nơi Mị đã bùng phát mạnh mẽ đến độ ngang nhiên tuyên chiến cả thế lực bạo tàn để đòi quyền sống.Mị đã trông thấy A Phủ bị trói đứng một cách thảm khốc từ cách đó mấy hôm nhưng mấy đêm đầu Mị vẫn thản nhiên “thổi lửa hơ tay” . Với Mị, chuyện đánh người, trói nguời ở nhà Pá Tra xảy ra như cơm bữa. Hơn nữa, dù có thương xót, đồng cảm với A Phủ thì Mị cũng chỉ là một nạn nhân bất lực. Đến đêm nay, dưới ánh lửa “bập bùng” trông thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ, Mị càng thương mình, càng thương người. Mị nghĩ “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết…Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Mị cũng biết, nếu cởi trói cho A Phủ, “Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy”. Nhưng tình thương, niềm đồng cảm giữa những con người cùng cảnh ngộ đã lấn át nỗi sợ và lớn hơn cái chết, nó đã dẫn đến hành động táo bạo: cắt dây trói giải thoát cho A Phủ. Mặc dù đây là hành động tự phát nhưng là kết quả của một quá trình, nó minh chứng sức sống tiềm tàng, âm ỉ không ngừng trong con người Mị. Hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ đánh dấu bước ngoặt trong tính cách và cuộc đời Mị. Với hành động này, Mị không chỉ giải thoát cho A Phủ mà còn giải thoát cho chính mình. Ý thức được nỗi khổ của kiếp sống tủi nhục, Mị đã tuyên chiến với biết bao thế lực hà khắc của cường quyền, hủ tục, lễ giáo phong kiến (là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày chết rũ xương ở đây thôi) để đòi quyền con người cho chính mình.


Qua việc miêu tả tâm lí nhân vật hết sức tinh tế, Tô Hoài đã thành công cho thấy vẻ đẹp đáng trân trọng của tâm hồn, khát vọng sống mãnh liệt khuất lấp sau những hình hài câm lặng và cam chịu của những người dân nghèo vùng núi, đặc biệt là người phụ nữ. Cũng qua đây, nhà văn lên tiếng tố cáo xã hội mục nát dưới sự cai trị của thần quyền, cường quyền đã trà đạp lên quyền sống chính đáng của con người. Đồng thời, với việc khắc họa nhân vật Mị, Tô Hoài một lần nữa bày tỏ thái độ bênh vực, trân trọng, thương xót những kiếp người nhỏ bé trong xã hội phong kiến thực dân. Từ đó, nhà văn kêu gọi con người dũng cảm đấu tranh cho sự sống, cho quyền con người chân chính. Đó có lẽ là lí do vì sao “Vợ chồng A Phủ” được coi là tác phẩm đầy tinh thần nhân đạo sâu sắc và tính nhân văn cao cả!

Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị hay nhất số 2
Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị hay nhất số 2
Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị hay nhất số 2
Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị hay nhất số 2

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy