Google +FacebookTwitterTumblrPinterestInstagramLinkedInFlickrEmailWhatsAppPrint

Top 9 Bài văn phân tích bài thơ Quê hương của Giang Nam hay nhất

Thai Ha 15732 0 Báo lỗi

Nhà thơ Giang Nam là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Quê hương chính là một trong những tác phẩm thơ nổi bật của Giang Nam, đó như ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bài tham khảo số 1

    Bài thơ là câu chuyện tình từ thủa tuổi thơ của hai người hàng xóm. Đôi trẻ lớn lên, tình yêu trong họ cũng lớn lên theo cuộc trường kỳ kháng chiến.


    Từ buổi “Mẹ chưa đánh roi nào đã khóc” đến “Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích… Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi” để rồi cuối cùng “Hôm nay nhận được tin em”. Song, dù em mất nhưng tình yêu không mất bởi tâm hồn và thể xác em đã hóa thân vào với đất nước, quê hương….


    Bài thơ được tác giả viết năm 1960 khi nhận được thông tin vợ và con ông bị giết hại trong nhà tù Phú Lợi. Song thật may đây là nhầm lẫn. Vợ và con ông đã được thả năm 1962 do địch không tìm ra căn cứ để kết tội. Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất của Nhà thơ Giang Nam.


    Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Nhà thơ Giang Nam vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 1978, ông lại ra Hà Nội làm Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1989, sau khi tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Tỉnh ủy Khánh Hòa xin ông về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã.


    Có một điều lạ không phải ai cũng biết là nguyên mẫu của bài thơ – “cô bé nhà bên/ có ai ngờ cũng vào du kích”, sau bị giặc giết quăng mất xác ấy chính là người vợ hiền thục hiện vẫn sống bên nhà thơ.


    Về chuyện này, đích thân tác giả đã kể lại trong cuốn “Sống và viết ở chiến trường” như sau:


    “Đang ở căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hòa, tôi được Phó Bí thư Tỉnh ủy mời sang thông báo tin dữ: Vợ con tôi đã bị thủ tiêu trong nhà lao rồi (trước đó, vợ Giang Nam cùng cô con gái chưa đầy tuổi của ông bị địch bắt ở Thủ Đức và đưa vào giam ở nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn – PK). Tôi nghe tin mà choáng váng như trời sập. Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp, vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, cả hai mẹ con cô ấy đều khóc ròng… Tất cả như sống dậy xót xa, nhức nhối và rõ ràng cứ như mới xảy ra hôm qua. Tôi đã viết bài thơ Quê hương trong tâm trạng đau đớn tột cùng ấy. Rồi tôi đã gửi bài thơ ấy theo đường giao liên ra cho Báo Thống Nhất ở Hà Nội. Khoảng tháng 8 năm 1961, trên đường công tác từ huyện Sơn Khánh đi Khánh Vĩnh, khi dừng chân ở một trạm nghỉ, tôi đã được nghe tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam là bài thơ Quê hương của tôi được giải nhì Báo Văn nghệ. Tôi mừng run lên, báo ngay cho anh em cùng đoàn công tác. Tôi như thấy vợ con tôi ở bên kia thế giới về lại cùng tôi”.


    Không phải “như thấy” thôi đâu, mà là sự thật. Thì ra, thông tin vợ con Giang Nam chết trong nhà lao là không xác thực. Năm 1962, bà cùng con gái được thả và hai năm sau đó, cấp trên đã bố trí cho nhà thơ gặp mặt vợ con… Dẫu sao, từ một sự nhầm lẫn, Giang Nam đã có được một bài thơ để đời.


    Các nhà nghiên cứu văn học thường liên hệ bài thơ “Quê hương” của Giang Nam với các bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan và “Núi đôi” của Vũ Cao. Cả ba bài thơ đều có chung mô típ: Các nhân vật nam chính đều đi bộ đội chiến đấu xa nhà; các nhân vật nữ chính (có thể là vợ, có thể là người yêu) thì ở lại chiến đấu hoặc công tác tại quê nhà và rồi tất cả đều ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.


    Cả ba bài đều có sức hấp dẫn, lôi cuốn độc giả. Mặc dù “Quê hương” của Giang Nam không có những ý thâm thúy, những hình ảnh đặc sắc và khơi gợi như “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, cũng không có giai điệu tinh tế, khoáng đạt như “Núi đôi” của Vũ Cao; song nó lại có cái duyên riêng và đặc biệt, mối tình của người nữ du kích với chàng trai trong bài thơ rất mộc mạc, hồn nhiên và có nét gần gũi, phổ biến trong đời sống. Điều đó khiến bài thơ càng dễ được quảng bá.


    Đọc bài thơ, không ai là không nhớ tới tiếng cười khúc khích của cô gái, cũng như khó có thể quên được cái việc… khóc của cậu bé ở phần mở đầu bài thơ (Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được…/ Chưa đánh roi nào đã khóc!/ Có cô bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích…).


    Đó chính là mấu chốt tạo nên sức ám ảnh của hình tượng, và là cái cớ để triển khai tứ thơ. Về đoạn thơ này, Hoài Thanh đã có lời bình rất tinh tế: “Khóc vì sợ đánh nhưng lại cũng vì muốn đánh vào tấm lòng của mẹ thương con mà người con rất biết”.


    Với bài thơ “Quê hương”, Giang Nam đã xây dựng được những nhân vật cùng những tình huống rất đáng yêu. Chính điều này đã khiến độc giả hầu như không để ý (hoặc bỏ qua) cách sử dụng ngôn từ chưa phải đã thật kín kẽ của ông.


    Ví như khi ông viết: “Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi”, đã có người đặt câu hỏi: Nếu em là du kích thì giặc bắn em là lẽ đương nhiên, sao lại nói là “chỉ vì”? Hay khi ông viết “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm”, đã có người đặt vấn đề: Có nên để chữ “yêu” bên cạnh mấy chữ dễ bị suy diễn như chữ “chim” chữ “bướm” kia không?


    Tất nhiên, không cực đoan đến mức cho Giang Nam viết vậy là “dung tục” (như một nhà thơ từng viết bài đăng báo “kết tội” vậy), bởi một khi ta đã nhập hồn vào bài thơ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân vật thì hẳn ta sẽ không có sự xét nét câu chữ thế ấy.


    Sinh thời, nhà phê bình Hoài Thanh mặc dù thừa nhận Giang Nam có những bài thơ hay, song cũng phải nghiêm khắc nhắc nhở, là “ngòi bút của Giang Nam có khi quá dễ dãi”.


    Ở đoạn kết bài “Quê hương”, Giang Nam từng viết: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”, hai chữ “xương thịt” đặt ở đây có thể không khiến bạn đọc “gai gợn” bởi dẫu sao trước đó, nhà thơ đã làm ta xúc động trước cái chết của người nữ du kích không biết địch vất xác nơi đâu.


    Nên cái cảm giác “trong từng nắm đất/ có một phần xương thịt của em tôi” là xuất phát từ đời thực, tuy nhiên, cũng hai chữ ấy mà nhà thơ đưa vào đoạn thơ sau (bài “Gửi miền Bắc”) thì quả thực là không ổn, rất không ổn:


    Hà Nội ơi, máu về tụ giữa tim

    Tóc Bác có bạc nhiều những đêm không ngủ?

    Giặc Mỹ liệu hồn: thịt xương ta đó.


    Ưu điểm của thơ Giang Nam là có tình. Song ngoài tình thì thơ còn là nghệ thuật ngôn từ. Việc tác giả dùng từ ngữ thiếu chọn lọc trong một số trường hợp đã gây bất lợi cho việc thể hiện tình cảm của ông…

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Top 2

    Bài tham khảo số 2

    Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929. Ông là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Phong cách thơ của Giang Nam luôn mang bóng hình của quê hương, đất nước. Và Quê hương chính là một trong những tác phẩm thơ nổi bật của Giang Nam.


    Bài thơ được sáng tác năm 1960 khi Giang Nam đang hoạt động ở căn cứ Hòn Du. Bài thơ đậm chất tự sự, đó như là một đoạn ghi chép chân thật nhất về tâm trạng của nhà thơ khi nghe tin người vợ dấu yêu của mình bị giặc bắt và hy sinh.


    Qua 35 câu thơ, Giang Nam đã kể rất rõ câu chuyện chứa đựng đầy kỷ niệm, niềm vui và không khỏi xót xa của những người cùng chung lý tưởng.


    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường…….

    Nhìn tôi cười khúc khích…


    Mở đầu bài thơ, bức tranh thiên nhiên mang bóng hình quê hương hiện ra thật nhẹ nhàng mà đầy sâu sắc. Quê hương là những điều gần gũi, thân quen nhất. Tác giả yêu quê hương “qua từng trang sách nhỏ”, đó là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp cho những ước mơ. Trong mắt tác giả, quê hương luôn là điều hạnh phúc nhất. “Ai bảo chăn trâu là khổ” có lẽ là câu hỏi đặt ra cho người và cũng là cho chính mình. Chăn trâu, cắt cỏ chính là những điều gần gũi, thân thuộc nhất với quê hương.


    Thế rồi, những hình ảnh trữ tình cứ thế xuất hiện. Cậu bé chăn trâu ấy “mơ màng nghe chim hót trên cao”, quê hương lúc ấy sao lại bình yên đến vậy.


    Không chỉ là không gian gần gũi, thân thuộc, quê hương trong lòng Giang Nam còn là những ngày trốn học “đuổi bướm cầu ao”. Dường như đây là kỷ niệm mà bất cứ đứa trẻ con vùng quê nào cũng từng trải qua. Bằng một câu thơ, Giang Nam đã làm ký ức ùa về trong bao người. Ấy rồi những trận đòn của mẹ trong ký ức của tác giả lại trở nên thân thương đến lạ.


    Hình ảnh cô bé nhà bên “nhìn tôi cười khúc khích” càng làm cho sự gần gũi của quê hương trở nên thân thuộc. Tuổi thơ ai chẳng có một cô bé nhà bên chuyên để chọc ghẹo, cùng làm những điều nghịch ngợm của tuổi thơ. Cô bé nhà bên ấy có lẽ là nhân vật trữ tình gắn bó thân thuộc với tác giả từ trong ký ức tuổi thơ đến khi trưởng thành.


    Quê hương hiện lên trong mắt trẻ thơ thật nhẹ nhàng. Cùng với những kỷ niệm tuổi thơ ùa về ấy là sự trưởng thành của nhân vật trữ tình. Dường như, dù lớn lên xa quê hương thì hình bóng ấy vẫn mãi theo suốt cuộc đời của nhân vật.


    Cách mạng bùng lên

    Rồi kháng chiến trường kỳ

    Quê tôi đầy bóng giặc

    Từ biệt mẹ, tôi đi


    Kháng chiến nổ ra, chàng thanh niên phải từ biệt mẹ, từ biệt quê hương để lên đường chiến đấu. Hình ảnh “quê tôi đầy bóng giặc” thể hiện khát khao chờ một ngày mai không còn bóng thù. Thế nên, bằng ý chí, bằng tình yêu quê hương đất nước da diết, chàng trai ấy sẵn sàng lên đường.


    Ở đây, Giang Nam đã dùng từ “từ biệt” thay vì “chào” càng khiến người đọc cảm giác một sự khắc nghiệt, xót xa. Có thể lần ra đi ấy sẽ chẳng thể nào quay trở về với mẹ, với quê hương. Nhưng sao nghe “từ biệt” thốt ra nó lại nhẹ tựa lông hồng vậy. Có lẽ vì quê hương, đất nước, chàng trai ấy sẵn sàng chiến đấu, không ngại mưa bom, bão đạn. Thế rồi, trong hoàn cảnh ấy, tác giả lại bất ngờ hơn nữa vì gặp được cô bé nhà bên.


    Cô bé nhà bên (có ai ngờ)…..

    Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi


    Hình ảnh cô bé nhà bên vẫn hiện lên thật đẹp. Nếu tác giả sẵn sàng lên đường ra trận, thì cô bé nhà bên cũng sẵn sàng vào du kích. Có lẽ đây là điều tác giả chẳng ngờ vì cô gái nhỏ bé, mong manh ấy. Vẫn là nụ cười khúc khích, vẫn là đôi mắt đen tròn sao hôm nay gặp cô bé tác giả lại thương đến lạ. Đó là cảm xúc của một người hàng xóm, hay là cảm xúc của một chàng trai, tác giả cũng không biết nữa.


    Nhưng chính cô bé nhà bên ấy lại mang đến cảm giác ấm áp trong lòng cho tác giả. Dù rằng “giữa cuộc hành quân không nói được một lời”, nhưng có lẽ bao lời chất chứa đã được thể hiện qua ánh mắt nhìn nhau. Cảm xúc ấy đã ghim chặt trong lòng tác giả, thế nên:


    Hòa bình tôi trở về đây

    ……

    Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng


    Cô bé nhà bên đã gắn bó với tác giả từ những ngày tháng tuổi thơ. Đến khi trưởng thành, hòa bình lập lại, cô bé ấy vẫn giữ một vị trí trong lòng tác giả. Cô bé ấy là đại diện cho quê hương, cho những kỷ niệm đẹp đẽ.


    Hình ảnh “thẹn thùng nép sau cánh cửa” của cô bé sao mà thân thương đến lạ. Đó như một cảm xúc e ấp của một cô thiếu nữ đôi mươi. Trong mắt của tác giả, cô bé nhà bên ấy vẫn mang điệu cười khúc khích của tuổi thơ. Nó càng làm cho hình ảnh quê hương thêm sâu đậm, ý nghĩa.


    Thế rồi, tác giả chẳng ngại ngần bày tỏ tình cảm với cô bé ấy. Có lẽ tình cảm đó đã được Giang Nam giấu kín từ những ngày tuổi thơ, khi mẹ đánh đòn bị cô bé ấy bắt gặp. Tác giả đã chủ động “nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn” để giải bày tâm sự. Và cô bé ấy, có lẽ sâu trong lòng cũng đã gắn bó thân thiết với tác giả rồi, thế nên “em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng”.


    Đây là sự phát triển vượt bậc trong tình cảm của đôi nam thanh nữ tú ấy. Đó không chỉ là tình cảm đơn thuần, đó còn là tình yêu của những con người cùng chung chí hướng, cùng mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho quê hương.


    Tình cảm mới chớm nở của đôi trai gái ấy lại bỗng hóa thành những điều đau đớn, xót xa. Vì chiến tranh, vì bom đạn, cô gái nhỏ của tác giả đã hy sinh.


    Hôm nay nhận được tin em

    ……

    Đau xé lòng tôi, chết nửa con người


    Sự hy sinh của em gái hàng xóm là một cú sốc với tác giả. Dường như tác giả không tin vào mắt mình. Nỗi đau ấy đã quá sức chịu đựng của con người, không một lời nào có thể diễn tả nổi. Đau đớn hơn khi em hy sinh còn bị “quăng mất xác”. Đó là nỗi đau chất chứa không thể nào nguôi ngoài. “Chỉ vì em là du kích em ơi” dường như ẩn chứa bao điều. Nó không chỉ là nỗi đau xé lòng, nó còn như lời than trách cuộc đời. Vì chiến tranh, và vì em là du kích nên mới xảy ra cớ sự như vậy. Nỗi đau ấy làm tác giả “chết nửa con người”.


    Và từ khi “em” ra đi, quê hương không còn những điều vui vẻ, lạ thường nữa. Trước kia, tác giả yêu quê hương vì những điều thân thuộc, vì thiên nhiên mênh mang có chim, có bướm và có cả đòn roi của mẹ. Nhưng nay, tác giả yêu quê hương “vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Đó là tình yêu bao la trời bể, tình yêu ấy chất chứa kỷ niệm và hơn hết, quê hương ấy có “em” nằm đấy.


    Quê hương của Giang Nam mang đầy đủ nỗi niềm. Bằng việc sử dụng từ ngữ sinh động, nghệ thuật miêu tả tinh tế, tác giả đã mở ra bức tranh quê hương thật gần gũi, thân thuộc nhưng cũng thật day dứt. Phân tích bài thơ Quê hương của Giang Nam làm ta càng yêu hơn mảnh đất mình đang sống, trân quý những điều gọi là kỷ niệm.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Top 3

    Phong cách thơ Giang Nam?

    Giang Nam (Nguyễn Sung) là một trong những tác giả nổi bật trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Phong cách thơ của Giang Nam thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đổi mới, mang những dấu ấn riêng biệt. Dưới đây là những đặc điểm chính trong phong cách thơ của ông:

    • Văn Hóa Dân Tộc và Truyền Thống: Giang Nam thường sử dụng những yếu tố văn hóa dân tộc và truyền thống trong thơ của mình. Ông khéo léo kết hợp các hình ảnh và biểu tượng dân gian với những quan điểm cá nhân và cảm xúc hiện đại, tạo nên một không gian thơ vừa gần gũi vừa mới lạ.
      • Ví dụ trong bài thơ "Quê Hương": Từ phần đầu của bài thơ, Giang Nam kể về những kỷ niệm tuổi thơ, với hình ảnh cụ thể như việc đi học, trốn học đuổi bướm, và những kỷ niệm với cô bé hàng xóm. Tác giả mô tả những trải nghiệm cụ thể từ cuộc sống cá nhân, giúp người đọc cảm nhận rõ nét về quê hương và tình cảm của nhân vật.
    • Hình Ảnh Tinh Tế và Đa Dạng: Thơ của Giang Nam nổi bật với việc sử dụng hình ảnh tinh tế, phong phú và đa dạng. Ông thường khai thác các hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống và các yếu tố tâm linh để thể hiện ý tưởng và cảm xúc. Những hình ảnh này thường mang tính chất biểu tượng sâu sắc.
      • Ví dụ trong bài thơ "Quê Hương": Hình ảnh cô bé nhà bên cười khúc khích, sự miêu tả về tình yêu quê hương với những kỷ niệm đau thương và đẹp đẽ, đều thể hiện rõ phong cách lãng mạn. Tác giả miêu tả tình cảm với sự tôn trọng và trân trọng, cho thấy lòng yêu quê hương và tình cảm đối với người mình yêu.
    • Lời Thơ Thanh Thoát, nhẹ nhàng và sâu lắng: Giang Nam có phong cách viết thơ thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Các bài thơ của ông thường có cấu trúc chặt chẽ và ngôn từ được chọn lọc cẩn thận, tạo ra một không gian thơ ca đầy cảm xúc và gợi cảm.
    • Tính Tự Sự và Cá Nhân: Thơ của Giang Nam thường mang đậm dấu ấn cá nhân và tính tự sự. Ông thường viết về những trải nghiệm cá nhân, cảm xúc nội tâm và những suy tư sâu lắng, từ đó tạo nên những tác phẩm có chiều sâu cảm xúc và suy tư.
      • Ví dụ: Trong bài Quê hương mang dấu ấn rõ nét của người kể chuyện, với những cảm xúc và suy nghĩ cá nhân về quê hương và người mà tác giả yêu mến. Các đoạn như "Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao" hay "Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi" cho thấy rõ ràng góc nhìn và cảm xúc riêng của tác giả. Sự phân vân, tiếc nuối và cảm xúc đau xót của tác giả được thể hiện mạnh mẽ qua các từ ngữ và hình ảnh.
    • Sự Kết Hợp Giữa Cổ Điển và Hiện Đại: Giang Nam là tác giả khéo léo kết hợp giữa các yếu tố cổ điển và hiện đại trong thơ của mình. Ông vừa giữ gìn những giá trị truyền thống của thơ ca Việt Nam, vừa sáng tạo và đổi mới để phản ánh những vấn đề và quan điểm hiện đại.
      • Ví dụ: Sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Quê hương" của Giang Nam tạo nên một tác phẩm đa chiều và phong phú. Những yếu tố cổ điển như hình ảnh quê hương và cấu trúc thơ truyền thống hòa quyện với yếu tố hiện đại trong cách tường thuật cá nhân và biểu đạt cảm xúc, làm cho bài thơ không chỉ giữ được giá trị truyền thống mà còn mang sức sống và sự đổi mới của văn học hiện đại.
    • Nhạc Điệu và Âm Vận: Thơ của Giang Nam thường có sự chú trọng đến nhạc điệu và âm vận. Ông sử dụng các nhịp điệu và âm thanh của ngôn từ để tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt, làm tăng thêm sự hấp dẫn và sâu lắng cho tác phẩm.
      • Ví dụ: Trong bài thơ Quê hương, bài thơ không theo một thể thơ cố định mà sử dụng thể thơ tự do, điều này cho phép tác giả tự do sáng tạo nhịp điệu. Nhịp điệu trong bài thơ thường thay đổi linh hoạt, phản ánh sự chuyển động của cảm xúc và tâm trạng của tác giả qua các giai đoạn khác nhau của câu chuyện. Ví dụ, nhịp điệu nhẹ nhàng và đều đặn khi kể lại ký ức thơ ấu chuyển sang nhịp điệu nhanh hơn và căng thẳng hơn trong các phần nói về chiến tranh và nỗi đau mất mát.
    • Chủ Đề Tinh Thần và Triết Học: Trong thơ của Giang Nam, các chủ đề tinh thần và triết học thường được khai thác sâu sắc. Ông thường viết về những vấn đề như sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, sự chuyển mình của thời gian và những triết lý sống, tạo ra một không gian thơ đầy suy tư và triết lý.

    Những đặc điểm trên làm nên phong cách thơ của Giang Nam, giúp ông xây dựng một vị trí đặc biệt trong nền văn học Việt Nam đương đại.

  4. Top 4

    Nội dung cần có trong phân tích?

    Phân tích bài thơ "Quê hương" của Giang Nam cần bao gồm các nội dung sau để cung cấp một cái nhìn toàn diện về tác phẩm:

    • Giới thiệu Bài Thơ:
      • Thông tin cơ bản: Tên tác phẩm, tên tác giả, năm sáng tác (nếu có thông tin).
      • Tóm tắt nội dung: Cung cấp một cái nhìn tổng quát về nội dung bài thơ, bao gồm các chủ đề chính và các sự kiện nổi bật.
    • Phân Tích Nội Dung:
      • Chủ đề chính:
        • Tình yêu quê hương: Phân tích cách tác giả thể hiện tình yêu và sự gắn bó với quê hương qua các hình ảnh và chi tiết cụ thể.
        • Sự chuyển mình từ ký ức thơ ấu đến chiến tranh và hòa bình: Xem xét sự thay đổi trong cảm xúc và mối quan hệ của tác giả với quê hương qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
        • Sự mất mát và đau thương: Phân tích sự tác động của chiến tranh và cái chết đối với cảm xúc của tác giả và mối liên hệ giữa cá nhân và lịch sử.
        • Ví dụ: Tác giả mô tả ký ức thơ ấu của mình với hình ảnh quê hương tươi đẹp, sau đó chuyển sang những năm tháng chiến tranh với nỗi đau mất mát. Mối quan hệ với cô bé nhà bên đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện sự chuyển đổi cảm xúc và suy nghĩ của tác giả.
      • Mối quan hệ giữa các nhân vật:
        • Nhân vật chính (tác giả) và cô bé nhà bên: Khám phá mối quan hệ này và cách nó ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của tác giả.
    • Phân Tích Hình Ảnh và Biểu Tượng:
      • Hình ảnh quê hương: Phân tích các hình ảnh cụ thể như “chim hót,” “bướm cầu ao,” “mái trường xưa” và cách chúng gợi lên cảm giác về quê hương.
      • Biểu tượng của cô bé nhà bên: Xem xét vai trò của cô bé như một biểu tượng của tình yêu, sự mất mát, và hy sinh.
      • Ví dụ: Các hình ảnh như “chim hót” và “bướm cầu ao” gợi lên một quê hương bình yên và hạnh phúc. Cô bé nhà bên trở thành biểu tượng của tình yêu, sự mất mát và hy sinh trong bối cảnh chiến tranh.
    • Phân Tích Nhạc Điệu và Âm Vận:
      • Nhạc điệu và nhịp điệu: Phân tích cách nhạc điệu và nhịp điệu trong bài thơ ảnh hưởng đến cảm xúc và trải nghiệm đọc. Lưu ý sự chuyển đổi nhịp điệu từ ký ức vui tươi đến nỗi đau.
      • Âm vận: Xem xét việc sử dụng các yếu tố âm vận như điệp âm, cận âm, và cách chúng hỗ trợ việc truyền tải cảm xúc và ý nghĩa.
    • Phân Tích Phong Cách và Kỹ Thuật:
      • Phong cách tự sự và cá nhân: Phân tích cách tác giả sử dụng phong cách tự sự để kể lại câu chuyện và bộc lộ cảm xúc cá nhân.
      • Kỹ thuật kể chuyện: Xem xét cách tác giả sử dụng các kỹ thuật như mô tả chi tiết, hồi tưởng, và đối thoại để xây dựng câu chuyện và truyền tải thông điệp.
    • Chủ Đề Tinh Thần và Triết Học:
      • Tình yêu quê hương và sự hy sinh: Phân tích cách bài thơ phản ánh các giá trị tinh thần về tình yêu quê hương và sự hy sinh.
      • Mối liên hệ giữa cá nhân và lịch sử: Xem xét quan điểm triết học về mối liên hệ giữa số phận cá nhân và các sự kiện lịch sử lớn.
      • Ý nghĩa của đau đớn và mất mát: Phân tích triết lý về sự hiện diện của những người đã mất trong cuộc sống và ý nghĩa của nỗi đau.
      • Bài thơ phản ánh một tình yêu sâu sắc đối với quê hương và một triết lý về sự hy sinh và mất mát. Nó cũng khám phá mối liên hệ giữa số phận cá nhân và các sự kiện lịch sử lớn, đồng thời tìm kiếm ý nghĩa trong nỗi đau.
    • Kết Luận:
      • Tóm tắt những điểm chính: Tổng kết các phân tích về nội dung, hình ảnh, nhạc điệu, âm vận, phong cách, và chủ đề.
      • Đánh giá tổng thể: Đưa ra đánh giá về tác động của bài thơ, ý nghĩa của nó đối với độc giả, và sự đóng góp của nó vào văn học.
  5. Top 5

    Bài tham khảo số 3

    Quê hương, chỉ hai từ thôi nhưng vô cùng thân thương đến lạ. Quê hương, nơi mình sinh ra, nơi mình lớn lên, nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ. Khi nhắc đến quê hương ai cũng cảm thấy tự hào, đó là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao cả. Và với bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam cũng thế. Quê hương, dòng chảy bất tận của ký ức, quê hương là nơi ta tìm về sau những phong ba của cuộc đời.


    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

    …..

    Nhìn tôi cười khúc khích…


    Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ về tuổi thơ, là niềm thương nhớ và yêu quê hương từ thuở “cắp sách tới trường” từ thuở “chăn trâu cắt cỏ”. Không gian thơ mở ra với bàng bạc nỗi nhớ về thuở ấu thơ, với những trò nghịch ngợm của trẻ thơ đó là “trốn học”, “đuổi bướm…Những vần thơ mộc mạc, giản dị càng đọc càng thấm thía về một quê hương tuổi thơ trong kỉ niệm.


    Dòng thời gian trôi mãi, tuổi thơ rồi lớn lên, đất nước kêu gọi, cậu bé ngày ấy nay đã trưởng thành, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Thật bất ngờ, “cô bé nhà bên” ngày xưa ấy cũng trở thành đồng chí:


    Cách mạng bùng lên

    Rồi kháng chiến trường kỳ

    Quê tôi đầy bóng giặc

    Từ biệt mẹ tôi đi

    Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)

    Cũng vào du kích


    Tình bạn trẻ thơ giờ đã trưởng thành thêm một bậc, sự trưởng thành này phù hợp với hoàn cảnh xã hội chung lúc bấy giờ, như một điều tất yếu.


    Chính vì có được nền tảng là tình bạn từ những ngày ấu thơ nên khi bất chợt gặp nhau trên giữa đường hành quân, dẫu “mưa đầy trời” nhưng chàng trai vẫn thấy “lòng tôi ấm mãi” bởi nụ cười khúc khích và cảm xúc “thương thương quá đi thôi” đan xen giữa quá khứ và hiện tại.


    Quân thù xâm lược dẫu tàn ác cũng không xóa bỏ được nét trong trẻo trong tâm hồn của những chàng trai cô gái một thời. Họ vượt lên trên sự tàn ác của kẻ thù bằng chính sự thiện lương, trong trẻo được nuôi dưỡng bởi chiều sâu văn hóa, tình người của dân tộc.


    Bởi thế mà dù trải qua bao thăng trầm, bao súng đạn, bao chiến trường, ngày gặp lại, cô gái ngày xưa ấy vẫn:

    “Thẹn thùng nép sau cánh cửa

    Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

    Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)”.


    Điệu cười khúc khích như điệp khúc, như từng đợt sóng lòng trùng điệp mà đợt sau cao hơn đợt trước; để rồi chàng trai không cầm lòng được mà:


    “Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

    Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…”


    Tình yêu thời chiến đến thật nhẹ nhàng như một điều hiển nhiên. Tình yêu đôi lứa ấy được đặt trên nền tảng vững chắc của tình bạn thuở ấu thơ và tình đồng chí, cùng chung lí tưởng của khi trưởng thành.


    Chính điều này làm cho tình yêu lứa đôi hòa vào tình yêu quê hương đất nước, cái riêng đã hòa vào cái chung khiến cho tình yêu chung cho quê hương thêm sâu sắc mà cũng khiến cho tình cảm riêng càng trở nên rộng lớn, bền vững hơn.


    Năm 1960, nhà thơ nhận được tin vợ và con mình bị giặc giết hại trong nhà tù Phú Lợi; cảm xúc cuộn lên chất ngất, ngay trong đêm bài thơ được ra đời, những câu thơ cứ ùa về cùng với nỗi đau không thể kìm nén:


    Hôm nay nhận được tin em

    Không tin được dù đó là sự thật

    Giặc bắn em rồi quăng mất xác

    Chỉ vì em là du kích, em ơi!

    Đau xé lòng anh chết nửa con người.


    Nỗi đau xót đến tê tái, đến chết lịm người khi nghe tin “em” bị “giặc bắn em rôi quăng mất xác” tình cảm càng bền vững, càng nên thơ khi mất càng gây đau đớn. Từ cô bạn ấu thơ, rồi đồng đội đồng chí, đến người yêu, giờ “giặc bắn em rồi quăng mất xác” càng đau đớn, càng xót xa và tố cáo tội ác của giặc xâm lược.


    Tình yêu quê hương bây giờ đã khác:


    Xưa yêu quê hương vì có hoa có bướm

    Có những ngày trốn học bị đòn roi

    Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

    Có một phần xương thịt của em tôi.


    Tình riêng giờ hòa vào tình chung, không chỉ là ở nghĩa biểu tượng mà ở nghĩa thực của nó. Quê hương không chỉ là khái niệm chung chung mà gắn với người con gái ta yêu, là một phần của cuộc đời, một phần không thể tách rời của thân thể.


    Bài thơ Quê hương của Nhà thơ Giang Nam dù đã trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời đại. Nhưng với bất cứ ai khi đọc lên đều không khỏi cảm thấy xót xa, bùi ngùi, đau đớn khi mất đi người yêu, mất đi ruột thịt của mình. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước sâu sắc.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Top 6

    Bài tham khảo số 4

    Quê hương là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả Giang Nam. Với một đề tài, chủ đề không mới nhưng bằng cách diễn đạt rất mới, đặc biệt bằng tình cảm chân thành, mộc mạc, Quê hương vẫn đọng lại trong tâm hồn của độc giả những tình cảm thật đặc biệt. Hẳn mỗi người đọc, người nghe đều rất ấn tượng, xúc động với sự hoá thân vào quê hương, đất nước của những người anh hùng.


    Quê hương được sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Năm 1960, thời điểm giặc Mỹ bắn phá dữ dội miền Bắc và chiến trường cực kỳ ác liệt ở miền Nam, nhà thơ nhận được tin vợ và con bị giết hại trong nhà tù. Đau xót và căm uất vô cùng, những vần thơ trào ra giống như những hàng nước mắt ép chặt những đau khổ, tổn thương của nhà thơ. Song thật may mắn vì đây chỉ là một sự nhầm lẫn, năm 1962, vợ con ông đã được thả do địch không tìm được căn cứ để kết tội. Có thể nói đây là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Giang Nam.


    Viết về quê hương, một đề tài không mới mẻ, song Giang Nam đã có cách khai thác rất mới. Ông không miêu tả quê hương với cánh cò bay lả, với cây đa, giếng nước mà quê hương gắn với kỷ niệm tuổi thơ, những thuở chăn trâu cắt cỏ với đám bạn trong làng:


    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

    "Ai bảo chăn trâu là khổ? "

    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao


    Tình yêu với quê hương bắt đầu tự nhiên và giản dị như thế, yêu qua từng trang sách, những con chữ đầu tiên, thế rồi tình yêu ấy cứ lớn dần, lớn dần theo năm tháng. Những kỷ niệm tuổi thơ ùa về với biết bao ký ức vui buồn: những ngày trốn học bị mẹ bắt đánh đòn, cô gái nhà bên khúc khích cười ôi thương thương quá đi thôi. Cô bé nhà bên ấy có lẽ là nhân vật trữ tình gắn bó thân thuộc với tác giả từ trong ký ức tuổi thơ đến khi trưởng thành.


    Thời gian trôi thật nhanh, người đọc xúc động, hạnh phúc chung với tình yêu chớm nở của đôi bạn trẻ trong kháng chiến. Biết bao khó khăn, thử thách, song tình yêu vẫn đẹp, mạnh mẽ vượt qua tất cả:


    Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

    Cũng vào du kích

    Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

    Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)


    Càng xúc động và đau xót hơn khi cô gái ấy đã ngã xuống, máu thịt hòa tan vào nắm đất của quê hương, tình yêu chỉ còn lại là những ký ức:


    Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

    Có những ngày trốn học bị đòn roi...

    Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

    Có một phần xương thịt của em tôi!


    Trước kia nhân vật trữ tình yêu quê hương vì những điều thân thuộc nay càng yêu quê hương hơn vì trong đó có một phần xương thịt của em tôi. Đó là tình yêu bao la trời bể, tình yêu ấy chất chứa kỷ niệm và hơn hết, quê hương ấy có “em” nằm đấy.


    Góp phần truyền tải nội dung ý nghĩa ấy bài thơ sử dụng thể thơ tự do, phù hợp với mạch cảm xúc theo từng giai đoạn, thời điểm. Phương thức tự sự, miêu tả kết hợp hài hoà giúp bài thơ chất chứa tâm sự giống như một câu chuyện kể.


    Quê hương khiến người đọc vô cùng xúc động, tự hào về sự hy sinh của người con gái vì độc lập dân tộc, càng tự hào về quê hương, đất nước và truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ bao đời.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Top 7

    Bài tham khảo số 5

    Chỉ với bài “Quê hương”, Giang Nam đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Đó là một sự may mắn không phải ai cũng có được trong nghề cầm bút.


    Tuy nhiên, với Giang Nam, giấc mộng thi sĩ giống như một sự sắp đặt ngẫu nhiên của số phận. Nhà thơ Giang Nam sáng tác để có thêm vũ khí cho mình trên hành trình dấn thân “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” một cách chân thành: “Tôi thấm thía một điều, cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là ngọn nguồn cảm xúc, là niềm vui và nỗi đau trong thơ tôi”.


    Năm 16 tuổi, chàng trai Nguyễn Sung đã tham gia quật khởi cùng Cách mạng Tháng Tám – 1945 tại quê nhà Ninh Hòa – Khánh Hòa. Sự chọn lựa ấy đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong đời ông. Đi với kháng chiến, Nguyễn Sung làm công tác xây dựng cơ sở, rồi theo bộ đội đánh giặc, rồi làm tuyên huấn…

    Thực tế khói lửa, thực tế sinh tử đã giúp ông làm thơ, như ông thổ lộ “trở thành nhà thơ lúc nào không biết, chủ yếu là không thể dằn lòng trước nỗi đau của bà con và nỗi đau của riêng mình”.


    Bài thơ Quê hương đánh dấu sự nghiệp thi ca của Nguyễn Sung với bút danh Giang Nam, ra đời năm 1960 ở căn cứ Hòn Du nằm phía tây thành phố Nha Trang. Bài thơ đậm chất tự sự, như được ghi chép rất thật thà về tâm trạng của tác giả khi nghe tin người vợ của mình bị giặc bắt và hy sinh ở miền Nam.

    Bài thơ gồm 35 câu, kể lại một câu chuyện dằng dặc nhớ thương giữa hai con người có chung nhiều kỷ niệm và có chung một lý tưởng. Không khí yên ả và tâm tư trong sáng làm nền cho cả bức tranh Quê hương, từ nét đẹp hồn nhiên:


    “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường

    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

    Ai bảo chăn trâu là khổ

    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

    Những ngày trốn học

    Đuổi bướm cầu ao

    Mẹ bắt được

    Chưa đánh roi nào đã khóc

    Có cô bé nhà bên

    Nhìn tôi cười khúc khích”,


    Rồi đến rung động thánh thiện:

    “Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

    Cũng vào du kích

    Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

    Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

    Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

    Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại

    Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…”


    Và đến hẹn thề thanh cao:

    “Hòa bình tôi trở về đây

    Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày

    Lại gặp em

    Thẹn thùng nép sau cánh cửa…

    Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

    Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

    Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

    Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…”.


    Ba mảng màu tươi tắn được khắc họa bởi tiếng cười khúc khích. Ba đoạn thơ chỉ mang tính thông tin, nhưng nhờ tiếng cười khúc khích mà lan tỏa thành ba ấn tượng đặc biệt!


    Tuy nhiên, ba chuỗi cười khúc khích không thể tạo ra bài thơ Quê hương, nếu không có dông tố đột ngột:

    “Hôm nay nhận được tin em

    Không tin được dù đó là sự thật

    Giặc bắn em rồi quăng mất xác

    Chỉ vì em là du kích, em ơi

    Đau xé lòng anh chết nửa con người”.


    Sự mất mát ấy gây bàng hoàng cho người đọc, và trở thành điểm nhấn để kỷ niệm bay lên, lý tưởng bay lên, câu chữ bay lên, thả lơ lửng một bài thơ Quê hương vào bầu trời thi ca Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước!


    Xét ở góc độ thẩm mỹ văn chương, bài thơ không có gì nổi bật về bút pháp và về ngôn từ. Thế nhưng, giá trị rung động của Quê hương có thật, nhờ nỗi đau có thật trong bài thơ. Nếu nói một cách chi ly, thì nhà thơ Giang Nam chỉ đóng góp một nửa bài thơ, còn nửa bài thơ kia thuộc về nhân vật nữ có tiếng cười khúc khích.


    Nhân vật nữ ấy là Phạm Thị Chiều, một người con gái làng chài, nhỏ hơn Giang Nam hai tuổi. Họ gặp nhau và yêu nhau gần đúng như bài thơ miêu tả. Những ngày chuẩn bị ký Hiệp định Geneve, họ đã làm đám cưới, rồi mỗi người một hướng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.


    Năm 1959, bà Phạm Thị Chiều cùng con gái nhỏ của họ, đã bị bắt giam ở nhà lao Phú Lợi – Bình Dương và chẳng có tin tức gì.


    Vì vậy, năm 1960, nhà thơ Giang Nam choáng váng khi có người nhầm lẫn cho biết vợ con của ông không còn nữa, và ông đã gieo xót xa riêng mình xuống trang giấy mà thành bài thơ Quê hương đầy day dứt: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”.


    Khi bài thơ Quê hương phổ biến khắp ba miền, bà Phạm Thị Chiều được trả tự do vào năm 1962, nhưng sau đó lại bị địch bắt và lưu đày ra Côn Đảo. Mãi đến năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, bà Phạm Thị Chiều mới được sum họp với nhà thơ Giang Nam. Năm 2013, nữ du kích có tiếng cười khúc khích trong bài thơ Quê hương qua đời ở tuổi 82!


    Với nhà thơ Giang Nam, cuộc đời thi ca song hành cuộc đời cách mạng. Không chỉ có bài thơ Quê hương và trường ca Ánh chớp đêm giao thừa chứng minh điều đó, mà chính nhà thơ Giang Nam còn trực tiếp khẳng định trong bài thơ Nghe em vào đại học về mạch nguồn bổ ích để sống và viết của bản thân:


    “Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt

    Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam

    Câu chuyện mở đầu: “Thuở ấy, ở quê hương

    Anh chỉ học có một trường: Cách mạng”.


    Bài thơ Quê hương nổi tiếng của Giang Nam từng được đưa vào sách giáo khoa và bao thế hệ học trò đã thuộc lòng từng câu, từng chữ… Ở đó, người đọc bị cuốn hút, ám ảnh bởi những tiếng cười khúc khích thật hồn nhiên để rồi bỗng thấy hụt hẫng khi nghe tin dữ…

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Top 8

    Bài tham khảo số 6

    Bài thơ đầu tiên đưa tên tuổi Giang Nam ra với công chúng cả nước là bài “Quê hương”. Đây cũng là bài thơ nổi tiếng nhất và có sức nặng nhất trong đời thơ của ông. Bài thơ từng được giải nhì của Báo Văn nghệ và được đưa vào sách học.


    Nội dung bài thơ Quê hương của Giang Nam viết về ký ức tuổi thơ tươi đẹp trên quê hương thanh bình, ở đó có người mẹ tảo tần hiền dịu. Có cô bé hàng xóm với nụ cười khúc khích và những kỷ niệm hồn nhiên ngây thơ thật đẹp.


    Ngay sau đó, bài thơ khắc hoạ lại hoàn cảnh chiến tranh với những tang thương mất mát. Là kháng chiến cách mạng, chàng trai phải tạm biệt mẹ già, rời quê hương đi chiến đấu. Khi đó, chàng trai gặp được cô gái cũng tham gia cách mạng, hai người gặp nhau nhưng vội vàng hành quân không nói được một lời.


    Thế rồi hoà bình lập lại, nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì chàng trai nghe tin cô gái bị địch giết hại, chàng trai đau đớn khôn nguôi như chết nửa con người. Từ đó, tình yêu đôi lứa hoà quyện vào tình yêu quê hương đất nước, mối tình thuở nhơ trở thành tình yêu nước lớn lao trong lòng chàng trai ấy.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  9. Top 9

    Bài tham khảo số 7

    Khi nghe tin vợ con bị địch giết hại năm 1960, nhà thơ Giang Nam trút niềm đau viết bài thơ "Quê hương".

    Nhà thơ Giang Nam qua đời ngày 23/1, thọ 94 tuổi, tại Khánh Hòa. Sinh thời, ông để lại gia tài đồ sộ gồm hơn 10 tập thơ và trường ca, sáu tập truyện ngắn và ký nhưng khi nhắc đến tên tuổi ông, độc giả lập tức nhớ đến bài Quê hương.


    Nguyên mẫu "cô gái nhà bên" trong thơ là vợ ông, bà Phan Thị Triều, quê ở Nha Trang. Hai ông bà cùng hoạt động cách mạng, gặp nhau tại Đá Bàn - căn cứ địa của Khánh Hòa những năm kháng chiến. Năm 1959, sau bốn năm ông bà cùng hoạt động ngầm ở Biên Hòa, nhà thơ về lại Khánh Hòa. Một đêm, địch ập vào bắt bà Triều và con gái mới sinh giải đi.


    Một buổi tối năm 1960, Giang Nam được cấp trên gọi và thông báo tin vợ và con gái ông bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi, Sài Gòn. Ngay trong đêm ấy, trong căn cứ bí mật dưới chân núi Hòn Du, phía tây thành phố Nha Trang, ông trút hết nỗi niềm vào những câu thơ: "Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi". Tưởng rằng người thân đã bị địch giết hại nhưng ba năm sau, vợ và con gái Giang Nam được thả về do không tìm ra căn cứ kết tội. Sau này, bài thơ đoạt giải nhì giải thưởng thơ năm 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ, trở thành dấu mốc trong đời thơ của Giang Nam cũng là dấu mốc lịch sử của gia đình.


    Nhà thơ Đỗ Anh Vũ cho biết tác phẩm không nằm trong sách giáo khoa của thế hệ 8x như anh, nhưng được các thầy cô giáo giới thiệu khi học chùm thơ cảm hứng về quê hương. "Tôi đọc Quê hương trong cuốn Thơ ca miền Nam, xuất bản năm 1972, vẫn lưu giữ đến giờ. Bài thơ gợi nhớ ký ức gắn với vùng nông thôn, kỷ niệm thuở chăn trâu bắt bướm, những rung động đầu đời với ngôn ngữ dung dị, dễ thương, có sức sống lâu bền, tầm phủ sóng sâu rộng", Anh Vũ nói. Nhiều thế hệ vì thế thuộc như in những câu mở đầu:


    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

    "Ai bảo chăn trâu là khổ?"

    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

    Những ngày trốn học

    Đuổi bướm cầu ao

    Mẹ bắt được...Chưa đánh roi nào đã khóc!

    Có cô bé nhà bên

    Nhìn tôi cười khúc khích...


    Nhà thơ Anh Vũ thích cách nhà thơ sử dụng một số dấu ngoặc đơn trong khổ hai và ba bài thơ. Theo anh, dấu ngoặc dùng để giải mã thêm cảm xúc về những hồi ức trong sáng của tác giả.


    Quê tôi đầy bóng giặc

    Từ biệt mẹ tôi đi

    Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

    Cũng vào du kích

    Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

    Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)


    Từ câu chuyện riêng tư, nhà thơ đã đề cập đến câu chuyện chung của dân tộc trong phần sau, khiến người đọc xúc động mạnh mẽ khi yếu tố "bi" nằm trong yếu tố "hùng".


    Hôm nay nhận được tin em

    Không tin được dù đó là sự thật

    Giặc bắn em rồi quăng mất xác

    Chỉ vì em là du kích, em ơi!

    Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

    Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

    Có những ngày trốn học bị đòn roi...

    Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

    Có một phần xương thịt của em tôi


    Nhà thơ Anh Ngọc nhớ năm 1960, khi đất nước vẫn trong thời kỳ bị chia cắt sau Hiệp định Genève, tác phẩm vượt vĩ tuyến trở ra Bắc, được người đọc và giới phê bình hưởng ứng. Theo ông, tác phẩm là "một bản tình ca thời chiến" nằm chung mạch cảm xúc với bài Núi đôi của Vũ Cao, cùng kể câu chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, bị chia cắt bởi sinh tử, khói lửa.


    Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định nhà thơ đã nâng tầm định nghĩa về tình yêu quê hương: "Quê hương không chỉ là khung cảnh thanh bình, là tuổi thơ đẹp đẽ mà là máu thịt của bao thế hệ đã ngã xuống để gìn giữ hòa bình. Truyền đạt tư tưởng lớn nhưng câu chuyện trong thơ ông dung dị, giàu cảm xúc, với lối viết tự nhiên đi vào lòng người", ông Nguyên nói.


    Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng vì những thay đổi của thời đại, Quê hương không còn trong sách giáo khoa chương trình phổ thông, nhưng sức sống, vẻ đẹp của bài thơ vẫn nằm trong tâm tưởng nhiều thế hệ độc giả. Trên VnExpress, nhiều độc giả bình luận tuổi thơ gắn với hình ảnh người mẹ, giàn mướp, cầu ao trong bài thơ. Từ Pháp, nghe tin nhà thơ Giang Nam qua đời, độc giả Phạm Ngọc Hữu cảm tác:


    "Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường

    Bài thơ anh thuộc từ thời cắp sách

    Mà giữa Paris nghe tiếng thơ da diết

    Sao bỗng thấy bồi hồi như gặp lại người thân"


    Nguồn: Hà Thu (vnexpress.net)

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy