Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong "Chiếc thuyền ngoài xa" bài 4

Nhà văn Nguyễn Minh Châu thực sự đã trở thành một trong những người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học nước nhà sau năm 1975. Khuynh hướng sáng tác văn học của ông trong giai đoạn này thường hướng về cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh mà tiêu biểu là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Bằng một tình cảm dạt dào với tấm lòng thiết tha hiểu đời, hiểu nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu không chỉ cho người đọc thấy được mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa sự lam lũ của cuộc sống và tình người bao la, mà còn lên tiếng tố cáo, đấu tranh cho một vấn nạn đầy bức xúc và nhức nhối trong xã hội: đó là bạo hành trong gia đình.


Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc “thấy” được biết bao triết lí nhân văn cũng như đạo đức luân lý. Bạo lực gia đình trong “Chiếc thuyền ngoài xa” hiện lên một cách quá đỗi ngạc nhiên và ngỡ ngàng qua con mắt luôn chứa chan vẻ đẹp từ nghệ thuật của nhân vật Phùng. Phùng, và hẳn là nhiều bạn đọc đã bức bối trong lòng biết bao khi phải chứng kiến cảnh bạo hành này. Đó là hình ảnh một người chồng, người cha vũ phu đánh vợ mình với chiếc thắt lưng một cách tàn bạo, vừa đánh vừa nhục mạ người đàn bà khốn khổ đó. Cảnh tượng hiện lên hệt như những trận đòn roi thời Trung cổ khiến người ta phải rùng mình khi nghĩ đến. Thông qua cảnh tượng quá đỗi tàn ác ấy, Nguyễn Minh Châu không chỉ dẫn dắt người đọc đi tìm hiểu thân thế người đàn bà hàng chài, mà còn cho ta thấy được biết bao là sự đời, nhân tình thế thái mà con người ta cần phải hiểu. Phải chăng vì mang hình dáng xấu xí, thô kệch, thất học hay vì cuộc sống quá lam lũ, lầm than mà người chồng đã đã đánh người vợ mình như thế. Anh ta đánh chửi ác nghiệt tới nỗi người vợ phải xin chồng cho mình lên bờ rồi hãy đánh tiếp, để các con không phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ. Thật tội nghiệp biết bao khi bức màn về cuộc đời và số phận người phụ nữ hàng chài được hé mở. Làm sao có thể sống mà mưu sinh trên vùng biển này khi không có một người đàn ông, dù cho hắn ta có đối xử như một con dã thú? Phải sống vì con cái, sống để chúng được nên người là niềm hạnh phúc của chị ta – tuy nhỏ nhoi nhưng thật cao thượng! Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà làng chài khép lại ở đó, nhưng hẳn sẽ còn để lại trong lòng độc giả bao ngổn ngang, suy tư về cuộc sống, nhất là về nạn bạo hành gia đình trong xã hội ngày nay.


Có thể hiểu bạo lực gia đình là những hành vi của thành viên này tác động vào thể xác, tinh thần, kinh tế của thành viên khác nhằm thỏa mãn mong muốn cá nhân. Bạo lực gia đình luôn tồn tại song song, dai dẳng cùng sự phát triển của xã hội, phát triển gia đình. Bạo lực gia đình thường xuất hiện dưới ba kiểu khác nhau. Đó là: bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần và bạo lực về kinh tế. Bạo lực về thể xác thường thấy ở nông thôn hay ở nơi có điều kiện kinh tế kém phát triển, còn khó khăn, gian khổ kéo theo sự kém hiểu biết về văn hoá. Bạo lực về thể xác thường để lại thương tích trên cơ thể người phải chịu bạo lực, do đó nó rất dễ nhìn thấy, phát hiện. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đề cập đến tình trạng bạo lực về thể xác trong cuộc sống bấp bênh trên biển của một gia đình làng chài. Chỉ vì cuộc sống cơm áo gạo tiền mà người chồng đã từ một người hiền lành trở nên vũ phu với vợ con.


Trái với bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần không dễ gì thấy rõ được mà diễn ra âm thầm giữa các thành viên trong gia đình. Bạo lực về tinh thần lại thường xảy ra ở nơi có cuộc sống đầy đủ, có nhận thức, có văn hoá cao như ở thành phố, đô thị… Tuy nhiên, loại bạo lực này để lại những vết thương lòng không bao giờ lành hẳn như những nỗi đau đớn về thể xác. Nó để lại những căn bệnh về tinh thần mà kéo theo đó là nhiều căn bệnh khác.


Bên cạnh đó, bạo lực về kinh tế cũng xuất hiện trong nhiều gia đình. Nó kéo theo sự mất bình đẳng giữa vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình bởi lối suy nghĩ ai nắm kinh tế thì cũng nắm mọi quyền hành trong gia đình. Đôi khi, còn xuất hiện hiện tượng người có thu nhập cao hơn không tôn trọng người có thu nhập thấp hơn.


Bạo lực gia đình xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do nhận thức của người Á Đông vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Tiếp theo có lẽ là do nền kinh tế vẫn còn nghèo, chưa phát triển mạnh. Bạo lực gia đình thường là do người đàn ông gây ra, song không phải là người phụ nữ không có lỗi. Lỗi của người phụ nữ là chấp nhận, cam chịu, không lên tiếng vì nghĩ về con, hy sinh cho con. Đó là một nhận thức sai lầm. Người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một ví dụ điển hình. Thuở còn trẻ, sau một cơn đậu mùa, mặt bà bị rỗ và trở nên xấu xí, không ai thèm lấy. Vì thế, đối với bà, người đàn ông lấy bà chính là ban ơn cho bà. Do đó, bà chấp nhận thỏa thuận phi lí: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Bà hi sinh như thế để mong con cái mình không thù ghét bố bởi bố đã đánh mẹ chúng. Bà cắn răng chịu những trận đòn roi trong khi có thể tránh hoặc chạy trốn.


Nhưng trên thực tế, bạo lực gia đình đã xảy ra thì không tránh khỏi hậu quả. Nó dẫn đến việc giảm chất lượng cuộc sống như gia đình, thậm chí gia đình bị chia rẽ, tan vỡ… Hơn nữa, nó có thể dẫn đến một thế hệ hư hỏng từ trong gia đình. Như trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy hậu quả lớn nhất từ bạo lực gia đình: đó là thằng Phát – con của hai vợ chồng làng chài – đã đánh lại cha nó. Điều tồi tệ nhất là người mẹ phải chứng kiến việc đó. Như vậy, dù là bất cứ bạo lực, mâu thuẫn gì trong gia đình thì con cái vẫn luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Bạo hành gia đình không chỉ là một khái niệm để chỉ các hành vi bạo lực trong gia đình, mà nó còn là một vấn nạn mà một xã hội văn minh không thể chấp nhận tồn tại với nó. Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc “thấy” được biết bao triết lí nhân văn cũng như đạo đức luân lý.


Trên thế giới, ngày 25 tháng 11 hằng năm đã trở thành ngày phòng, chống bạo lực gia đình. Rõ ràng nhân loại đã nhận thức rất đúng đắn về hậu quả của bạo lực gia đình trong gia đình nói riêng và trong xã hội nói chung. Để quét nạn bạo hành trong gia đình ra khỏi xã hội này, mỗi chúng ta phải có hành động thiết thực, phải có sự đoàn kết một lòng, nhất là từ phía người phụ nữ. Họ đang sống trong một xã hội bình đẳng giới, họ được hưởng mọi quyền lợi, bình đẳng như đàn ông; họ có quyền được hưởng mọi sự công bằng, họ cần cương quyết và cứng rắn hơn để không biến mình thành nạn nhân của bạo lực gia đình! Tất cả chúng ta hãy cùng lên tiếng chống lại bạo lực gia đình. Hãy lên tiếng bảo vệ những nạn nhân và tố cáo, lên án những kẻ gây ra bạo lực gia đình, đưa bạo lực gia đình ra ánh sáng của công lý, của công bằng xã hội. Cộng đồng và xã hội phải luôn tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát triển toàn diện, không một ai là nạn nhân của thất học, không một ai là nạn nhân của thất nghiệp. Cuộc sống ấm no về vật chất sẽ là nền móng vững vàng cho những tiến bộ về tinh thần.


Đối với từng “tế bào” của xã hội, tức là đối với từng gia đình, từng tổ ấm, thì mồi thành viên phải cùng sống chan hòa, yêu thương lẫn nhau. Điều quan trọng hơn cả chính là sự hiểu nhau, có hiểu nhau thì ta mới có thể thông cảm cho hoàn cảnh của người khác. Những người làm cha, làm mẹ cần nghĩ đến những hành vi của mình ảnh hưởng như thế nào tới tâm hồn trẻ thơ, không được phép để con trẻ phải chịu tổn thương mà cần xem xét lại chính mình. Còn những người con trong gia đình không bao giờ được phép quên đi công lao sinh thành của cha mẹ. Chúng ta hãy sống là những người con hiếu thảo, hãy hiểu bao nỗi thấm khổ, nhọc nhằn của người làm cha, làm mẹ, hãy học cách làm một người con ngoan, để mai sau trở thành một công dân tốt.


“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu để lại biết bao bài học cho mỗi người. Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài mở ra cho mỗi chúng ta những suy nghĩ đau đáu về cuộc đời và hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình. Bạo hành trong gia đình - vấn đề nhức nhối của mỗi cộng đồng, mỗi đất nước liệu có bao giờ kết thúc? Câu trả lời nằm ở mỗi chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi tin rằng chúng ta sẽ là những thế hệ mang đủ niềm tin, nghị lực và ý chí để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp hơn. Hạnh phúc gia đình là động lực cho sự thành công của mỗi con người, là sự thịnh vượng của mỗi xã hội, là bằng chứng văn minh cho sự tiến bộ của loài người.

Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong
Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong "Chiếc thuyền ngoài xa" bài 4
Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong
Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong "Chiếc thuyền ngoài xa" bài 4

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy