Top 10 Bài hát hay nhất của ca sỹ Như Quỳnh
Một nhạc sĩ nổi tiếng từng nhận xét rằng Như Quỳnh là ca sĩ mà phải nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần. Cô không chỉ có giọng hát đẹp, mà dáng vóc cũng đẹp xuất ... xem thêm...sắc, lại giỏi về múa, ăn ảnh, bắt camera, trình diễn rất tự tin và tự nhiên trước ống kính. Có thể nói, ở Như Quỳnh hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một ngôi sao, và cô đã thật sự bước được lên đài danh vọng khi có một sự nghiệp âm nhạc đỉnh cao. Nếu chỉ nói riêng trong dòng nhạc vàng hải ngoại sau năm 1975, Như Quỳnh là nữ ca sĩ thành công nhất từ trước đến nay.
-
Duyên Phận (Nhạc sĩ Thái Thịnh)
Vào năm 2007, để chuẩn bị cho chương trình Paris By Night số 90 với chủ đề Chân dung Người Phụ nữ Việt Nam, Marie Tô Ngọc Thủy – nhà sản xuất, giám đốc Trung tâm Thúy Nga đã ngỏ lời với nhạc sĩ Thái Thịnh sáng tác một bài hát mới theo chủ đề của chương trình và đưa cho nữ ca sĩ Như Quỳnh thể hiện. Duyên phận đã được viết từ dạo đó. Vì lý do riêng tư, ca sĩ Như Quỳnh không góp mặt trong Paris By Night 90 - Chân dung người phụ nữ Việt Nam.
Duyên phận được cất đi, không hề có ý định sẽ sử dụng cho một chương trình nào khác. Phải đợi đến đầu năm 2010, thông qua chương trình Paris By Night số 99 với chủ đề Tôi là người Việt Nam, Duyên phận mới chính thức được giới thiệu đến với khán giả thông qua ca sĩ Như Quỳnh. Sau khi phát hành, ca khúc này đã trở thành một hiện tượng của âm nhạc Việt Nam.
-
Vùng Lá Me Bay (Nhạc sĩ Anh Việt Thanh)
Vùng Lá Me Bay là bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Việt Thanh được ca sĩ Giao Linh hát trước năm 75. Sau năm 1975, Như Quỳnh không phải là ca sĩ đầu tiên hát Vùng Lá Me Bay. Hồi đầu thập niên 1990, trung tâm Thuý Anh đã thực hiện 1 CD nhạc Tuấn Vũ – Phương Dung với chủ đề Vùng Lá Me Bay.
Bài hát này được Tuấn Vũ hát trong thời kỳ đỉnh cao phong độ nhất của anh, nhưng Vùng Lá Me Bay của Tuấn Vũ không tạo được hiệu ứng tốt và bài hát này lại đi vào quên lãng. Cho đến năm 2011, trung tâm Thuý Nga thực hiện lại bài hát này với tiếng hát Như Quỳnh, ngay lập tức bài hát đã trở thành 1 hit được rất nhiều khán giả yêu mến cho đến ngày nay.
-
Nối Lại Tình Xưa (Nhạc sĩ Ngân Giang)
“Nối lại tình xưa” là một sáng tác được hai nhạc sĩ Ngân Giang và Vinh Sử cho ra đời cách đây đã hơn 55 năm. Bài hát viết dựa trên truyện tình yêu có thật của nhạc sĩ Vinh Sử, khi ông vô tình gặp lại người yêu cũ và vì lúc đó vẫn còn tình cảm nên được nhạc sĩ Ngân Giang ủng hộ hai người quay về với nhau.
Nên ca khúc được ra đời trong khoảng thời gian đó và được tạo nên bởi cảm xúc hoàn toàn thật của chính người nhạc sĩ.
-
LK Con Đường Xưa Em Đi (Châu Kỳ & Hồ Đình Phương) & Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê (Duy Khánh)
"Con đường xưa em đi" được sáng tác vào khoảng năm 1967 đến 1968, do Hồ Đình Phương sáng tác thơ, Châu Kỳ phổ nhạc. Theo lời kể của Kha Thị Đàng, vợ Châu Kỳ thì bài hát được chồng bà và người bạn thân Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ con đường đất nằm sau nhà máy giấy nơi bà làm việc.
Đàng kể rằng "Phía sau nhà máy có dãy nhà tập thể cho công nhân nghỉ ngơi và nối tới nhà máy là con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa. Chúng tôi thường qua lại trên con đường đó. Cứ mỗi lần thấy tôi đi qua anh Hồ Đình Phương lại nói vui với tôi câu 'Con đường xưa em đi'. Một thời gian sau thì bài hát 'Con đường xưa em đi' ra đời".
-
LK Sao Không Thấy Anh Về & Nén Hương Yêu (Nhạc sĩ Duy Khánh)
Miền Trung từ lâu vốn là miền nghèo “đất cày lên sỏi đá” nhưng nổi tiếng là miền quê hương thùy dương có nhiều thắng cảnh đẹp nhất trên ba miền đất nước. Những người dân miền Trung xa quê có đi bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng đau đáu mong đến ngày về thăm lại quê hương cùng người em năm nào giờ xa xôi cách trở đôi đường. Có ai về miền Trung yêu dấu cho tôi xin gửi nhắn đôi lời…
Trong số nhạc phẩm sáng tác không nhiều của mình, nhạc sĩ Duy Khánh đã để lại cho đời những tuyệt phẩm viết về miền Trung như Ai ra xứ Huế, Bao Giờ Em Quên, Biết Trả Lời Sao, Sao Không Thấy Anh Về (Thương Về Miền Trung 2), Nén Hương Yêu, Sầu Cố Đô, Trăm Năm Bến Cũ…
-
Câu Chuyện Đầu Năm (Nhạc sĩ Hoài An)
Hằng năm mỗi dịp Xuân về, ca khúc Câu chuyện đầu năm của ông vẫn thường được hát như một dấu hiệu mừng mùa Xuân đến và mang đầy hi vọng của năm mới. Những ca khúc về nông thôn, mang âm hưởng dân ca của ông cũng rất thành công như Trăng về thôn dã, Tình lúa duyên trăng, Thiên duyên tiền định...
Lời nhạc của nhạc sĩ Hoài An mộc mạc, trữ tình, giản dị, dễ thuộc. Giọng ca của Như Quỳnh đã thể hiện được vẻ đẹp trong vắt, thanh tân của mùa xuân.
-
Người Tình Mùa Đông (Nhạc sĩ Anh Bằng)
“Đường vào tim em ôi băng giá, trời mùa đông mây vẫn hay đi về…”
Vào những ngày này của 26 năm về trước, có một cô gái trẻ khoác chiếc áo đỏ, đội mũ beret nhún bước hát bài “Người Tình Mùa Đông”. Đó là lần đầu tiên cô xuất hiện trên một chương trình ca nhạc ở hải ngoại, cuốn Asia số 6 – Đêm Sài Gòn 5 – chủ đề “Giáng Sinh Đặc Biệt”. Tên của cô là Quỳnh Như, nghệ danh là Như Quỳnh.
Tên tuổi của Như Quỳnh vụt sáng ở hải ngoại từ thời điểm đó, và hình tượng cô gái khoác áo đỏ đội mũ beret đó cũng đã trở thành bất tử trong lòng fan hâm mộ.
Suýt một chút nữa thì “siêu phẩm” Như Quỳnh – Người Tình Mùa Đông đã không tồn tại, vì khi nhạc sĩ Anh Bằng viết lời Việt cho ca khúc này xong thì trung tâm Asia định đưa ca khúc này cho Ngọc Lan hát. Tuy nhiên sau đó thì cố ca sĩ Ngọc Lan chọn một ca khúc khác, cộng với sự xuất hiện của Như Quỳnh, nên nhạc sĩ Trúc Hồ và cô Thy Vân đưa Người Tình Mùa Đông cho Như Quỳnh hát, và đó trở thành một trong những ca khúc thành công nhất của làng nhạc hải ngoại.
-
Phố Đêm (Nhạc sĩ Tâm Anh)
Bài hát Phố Đêm được viết năm 1968, ngay trong những ngày “thương tích lớn” của năm Mậu Thân, khi mà đêm đêm lệnh giới nghiêm hoặc thiết quân luật bắt đầu được thực hiện ở thành đô Sài Gòn. Có lẽ vì vậy mà phố đêm đã vắng vẻ, trống trải hơn trước. Phố vắng đêm về, lòng người dậy lên những suy tư khắc khoải không nguôi, vì biết rằng trong đời sẽ còn những ngày thương tích lớn, và dòng đời sẽ không như thơ, như trong ước mơ thường tình của nhiều người.
Bài hát có những ca từ rất đẹp, vượt thoát khỏi vẻ bên ngoài là một bài nhạc đại chúng. Một nhạc sĩ còn rất trẻ như Tâm Anh năm 1968 đã có cái nhìn thật tinh tế: “Nhớ ngày nao hoa nắng ngủ trên cây thương lá vàng úa tàn…”
-
Chuyện Hoa Sim (thơ Hữu Loan - nhạc Anh Bằng)
Bên cạnh ca khúc Người Tình Mùa Đông tại Asia số 6, thì bài Chuyện Hoa Sim trên Asia số 7 cũng được ca sĩ Như Quỳnh trình diễn trong cùng một thời điểm khi ra mắt khán giả tại trung tâm Asia. Đó là 2 chương trình được thực hiện đồng thời, và producer là nhạc sĩ Trúc Hồ đã chọn cho Như Quỳnh 2 ca khúc cùng của nhạc sĩ Anh Bằng (sáng tác hoặc viết lời), nhưng của 2 dòng nhạc khác nhau: Một sáng tác mới thuần chất nhạc vàng là Chuyện Hoa Sim, cùng với một bài hát tương đối vui tươi là Người Tình Mùa Đông. Cả 2 ca khúc này đều thành công vang dội và gắn liền với tên tuổi Như Quỳnh từ thời điểm đó. Album đầu tay của Như Quỳnh mang chủ đề Chuyện Hoa Sim cũng đạt doanh số bán kỷ lục tại hải ngoại.
Màu Tím Hoa Sim là một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh Hoá. Sau đó bài thơ được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc mang tên Chuyện Hoa Sim, dành riêng cho tiếng hát Như Quỳnh giai đoạn đầu sự nghiệp. Và đúng như dự đoán, ca khúc đã đưa tên tuổi Như Quỳnh lên đỉnh cao nhất của dòng nhạc này.
-
Một Ngày Không Gọi Nhau (Nhạc sĩ Trúc Hồ)
Trúc Hồ là người góp công lớn cho sự thành công của Như Quỳnh trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại. Trúc Hồ là người đã chọn bài và hoà âm cho tất cả các ca khúc mà Như Quỳnh hát ở Asia trong giai đoạn đầu. Không chỉ nổi tiếng với các ca khúc nhạc vàng, Trúc Hồ còn để Như Quỳnh hát nhiều loại nhạc khác nhau, cả nhạc vui và nhạc buồn, khai thác được nhiều khía cạnh của một giọng hát hiếm có.
Như Quỳnh còn là nguồn cảm hứng vô tận của nhạc sỹ Trúc Hồ. Ông từng chia sẻ vui với khán giả về nữ ca sỹ mà mình yêu mến trên sân khấu ca nhạc hải ngoại: “Đây là người đi ngang qua đời Hồ chỉ có vài năm nhưng đã cho Hồ biết thế nào là đau, cho Hồ biết thế nào là con tim đã bị dằn vặt. Lúc đó, mình ước gì đừng bao giờ gặp người này”. Nhưng nhờ tình cảm dành cho mỹ nhân làng nhạc, ông đã "sinh nở" được nhiều nhạc phẩm gây thương nhớ cho khán giả. “Em đã quên một dòng sông” là một thí dụ: “Có dòng sông năm xưa/ Đã một thời yêu em/Có dòng sông hôm nay.../Vẫn một lòng yêu em/Em yêu, em đã quên một dòng sông...”.