Tư Mã Ý
Tiếp tục là một nhân vật khác của nước Ngụy, đó là Tư Mã Ý. Tư Mã Ý không chỉ đơn giản là một danh thần nước Ngụy mà còn là ông tổ của nhà Tấn. Cháu nội của Tư Mã Ý, dưới sự "dọn đường" của ông và cha, đã phế truất vua nhà Tào để lên ngôi, lập ra nhà Tấn, nhất thống trung nguyên, kết thúc thời kỳ tam quốc.
Tư Mã Ý, tự Trọng Đạt, là hậu duệ của nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên. Ông sinh ra trong gia đình văn thân có tám anh em, tất cả đều có chữ "Đạt" trong tên tự và đều thành công, gọi là "Bát Đạt Tư Mã". Dưới thời Tào Tháo, Tư Mã Ý chưa thực sự có ảnh hưởng lớn. Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo không tin tưởng Tư Mã Ý vì cho rằng đây là con người xảo quyệt, không đáng tin cậy. Tuy nhiên dưới thời Tào Phi và Tào Duệ, Tư Mã Ý trở thành một nhân vật vô cùng quan trọng. Với tài năng của mình, Tư Mã Ý không những đã đứng ra chống lại các cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng, khiến cho Gia Cát Lượng sáu lần đánh Kỳ Sơn không thành, mà còn tạo ảnh hưởng, gây dựng quyền lực cho nhà Tư Mã.
Có nhiều ý kiến về Tư Mã Ý. Có người cho rằng Tư Mã Ý là kẻ giảo hoạt, âm mưu, có người lại cho rằng Tư Mã Ý là người tài giỏi, biết ẩn mình chờ thời thế, biết cương nhu đúng lúc để giành lại đại cục sau này. Tuy nhiên ta không thể phủ nhận Tư Mã Ý và dòng họ Tư Mã có công rất lớn trong việc kết thúc thời đại tam quốc, nhất thống Trung Hoa. Tài năng và chiến lược ẩn mình của Tư Mã Ý cũng khiến nhiều người nể phục và yêu thích.