Tránh đổ vỡ, cãi cọ
Ngày Tết, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình. Ngoài ra, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết. Theo quan niệm dân gian, cãi nhau ngày Tết là dấu hiệu một năm gia đình có nhiều việc cần phải làm và cãi nhau ngày Tết không chỉ ảnh hưởng đến phong thủy trong nhà, mà còn khiến vợ chồng lục đục, mất vui khi Tết đến xuân về. Bên cạnh đó, ông cha ta rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm vì đổ vỡ đó như báo hiệu sự chia cắt, đứt lìa, điều không thuận lợi trong các mối quan hệ trong năm mới.
Thực tế, Tết là dịp vợ chồng dễ có mâu thuẫn nhất. Từ việc mua sắm trước Tết, mua quà cho họ hàng, dọn dẹp nhà cửa, đến việc ăn Tết nội ngoại… đều có thể nảy sinh vấn đề khiến vợ chồng cãi vã. Dù là vợ chồng lâu năm cũng phải đối mặt với những vấn đề này. Giải pháp cho các cặp vợ chồng là khi Tết đến, hãy cảm thông và lắng nghe cho nhau nhiều hơn. Một năm chỉ có một dịp Tết, để nghỉ ngơi, sum vầy, cùng nhau đón năm mới. Nhiều việc thế nào thì nếu cả hai cùng đồng lòng cũng sẽ nhanh hơn. Chưa hiểu cho nhau chuyện gì, thì từ từ nói cùng nhau. Ai cũng muốn gần gia đình của mình, nhưng quan trọng nhất là nghĩ cho nhau.