Top 10 Tiết mục văn nghệ trung thu cho trẻ mầm non hay nhất
Trung Thu đang đến rất gần, chắc hẳn nhiều em nhỏ đang cảm thấy nôn nao và trông đợi ngày Tết đặc biệt này. Tại các trường học, công việc chuẩn bị cho những ... xem thêm...tiết mục văn nghệ trong đêm rằm tháng Tám cũng đang được lên kế hoạch. Và trong bài viết ngày hôm nay, Toplist sẽ giới thiệu đến bạn danh sách các tiết mục văn nghệ trung thu cho trẻ mầm non hay nhất.
-
Tiết mục múa: "Chú cuội chơi trăng"
"Chú Cuội chơi trăng tình rằng tình rằng
Chú Cuội, Cuội chơi trăng
Ngàn năm ngàn năm vẫn thế
Chơi trăng chơi trăng dông dài
Cuội hỡi hỡi Cuội ơi, Cuội hỡi hỡi Cuội ơi
Vui cảnh đồng quê ban khi vui cảnh đồng quê
Bỗng đâu Cuội muốn lên tiên lên tiên thoát trần
Ai ngờ lên trăng, Cuội ngồi Cuội ngồi gốc đa
Một mình ngậm ngùi xót xa
Đói lòng chẳng có gì ăn
Chúng bạn chẳng có mà chơi
Cuội ơi rau cháo thương nhau
Còn hơn lên tới cung trăng mà ngồi một mình.""Chú cuội chơi trăng" chắc hẳn là một bài hát đã không còn quá xa lạ đối với các bạn nhỏ mỗi dịp trung thu về. Đây là một sáng tác của cố nhạc sĩ An Thuyên. Với giai điệu nhẹ nhàng, bài hát thể hiện nét vui tươi, nhí nhảnh của lứa tuổi thiếu nhi. Bài hát mở ra cánh cửa thế giới cổ tích với cảnh làng quê thanh bình có cánh đồng xanh bát ngát, những cánh diều no gió, à ơi câu hát mẹ ru về câu chuyện chị Hằng, chú Cuội… Với bài hát này, thường thì các cô giáo sẽ xây dựng thành các bài múa với những động tác nhí nhảnh, thêm vào chút hoạt cảnh và tất nhiên sẽ không thể thiếu được chú Cuội (người vào vai sẽ là một bé trai).
-
Tiết mục múa: "Lên thăm chị Hằng"
"Đêm nay đẹp làm sao trăng nghiêng vào cửa sổ
Em không ngủ được đâu mải ngắm trăng trời cao
Em muốn làm phi công du hành đến mặt trăng
Em muốn cưỡi phi thuyền lên viếng thăm chị hằng
Chị Hằng Nga ơi ,nào múa hát cùng chúng em
Chị Hằng Nga ơi ,cùng chúng em vui rước đèn
Là la la lá la la la lá là."
Lễ trung thu là ngày hội được rất nhiều đứa trẻ mong chờ. Hình ảnh ngày trung thu luôn mang đượm không khí cổ tích với chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc, với mâm cỗ trông trăng, với hình ảnh cây đa huyền thoại… Và tất nhiên, trong vô vàn những hình ảnh đặc trưng của ngày hội trăng rằm không thể thiếu chú Cuội lém lỉnh và chị Hằng xinh đẹp. Bên cạnh chú Cuội, thì chị Hằng là nhân vật rất được các bé mong đợi vào đêm trung thu. Hình ảnh chị Hằng dịu dàng xinh đẹp với chú thỏ Ngọc trên tay, dù chỉ là tưởng tượng nhưng các bé luôn mơ ước sẽ có ngày được trò chuyện, vui chơi cùng chị Hằng. Và tiết mục múa: "Lên thăm chị Hằng" dường như đã nói lên tất cả những điều ấy. Trong tiết mục này sẽ có sự kết hợp giữa các cô và các bé, có thể một cô và nhiều bé, hoặc nhiều cô và một bé, có thể sử dụng thêm đạo cụ là quạt múa hoặc bông hoa để tăng sự sinh động.
-
Tiết mục múa: "Cây đa quán dốc"
Cây đa từ lâu đã đi vào lời ru, tiếng hát của các bà, các mẹ bởi mang một biểu tượng của làng quê Việt Nam. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sức sống trường tồn và dẻo dai vượt thời gian. Cây đa như một minh chứng của thời gian, chứng kiến sự đổi thay của con người, đất trời. Vì thế, bài hát Cây Đa Quán Dốc ra đời như để gợi đến cho mọi người những hình ảnh rất quen thuộc của người dân đồng bằng Bắc bộ, trong các làng xóm như hình ảnh về cây đa đầu làng, quán dốc, miếng trầu, con chim khách, các cô gái má hồng...
Lời bài hát vừa thể hiện được những nét đặc trưng trong văn hóa sinh hoạt của người dân vừa có nhịp điệu, đem lại cho người nghe rất nhiều cảm xúc và như gợi lại những kỉ niệm khi sinh sống ở làng quê yên bình. Và chắc chắn sẽ là sự thiếu xót nếu liệt kê các bài múa đêm trung thu mà lại bỏ qua bài hát này, đây cũng là sự lựa chọn mà nhiều cô giáo mầm non dành cho các tiết mục của lớp mình.
-
Tiết mục văn nghệ: "Vầng trăng cổ tích"
Bên cạnh hình ảnh múa lân, rước đèn, tiếng trống rộn ràng thì vầng trăng sáng rực trên bầu trời đêm Trung thu là một hình ảnh vô cùng quen thuộc trong biết bao bài hát, tiết mục văn nghệ. Và bài hát "Vầng trăng cổ tích'' cũng không ngoại lệ, đây là một ca khúc vô cùng quen thuộc với mọi đứa trẻ Việt Nam và được vang lên cứ mỗi khi Trung Thu về. Bài hát sở hữu giai điệu trong sáng, hồn nhiên ca khúc này như một câu chuyện nhỏ đầy thú vị của một em bé khi đang ngồi ngắm trăng. Những hình ảnh tượng trưng cho tết Trung Thu như chú cuội, cây đa, vầng trăng xuất hiện trong bài hát càng làm cho người nghe cảm thấy đây thật sự là một đêm trăng bình yên mang một vẻ đẹp đầy chất thơ.
Và với bài hát này, các cô giáo có thể xây dựng tiết mục đơn ca, hay múa tập thể đều sẽ rất tuyệt vời. Trang phục màu sắc bắt mắt cùng các động tác múa dễ thương của bé, chắc chắn đây sẽ là tiết mục mà ai ai cũng mong đợi.
-
Tiết mục nhảy hiện đại: Rước đèn tháng 8
Khuấy động không khí với tiết mục nhảy hiện đại "Rước đèn tháng 8'' cũng là một ý tưởng không tồi cho đêm trung thu tại các trường mầm non.
''Rước đèn tháng Tám'' do nhạc sĩ Đức Quỳnh sáng tác, đã làm sống lại kỷ niệm tuổi thơ của biết bao người cứ mỗi dịp Trung Thu đến, gợi nhớ về ký ức lại được tung tăng rước đèn đi chơi. Bài hát được nhiều thế hệ thiếu nhi học thuộc lòng, gắn liền với hoạt động múa rước trong đêm hội trăng rằm. Mỗi lần giai điệu “Rước đèn tháng Tám” vang lên, ai ai cũng như sống lại trong không khí rộn ràng với điệu múa lân, cùng tiếng trống “Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh". Ca khúc này được nhạc sĩ Đức Quỳnh sáng tác đúng thời khắc các em nhỏ vui chơi đón Trung Thu. Sau hơn 50 năm ra đời, cho đến nay vẫn là bài hát ý nghĩa dành cho thiếu nhi. Ca khúc đã diễn tả đầy đủ niềm vui sướng, hân hoan của trẻ thơ trong đêm hội trăng rằm và thường được lựa chọn để làm các tiết mục ca, múa trung thu mầm non.
-
Tiết mục văn nghệ: "thằng Cuội''
Một bài hát khác dành cho thiếu nhi vui đêm Trung thu được liệt vào hàng kinh điển là Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương (đã mất năm 1996). Bài hát này không chỉ cuốn hút thế giới tuổi thơ mà còn hấp dẫn cả những người lớn tuổi bởi giai điệu trong sáng, ca từ dễ thương và ngộ nghĩnh: "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ. Lặng yên, ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi? Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to...". Bài hát được NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1953. Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm nói: "Hồi nhỏ, tôi rất khoái khi hát đoạn 3 của bài hát: Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ... Đền công cho gió nỉ non, trời cho sao chiếu ngàn muôn. Có con dế mèn...". Còn nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan thì tâm sự: "Tôi thực sự cảm phục nhạc sĩ Lê Thương bởi ông đã sáng tác bằng cảm xúc, con tim và ánh mắt trẻ thơ. Ông gợi cho chúng những hình ảnh của thế giới cổ tích, thần thoại khi nhìn lên vầng trăng thấy có in hình cây đa, chú Cuội rồi kích thích trí tưởng tượng của chúng".
Sử dụng nền nhạc của bài hát này cho tiết mục nhảy đêm trung thu cũng đã được một số cô giáo mầm non áp dụng cho học sinh của mình. Và tất cả các bé đều rất hứng thú khi tham gia tiết mục này cũng như luôn tạo nên hiệu ứng đặc biệt cho người xem, vì ký ức tuổi thơ như ùa về.
-
Bài múa trung thu vui nhộn: Ông Tiên Vui
"Ông tiên vui ông có cái râu dài
Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây
Ông tiên vui ông thường hay nói dối
Chốn thiên đinh chẳng có tháng ngày trôi
Ông tiên vui ông có cái căn nhà
Bên lưng đồi thường khi ông nghé qua
Hôm em lên ông chợt đi đâu vắng
Khiến em buồn em nhớ đến ngẩn ngơ
Ông tiên vui nên tính hay đùa
Em xin quà ông hứa sẽ mua cho
Ông tiên vui ông thường cho em bánh
Bánh thơm bằng sương mát với ngàn hoa"
Không nằm ngoài danh sách này, Ông Tiên Vui cũng là một bài hát tuyệt vời cho các tiết mục múa đêm trung thu. Ông Tiên Vui là một trong những ca khúc thiếu nhi hiếm hoi do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1965. Với giai điệu, ca từ vui nhộn, chắc chắn rằng ca khúc này sẽ tạo nên hiệu ứng đầy bất ngờ, khiến đêm hội thêm tưng bừng, náo nhiệt. Đây đồng thời cũng là ca khúc luôn được hát vang và trình diễn trong mỗi dịp văn nghệ mừng đêm Trung thu hay trong các hội diễn, hội thi âm nhạc.
-
Bài múa trung thu: Bé thương ông địa
"Ơi ông địa có cái bụng ngộ ghê
Cầm cái quạt ông nhảy múa say mê
Ơi ông địa có gương mặt thật duyên
Ông mãi cười
Như không biết mỏi miệng
Đi xem múa lân
Hay là xem múa rồng
Em thích nhất ông địa
Vì ông địa rất vui
Ông địa không dám trèo cao
Như lân như rồng
Ông đứng múa dưới đường
Trông mặt thấy mà thương."
Ông Địa là người mang lại niềm vui tết Trung Thu cho mọi người. Giữa tiếng trống tiếng chiêng nhộn nhịp, ông nhảy múa với khuôn mặt không bao giờ tắt nụ cười. Chưa bao giờ một đứa trẻ Việt Nam nào thấy ông Địa không cười. Nụ cười của ông không chỉ ở trên khuôn mặt mà còn hiển hiện trong bộ quần áo xanh đỏ lộn xộn, cái bụng phệ đáng yêu và nhất là điệu nhảy tung tăng với chiếc quạt bên những chú lân, cùng những tràng pháo đang nhoáng lửa nổ vang lừng.
Chính vì thế, ca từ và giai điệu khá vui nhộn của "Bé thương ông địa" cũng sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng cho các tiết mục múa trung thu cho bé mầm non. Với bài này, ngoài các động tác múa, các cô nên chú ý về trang phục sao cho phù hợp, và đẹp mắt, đặc biệt không thể thiếu hình ảnh ông địa cùng lân sư rồng, chắc chắn sẽ tạo nên những hiệu ứng tuyệt vời cho cả tiết mục.
-
Bài múa trung thu sôi động: Về miền cổ tích
"Theo dấu xưa vó ngựa hồng vượt qua muôn núi cao
Qua suối sâu thác ghềnh, về với quê hương trầu cau
Tay nắm tay với nụ cười mời bạn cùng về đây
Ta đến thăm những đền đài, đến thăm miền cổ tích
Về miền cổ tích, tính tính tang cây đàn Thạch SanhVề miền cổ tích, có cây đa chú Cuội ngồi không
Về miền cổ tích, cô bé ngoan và bông cúc trắng
Về miền cổ tích, cô Tấm trong trái thị đi ra
Trăng sáng vua ngắm nhìn kìa chị Hằng Nga rất xinhXanh vỏ nhưng đỏ lòng, ồ trái dưa trên đảo hoang
Se cát ơi dã tràng một đời cần cù xong chưa?
Ăn khế ta trả vàng nào vút bay về biển xa."
Mỗi câu chuyện cổ tích đều mang đậm giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Các câu chuyện cổ tích vẫn còn mãi luôn mang đậm dấu ấn trong lòng các bạn nhỏ, cũng như những mùa tết Trung thu vậy. Chính vì thế, Về miền cổ tích là bài hát được sử dụng khá nhiều trong các tiết mục múa trung thu của các bé mầm non.
Với giai điệu tươi vui ngập tràn màu sắc tuổi thơ với các nhân vật cổ tích quen thuộc là: thạch sanh, cây đa, chú cuội, bé ngoan và bông cúc trắng, cô Tấm, trái thị,.. bài hát thật sự đã mang lại không khí rộn ràng cho đêm rằm thêm thú vị. Các động tác múa linh hoạt theo giai điệu của bài hát chắc chắn sẽ làm các bé thích thú.
-
Tiết mục văn nghệ: Chiếc đèn ông sao
''Chiếc đèn ông sao'' là một ca khúc đã quá đỗi quen thuộc đối với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam cứ vào mỗi dịp Trung Thu về. Bài hát này được Phạm Tuyên sáng tác vào Trung Thu năm 1956 với tất cả niềm yêu mến thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Giai điệu tiếng trống rộn ràng cùng không khí tràn ngập màu sắc vui tươi, yêu đời của ca khúc đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ trẻ em đất nước Việt. Trải qua hơn 60 năm, bài hát vẫn có sức sống mãnh liệt, được nhiều thế hệ say mê hát. Đây vẫn được xem như một bài hát Trung Thu sống mãi với thời gian. Có thể nói, nếu thiếu giai điệu quen thuộc của ca khúc này thì cũng đồng nghĩa mất đi cái không khí của đêm hội trăng rằm. Với ca từ giản dị, thân thuộc, ''Chiếc đèn ông sao'' đã thực sự chiếm trọn trái tim của biết bao em nhỏ và kể cả các cụ già.
Và với nền nhạc của bài hát này, chúng ta có thể xây dựng một tiết mục ca, múa thật đặc sắc cho các bé và đừng quên thứ đạo cụ quan trọng đó chính là những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu.