Top 18 Câu chuyện cổ tích Việt Nam hay nhất

Thương Hiền 211282 0 Báo lỗi

Từ xa xưa, ai cũng nghe trong lời kể của bà của mẹ về cô Tấm nết na, về Thánh Gióng dũng cảm. Những câu chuyện cổ tích luôn theo ta lớn lên hàng ngày từ thuở ... xem thêm...

  1. Top 1

    Tấm Cám

    Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Bố mẹ mất sớm, Tấm phải ở cùng với dì ghẻ (mẹ của Cám). Trong khi Cám được nâng niu chiều chuộng thì Tấm lại phải vất vả khổ cực, bị dì la mắng và đối xử thậm tệ. "Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc".

    Một hôm, theo lời dặn của dì, Cám cùng Tấm ra ngoài đồng bắt tép. Vì phần thưởng là chiếc yếm đỏ hằng ao ước nên Tấm rất chăm chỉ miệt mài bắt tôm tép giữa trời nắng oi bức. Trong khi đó, Cám thì mải rong chơi đuổi hoa bắt bướm rồi quên mất nhiệm vụ, kết quả là chiều về giỏ không có gì cả. Cám lừa Tấm xuống tắm ao và cướp hết số tôm tép mà Tấm đã chăm chỉ nỗ lực cả buổi mới bắt được. Tấm tủi thân và ngồi khóc một mình. Bụt thấy thương quá, hiện lên an ủi giúp đỡ, bảo Tấm mang con cá bống còn sót lại về nuôi. Tấm hằng ngày chừa một phần cơm của mình, ra giếng gọi cá bống “ Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” và lập tức cá hiện lên, đớp những hạt cơm vàng ngọc chắt chiu của cô Tấm. Mẹ con Cám mưu mô xảo quyệt vì ganh ghét nên rình được và hại chết con cá bống. Lần này, Bụt lại ra tay giúp đỡ bằng cách chỉ Tấm bỏ xương cá vào lọ rồi đem cất dưới chân giường.

    Nhà vua mở hội linh đình, ai ai cũng náo nức đi trẩy hội. Mẹ con Cám không muốn Tấm đi dự hội bèn dở âm mưu bắt tấm nhặt một thúng thóc và gạo trộn lẫn. Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ nhặt giúp Tấm. Rồi bảo Tấm đào bốn cái chậu xương cá dưới giường lên. Bất ngờ thay, những mảnh xương cá từ trước đã biến thành trang phục lộng lẫy, tỏa sáng,vừa vặn với thân hình của Tấm và nàng vui vẻ đi tham dự lễ hội.

    Trong lúc vội vàng trở về, chẳng may Tấm sơ ý đánh rơi một chiếc giày xuống sông. Tấm mò mãi mà không được. Vua nhìn thấy chiếc giày nhỏ nhắn xinh đẹp và cảm lòng với chủ nhân, lập tức ra lệnh ai ướm thử vừa chiếc giày sẽ trở thành hoàng hậu. Tất cả mọi người trong kinh thành khi nghe tin đều háo hức nô nức đến thử giày, tìm kiếm hi vọng trở thành vợ của người đứng đầu đất nước. Nhưng rất tiếc, tất cả đều không vừa. Riêng đến lượt Tấm, đôi giày vừa khít. Vua cho mời nàng về cung và Tấm trở thành hoàng hậu.

    Mẹ con Cám sau bao nhiêu chuyện vẫn căm thù Tấm và âm mưu hãm hại. Trong một dịp Tấm về giỗ cha, họ đã lén lút chặt đứt cây cau và hại chết Tấm. Cám vào cung tiến vua thay chị. Tấm lần lượt biến thành con chim vàng anh, cây xoan, khung cửi, quả thị. Cuối cùng trở thành con gái của bà lão hàng nước. Khi nhà vua tình cờ đi qua đây và nhận ra Tấm, liền đón nàng về cung. Kết thúc câu chuyện, mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng và Tấm sống hạnh phúc mãi mãi bên nhà vua.


    Ý nghĩa nhân văn: Ở hiền sẽ gặp lành.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

  2. Top 2

    Cây tre trăm đốt

    Ngày xưa có một chàng trai hiền lành, khỏe mạnh tên là Khoai đi cày thuê cho vợ chồng ông phú hộ. Hai người này có hứa: "Con chịu khó làm lụng giúp ta, ba năm nữa ta sẽ gả con gái ta cho".

    Tin vào lời hứa, anh ra sức làm việc không ngại khó nhọc. Nhưng ba năm sau, khi mà ông nhà giàu đã có mọi thứ của cải, ông bèn trở mặt, ông đưa ra một điều kiện là phải tìm được một cây tre trăm đốt để làm nhà cưới vợ thì ông mới gả con gái cho. Vì muốn có cơ hội để cưới con gái của chủ, anh bèn lên rừng quyết tâm tìm được một cây tre trăm đốt. Tìm mãi không thấy, anh thất vọng ngồi khóc. Bỗng Bụt hiện lên và bảo anh đi tìm, chặt cho đủ 100 đốt tre rời rồi giúp anh bằng hai câu thần chú: "khắc nhập, khắc nhập!" để gắn kết 100 đốt tre rời thành một cây tre trăm đốt và "khắc xuất, khắc xuất!" để tách các đốt tre ra.

    Nhờ là các khúc tre rời nên anh cũng dễ dàng gánh về làng được. Về nhà, anh cho cha vợ tương lai của mình xem cây tre trăm đốt. Không tin vào điều mắt mình nhìn thấy, ông nhà giàu sờ tay vào cây đếm từng khúc tre. Phép màu của Bụt đã hút ông dính luôn vào cây tre. Khi ông đồng ý giữ lời hứa, anh mới sực nhớ ra câu "khắc xuất" để giải thoát cho cha vợ của mình. Sợ hãi, ông phú hộ phải giữ lời hứa, gả con gái cho anh nông dân. Cuối cùng, anh và con gái ông phú hộ sống với nhau hạnh phúc mãi mãi.



    Ý nghĩa nhân văn: Chỉ cần chăm chỉ, cần cù, chịu khó thì kì tích luôn xuất hiện.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Cây tre trăm đốt
  3. Top 3

    Hồn Trương Ba - Da Hàng Thịt

    Trương Ba, gần 60 tuổi - là một người làm vườn tốt bụng, đặc biệt rất cao cờ. Do tắc trách, Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Vợ Trương Ba lên Thiên đình kiện. Theo gợi ý của Đế Thích, để sửa sai, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ở làng bên vừa mới chết, mới ngoài 30 tuổi, để được sống lại

    Trú nhờ thể xác hàng thịt, hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng; gia đình Trương Ba ngày càng lủng củng. Đặc biệt, sống bằng thân xác hàng thịt, Trương Ba dần dà tiêm nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn xa lạ với ông. Gay nhất là chị hàng thịt đòi hỏi Trương Ba phải là người đàn ông thực sự của chị. Lí trưởng nhân đấy sách nhiễu vòi tiền; con trai Trương Ba ngày càng đắc ý, lấn lướt, coi thường bố. Ngược lại, vợ, con dâu, cháu nội Trương Ba không thể chịu nổi và dần dần xa lánh. Trương Ba vô đau khổ.

    Trước nghịch cảnh ấy, Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho hàng thịt, cũng không chấp nhận nhập vào xác cu Tị, kiên quyết chấp nhận cái chết.



    Ý nghĩa nhân văn: Vợ chồng phải thuỷ chung, son sắt với nhau.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt
  4. Top 4

    Sự tích dã tràng xe cát biển Đông

    Dã Tràng vốn là một chàng trai tốt bụng, nhờ ra tay giúp một con rắn đực mà được tặng một viên ngọc quý. Về sau cũng vì viên ngọc đó cùng sự tốt bụng của mình, Dã Tràng lại bị dân làng phản bội, đàn quạ hàm oan rắp tâm hãm hại. Nhưng rồi lại nhờ viên ngọc cậu ta đã thoát tội diệt thân. Về sau, Dã Tràng vì cứu mạng một đôi ngỗng mà được tặng thêm một viên ngọc quý.


    Nhờ có viên ngọc có thể khuấy đảo Long cung mà anh được Long Vương ban cho vàng bạc châu báu với điều kiện không bao giờ mang viên ngọc đó đi náo loạn các vùng nước. Tưởng chừng như có hết mọi thứ trong tay, cuối cùng, vì hai viên ngọc quý mà người vợ bỏ đi theo lời dụ dỗ của Long Vương. Bởi tiếc ngọc quý, tức giận vợ mình và Long Vương, Dã Tràng quyết tâm đem cát lấp biển để đắp thành đường đi đòi lại ngọc. Kết cuộc, cậu ta chết đi, hóa thành con dã tràng, ngày ngày lăn cát đi lấp biển, nhưng rồi sóng biển lại xô cho tan biến.



    Ý nghĩa nhân văn: Con người mà có lòng tham vô đáy làm chuyện xấu thì sẽ bị trừng trị thích đáng.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Dã Tràng Xe Cát Biển Đông
  5. Top 5

    Sự tích cây vú sữa

    Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày, mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống... Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ: “Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”. Cậu liền tìm đường về nhà... Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

    “Mẹ ơi, mẹ đi - đâu rồi, con đói quá !” Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ... Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ. Cây rung rinh cành lá, thì thào:

    “Ăn trái ba lần mới biết trái ngon

    Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”

    Cậu oà lên khóc. Nhận ra mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về. Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình… Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.



    Ý nghĩa nhân văn: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Tình mẹ là bao la, vĩnh cửu nhất.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sự tích cây vú sữa
  6. Top 6

    Tích Chu

    Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.

    Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:

    – Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.

    Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:

    – Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!

    Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:

    – Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!

    – Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!

    Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:

    – Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!

    – Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!

    Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:

    – Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?

    Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.

    Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.

    Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.


    Ý nghĩa nhân văn: con cháu phải hiếu thảo với ông bà.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Tích Chu
  7. Top 7

    Sự tích bông hoa cúc trắng

    Ngày xưa có một cô bé sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát nhưng đó là một bé gái vô cùng hiếu thảo. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên ko có tiền mua thuốc chữa, và cô bé vô cùng buồn bã.

    Một lần đang ngồi khóc bên đường bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn đừng lại hỏi khi biết sự tình ông già nói với cô bé:


    – Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất trong rừng hái lây một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.

    Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó. Phải khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh hai cánh ba cánh bốn cánh. Chỉ có bốn cánh hoa là sao chứ? Chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được bàng đấy ngày thôi sao? Không đành lòng cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình.


    Ý nghĩa nhân văn: con cháu phải hiếu thảo, kính trọng với ông bà.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sự tích bông hoa cúc trắng
  8. Top 8

    Sọ Dừa

    Ngày xửa ngày xưa có đôi vợ chồng già hiếm muộn con cái, phải đi ở cho nhà phú ông. Một hôm bà vợ vào rừng hái củi, uống nước trong cái sọ dừa, về nhà có mang, ít lâu sau sinh ra một đứa bé kì dị, không chân không tay, tròn như một quả dừa. Thấy đứa bé biết nói, bà giữ lại nuôi và đặt luôn tên là Sọ Dừa.


    Thương mẹ vất vả, Sọ Dừa nhận chăn đàn bò nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi, con nào cũng béo mượt. Ba cô con gái nhà phú ông thay nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị kênh kiệu thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô út đối đãi với cậu tử tế.


    Phát hiện ra vẻ đẹp bên trong cái vẻ kì dị của Sọ Dừa, cô út đem lòng thương yêu. Sọ Dừa nhờ mẹ đến nhà phú ông hỏi vợ. Phú ông thách cưới thật lo nhưng thấy Sọ Dừa mang đủ đồ thách cưới đến, đành phải gả cô út cho chàng. Ngày cưới, Sọ Dừa hiện nguyên hình là một chàng trai trẻ đẹp khiến hai cô chị vô cùng ghen tức.


    Nhờ chăm chi đèn sách Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và được nhà vua cử đi, sứ nước ngoài. Trước khi đi chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để đề phòng tai hoạ.

    Sọ Dừa đi vắng, hai người chị tìm cách hãm hại cô út, đẩy cô xuống biển hòng cướp chồng em. Nhờ có các đồ vật chồng đưa cho, cô út thoát chết, được chồng cứu trên đường đi sứ về. Hai vợ chồng đoàn tụ. Hai cô chị xấu hổ bỏ nhà đi biệt tích.



    Ý nghĩa nhân văn: Ở hiền ắt gặp lành.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sọ Dừa
  9. Top 9

    Thánh Gióng

    Thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có cặp vợ chồng ông lão tuy chăm chỉ làm ăn và nổi tiếng là phúc đức nhưng không có con. Một hôm, bà vợ đang làm đồng thấy một vết chân to liền ướm chân vào. về nhà bà mang thai và sau mười hai tháng thì sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú. Điều kì lạ là mãi lên ba tuổi, cậu bé vẫn chưa biết đi, chảng biết nói, biết cười.

    Khi giặc Ân xâm phạm bờ cõi, vua Hùng cho người đi tìm nhân tài cứu nước. Cậu bé cất tiếng đầu tiên và cũng là lời xin được đi đánh giặc. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu vua sắm cho cậu ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt. Từ đó cậu lớn nhanh như thổi. Sau khi ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà do bà con hàng xóm gom góp, cậu bé vươn vai thành một tráng sĩ, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra trận diệt giặc. Trong lúc đánh giặc, roi sắt bị gãy, tráng sĩ nhổ những bụi tre ven đường làm vũ khí đánh giặc.

    Dẹp xong giặc Ân, tráng sĩ một mình một ngựa lên đỉnh núi rồi bay lên trời. Để tưởng nhớ công ơn tráng sĩ, nhân dân lập đền thờ, hàng năm tổ chức hội làng để tưởng nhớ. Những dấu tích của trận đánh năm xưa vẫn còn lưu lại trên mặt đất, trên những bụi tre nơi cậu bé diệt giặc.



    Ý nghĩa nhân văn: Yêu đất nước, yêu dân tộc Việt Nam.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Thánh Gióng
  10. Top 10

    Sơn Tinh - Thuỷ Tinh

    Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Đến cầu hôn có hai vị thần tài giỏi ngang nhau, đều xứng làm rể Vua Hùng.

    Một người là Sơn Tinh - chúa vùng non cao. Một người là Thuỷ Tinh - chúa vùng nước thẳm. Để lựa chọn được chàng rể xứng đáng, Vua Hùng bèn đặt ra điều kiện: "Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thi ta sẽ gả con gái cho".


    Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến truớc, cưới được Mị Nương. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nồi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa gọi gió, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm cho thành Phong Châu ngập chìm trong nuớc. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép bốc từng quả đồi, dời tùng dãy núi, đắp thành dựng luỹ, ngăn chặn dòng lũ. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Cuối cùng Thuỷ Tinh đuối sức phải chịu thua. Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh vẫn làm mưa gió, bão lụt, dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào cũng mang thất bại trở về.


    Ý nghĩa nhân văn: Sống ở đời phải có tâm, yêu dân như con.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sơn Tinh - Thuỷ Tinh
  11. Top 11

    Sự tích trầu cau

    Chuyện kể rằng vào đời vua Hùng Vương thứ 4 có hai anh em rất thương yêu nhau tên là Tân và Lang. Nhưng sau khi Lang cưới vợ thì bỏ bê em, nên Tân buồn và bỏ nhà ra đi, đi mãi đi mãi đến bờ suối mệt quá rồi tựa vào tảng đá ngủ say và biến thành vôi.


    Lang ở nhà đợi mãi không thấy Tân về nên cất công đi tìm em, tìm mãi tìm mãi không thấy đến bên bờ suối thấy hình bóng Tân nên Lang cứ ở đó khóc mãi rồi hóa thành cây cau, người vợ ở nhà hay tin chồng đi tìm em và đi tìm chồng rồi cũng hóa thân thành câu trầu quấn quít bên thân cau.


    Trầu, cau và vôi khi quyện lại với nhau tạo ra sắc đỏ như máu nên sau có vị vua đi tuần qua đó, nghe thấy câu chuyện trên mà dạy cho dân ta hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng.



    Ý nghĩa nhân văn: Tình vợ chồng, anh em máu mủ thắm thiết, keo sơn, gắn bó.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Trầu Cau
  12. Top 12

    Sự tích cây khế

    Ngày xửa ngày xưa nhà nọ có hai anh em, người anh thì vô cùng tham lam, người em thì hiền lành chịu khó. Sau khi cha mẹ qua đời người anh lấy vợ ra ở riêng đã vơ vét hết tài sản và chỉ để lại cho người em một cây khế ở góc vườn.

    Người em được chia tài sản đã không một lời phàn nàn, dựng túp lều gần cây khế. Hàng ngày, người em chăm bón cây khế và làm thuê kiếm tiền nuôi thân.

    Cây khế cứ lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả. Vì vậy người em mừng lắm. Một hôm, bỗng dưng có con chim lạ từ đâu bay tới cây khế và ăn khế của người em. Thấy vậy người em buồn lòng than thở với chim. Chim lạ đáp lại “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.

    Mấy hôm sau như lời hứa chim đến đón người em tới một hòn đảo rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em từ trên cao ngắm nhìn hòn đảo và lấy vàng chỉ đầy túi ba gang rồi cưỡi lên lưng chim trở về. Người em về nhà dùng số vàng bạc lấy được đổi lấy thóc lúa để giúp đỡ những người khó khăn trong làng.

    Thấy vậy, người anh sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình để lấy cây khế của người em. Người em một lần nữa không phàn nàn và đồng ý đổi cho anh.

    Năm ấy cây khế cũng sai trĩu quả chim lạ cũng đến ăn. Người anh cũng than thở khóc lóc. Chim đáp lại và hứa mang đi lấy vàng. Bản chất tham lam, người anh liên bảo vợ may túi sáu gang để đựng được thật nhiều vàng.

    Mấy hôm sau chim lạ đến đón người anh và đưa người anh đến hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người anh đã lấy đầy chặt vàng bạc trên đảo vào chiếc túi sáu gang mình mang đi. Trên đường trở về, vì phải chở nhiều vàng bạc lại bay ngược gió, chim lạ mỏi cánh. Chim giục người anh vứt bớt vàng đi nhưng người anh nhất quyết không nghe.

    Chim phượng hoàng bực tức, không chịu nổi sức nặng nó nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển. Thế là hết đời kẻ tham lam.



    Ý nghĩa nhân văn: Anh em phải biết đùm bọc, giúp đỡ nhau, phải chăm chỉ lao động thì mới có thành quả tốt.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Cây khế
  13. Top 13

    Thạch Sanh Lý Thông

    Ngày xửa ngày xưa ở một ngôi làng nọ có hai vợ chồng ăn ở phúc đức nhưng người vợ mãi vẫn không sinh được con, thương tình Ngọc Hoàng phái con trai xuống đầu thai làm con của họ.Không may, hai vợ chồng mất sớm, để lại Thạch Sanh côi cút một mình sống dưới gốc cây đa và kiếm sống bằng nghề hái củi.


    Lí Thông – một người sống bằng nghề cất rượu – thấy Thạch Sanh khỏe mạnh hắn giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng. Đúng dịp Lí Thông đến lượt phải vào đền cho chằn tinh hung dữ ăn thịt, hắn bèn lừa Thạch Sanh đến nộp mạng thay cho mình. Thạch Sanh đã dũng cảm triệt hạ được con chằn tinh bạo chúa. Lí Thông lại lừa cho Thạch Sanh bỏ trốn rồi đem đầu chằn tinh vào nộp cho vua để lĩnh thưởng, được vua phong làm đô đốc.


    Nhà vua có công chúa đến tuổi kén chồng. Nhà vua tổ chức ngày hội kén rể linh đình cho nàng chọn được người nàng mãn nguyện nhất. Nhưng không may, công chúa lại bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Lí Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh xuống hang, giao chiến với Đại bàng và cứu được công chúa nhưng sau khi đưa được công chúa lên khỏi hang. Lí Thông đã lấp hang để giết Thạch Sanh.


    Thạch Sanh giết đại bàng và cứu được con vua Thủy Tề vốn bị đại bàng bắt giam từ lâu. Thạch Sanh được xuống thăm thủy cung, được vua Thủy Tề phong thưởng rất hậu nhưng chàng chỉ xin một cây đàn rồi trở về gốc đa sinh sống.

    Lại nói chuyện công chúa, từ khi được Lí Thông đưa về cung thì tự nhiên hóa câm. Hồn chằn tinh và đại bàng gặp nhau âm mưu tính kế trả thù Thạch Sanh, khiến chàng bị oan và bị nhốt trong ngục . Chàng lấy cây đàn được phong tặng ra gảy, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh câm. Thạch Sanh được vua cho gọi lên. Chàng kể lại rõ mọi việc. Vua giao cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông. Được chàng tha bổng nhưng hai mẹ con trên đường về đã bị sét đánh chết, hoá kiếp thành bọ hung.


    Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Các nước chư hầu láng giềng tức giận đem quân sang đánh nước ta. Thạch Sanh lại lấy đàn thần ra gảy cảm hóa bao hận thù của quân giặc. Thạch Sanh khao quân giặc một niêu cơm nhỏ nhưng chúng ăn không hết, chúng càng kính phục và chấp nhận nhất tề cuốn giáp.



    Ý nghĩa nhân văn: Ở đời đừng bày mưu tính kế để hãm hại người khác chuộc lợi cho mình.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Thạch Sanh - Lý Thông
  14. Top 14

    Sự tích trái dưa hấu

    Ngày xưa, Vua Hùng Vương thứ 18 có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm.


    Lớn lên, vua cưới vợ cho An Tiêm, và tin dùng ở triều đình. Cậy nhờ ơn Vua cha, nhưng An Tiêm lại kiêu căng cho rằng tự sức mình tài giỏi mới gây dựng được sự nghiệp, chứ chẳng nhờ ai. Lời nói này đến tai vua, vua cho An Tiêm là kẻ kiêu bạc vô ơn, bèn đày An Tiêm cùng vợ con ra một hòn đảo xa, ở ngoài biển Nga Sơn (Thanh Hoá, Bắc Việt).


    Người vợ là nàng Ba lo sợ sẽ phải chết ở ngoài cù lao cô quạnh, nhưng An Tiêm thì bình thản nói: “Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì phải lo”.


    Hai vợ chồng An Tiêm cùng đứa con đã sống hiu quạnh ở một bãi cát, trên hoang đảo. Họ ra sức khai khẩn, trồng trọt để kiếm sống. Một ngày kia, vào mùa hạ, có một con chim lạ từ phương tây bay đến đậu trên một gò cát. Chim nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, thì hạt nẩy mầm, mọc dây lá cây lan rộng.


    Cây nở hoa, kết thành trái to. Rất nhiều trái vỏ xanh, ruột đỏ. An Tiêm bảo vợ: “Giống cây này tự nhiên không trồng mà có tức là vật của Trời nuôi ta đó”. Rồi An Tiêm hái nếm thử, thấy vỏ xanh, ruột đỏ, hột đen, mùi vị thơm và ngon ngọt, mát dịu. An Tiêm bèn lấy hột gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều.


    Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao. Mọi người lên bãi cát, thấy có nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Rồi từ đó, tiếng đồn đi là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng và thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu.


    Vì chim đã mang hột dưa đến từ phương Tây, nên An Tiêm đặt tên cho thứ trái cây này là Tây Qua. Người Tàu ăn thấy ngon, khen là “hẩu”, nên về sau người ta gọi trại đi là Dưa Hấu.


    Ít lâu sau, vua sai người ra cù lao ngoài biển Nga Sơn dò xét xem gia đình An Tiêm ra làm sao, sống hay chết. Sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, nhà vua ngẫm nghĩ thấy thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong triều đình.


    An Tiêm đem về dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng. Hòn đảo mà An Tiêm ở, được gọi là Châu An Tiêm



    Ý nghĩa nhân văn: Nếu chúng ta chăm chỉ, tích cực mày mò làm việc thì sẽ sớm thành công.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Trái dưa hấu
  15. Top 15

    Sự tích con muỗi

    Ngày xưa, có một người nông dân hiền lành tên là Ngọc Tâm, có một người vợ xinh đẹp tên là Nhan Diệp. Khác hẳn với tính tình đơn giản của chồng, quanh năm chăm chú làm ăn, người vợ lười biếng xa hoa, chỉ lo thỏa thê sung sướng.

    Trong lúc hai vợ chồng tưởng chung sống với nhau đến răng long đầu bạc, thì Nhan Diệp bỗng lăn ra chết.


    Người chồng đau đớn quá, không muốn rời xa xác vợ, bèn bán hết tài sản, mua một chiếc thuyền chở quan tài vợ thả bồng bềnh trên mặt nước.


    Một buổi sớm mai thuyền đi đến dưới chân một ngọn núi cỏ cây ngào ngạt, Ngọc Tâm lên bờ thấy đủ các kỳ hoa dị thảo, cây cối nặng trĩu trái thì lấy làm lạ bèn phăng lần lên cao. Lưng chừng núi, Ngọc Tâm gặp một ông lão tướng mạo phương phi, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc đang lần bước. Thấy người có vẻ tiên phong đạo cốt, đoán chừng là thần tiên ở núi Thiên Thai xuất hiện, Ngọc Tâm bèn sụp lạy, rồi thiết tha xin cứu tử hoàn sinh cho người vợ thương yêu.


    Vị thần thương hại nhìn Ngọc Tâm hồi lâu rồi nói:

    – Ngươi còn nặng lòng vương vấn trần ai, chưa thoát được vòng tục lụy… Ta có thể giúp cho ngươi đạt ước vọng song về sau ngươi đừng có lấy làm ân hận!

    Ngọc Tâm theo lời vị thần, dở nắp quan tài vợ ra, chích đầu ngón tay mình nhỏ ba giọt máu vào thi thể Nhan Diệp, thì người đàn bà từ từ mở mắt ra, rồi ngồi lên như sau một giấc ngủ dài.

    Trước khi từ giã, vị thần bảo người đàn bà vừa sống lại:

    – Đừng quên bổn phận của người vợ… Hãy luôn luôn nghĩ đến lòng thương yêu chung thủy của chồng… Chúc cho hai vợ chồng được sung sướng.


    Trên đường về quê, người chồng hối hả giục thuyền đi mau. Một tối thuyền ghé bến, Ngọc Tâm lên bờ mua sắm thức ăn. Trong lúc đó, có một chiếc thuyền buôn lớn đậu sát bên cạnh, chủ nhân là tay lái buôn giàu có chú ý đến nhan sắc lộng lẫy của Nhan Diệp. Hắn gợi chuyện, mời Nhan Diệp qua thuyền mình dùng trà rồi ra lệnh cho bạn thuyền dong hết buồm chạy.

    Ngọc Tâm quay về thấy mất vợ, bỏ cả ăn ngủ, ngày đêm đi tìm kiếm, một tháng sau mới gặp. Nhưng người đàn bà đã quen với lối sống xa hoa bên cạnh tay lái buôn giàu có, quên cả tình cũ nghĩa xưa. Thấy rõ bộ mặt thật của vợ, Ngọc Tâm như tỉnh cơn mê, bảo Nhan Diệp:

    – Mình được tự do bỏ tôi song tôi không muốn mình còn lưu giữ kỷ niệm gì của tôi nữa, vậy hãy trả lại ba giọt máu của tôi đã nhỏ ra để cứu mình sống lại.


    Nhan Diệp thấy được ra đi dứt khoát dễ dàng như thế, vội vàng lấy dao chích đầu ngón tay, nhưng máu vừa bắt đầu nhỏ giọt thì nàng ngã lăn ra chết.


    Người đàn bà nông nổi, phụ bạc chết vẫn còn luyến tiếc cõi đời nên hóa kiếp thành một vật nhỏ, ngày đêm đuổi theo Ngọc Tâm, tìm cách ăn cắp ba giọt máu để trở lại làm người. Con vật này luôn luôn kêu than với chồng cũ, như van lơn, như oán hận, như tiếc thương, ngày đêm o o không ngừng. Về sau giống này sinh sôi nẩy nở rất nhiều, người ta đặt tên nó là con muỗi. Vì ghét kẻ phụ bạc, nên mỗi lần muỗi lại gần, người ta không tiếc tay đập cho nó chết.



    Ý nghĩa nhân văn: Những kẻ vô ơn sẽ sớm gặp quả báo.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sự tích Con Muỗi
  16. Top 16

    Sự tích Hòn Vọng Phu

    Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con. Năm đó, đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng thường để hai con ở nhà, dặn anh trông nom em gái.


    Một hôm trước khi đi làm, người mẹ trao cho hai con một cây mía, bảo con lớn ở nhà chặt cho em ăn. Đứa anh ở nhà tìm dao chặt mía, không ngờ khi nó vừa đưa dao lên chặt, thì lưỡi dao sút cán văng vào đầu em. Cô bé ngã quay ra bất tỉnh nhân sự, máu đỏ lênh láng cả một vạt đất. Thấy thế, thằng anh tưởng em gái đã chết, hoảng sợ bèn bỏ nhà mà trốn đi.

    Cậu bé đi, đi mãi. Trên bước đường lưu lạc, cậu ở nhà này một ít lâu rồi bỏ đi đánh bạn với nhà khác. Trong hơn mười lăm năm, cậu không biết mình đi những xứ nào, cơm ăn của bao nhiêu nhà. Cho đến lần cuối cùng, cậu làm con nuôi một người đánh cá ở miền vùng biển Bình Định. Nghề chài lưới giữ chân cậu bé lại ở đây.


    Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Cậu bé đã lớn, rồi anh kết duyên cùng một cô gái xinh đẹp. Vợ anh cũng thạo nghề đan lưới. Mỗi lúc thuyền của chồng về bãi, vợ nhận lấy phần cá của chồng, quảy ra chợ bán. Sau hai năm có được mụn con, hai vợ chồng cảm thấy sung sướng vô hạn.


    Hôm ấy biển động, anh nghỉ ở nhà vá lưới. Cơm trưa xong, vợ xõa tóc nhờ anh bắt chấy, đứa con đi chập chững trước sân nhà, bốc cát chơi một mình. Thấy vợ có một cái sẹo bằng đồng tiền ở trên tai bên phải, chồng lấy làm ngạc nhiên vì bấy lâu nay mái tóc đen của vợ đã hữu ý che kín cái sẹo không cho một người nào biết, trong số đó có cả chồng. Anh liền hỏi về lai lịch chiếc sẹo. Vợ vui miệng kể: “Ngày đó cách đây hơn hai mươi năm, em mới bằng một tí đã biết gì đâu, anh ruột của em chặt mía cho em ăn. Chao ôi! Cái mũi mác tai hại đã trúng em. Em ngất đi. Sau này, em mới biết lúc đó hàng xóm đã đổ tới cứu chữa rất lâu cho đến khi cha mẹ em về thì mới chạy tìm thầy thuốc. May làm sao em vẫn sống để nhìn lại cha mẹ. Nhưng lại mất đi người anh ruột vì anh của em sợ quá đã bỏ trốn. Cha mẹ em cố ý tìm kiếm nhưng tuyệt không có tin gì. Rồi đó, cha mẹ em thương con buồn rầu quá, thành ra mang bệnh, kế tiếp nhau qua đời. Phần em, không có người nương tựa, lại bị người ta lập mưu cướp hết của cải và đem bán cho thuyền buôn. Em không ở yên một nơi nào cả, nay đây mai đó, cuối cùng đến đây gặp anh…”


    Sau lưng người vợ, nét mặt của chồng biến sắc khi biết là lấy nhầm phải em ruột. Lòng người chồng càng bị vò xé vì tin cha me, tin quê quán do vợ nói ra. Nhưng chồng vẫn cố ngăn cản xúc của mình, gói kín sự bí mật đau lòng đó lại, không cho vợ biết.


    Qua mấy ngày sau, sóng gió yên lặng, người chồng chở lưới ra biển đánh cá. Nhưng lần này một đi không bao giờ trở lại. Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mòn mỏi. Nàng không hiểu tại sao mỗi khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền chở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt.


    Mỗi chiều nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển,con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt.Tuy nước mắt bấy giờ đã khô kiệt, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng. Hình bóng ấy đối với dân làng thành quen thuộc. Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá.


    Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Người ta vẫn gọi là đá Trông Chồng hay đá Vọng Phu.



    Ý nghĩa nhân văn: Sự thủy chung sâu sắc của người phụ nữ dành cho người mình yêu.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sự tích Hòn Vọng Phú
  17. Top 17

    Sự tích Chú Cuội CungTrăng

    Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.


    Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.


    Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

    – Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!


    Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.


    Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.


    Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.


    Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.


    Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.


    Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.


    Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.


    Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.


    Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.


    Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….



    Ý nghĩa nhân văn: Phải thật cẩn thận trong những việc quan trọng.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sự tích Chú Cuội Cung Trăng
  18. Top 18

    Sự tích Ba Lưỡi Rìu

    Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.


    Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.


    Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

    -Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

    Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

    -Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!

    Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

    -Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.


    Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

    – Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?

    Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

    – Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.


    Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

    -Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

    Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

    -Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ


    Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

    -Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!

    Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

    -Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

    Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

    -Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.


    Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.



    Ý nghĩa nhân văn: Người có đức tính trung thực thì luôn gặp điều tốt đẹp.

    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
    Sự tích Ba Lưỡi Rìu



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy