Top 10 Nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Tam Quốc Diễn Nghĩa là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc và thế giới. Trong Tam quốc Diễn Nghĩa có rất nhiều nhân vật tài giỏi với nhiều tính cách, ... xem thêm...được nhiều người yêu thích. Hãy cùng Toplist điểm mặt Top 10 nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa nhé.
-
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, có lẽ không nhân vật nào được nhắc đến và được yêu thích nhiều như Gia Cát Lượng. Dù đến tận nửa truyện mới xuất hiện, Gia Cát Lượng vẫn là một nhân vật quan trọng, nổi tiếng, được nhiều người yêu thích nhất.
Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, có biệt danh là Ngọa Long tiên sinh, là một mưu sĩ ẩn cư nơi rừng núi, thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người ta thường nói rằng "Ngọa Long, Phụng Sồ, có được một trong hai vị ắt định được thiên hạ". Lưu Bị đã phải ba lần tới mời mới có thể gặp và thuyết phục được Gia Cát Lượng. Có được Gia Cát Lượng làm quân sư, Lưu Bị từ một sứ quân bị Tào Tháo truy đuổi phải chạy khắp nơi, đã có được nhiều chiến thắng, dần dần lấy được Kinh Châu rồi Xuyên Thục để xây dựng nước Tây Thục hùng mạnh, cùng Đông Ngô và Bắc Ngụy tạo thành thế chân vạc của thời tam quốc.
Gia Cát Lượng sở dĩ được người đời yêu thích là bởi tài trí của ông. Gia Cát Lượng tài trí hơn người, ứng xử khéo léo, đã không biết bao phen đánh bại quân Tào Tháo hùng mạnh, chiến thắng mưu kế hiểm độc của Chu Du, góp công làm nên trận thắng Xích Bích oanh liệt, giúp Lưu Bị lấy Kinh Châu rồi Xuyên Thục, bảy lần đánh Mạnh Hoạch, sáu lần đánh Kỳ Sơn... Toàn bộ những chiến công lừng lẫy ấy đều có được nhờ mưu trí tuyệt đỉnh của Gia Cát Lượng, đưa Gia Cát Lượng thành nhà quân sự hàng đầu và cũng là người đứng đầu trong Top 10 nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
-
Quan Vũ, hay còn gọi là Quan Công, có tên tự là Vân Trường, là một trong ba huynh đệ kết nghĩa vườn đào, cùng với Lưu Bị và Trương Phi. Cũng như Trương Phi, Quan Vũ đi theo phò tá huynh trưởng Lưu Bị, là cánh tay đắc lực của Lưu Bị và là người đứng đầu "Ngũ hổ tướng" nước Thục.
Quan Vũ được mọi người yêu thích bởi tính cách trung nghĩa, hào kiệt, cũng như tài năng chiến trận của mình. Là người đứng đầu "Ngũ hổ tướng", Quan Vũ có võ công phi thường, một mình địch trăm người, lập nên nhiều chiến tích oanh liệt. Có thể kể đến đó là trảm Nhan Lương, chém Văn Xú; một mình qua ải chém sáu tướng; góp công giúp Lưu Bị chiếm Xuyên Thục và giữ Kinh Châu. Quan Vũ chính là mãnh tướng mà Tào Tháo khao khát muốn có, nhưng vì tính trung dũng của mình mà Quan Vũ nhất thiết không chịu, chỉ một lòng một dạ với huynh trưởng mà thôi.
Quan Vũ khi chết đi đã hiển thánh, được người đời sau hết sức kính nể, thờ phụng rất nhiều. Có thể nói Quan Vũ là nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, chỉ sau Gia Cát Lượng. Tuy vậy, Quan Vũ vẫn nhận nhiều lời phê bình về tính kiêu căng, ngạo mạn từ các sử gia.
-
Cũng như Quan Vũ, Triệu Vân, tự Tử Long, là một trong "Ngũ hổ tướng" nước Thục và là cận thần thân thiết nhất của Lưu Bị. Khác với Quan Vũ dù giỏi nhưng kiêu ngạo, Triệu Vân lại là một hổ tướng văn võ toàn tài, trung dũng, anh kiệt, thông minh sáng suốt, hết lòng phò tá chủ tướng Lưu Bị và luôn nghe theo lời chỉ bảo của Gia Cát Lượng. Trong các danh tướng nước Thục, có lẽ Triệu Vân là vị tướng được Gia Cát Lượng yêu thích và thường giao trọng trách quan trọng cho nhất.
Chiến công nổi bật của Triệu Vân phải kể đến một mình phá vòng vây cứu ấu chúa A Đẩu, theo bảo vệ Lưu Bị sang Đông Ngô, góp công giúp Lưu Bị lấy được Xuyên Thục, đánh lui quân Tào Tháo ở Hán Trung, theo Gia Cát Lượng đi đánh Kỳ Sơn. Trong số ấy, chiến công lừng lẫy một mình tả xung hữu đột giữa vòng vây quân Ngụy để cứu ấu chúa đã đưa Triệu Vân đi vào lịch sử đời đời.
-
Nếu như ba nhân vật ở bên trên đều là người của nước Thục, thì nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa tiếp theo lại là người đứng đầu nước Ngụy. Đó không phải ai khác, mà chính là "Thiên hạ đệ nhất gian hùng" Tào Tháo. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo gần như là nhân vật phản diện chính, vậy nhưng ở nhân vật này có rất nhiều điểm đặc biệt khiến người đời kính nể, vừa ghét lại vừa yêu thích.
Tào Tháo, tự Mạnh Đức, có biệt danh là Tào A Man, sinh ra trong một gia đình bình thường, từng làm quan nhỏ trong triều đình nhà Hán. Vào lúc đó có giặc Đổng Trác hoành hành tác quái, chính Tào Tháo đã tự nguyện đi ám sát Đổng Trác nhưng không thành nên mới phải trốn chạy, về sau tập hợp được binh mã, cùng các chư hầu do Viên Thiệu triệu tập, khởi binh đánh Đổng Trác. Sự nghiệp của Tào Tháo đầy gian truân cho tới khi cứu được vua Hiến Đế, sử dụng Hiến Đế để ra lệnh chư hầu và xây dựng nước Ngụy. Sau chiến thắng Lã Bố rồi Viên Thiệu, Tào Tháo đã thu phục được cả vùng đất trung nguyên về với mình, trở thành thế lực hùng mạnh nhất trong tam quốc.
Vào thời đại trước, Tào Tháo thường bị người đời nhận định sai lầm và căm ghét. Tuy nhiên từ thế kỷ 20 trở lại đây, đã có nhiều đánh giá khác khách quan hơn về Tào Tháo. Tào Tháo được xem như là một kẻ gian hùng tài giỏi, xảo quyệt đầy cá tính và chiến lược. Một tay thu phục cả trung nguyên, gây dựng nên nước Ngụy thịnh trị từ một nước Hán đổ nát, chia cắt, rõ ràng Tào Tháo có công rất lớn trong việc nhất thống Trung Nguyên. Nhắc đến Tào Tháo, ta không thể không nhắc đến những điển tích về sự gian hùng, ví dụ như Tào Tháo từng giết hết người nhà của bạn của cha vì họ nói với nhau đi mổ lợn thì Tào Tháo lại tưởng họ chuẩn bị bắt và giết mình. Tào Tháo có một câu nói nổi tiếng để đời, đó là "thà ta phụ cả thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta". Nhìn chung Tào Tháo là một nhân vật gây tranh cãi, nhưng cũng là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
-
Đối lập với Tào Tháo, đó là Lưu Bị. Lưu Bị, tự Huyền Đức, là vua nước Thục, chủ tướng của các anh tài Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long... Lưu Bị xuất thân là hoàng thân quốc thích, nhưng vì ở chi thứ quá xa nên hưởng ít lộc triều đình, đến đời của Lưu Bị thì gia đình ông chỉ là nông dân, hoàng thất chỉ còn là danh nghĩa. Ban đầu Lưu Bị làm nghề dệt chiếu kiếm sống. Lúc bấy giờ nổi lên loạn giặc khăn vàng, Lưu Bị quyết định đứng lên diệt giặc giúp nhà Hán, lại gặp Quan Vũ và Trương Phi, ba huynh đệ đã góp công lớn trong việc chiến thắng giặc khăn vàng.
Thời gian sau đó, Lưu Bị phò tá Công Tôn Toản, rồi lại tách riêng ra nhưng lại bị Lã Bố, Tào Tháo đánh đuổi, phải chạy xuống phía Đông mà nương nhờ Đông Ngô. Phải cho tới khi Lưu Bị gặp Gia Cát Lượng thì công danh sự nghiệp mới phất lên, dần dần có đất Kinh Châu rồi lại Xuyên Thục mà dựng xây nước Thục.
Lưu Bị được người đời kính nể bởi tính cao thượng, trung quân ái quốc của mình. Lưu Bị luôn hết lòng vì nhà Hán, vì vua Hiến Đế mà chưa từng có lòng thoán nghịch. Lưu Bị luôn đối xử tốt với quần thần, dân chúng, là một vị vua anh minh, không vì lợi lộc bản thân mà làm hại người khác. Đó cũng là lý do Lưu Bị được nhiều anh tài theo hầu, đặc biệt là Gia Cát Lượng, cũng như Lưu Bị được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Lưu Bị có phần nhân nghĩa quá mức, hoặc đạo đức giả, cũng như có phần nhu nhược, lúc cuối đời lại thiếu anh minh mà không nghe lời Gia Cát Lượng, dẫn đến đại bại ở Đông Ngô, chết ở thành Bạch Đế, kéo nước Thục đi xuống hẳn. Ngược lại với người đời trước, người đời sau thường có xu hướng yêu thích Tào Tháo hơn Lưu Bị.
-
Người em út trong ba huynh đệ kết nghĩa vườn đào là Trương Phi cũng là một trong những nhân vật được nhiều người yêu thích. Trương Phi, tự Dực Đức, cũng là một trong "Ngũ hổ tướng" nước Thục.
Trương Phi có tính cách nóng nảy, bộc trực, cũng là một vị tướng trung dũng. Xét về tài lực, Trương Phi cũng có sức khỏe hơn người, võ nghệ phi phàm, oai phong lẫm liệt, từng một mình một ngựa đứng quát khiến quân Tào Tháo hoảng sợ không dám tiến quân, hay dùng kế đánh bại quân Tào Tháo dưới sự chỉ đạo của Trương Cáp ở Hán Trung.
Dù tính cách nóng nảy, bộc trực khiến Trương Phi từng phạm nhiều sai lầm trước đây và sau này, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng, nhưng đó cũng là một điểm khiến Trương Phi được nhiều người yêu thích. Tính cách thẳng thắn, bộc trực, không xảo trá, lấp liếm vì tư lợi của Trương Phi được nhiều người đánh giá cao, gọi đó là "khẩu xà tâm phật".
-
Tiếp tục là một nhân vật khác của nước Ngụy, đó là Tư Mã Ý. Tư Mã Ý không chỉ đơn giản là một danh thần nước Ngụy mà còn là ông tổ của nhà Tấn. Cháu nội của Tư Mã Ý, dưới sự "dọn đường" của ông và cha, đã phế truất vua nhà Tào để lên ngôi, lập ra nhà Tấn, nhất thống trung nguyên, kết thúc thời kỳ tam quốc.
Tư Mã Ý, tự Trọng Đạt, là hậu duệ của nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên. Ông sinh ra trong gia đình văn thân có tám anh em, tất cả đều có chữ "Đạt" trong tên tự và đều thành công, gọi là "Bát Đạt Tư Mã". Dưới thời Tào Tháo, Tư Mã Ý chưa thực sự có ảnh hưởng lớn. Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo không tin tưởng Tư Mã Ý vì cho rằng đây là con người xảo quyệt, không đáng tin cậy. Tuy nhiên dưới thời Tào Phi và Tào Duệ, Tư Mã Ý trở thành một nhân vật vô cùng quan trọng. Với tài năng của mình, Tư Mã Ý không những đã đứng ra chống lại các cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng, khiến cho Gia Cát Lượng sáu lần đánh Kỳ Sơn không thành, mà còn tạo ảnh hưởng, gây dựng quyền lực cho nhà Tư Mã.
Có nhiều ý kiến về Tư Mã Ý. Có người cho rằng Tư Mã Ý là kẻ giảo hoạt, âm mưu, có người lại cho rằng Tư Mã Ý là người tài giỏi, biết ẩn mình chờ thời thế, biết cương nhu đúng lúc để giành lại đại cục sau này. Tuy nhiên ta không thể phủ nhận Tư Mã Ý và dòng họ Tư Mã có công rất lớn trong việc kết thúc thời đại tam quốc, nhất thống Trung Hoa. Tài năng và chiến lược ẩn mình của Tư Mã Ý cũng khiến nhiều người nể phục và yêu thích.
-
Cũng như Lưu Bị và Tào Tháo, Tôn Quyền là vua nước Đông Ngô, một trong ba nước thời Tam Quốc. Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, là con trai của Tôn Kiên - vị thủ lĩnh đất Giang Đông. Cuối thời Đông Hán, khi triều đình suy yếu, loạn lạc, các sứ quân nổi lên khắp nơi, Tôn Kiên đã gây dựng được cơ nghiệp tại 6 quận Giang Đông. Tôn Kiên chết đi truyền cơ nghiệp cho con cả là Tôn Sách. Tôn Sách chết lại truyền cho em trai là Tôn Quyền. Tôn Quyền kế thừa anh khi mới 18 tuổi, khi này Đông Ngô đang đứng trước sức ép nên hòa hay nên đánh với Tào Tháo.
Cuối cùng, dưới sự cố vấn của Chu Du, Tôn Quyền đã lựa chọn chống lại Tào Tháo. Nhờ sự hiệp lực của Đông Ngô và Gia Cát Lượng, Đông Ngô đã đánh tan quân Tào Tháo trong trận Xích Bích vang danh lịch sử. Tôn Quyền là một vị vua anh minh, từng được Tào Tháo khen rằng: "Sinh con phải được con như Trọng Mưu".
Trong thế chân vạc chống nhau với nước Thục và Ngụy, Tôn Quyền đã có nhiều kế sách vừa để hòa hoãn với Thục chống Ngụy, vừa để lấy lại Kinh Châu từ nước Thục. Nhìn chung Tôn Quyền dù không được khắc họa kỹ lưỡng bằng Lưu Bị, Tào Tháo, nhưng cũng vẫn là một nhân vật quan trọng, được nhiều người yêu thích.
-
Lỗ Túc, tự Tử Kính, là một mưu sĩ đất Đông Ngô. Trước đây, Lỗ Túc chưa có một sự nghiệp ổn định nhưng lại được người bạn là Chu Du đánh giá rất cao. Khi Chu Du trở thành tổng đốc của Đông Ngô, Chu Du đã đề cử Lỗ Túc. Ngay lần đầu gặp mặt, Tôn Quyền đã đánh giá cao Lỗ Túc và để cho Lỗ Túc hỗ trợ bên cạnh Chu Du trong cuộc chiến chống Tào Tháo.
Khác với Chu Du luôn tìm cách đánh bại Gia Cát Lượng và gây hấn với Thục, Lỗ Túc lại có tài ăn nói và quan điểm ôn hòa, góp công lớn nhất trong việc thiết lập Liên minh Tôn-Lưu chống Tào Tháo. Trong chiến thắng Xích Bích oanh liệt, Lỗ Túc cũng có công lớn, nhất là trong việc liên kết Gia Cát Lượng và Đông Ngô.
Sau này, Lỗ Túc trở thành thống đốc Đông Ngô khi Chu Du qua đời. Có lẽ Lỗ Túc được yêu thích đó chính là bởi quan điểm ôn hòa, cung cách ứng xử khéo léo và tầm nhìn sâu rộng của ông.
-
Mã Siêu, tự Mạnh Khởi, là một trong "Ngũ hổ tướng" nước Thục. Mã Siêu là con trai của Mã Đằng - vị tướng quân Tây Lương. Vào cuối thời Đông Hán, Mã Siêu cùng với cha hùng cứ tại Tây Lương nhưng trên danh nghĩa vẫn là phục vụ nhà Hán. Vì thế lực quân Tây Lương hùng mạnh khiến Tào Tháo lo lắng, Tào Tháo đã cho gọi Mã Viện vào thành rồi bắt giết.
Bởi vậy giữa Mã Siêu và Tào Tháo có thù giết cha. Mã Siêu đã đem quân Tây Lương tấn công nước Ngụy, tạo mối uy hiếp lớn, không ít lần khiến Tào Tháo nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt là trong trận Đồng Quan, Mã Siêu đã truy sát Tào Tháo đến mức Tào Tháo phải cắt râu, bỏ áo để chạy trốn. Sau này quân Tây Lương của Mã Siêu bị đánh bại do kế ly gián của Tào Tháo. Mã Siêu đầu quân cho Trương Lỗ ở Hán Trung nhưng lại không được tin dùng, sau quyết định về với nước Thục và trở thành một trong "Ngũ hổ tướng".
Mã Siêu được miêu tả là "mình hổ tay vượn", sức địch trăm người, không kém gì Lã Bố khi xưa. Mã Siêu từng đánh nhau với Trương Phi hàng trăm hiệp không phân thắng bại, sau này lập được nhiều chiến công cho nước Thục, đặc biệt là đánh được Thành Đô - kinh đô sau này của nước Thục. Với sự dũng mãnh và tính cách anh hùng, cương trực, Mã Siêu là nhân vật cuối cùng trong Top 10 nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.