Top 10 Bài thơ hay của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

Lan Huong Nguyen 95343 0 Báo lỗi

Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Nhưng Nguyễn Trãi cũng là một người ... xem thêm...

  1. Bình Ngô đại cáo

    (Bản dịch của Ngô Tất Tố)


    Thay trời hành hoá, hoàng thượng truyền rằng.

    Từng nghe:
    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
    Như nước Đại Việt ta từ trước,
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
    Núi sông bờ cỏi đã chia,
    Phong tục Bắc Nam cũng khác;
    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
    Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
    Song hào kiệt thời nào cũng có.

    Cho nên:
    Lưu Cung tham công nên thất bại;
    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
    Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
    Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi.

    Vừa rồi:
    Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
    Để trong nước lòng dân oán hận
    Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
    Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
    Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
    Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
    Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
    Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
    Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
    Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
    Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng.
    Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
    Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
    Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
    Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
    Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
    Nặng nề những nổi phu phen
    Tan tác cả nghề canh cửi.
    Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
    Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?

    Ta đây:
    Núi Lam sơn dấy nghĩa
    Chốn hoang dã nương mình
    Ngẫm thù lớn há đội trời chung
    Căm giặc nước thề không cùng sống
    Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
    Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
    Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
    Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
    Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
    Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
    Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
    Chính lúc quân thù đang mạnh.

    Lại ngặt vì:
    Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
    Nhân tài như lá mùa thu,
    Việc bôn tẩu thiếu kẻ đở đần,
    Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
    Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông,
    Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.

    Thế mà:
    Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.
    Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.
    Phần vì giận quân thù ngang dọc,
    Phần vì lo vận nước khó khăn,
    Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
    Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
    Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
    Ta gắng trí khắc phục gian nan.
    Nhân dân bốn cỏi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
    Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
    Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
    Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.

    Trọn hay:
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo.
    Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
    Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
    Sĩ khí đã hăng
    Quân thanh càng mạnh.
    Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
    Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.
    Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,
    Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
    Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
    Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
    Phúc tâm quân giặc: Trần Hiệp đã phải bêu đầu
    Mọt gian kẻ thù: Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
    Vương Thông gỡ thế nguy, mà đám lửa cháy lại càng cháy
    Mã Anh cứu trận đánh mà quân ta hăng lại càng hăng.
    Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt,
    Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công.
    Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan.
    Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
    Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.

    Bởi thế:
    Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
    Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
    Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
    Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
    Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
    Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
    Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
    Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
    Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
    Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
    Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
    Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
    Lại thêm quân bốn mặt vây thành
    Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
    Sĩ tốt kén người hùng hổ
    Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
    Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
    Voi uống nước, nước sông phải cạn.
    Đánh một trận, sạch không kình ngạc
    Đánh hai trận tan tác chim muông.
    Cơn gió to trút sạch lá khô,
    Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.
    Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
    Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
    Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
    Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
    Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
    Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ
    Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật!
    Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
    Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
    Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
    Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
    Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
    Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
    Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
    Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
    Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
    Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
    Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
    Chẳng những mưu kế kì diệu
    Cũng là chưa thấy xưa nay
    Xã tắc từ đây vững bền
    Giang sơn từ đây đổi mới
    Càn khôn bĩ rồi lại thái
    Nhật nguyệt hối rồi lại minh
    Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
    Muôn thuở nền thái bình vững chắc
    Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;

    Than ôi!
    Một cỗ nhung y chiến thắng,
    Nên công oanh liệt ngàn năm
    Bốn phương biển cả thanh bình,
    Ban chiếu duy tân khắp chốn.

    Xa gần bá cáo,
    Ai nấy đều hay.
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)

  2. Côn sơn ca

    ( Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh)


    Côn Sơn có khe,
    Tiếng nước chảy rì rầm.
    Ta lấy làm đàn cầm.
    Côn Sơn có đá,
    Mưa xối rêu xanh đậm,
    Ta lấy làm chiếu thảm.
    Trên núi có thông,
    Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
    Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
    Trong rừng có trúc,
    Nghìn mẫu in biếc lục,
    Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
    Ngươi sao còn chửa về đi!
    Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
    Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
    Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
    Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
    Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
    Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
    Thú Dương chết đói không ăn thóc?
    Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
    Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
    Người đời trong trăm năm,
    Rốt cuộc như thảo mộc.
    Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
    Một tươi một héo vẫn tương tục.
    Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
    Chết rồi ai vinh với ai nhục?
    Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
    Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.

    Nguồn: Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976


    Côn Sơn là một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng Hồ Ngọc hác tậpcủa Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  3. Ba tiêu (cây chuối)

    Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
    Ðầy buồng lạ, màu thâu đêm.
    Tình thư một bức phong còn kín,
    Gió nơi đâu, gượng mở xem..

    Hai câu cuối của bài thơ có thể lấy ý từ bài Vị triển ba tiêu 未展芭蕉 của Tiền Hử 錢珝 đời Đường (Trung Quốc).
    Bài thơ này được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.
    Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  4. Bạch Đằng hải khẩu


    Sóc phong xung hải khí lăng lăng,
    Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
    Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
    Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
    Quan hà bách nhị do thiên thiết,
    Hào kiệt công danh thử địa tằng.
    Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
    Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

    Dịch nghĩa

    Cửa biển lồng lộng, gió bấc thổi băng băng;
    Buồm thơ nhẹ lướt qua sông Bạch Đằng.
    Nhìn núi từng khúc, như cá mập, cá sấu bị chặt từng đoạn,
    Nhìn bờ từng lốp, như giáo kích gươm đao bị gãy chìm.
    Cảnh núi sông hiểm yếu, tạo ra cái thế “lấy ít địch nhiều”,
    Ðây là nơi hào kiệt từng lập nên công danh oanh liệt.
    Việc xưa nghĩ lại, ôi tất cả đã qua rồi!
    Tới đây viếng cảnh, nỗi lòng sao biết nên chăng?

    Bạch Đằng là con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại, chảy ra biển. Cửa Bạch Đằng xưa kia, vốn nay đã chuyển hướng, hiện thuộc Hải Phòng. Ðây là nơi mà Trần Hưng Ðạo đã đánh tan giặc Nguyên Mông. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ...
    Nguồn: Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, NXB Văn hoá, 1962
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  5. Thuật hứng bài 24


    Công danh đã được hợp về nhàn,
    Lành dữ âu chi thế nghị khen.
    Ao cạn vớt bèo cấy muống,
    Đìa thanh phát cỏ ương sen.
    Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
    Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
    Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
    Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.


    Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  6. Ghẹo cô hàng chiếu


    Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
    Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
    Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi,
    Đã có chồng chưa, được mấy con?

    Thơ đối đáp hoạ nguyên vận của Nguyễn Thị Lộ:

    Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
    Can chi ông hỏi hết hay còn?
    Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ,
    Chồng còn chưa có, có chi con!

    Nguồn: "Giai thoại văn học Việt Nam", Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch, NXB Văn học, Hà Nội, 1988
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  7. Thủ vĩ ngâm


    Góc thành Nam, lều một gian,
    No nước uống, thiếu cơm ăn.
    Con đòi trốn, dường ai quyến,
    Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn.
    Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá,
    Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.
    Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,
    Góc thành Nam, lều một gian.

    Bài thơ này có thể là làm trong lúc Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan theo bài tựa của Nguyễn Khắc Kiệm hay là trong lúc ông bị Lê Thái Tổ ruồng bỏ sau khi bị giam vì bị nghi có liên quan với án Trần Nguyên Hãn, tuy được tha và vẫn giữ chức quan, nhưng không được làm việc gì. Chúng tôi (nhóm Đào Duy Anh) đoán là làm trong trường hợp thứ hai, vì trong thơ đã có vẻ chán chường lắm, không thể là giọng thơ của một người thanh niên 30 tuổi còn đầy tráng khí (lúc bị giam lỏng ở Đông Quan) mới gặp khó khăn nhất thời. Vả chăng nếu là bị giam ở Đông Quan thì không thể có câu “Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải”.

    Nguồn:
    1. http://nguyendu.com.free....honom/nguyentrai-qatt.htm
    2. Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  8. Dạy vợ con


    5. Nhân thong thả lựa vần quốc ngữ,
    Làm bài ca dạy vợ nhủ con:
    Lời ăn nết ở cho khôn,
    Chớ nên đa quá, đa ngôn chút nào!
    Ăn mặc chớ mỹ miều chải chuốt,
    10. Hình dung đừng ve vuốt ngắm trông,
    Một vừa hai phải thì xong,
    Giọt dài giọt ngắn cũng không ra gì
    Khi đứng ngồi chứ hề lơ lẳng,
    Tiếng nhục nhằn nữa nặng đến mình,
    15. Hạt mưa chút phận lênh đênh,
    Tấm son tạc lấy chữ trinh làm đầu.
    Kìa mấy kẻ làu làu tiết ngọc,
    Đem sắt đanh nguyện lúc lửa châm.
    Con hiền cha mẹ an tâm,
    20. Một nhà khen ngợi, nghìn năm bia truyền.
    Nọ những kẻ nước nguyền non hẹn,
    Thấy mùi hoa bướm nghển, ong chào,
    Miệng đời dê diếu biết bao,
    Đông ra quốc pháp, nhục vào gia thanh
    25. Đem người trước lấy mình ngắm lại,
    Khôn ba năm đừng dại một giờ,
    Đua chi chén rượu câu thơ,
    Thuốc lào ngọt nhạt, nước cờ thấp cao.
    Đám dồi mỏ ra vào săn sóc,
    30. Lại bài phu, tam cúc, đánh đinh,
    Đố mười, chẵn lẻ, đố kinh,
    Tổ tôm, kiệu chắn, sám quanh tứ chiều.
    Đi đứng đắn, chớ điều vùng vẫy,
    Khi tối tăm đèn phải phân minh,
    35. Hoặc khi hội hát linh đình,
    Được lời dạy đến thì mình hãy ra,
    Ra phải có mẹ già em nhỏ,
    Đừng đánh đàn, đánh lũ không hay.
    Nói đừng chau mặt, chau mày,
    40. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay hay nào!
    Của tằn tiện, chắt chiu hàn gắn,
    Khách buôn tàu chưa hẳn nơi đây!
    Cũng đừng vắt nước cổ chày,
    Tiếp tân tế lễ là ngày nên hoang.
    45. Ăn ở chớ lòng mang khoảnh khắc,
    Mua bán đừng điêu trác đong đưa.
    Mua đừng ráo riết quá lừa,
    Bán đừng bo xiết, ích ta hại người.
    Chớ tắt mắt của người kém cỏi,
    50. Đừng đảo điên có nói làm không.
    Giàu sang cũng chớ khoe ngông,
    Miễn mình ấm phận chớ lòng khinh ai.
    Khó khăn chớ vật nài oán hối,
    Hết bĩ rồi tới buổi thái lai
    55. Cầm cân, tạo hoá đổi dời,
    Giàu ba họ, khó ba đời mấy ai?
    Đừng học cách tham lời đặt lãi,
    Lợi kẻ cho thì hại kẻ vay,
    Dễ dàng nợ phải lay nhay,
    60. Đến đầu đũa quá, e cay đắng nhiều.
    Hoặc lỡ thiếu phải điều lĩnh tạm,
    Dù ít nhiều liệu sớm tính xong,
    Chẳng nên mê mẩn hơi đồng,
    Qua lần cho khỏi thì lòng mới nguôi.
    65. Thói mách lẻo, ngồi rồi bỏ hết,
    Hễ điều gì nói ít mới hay,
    Lân la giắt rợ, giắt rây,
    Đã hư công việc, lại dày tiếng tăm.
    Việc chợ búa chăm chăm chúi chúi,
    70. Buổi bán xong liệu vội ra về,
    Cửa nhà trăm việc sớm khuya,
    Thu va thu vén mọi bề mới xong.
    Phòng những kẻ có lòng gian vặt,
    Nhỡ xảy ra một mất mười ngờ,
    75. Tiếc thầm đứng ngẩn, ngồi ngơ,
    Đau buồn thôi lại đổ cho tại trời.
    Từ chốn ở, nơi ngồi thay thảy,
    Rác ngập đường nhìn vậy chan chan,
    Ai vào rác ngập ước chân,
    80. Bát mâm tơi tả chiếu chăn đầy giường,
    Tuy khó rách, giữ gìn thơm sạch,
    Có hay gì chiếu lệch bụi nhơ,
    Đồ ăn thức nấu cho vừa,
    Thường thường giữ lấy muối dưa ngon lành.
    85. Nghề bánh trái chiều thanh vẻ lịch,
    Cũng học dần thói cách người ta,
    Vá may giữ nếp đàn bà,
    Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công.
    Thủa tại gia phải tòng phụ giáo
    90. Khi lấy chồng giữ đạo chính chuyên
    Lại là hiếu với tổ tiên,
    Những ngày giỗ tết không nên vắng nhà.
    Đồ cúng cấp hương trà tinh khiết,
    Theo lễ nghi khép nép, khoan thai,
    95. Ăn nhiều ăn ít cho rồi,
    Nhớ điều ghẻ lạnh lễ thôi lại về.
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  9. Lời mở đầu


    Đặt quyển sách, vắt tay nằm nghĩ,
    Hễ làm người dạy kỹ thì nên,
    Phấn son cũng phải bút nghiên,
    Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  10. Tự thán


    Chiếc thuyền lơ lửng bên sông,
    Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay.
    Chắc chi thiên hạ đời nay,
    Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.
    Đã buồn về trận mưa rào,
    Lại đau về nỗi ào ào gió đông.
    Mây trôi nước chảy xuôi dòng,
    Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình.

    Theo Quách Tấn (trong Hương vườn cũ), bài này tương truyền là của Nguyễn Trãi. Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám cũng chép là của Nguyễn công. Song bài này không tìm thấy trong Quốc âm thi tập, vả hiện cũng không tìm thấy bài nào khác của Nguyễn Trãi viết bằng lục bát.Nguồn: Quách Tấn, Hương vườn cũ, NXB Hội nhà văn, 2007
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy