Tạo trật tự khoa học cho bài viết

Sau khi đã nắm vững kiến thức rồi thì điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thể hiện kiến thức lên bài viết một cách hiệu quả nhất. Như các bạn đều biết, khối lượng bài thi trong kỳ thi THPTQG là cực kì lớn, và chắc chắn không phải giám khảo nào cũng sẽ đọc kĩ 100% nội dung bài thi của thí sinh. Chính vì vậy trình bày khoa học và rõ ràng là một điểm cộng rất lớn cho bài thi của bạn trong tất cả các môn học, không chỉ riêng môn Văn.
Phần đọc - hiểu có phần phân bố điểm nhỏ theo từng ý, nên để không mất điểm trong phần này các bạn nên chú ý trình bày rõ ràng, ngắn gọn, các câu trả lời ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy hoặc liệt kê theo dạng gạch đầu dòng. Còn riêng về phần viết vốn được quy định theo 3 phần mở bài, thân bài và kết bài thì nên chú ý trình bày như sau:
  1. Mở bài: Đây thường là phần được đầu tư kĩ càng vì thí sinh chưa cảm nhận được áp lực thời gian cũng như quyết định mạch cảm xúc của cả người viết lẫn người đọc, nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều thí sinh thường mắc lỗi diễn đạt dài dòng ở phần này. Một phần mở bài ghi điểm theo yêu cầu chỉ cần nêu lại yêu cầu đề bài bao gồm cả phần trích dẫn nếu có (trừ khi trích dẫn cả bài thơ hoặc yêu cầu phân tích một đoạn văn bản), các bạn có thể dùng tên tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác để tạo phần mở rõ ràng và đủ ý, đồng thời dùng giá trị nhân văn hoặc giá trị văn học của tác phẩm để liên kết tự nhiên với phần thân bài, nhưng nhớ là chỉ cần mở bài 5 - 7 dòng là đủ rồi nhé.
  2. Thân bài: Chiếm khối lượng lớn nhất cũng như là mặt trận chính để bạn chinh chiến với khối lượng kiến thức đồ sộ được học để chọn lựa ra những kiến thức phù hợp với yêu cầu đề bài. Trong phần này điều quan trọng nhất là phân bố thành nhiều đoạn nhỏ mang ý chính, vì người đọc sẽ nhanh chóng lướt qua bài làm của bạn để tìm ra những ý chính đúng với yêu cầu đề bài. Đặt ý chính ở đầu câu sau đó viết theo lối diễn dịch là cách đơn giản nhất để giám khảo có thể nhìn thấy ngay nội dung bạn sẽ diễn đạt, nhờ đó mà không có một ý nào bị bỏ sót. Tùy theo yêu cầu đề bài mà sẽ có nhiều cách chia đoạn khác nhau, tuy nhiên các đoạn trong thân bài không nên quá ngắn, cũng không nên quá dài và nên có sự cân bằng khối lượng giữa các đoạn sẽ tạo thiện cảm về hình thức cũng như đảm bảo phân bố thời gian cho thí sinh.
  3. Kết bài: Đây thường là phần ít đầu tư nhất vì áp lực thời gian cũng như hầu hết câu chữ đã được sử dụng hết cho phần thân bài, vậy nên phần kết bài luôn là phần khó khăn đối với các thí sinh, thậm chí bị bỏ sót. Để tránh tình trạng mất điểm ở phần này, cần ghi nhớ kết bài đạt tiêu chuẩn yêu cầu thí sinh khẳng định hoặc phủ định quan điểm được đưa ra trong đề bài (đối với NLXH) hoặc giá trị nhân đạo được nhắc đến trong đề bài (đối với NLVH) và bài học cá nhân mà người viết rút ra. Nhớ là để dành những ý trên cho phần kết bài để tiết kiệm thời gian cũng như không bị trùng lặp ý và thiếu ý nhé.

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy