Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục bài 14
Puskin từng nói “linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm, cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muốn sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà văn Nguyễn Tuân đã để tiếng lòng của mình cất lên và viết nên một câu chuyện có sức lan tỏa vượt thời gian trong đó Chữ người tử tù đã bay lên qua hình tượng nhân vật vật Huấn Cao đặc biệt là thái độ của ông đối xử với viên quản ngục.
Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có nhiều đóng góp cho văn học hiện đại Việt Nam, góp phần thúc đẩy tùy bút đạt đến trình độ nghệ thuật cao và làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học. Ông đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo. Nguyễn Tuân là một người tri thức yêu nước, có tinh thần dân tộc cao, là người ý thức đề cao cái tôi cá nhân và là người rất mực tài hoa am hiểu nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Sự nghiệp đa dạng với nhiều truyện ngắn bút ký tùy bút. Nguyễn Tuân nổi tiếng với tập Vang bóng một thời gồm 11 truyện ngắn. Nhân vật là các nhà nho cuối mùa - những con người lấy sự tài hoa thiên lương của mình để đối lập với xã hội phàm tục, phô diễn lối sống đẹp thanh cao như một thái độ phản ứng trật tự xã hội đương thời. Chữ Người Tử Tù được viết năm 1938. Lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, đăng trên tạp chí Tao Đàn. Về sau đổi thành Chữ Người Tử Tù in trong vang bóng một thời năm 1940. Chữ người tử tù đã xây dựng được một hình tình huống ảnh độc đáo như trước trêu đó là cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục.
Tình huống gặp gỡ đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt giữa Huấn Cao và với viên quản ngục. Xét trên bình diện xã hội, họ ở vị trí đối lập. Huấn Cao là kẻ phản nghịch chống lại triều đình, bị kết án tử hình. Quản ngục đại diện cho bộ máy triều đình phong kiến, đứng đầu nhà lao có chức vụ cai quản và trừng phạt tù nhân. Trên bình diện nghệ thuật, họ là những tri âm tri kỷ. Huấn Cao là người có tài có thể sáng tác ra nhiều cái đẹp nghệ thuật. Quản ngục có tâm hồn yêu quý ngưỡng mộ tôn thờ cái đẹp, kính trọng người sáng tạo ra cái đẹp. Huấn Cao là nhân vật được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Cao Bá Quát- nhân vật lịch sử nhuốm màu sắc huyền thoại. Huấn Cao là nhân vật lý tưởng hiện thân cho tài đức kết tinh nhiều giá trị phẩm chất cao quý của con người. Còn nhân vật quản ngục là nhân vật phụ nhưng góp phần quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Đầu tiên là thái độ của Huấn Cao khi chưa biết tấm lòng của viên quản ngục. Hành động “Rỗ mạnh gông, cúi đầu thúc mạnh đầu thang xuống đất đánh thuỳnh một cái”, bất chấp lời đe dọa của tên lính, phá đi sự trang nghiêm của chốn ngục tù cho thấy thái độ thản nhiên coi thường uy quyền của một người luôn làm chủ tình thế, biểu thị sức mạnh phi thường của một con người ngang tàng, mạnh mẽ tư thế đàng hoàng, hiên ngang.
Tiếp đến là thái độ của tử tù khi được biệt đãi. Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình, lúc chưa bị giam cầm. Điều đó cho thấy phong thái ung dung tự tại của con người làm chủ chốn lao tù. Khi quản ngục phép mở cửa buồng giam giãi bày mong ước được biệt đãi “Ngài muốn gì xin cho tôi biết tôi sẽ cố gắng chu cấp” thì Huấn Cao đã mắng chửi xua đuổi “ Ngươi bảo ta cần gì, ta chỉ cần ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”. Điều đó thể hiện sự cao ngạo, ngang tàng bản lĩnh. Thái độ ấy của Huấn Cao đối với viên quản ngục là một điều hiển nhiên, tất yếu. Bởi vì Huấn Cao chưa nhận ra tấm lòng của viên quản ngục, Ông mang trong mình nhân cách và khí phách của một người anh hùng, một bậc hào kiệt dám dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình thối nát nên ông coi viên quản ngục là kẻ tiểu nhân, tay sai cho chính quyền phong kiến tàn lụi mà ông căm ghét: “ tất cả bọn chúng đều đáng khinh và đáng coi thường mà thôi.”
Nhưng về sau khi nhận ra tấm lòng của quản ngục, ông Huấn đã cảm động và thấy ân hận, ông “lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười”, “Ta cảm thấy tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý đến như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Chính vì vậy mà Huấn Cao vốn chỉ cho chữ những người mà ông coi là tri kỉ thì nay ông đã dành tặng nét chữ cuối đời, cuối cùng cho viên quản ngục, xem viên quản ngục trở thành tri kỉ của mình. Đối chiếu với thái độ khinh bỉ khi mắng chửi ngục quan, Huấn Cao thể hiện sự ân hận một cách chân thành, hé mở quan điểm sống của ông: không cúi đầu trước vàng bạc quyền thế nhưng biết cúi đầu trước tấm lòng cao cả. Đây cũng là quan điểm sống của Cao Bá Quát: “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Trong hành động đồng ý cho chữ một kẻ tiểu lại mà trước đây ông vẫn khinh miệt thì đây là hành động của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng, hành động của một người sáng tạo ra cái đẹp với một người biết yêu quý trân trọng cái đẹp.
Chẳng những vậy, ông còn khuyên giải: “Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi…tìm về quê mà ở…rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ cho thiên lương lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.Trong nhân cách Huấn Cao thì ông quả là người tinh tế, độ lượng. Qua diễn biến tâm lí của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã khẳng định quan điểm nhân sinh: cái đẹp, cái thiện có thể sinh ra từ cái ác – xấu, trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào nhưng không thể sống chung, sống lẫn lộn với cái ác cái xấu. Cái đẹp có thể cảm hóa con người.Nó chỉ có thể đi liền với thiên lương lành vững. Đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ đã mang nhiều cảm xúc cho người đọc, xứng đáng là “cảnh tượng” đẹp nhất trong văn học Việt Nam, tập trung nhiều tinh hoa trong bút lực của Nguyễn Tuân. Như vậy ở Huấn Cao hội tụ một vẻ đẹp toàn diện bởi sự thống nhất tài hoa khí phách và thiên lương.
Để làm rõ thái độ của Huấn Cao với viên cai ngục, tác giả đã dựng nên câu chuyện chặt chẽ kịch tính, xây dựng được tình huống truyện độc đáo đặc biệt, éo le và thành công trong nghệ thuật khắc họa tính cách các nhân vật: nhân vật Huấn Cao sử dụng nghệ thuật phương Đông cổ điển vẽ mây lạnh nảy trăng còn nhân vật quản ngục mang đến nhiều bất ngờ cho người đọc. Bên cạnh đó tác giả đã phục chế không khí cổ xưa qua việc sử dụng ngôn ngữ trang trọng cổ kính của nghệ thuật xây dựng cánh tạo hình và bút pháp lãng mạn.
Qua đây, ta thấy thái độ của Huấn Cao đối xử với viên cai ngục khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.. Đó không chỉ là những thái độ mà nó còn thể hiện những ý nghĩa sâu sắc. Nó thể hiện ý thức về giá trị của cái tài cái đẹp. Tài hoa khí phách và thiên lương bổ sung, nâng đỡ cho nhau.