Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục bài 15
Có người từng nói: “Nguyễn Tuân là một hiện tượng văn hóa phong cách”. Bình luận này vô cùng chính xác khi chúng ta thưởng thức qua các tác phẩm của ông. Mỗi một chữ mỗi một câu đều ẩn chứa vô vàn vẻ đẹp, làm người thao thức không thôi về nét đẹp ngôn từ tiếng Việt. Mà nhắc đến các tác phẩm xuất sắc trong xuất sắc nhất của ông thì phải nói đến tác phẩm Chữ người tử tù, đặc biệt là nhân vật Huấn Cao. Lấy bối cảnh nhà tù ẩm ướt, dơ bẩn, lại xảy ra cuộc hội ngộ giữa anh hùng thời đại Huấn Cao với người đại diện cho chế độ phong kiến thối nát – viên quản ngục là một trong những bối cảnh được xây dựng công phu, giàu giá trị nhân văn nhất.
Quá trình chuyển biến thái độ của Huấn Cao được thể hiện rõ ràng khi nhìn về tình huống trước và sau của câu chuyện. Khi vừa đến nhà giam, Huấn Cao lạnh lùng và coi khinh bọn chó săn, cùng một giuộc với bọn quan lại triều đình thối nát, bảo thủ ấy. Nhưng còn viên quản ngục thì lại mừng rỡ khi biết người mà mình kính ngưỡng sắp đến địa bàn của mình. Quản ngục sắp xếp cho ông Huấn phòng giam riêng, rượu thịt đầy đủ một cách ân cần, quan tâm nhất. Nhưng tại thời điểm ấy, ông Huấn lại cho rằng quản ngục đang cố tình mưu ma chước quỷ, sảng khoái hưởng dụng rượu thịt và tỏ ra thờ ơ với việc hỏi han, chiếu cố của viên quản ngục. Bởi lẽ, quản ngục chính là đại diện cho triều đình, đại diện cho tầng lớp thống trị trong xã hội này – một chế độ xã hội giam cầm con người quyền tự do, ép bức, bóc lột, tra tấn con người một cách vô tội vạ. Chính vì điều đó nên dù quản ngục làm gì, ông Huấn vẫn luôn khinh thường đáp lại hay tỏ vẻ một chút động lòng trước cường quyền thế ác. Một khí phách anh hùng của thời đại nên vậy!
Quản ngục âm thầm chiếu cố Huấn Cao từng chút từng chút một như một cách trân trọng, nâng niu cái đẹp. Ấy vậy nên ngay khi bên trên hạ lệnh đưa ông Huấn đi, quản ngục lại hốt hoảng, lại lo lắng. Cũng vào thời điểm ấy, viên quản ngục hạ quyết tâm đi gặp ông Huấn, tỏ rõ thái độ của mình. Huấn Cao bàng hoàng, thất thố cuối cùng lại hóa thành một tiếng than “Suýt chút nữa thì ta đã phụ mất một tấm lòng thiên hạ”. Thật vậy, trong chốn lao tù dơ bẩn, bất kham ấy thì ai mà ngờ được lại có một người lại say đắm với cái đẹp của nghệ thuật, với cái đẹp của nhân cách con người chứ? Huống chi người này lại chính là đại diện cho phe cầm quyền, phe triều đình bảo thủ, tàn ác luôn tìm cách đàn áp dân thường chứ? Chỉ suýt chút nữa thôi, ông Huấn đã bỏ lỡ mất một linh hồn thiện lương bị phủi bụi dưới lớp mạng nhện, dưới lồng giam hắc ám này rồi.
Hai con người đại diện hai phe phái khác nhau, sinh trưởng ở hai thế giới khác nhau. Những tưởng họ sẽ chẳng hề có bất kì giao thoa nào lại có thể đồng điệu với nhau trong nghệ thuật, trong việc trân quý cái đẹp, cái tài trong từng nét chữ, nét người này. Viên quản ngục mến cái tài viết chữ của Huấn Cao lại tâm tâm nguyện nguyện mong một ngày có thể xin được chữ ông Huấn treo trong nhà. Một sở nguyện cao quý, một tâm hồn hướng về cái đẹp thăng hoa trong mọi hoàn cảnh. Khi ông Huấn quyết định cho chữ, không gian tăm tối ấy lại như bừng sáng. Đối lập với chốn “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián tưởng chừng chỉ là nơi tận đáy cùng của xã hội nhơ nhớp tanh hôi” thì cả Huấn Cao và viên quản ngục lại chăm chú, lại nghiêm túc như trong chính một thư phòng cổ kính, thăm tho mùi giấy trắng quyện cùng mực tàu. Ông Huấn không những dậm tô nét chữ thật cẩn thận mà còn khuyên giải quản ngục nên về quê để lưu giữ lại bản tâm, lại cái thiện lương trong sáng ấy như một người bạn thâm giao.
Sự chuyển biến của ông Huấn qua những hoàn cảnh khác nhau thể hiện sự trân trọng cái đẹp, cái thiện, hướng đến cái mỹ ăn sâu trong cốt cách, tâm hồn người Việt. Dẫu là thời đại nào, dẫu là bên trong con người tựa như công cụ chấp pháp vô tình của triều đình thì vẫn luôn tồn tại một tâm hồn nghệ sĩ, một khát vọng về cái đẹp trong nhân cách. Với bút pháp lãng mạn kết hợp với thủ pháp xây dựng đối chiếu đã khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao cũng như cuộc hội ngộ đầy bất ngờ giữa ông Huấn cùng viên quản ngục.
Tác phẩm “Chữ người tử tù” để lại dấu ấn đậm nét cho chúng ta bởi diễn biến tâm lý cũng như tính cách của ông thay đổi theo từng chặng thời gian. Qua cuộc gặp gỡ giữa ông Huấn cùng viên quản ngục, hai thế lực thù địch như nước với lửa lại được gột rửa bởi cái đẹp, cái tài, cái tâm của đôi bên. Để rồi cảm hóa con người, hướng nhân sinh đến tương lai tương sáng, phủi bụi đi tâm tính lương thiện ẩn sâu trong chốn lao tù.