Top 10 Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công"

Hà Ngô 14772 0 Báo lỗi

Ngay từ khi con bé chúng ta đã có ý thức học để được vào đại học. Ước mơ được làm bác sĩ, kĩ sư, luật sư của những đứa con nít ngày đó được ấp ú từ những trang ... xem thêm...

  1. Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công"Những ngày cuối tháng sáu đầu tháng bảy không khí ở khắp các tỉnh thành trên cả nước lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hàng triệu thí sinh bước vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia đầy cam go, căng thẳng. Đã từ lâu, in hằn trong nếp nghĩ của mọi người về việc bằng mọi giá phải vào được đại học, bởi đó là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất. Liệu thực sự có phải vào đại học mới là con đường duy nhất giúp chúng ta vươn đến thành công.


    Theo như định nghĩa, giáo dục đại học có nghĩa là “giáo dục thường được diễn ra ở các trường đại học, viện đại học, đại học, trường cao đẳng, học viện và viện công nghệ. Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học và sau đại học và gồm cả một số cơ sở giáo dục bậc đại học hay cao đẳng như các trường huấn luyện nghề và trường kinh doanh có trao văn bằng, học thuật hay cấp chứng chỉ chuyên nghiệp. Hiện nay nhiều người quan niệm rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất của giới trẻ. Nhận định này chỉ đúng ở một phần nào đó, không đúng hoàn toàn.


    Đại học là con đường, là mơ ước khát vọng đẹp đẽ mà bất cứ người trẻ nào cũng hướng đến. Đó là chân trời rộng mở, chân trời của tri thức, tự do và sự khám phá, trải nghiệm của bản thân. Vào đại học cũng là cách thức để chúng ta khẳng định bản thân và lập nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Nền kinh tế tri thức làm chủ đạo, bởi vậy nếu con người không ngừng học tập sẽ trở nên thụt lùi, lạc hậu và không bắt kịp với xu thế chung của thời đại. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng có sự phân loại và chuyên môn hóa cao, nếu chúng ta chỉ có kiến thức của cấp bậc phổ thông không thôi sẽ là chưa đủ, mà cần phải có kiến thức chuyên sâu của bậc đại học để tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi để dễ dàng tiếp thu các tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, lại cộng thêm với sự truyền đạt của những người thầy hàng đầu sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn. Và cuối cùng, cuộc đời con người là cả một quá trình học hỏi không ngừng, đúng như Lênin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Sau khi học phổ thông chúng ta tiếp tục học đại học sẽ tạo nên mạch liên tục cho việc tiếp thu tri thức.


    Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để các bạn có nền tảng vững chắc, được theo đuổi một công việc mình mơ ước, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi bước chân vào cánh cổng đại học cần phải chuyên cần, tập trung năng lực để tiếp thu tri thức. Không nên ham chơi, mải mê, lãng phí thời gian, tuổi trẻ.


    Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thấy rõ rằng: Đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất đối với mỗi người. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà chúng ta có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nếu điều kiện gia đình bạn không cho phép học đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc thật cần cù, chăm chỉ, khi ấy bạn sẽ trở thành người thành công. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học nhưng vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ học đại học năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, ông chưa tốt nghiệp trung học, nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford.


    Quả thực vào đại học là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để chúng ta đi đến cái đích của sự thành công. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vòng vèo, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ vươn đến cái đích của sự thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 1
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 1

  2. Học đại học là con đường ngắn nhất để trở thành kỹ sư, bác sĩ hay cử nhân. Mới chỉ cần nghe danh đã thấy oai, rồi đó là chưa kể đến khi có tấm bằng đại học trong tay thì dù sớm hay muộn họ cũng sẽ kiếm được một công việc ổn định để tạo dựng cho mình cuộc sống ổn định. Thế nhưng con đường đó có trải đầy nhung lụa không thì chỉ những người đã và đang trải qua mới có thể hiểu được. Nhưng để trả lời câu hỏi "Đại học có phải là con đường duy nhất?” thì tôi xin trả lời rằng ”Đại học không phải là con đường duy nhất”, đó chỉ là một con đường có thể nói là đó là con đường khá đơn giản và tối ưu.


    “Đại học không phải là con đường duy nhất”. Nhưng bước vào đại học sẽ cho ta một chân trời để học hỏi tri thức mới. Đại học sẽ mở ra cho chúng ta một chân trời bao la của sự học, học nữa, học mãi. Ở Đại học, nơi tập trung những giảng viên, giáo sư giỏi, những nhân tài gọi là “nguyên khí của quốc gia”. Những người thầy, những trí thức ưu việt đó sẽ là những người hướng đạo tốt nhất, có ý nghĩa như những chiếc chìa khóa thần diệu giúp tuổi trẻ mở thẳng vào cánh cửa lâu đài khoa học kĩ thuật và trí tuệ. Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống hiếu học, giàu khát vọng trí tuệ. Cần phải coi việc vào Đại học là một con đường tiến thân đẹp đẽ, sang trọng, xứng đáng là một giấc mơ tốt đẹp của biết bao học trò. Phải dồn mọi tâm huyết thời gian, sức lực để có thể đạt kết quả tốt trong kì thi đại học này.


    Thật ra, có rất nhiều người thành công không từ con đường đại học. Đại học, chỉ là một bước đệm cho ta đi lên trên nấc thang thành công trong cuộc sống. Nhưng vì lối quan niệm như thế, rất nhiều bạn trẻ đã làm đủ mọi cách, học đủ mọi nơi để tìm cách có chân trong giảng đường đại học. Dạo một vòng mạng xã hội trong những mùa ôn thi, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những câu than thở đầy tuyệt vọng: “Bài vở nhiều quá, phải cố lên, cố lên..” hay “Làm sao để vào được đại học..?”. Với những bạn có học lực khá giỏi, có lẽ việc đậu vào một trường đại học không có gì khó, nhưng đối với những học sinh trung bình, thì đó quả thật là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, dù biết rằng mình không hề có đủ khả năng để thi vào đại học, nhưng các bạn ấy vẫn cứ nhắm mắt đưa chân chọn con đường này. Bởi vì, những bạn ấy không đủ can đảm bước đi một con đường khác, đại học vốn dĩ là con đường hầu hết các bạn lựa chọn sau khi tốt nghiệp cấp 3.


    Quả thật vậy, vì xã hội quan niệm “đại học là hàng đầu” nên rất nhiều bạn trẻ có cái nhìn khinh thường đối với những văn bằng thấp hơn đại học như trung cấp, cao đẳng, học nghề. Nhưng liệu các bạn có biết, cái giá trị của thành công là những gì ta đạt được, chứ không phải là từ những ta học được. Dù bạn học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hay thậm chí là chẳng học gì sau 12 năm phổ thông đi chăng nữa, thì chỉ cần bạn có tinh thần học hỏi, có ý chí cầu tiến và có quyết tâm làm đến cùng, thì bạn sẽ thành công.


    Vào đại học hoàn toàn không phải là con đường duy nhất. Trên thế giới đã chứng kiến nhiều người thành công mà không sở hữu tấm bằng đại học nào cả. Các em vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi theo những con đường khác nhau, miễn là các em có đam mê, có sự cố gắng và nỗ lực hết mình. Có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới không cần học đại học mà vẫn có được những thành công đáng ngưỡng mộ, tiêu biểu như Bill Gates. Hay những nhà bác học nhà phát minh như Edison, Einstein. Con đường vào đời, vào chân trời hạnh phúc ngày nay của tuổi trẻ cũng đã mở ra rất nhiều cánh cửa. Có thể cánh cửa đại học không mở rộng với bạn nhưng những cánh cửa khác không khép lại với bạn.


    Qua mỗi mùa thi, có rất nhiều bạn thất vọng vì không thể bước vào đại học, thậm chí nhiều bạn có suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những việc làm phá hỏng cả tương lai của mình. Bạn xem đại học là con đường lớn lao mà không bước vào nó thì sẽ cảm thấy xấu hổ và tồi tệ, cảm thấy thua kém bạn bè. Ngày nay, có một thực trạng là, có nhiều người học đại học xong nhưng tấm bằng thì cất vào tủ rồi đi làm công việc gì đó để kiếm sống. Nếu không có lựa chọn thông minh thì chính con đường đại học sẽ hủy hoại cả tương lai của bạn. Vì thế, việc vào đại học hay không cũng không còn quan trọng như trước nữa. Nhiều bạn học cấp ba xong lại lựa chọn đi học nghề, hay đi xuất khẩu lao động.


    Nếu hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, trình độ học lực hiện tại còn có hạn thì hãy tạm gác giấc mơ xa vào Đại học, mà hãy thực hiện giấc mơ gần hơn, thực tế hơn. Hãy làm những công việc phù hợp với khả năng, có ích cho gia đình, xã hội. Hãy xem cuộc đời là một trường Đại học, cuộc sống chính là nhà trường mà ở đó mỗi người có thể học hỏi được rất nhiều điều mới lạ. Đại học không phải là con đường duy nhất. Nhưng có một điểm quan trọng là, dù có học đại học hay không thì con đường để thành công không thể nào không học tập.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 2
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 2
  3. Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, chính vì thế chỉ cần chúng ta chăm chỉ trên con đường học vấn cũng như công việc của mình ắt hẳn chúng ta sẽ thành công. Chính vì thế có lẽ đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp của thanh niên.


    Đại học là một cánh cửa mới mở ra cho rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng lựa chọn cho mình cách vào đại học mới có thể thành công, bởi như Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng nói: “Học đại học phải trả giá bằng thời gian và sức lực”. Chính vì thế không chỉ riêng đại học mới giúp chúng ta thành công, có rất nhiều cách giúp chúng ta thành công mà không cần phải học đại học.


    Đại học giúp cho chúng ta học hỏi và mở rộng được nhiều kiến thức mà người thầy vẫn là người định hướng và giáo dục cho chúng ta, học đại học cũng có rất nhiều ưu thế vì chúng ta có thể học được nhiều kiến thức hay bởi các chuyên ngành mà chúng ta đã lựa chọn. Tuy nhiên vào đại học và học một ngành nghề nào đó cuối cùng cũng chỉ để học nghề và ra để làm một công việc. Chính vì thế có rất nhiều người đã đi theo con đường khác, không phải theo con đường học đại học.


    Lập nghiệp đó là việc lựa chọn cho mình một hướng đi, hướng đi đó giúp chúng ta định hướng được các công việc trong tương lai, chính vì thế việc lựa chọn cho mình một công việc và làm theo đó là việc làm rất cần thiết, nó giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống, một điều mà chúng ta thấy được đó là việc tự học và tự khởi nghiệp là điều mang lại cho chúng ta nhiều điều có ý nghĩa hơn.


    Tự chủ trong các công việc của mình, mỗi cá nhân đều phải cố gắng, bởi thanh niên cần phải tích cực, chủ động và học tập thật tốt để xứng đáng với những danh hiệu mà đảng và nhà nước đã trao tặng. Thế hệ thanh niên là một tầng lớp thuộc mầm non của đất nước, chính vì thế việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân đó là việc làm rất cần thiết và mang lại nhiều bài học quý giá cho con người.


    Đại học là một con đường để mỗi chúng ta lập nghiệp, tuy nhiên nó không phải là một con đường duy nhất bởi chúng ta cần phải xác định được hướng mà chúng ta sẽ đi, việc mà chúng ta đang định làm, có như vậy chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc đời của mình thật sự có ý nghĩa rất lớn trong việc lựa chọn một hướng đi cho phù hợp. Mỗi chúng ta đều có thể thấy được tất cả những điều đó qua những cách riêng, nó thể hiện những điều riêng tư nhất mà chúng ta đang có, mỗi người đều có những cách lựa chọn riêng, không ai là giống ai cả, chính vì vậy việc xác định vào đại học cũng là một con đường đi tốt. Ở đó chúng ta sẽ được mọi người định hướng, học tập tốt hơn.


    Nhưng cũng có thể lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, nó thể hiện một cái nhìn mới mẻ và đầy táo bạo, cách thể hiện hợp tình, hợp lý, chọn lựa kĩ càng và ngày càng thể hiện một hướng đi phù hợp với con người và khả năng của chính mình. Đại học là cách lựa chọn của rất nhiều người, nhiều người cũng đã rất thành công bởi con đường mà mình đang đi, tuy nhiên cũng có rất nhiều người lại bỏ gánh giữa đường, bởi đại học tốn rất nhiều thời gian của mỗi người, nó bắt con người phải đầu tư cả thời gian và công sức của mình vào đó.


    Thời gian và tiền bạc đủ để cho con người ta có thể làm được rất nhiều thứ, tuy nhiên việc lựa chọn cho mình một con đường riêng, việc lựa chọn con đường đi sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều điều mà trong cuộc sống chúng ta đang phải gặp tới. Đúng như có câu nói đã viết: “Không quan trọng mình đứng ở đâu mà quan trọng mình đi đâu”. Đây mới chính là những hướng đi hoàn hảo và có ý nghĩa to lớn đến con người, cái riêng biệt là tạo cho con người những sự bức phá mới mẻ và hợp lý hơn, trong cách xử lý đó, nó để cho con người một cái nhìn riêng, lạ và tạo nên những điểm nhấn hoàn toàn mới mẻ của mỗi người.


    Thanh niên ngày nay không phải chỉ có lựa chọn con đường đại học mới có thể thành công được, trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người lựa chọn cho mình theo hướng tự do, họ đi theo một con đường độc lập, mới mẻ và ngày càng táo bạo hơn. Nhiều hình thức kinh doanh và mở rộng bản thân bằng cách học tập và ngày càng khéo léo và táo bạo tạo nên cái riêng cho mỗi con người.


    Mỗi chúng ta hãy lựa chọn cho mình một hướng đi cho phù hợp có như vậy chúng ta mới cảm thấy được cuộc sống này đang tràn ngập nhiều điều có ý nghĩa và những điều có giá trị nhất. Đem lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 3
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 3
  4. Thanh xuân, tuổi trẻ mỗi người chỉ trải qua một lần duy nhất, đó là thời điểm con người ta hạnh phúc nhất, sung sướng nhất, tự do nhất, dũng cảm nhất, nhưng cũng là lúc con người ta phải đối diện với muôn vàn thử thách khó khăn, phải đắn đo suy nghĩ và lựa chọn cho mình một con đường, một ước mơ. Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp 3 đang sắp bước vào một kỳ thi cam go, hồi hộp, kỳ thi ấy sẽ dẫn các bạn vào cánh cổng đại học mở ra hay sẽ đưa các bạn rẽ sang một hướng khác, đó còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của các bạn. Thế nhưng, có một vấn đề được đặt ra, tại sao mọi người đều ép bản thân mình chen chân vào cánh cổng đại học? Liệu đại học có phải là con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ?


    Không phủ nhận cánh cổng trường đại học là một lựa chọn rất tốt cho các bạn trẻ, là bệ đỡ giúp chúng ta tiến xa hơn trong tương lai bằng con đường học tập. Ở môi trường đại học, chúng ta dường như bước vào một xã hội thu nhỏ, ở đó các thầy cô truyền dạy cho chúng ta nhiều bài học, không chỉ là những kiến thức khô khan trong sách vở mà còn là những kinh nghiệm sống rất quý giá mà không nơi nào có thể dạy chúng ta tốt như thế. Ước mơ vào đại học là một ước mơ rất đẹp, thể hiện khát vọng của con người về việc vươn đến một chân trời mới mẻ, một môi trường tri thức rộng mở, cao cấp hơn hẳn so với môi trường ở bậc trung học. Đặc biệt, môi trường đại học là một môi trường giáo dục rất tự do, khuyến khích sinh viên có những ý tưởng, sáng tạo, được thỏa sức bày tỏ quan điểm, khẳng định bản thân bằng nhiều cách khác nhau.


    Những câu lạc bộ, đoàn đội, hội nhóm sẽ là nơi giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, khả năng ứng phó linh hoạt với các tình huống thực tế có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra khi bước vào đại học, môi trường sống của các bạn sinh viên đa số đều thay đổi, xa gia đình, xa vòng tay cha mẹ, đa số các bạn đều phải sống tự lập, đó chính là cách giúp các bạn trưởng thành nhanh nhất.


    Đại học là bước đường các bạn học sinh dễ tiếp cận nhất và cũng là lựa chọn gần như tốt nhất. Bởi trong xã hội hiện đại, dân trí ngày một nâng cao, đất nước ngày một phát triển, để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ ngày một cao hơn. Tri thức trở thành nền tảng cốt yếu để phát triển đất nước, chính vì thế, con người có những lựa chọn đúng đắn để trau dồi tri thức cho bản thân, liên tục nâng cao trình độ thì sẽ dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ngày nay học vấn còn trở thành thước đo giá trị của một con người trong thời đại mới, nên đôi khi việc dừng lại ở bậc trung học phổ thông sẽ khó được xã hội công nhận năng lực và tham gia vào lao động sản xuất với một chế độ đãi ngộ tốt, nếu như bạn không thực sự cố gắng trong những lĩnh vực khác ngoài việc học lên đại học.


    Tuy nói là vậy nhưng việc bước vào cánh cổng đại học cũng không phải là con đường tiến thân duy nhất dành cho giới trẻ, bởi ngoài nó, chúng ta vẫn còn những lựa chọn khác, tuy có nhiều khó khăn vất vả hơn hẳn, nhưng nó cũng là một lựa chọn không tồi. Bạn cố chen chân kiếm cho mình một cái vé vào đại học, trong khi năng lực không đủ, điều kiện gia đình không cho phép, đặc biệt bạn còn vì muốn vào đại học mà chọn bừa cho mình một ngành học, một trường học mà chưa tìm hiểu thật kỹ càng. Đến khi bước chân vào rồi bạn mới nhận ra mình đã sai lầm, từ bỏ thì nuối tiếc, mà không từ bỏ thì bạn cứ mãi lửng lơ vô định hướng với một thứ bạn không thích, không am hiểu. Tôi tự hỏi nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, ai trong số các bạn còn cảm thấy rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất? Và từ thực tế cho thấy, không phải sinh viên đại học nào ra trường cũng có công ăn việc làm ổn định, cũng có một mức thu nhập cao, một tương lai xán lạn. Chẳng phải vẫn có người học qua quýt trong đại học, rồi ra trường không tìm được việc làm, cuối cùng cũng phải đi làm những công việc lao động chân tay, làm trái ngành, trở nên chán nản và hối hận vì đã lãng phí 4 năm thanh xuân vì không chịu cố gắng, không định hướng bản thân thật tốt. Thế nên cánh cổng đại học là cánh cổng đẹp, nhưng đó không phải là cánh cổng màu hồng như chúng ta hằng tưởng tượng, bởi cái gì cũng cần sự cố gắng. Ví như chúng ta chẳng may không đỗ vào trường chúng ta mong muốn, không đủ điều kiện học tập trong môi trường đại học, thì tốt hơn hết chúng ta hãy nghĩ đến một con đường khác, nghĩ xem mình thích gì, chúng ta có thể tham gia các lớp đào tạo nghề, ai có khiếu kinh doanh thì có thể tập tành buôn bán,...


    Bất kể làm việc gì, các bạn cũng phải nỗ lực hết sức mình thì mới thành công được, đừng nghe những lời gièm pha đàm tiếu của người ngoài rằng không học đại học là kém cỏi, là bất tài, bởi cuộc sống là của chúng ta chứ không phải của họ. Hãy nhìn xem Bill Gates đã dũng cảm thế nào khi từ bỏ Harvard ngôi trường trong mơ của bao lớp trẻ, để sáng lập ra Microsoft - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, rồi Steve Jobs đồng sáng lập tập đoàn Apple, Michael Dell nhà sáng lập ra tập đoàn máy tính Dell Inc, Henry Ford người sáng lập ra hãng ô tô Ford, có ai có tấm bằng đại học nào trên tay đâu, thế nhưng họ vẫn rất thành công, thành công một cách vượt bậc và vô cùng đáng ngưỡng mộ. Họ sáng lập ra những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, rồi những con người có những tấm bằng đại học danh giá cũng phải chen lấn xô đẩy để có thể vào đó làm việc. Thế nên thành công hay không học vấn là một phần quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân.


    Đại học là con đường ngắn nhất dẫn bạn đến thành công, thế nhưng nó không phải là con đường duy nhất, chúng ta còn rất nhiều những lựa chọn khác nữa, mặc dù sẽ khiến chúng ta vất vả và phải đi một con đường xa hơn hẳn để bước tới thành công. Hãy nhớ cánh cổng đại học khép lại, thì chúng ta hãy tự mở cho mình một cánh cổng khác, tôi tin rằng các bạn sẽ thành công!

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 4
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 4
  5. “Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay?”. Có lẽ đây là câu hỏi luôn nhức nhối của mỗi bạn học sinh, đặc biệt là các bạn cuối cấp. Giữa hai con đường chọn lựa, nên tiếp tục con đường học vấn vào đại học, hay kết thúc việc học, học nghề và ra đời tự nuôi sống bản thân.


    Như chúng ta biết rằng, việc học đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Mười hai năm học tập tại trường là cơ sở để các bạn có thể vững bước vào đời, hoặc tiếp tục học vấn. Mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau, nhưng đâu mới là lựa chọn tốt nhất?


    Vào đại học là lựa chọn tốt nhất? Ai ai cũng hiểu rằng, khi học vấn bản thân được nâng cao, cũng đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm, cơ hội tiến thân sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều. Vào đại học bạn sẽ được trang bị rất nhiều kiến thức, kĩ năng làm nền tảng để sau này sử dụng vào việc làm nghề. Bởi đại học không chỉ đơn thuần là lí thuyết, mà còn là thực tiễn, là những vấn đề đào tạo đến việc bạn ra trường sau này. Bởi vậy, học đại học sẽ cho bạn một hành trang vô cùng vững chắc để sau này tìm được một công việc phù hợp với năng lực bản thân, thích hợp với cá tính và mơ ước của chính mình. Trường đại học có lẽ là nơi rất tốt để ươm mầm tài năng, thúc đẩy tài năng của bạn.


    Nhìn vào tình hình thực tế, chúng ta có thể thấy những người giỏi giang, tài ba, có nền kinh tế vững chắc hầu hết đều là những người có học vị, học hàm cao. Họ là người có kiến thức uyên thâm, là những học viên nổi tiếng của các trường Đại học. Nhà vật lí vĩ đại thế kỉ XX - Stephen Hawing, 17 tuổi vào đại học danh tiếng Oxford. Con đường học tập của ông không ngừng được nâng cao, với những nghiên cứu và phát hiện của mình, ông đã tạo ra bước ngoặt lớn cho vật lí hiện đại. Tổng thống da màu người Mĩ đầu tiên, Barack Obama là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của khoa luật trường đại học Havart. Nhắc đến Havart là nhắc đến cái nôi đào tạo của những nhân tài nổi tiếng thế giới. Với sự uyên bác của mình, Obama đã giữ trọng trách tổng thống trong hai nhiệm kì, có những đóng góp quan trọng đối với cục diện thế giới.


    Nhìn vào đây có thể thấy, học đại học quả là con đường lập thân và lập danh quan trọng thiết yếu đối với mỗi con người.

    Không vào đại học vẫn có thể lập thân, lập danh? Quả thực đúng như vậy, không nhất thiết vào đại học mới có thể làm nên công việc, sự nghiệp cho bản thân. Hiện nay, ở Việt Nam hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ ngày càng trở nên phổ biến. Thầy thì quá nhiều, mà chưa chắc đã giỏi, thợ ít ỏi lại non kém về tay nghề. Bởi ai cũng đua nhau đi học Đại học. Thực trạng này càng ngày càng trở nên báo động. Chỉ vì một chút danh được học đại học, mà rất nhiều người lao đầu vào những trường đại học kém về chất lượng. Và kết cục khi họ mang tấm bằng ra khỏi trường chỉ là một tờ giấy, không kinh nghiệm, không kĩ năng và sẽ bị xã hội đào thải. Vậy tại sao không trở thành một người thợ giỏi, đem sức mình để nuôi sống bản thân, thay vì bốn năm ăn bám gia đình, cuối cùng vẫn không thể tự lực tìm cho bản thân một việc làm.


    Anna Wintour là một nhà báo nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang. Sau khi tốt nghiệp trung học bà không vào đại học mà dấn thân vào con đường làm báo, và trở thành tổng biên tập của nhãn hàng thời trang hàng đầu Vogue. John D.Rockefeller một trong những người giàu có nhất nước Mĩ. Ông được mệnh danh là ông trùm dầu mỏ, tài sản của ông ước tính thời điểm hiện tại lên đến 340 tỷ USD. Ông bỏ học để kiếm việc làm, sau nhiều công việc, ông đã thành lập hang lọc dầu Standard Oil và trở thành tỉ phú. Như vậy, học đại học cũng không phải con đường duy nhất để chúng ta lập thân, lập danh.


    Mỗi chúng ta có một hoàn cảnh sống riêng, sở thích và năng lực riêng. Không chỉ có vào đại học mới thành công, nếu bản thân đam mê, nếu hoàn cảnh không cho phép bạn vẫn có thể tự tin vững bước học nghề, rồi bắt tay vào một công việc. Chẳng phải mục đích của chúng ta là sống an yên và hạnh phúc đó sao, thành công ấy là khi bạn làm ra những đồng tiên chính nghĩa bằng chính năng lực của mình.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 5
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 5
  6. Trong xã hội ngày nay, bằng cấp có vai trò vô cùng quan trọng nếu bạn muốn có được một công việc tốt, thu nhập ổn định. Nhiều bậc cha mẹ ra sức đốc thúc con cái mình học tập để có thể vào được một trường đại học tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng “vào đại học không phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay”. Theo bạn thì bạn thấy có đúng không?


    Xã hội ngày càng phát triển, cứ mỗi phút trôi qua có cả trăm công trình nghiên cứu ra đời và để làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống của mình không còn cách nào khác là con người phải học. Mà đại học theo nhiều người thì đó là con đường duy nhất để tiến thân. Đại học ở đây đó là cấp đào tạo sau bậc trung học phổ thông, chuyên về nghiên cứu chuyên sâu, hoặc đào tạo nghề. Sinh viên sau khi đào tạo qua cấp bậc này sẽ được cấp chứng chỉ hoặc bằng cấp chứng nhận.


    Thực tế, mong muốn vào đại học chính là ước mơ của rất nhiều bậc cha mẹ cũng như các bạn học sinh. Bởi lẽ quan niệm truyền thống của nước ta, bố mẹ quanh năm vất vả cũng chỉ mong muốn con có được cái chữ “ấm bụng”. Vì thế dù có bất cứ giá nào vẫn mong con cái được học hành nên người, thoát khỏi đói nghèo. Quan điểm này không sai thậm chí còn rất đúng với xã hội hiện tại. Khi mà từ nhà ra phố đâu đâu cũng thấy gia đình có các con học đại học. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng treo thưởng “khủng” chỉ cần con bước được vào cánh cửa đại học. Các công ty lớn cũng trả lương cho người có bằng cấp cao hơn hẳn với lao động phổ thông. Điều đó phần nào cho thấy đại học thực sự là có giá trị đối với cuộc sống. Thay vì phải mất vài chục năm loay hoay tìm cho mình một con đường thì họ chỉ cần có 4 - 5 năm để hiện thực hóa giấc mơ của chính mình. Đại học cũng là môi trường để con người trải nghiệm và thực hành tốt nhất trước khi bước vào đời. Nói cách khác nó chính là một nền tảng vững chắc để ta tiếp thu khoa học. Thế nhưng liệu đó có phải là con đường duy nhất hay không?


    Quan niệm đại học là con đường để người ta tiến tới thành công nhanh nhất là có nhưng nó không phải là duy nhất. Tại sao lại thế? Trong một xã hội phát triển như hiện tại tuy tri thức có đóng góp vô cùng quan trọng song nó càng cần hơn những người có kinh nghiệm thực tiễn và có ý chí phấn đấu. Một phép so sánh đơn giản thế này. Có một công ty nọ trong quá trình tuyển dụng, các nhà phỏng vấn đã loại đi hồ sơ của những ứng cử viên có bằng cấp đại học mà lựa chọn một ứng cử viên chỉ có bằng phổ thông. Rất nhiều người thắc mắc vì sao lại thế thì ông giám đốc trả lời: “Chúng tôi cần những người có kinh nghiệm thực tế hơn là kiến thức sách vở”. Điều đó không có nghĩa là họ coi thường bằng cấp mà chỉ đơn giản họ cần những ngượ có thể bắt tay vào làm việc ngay thay vì phải mất tiền bạc công sức để đào tạo ứng viên.


    Trong cuộc sống hàng ngày, cũng có rất nhiều tấm gương những người không có bằng cấp đại học chính quy nhưng vẫn vươn lên để gặt hái cho mình nhiều thành công vang dội. Thay vì bỏ công sức tiền bạc 4 - 5 năm học đại học họ lựa chọn cho mình con đường lập nghiệp bươn chải rất sớm. Và sau ngần ấy năm khi bạn bè ra trường kiếm việc họ đã có cho mình một vốn tích lũy kha khá về tài chính và kinh nghiệm. Hoặc những tấm gương tỷ phú trên thế giới cũng có rất nhiều người không có bằng đại học. Có thể kể đến như Mark - Zuckerberg nhà sáng lập mạng xã hội Facebook lớn nhất toàn cầu, anh đã từ bỏ đại học Havard để đi theo con đường riêng của mình. Để rồi giờ đây đạt được một vị trí mà ai cũng hằng ao ước. Hay tỉ phú nhà sáng lập tập đoàn Microsofl tập đoàn máy tính lớn nhất thế giới - Bill Gates, người đàn ông này dừng quá trình học tại đại học Havard để theo đuổi đam mê của mình và giờ đây trong tay ông nắm giữ gần 100 tỷ đô la Mỹ. Điều đó cho thấy rằng đại học không phải là con đường duy nhất để con người vươn tới ước mơ. Có chăng nó chính là con đường ngắn nhất mà thôi.


    Một người học đại học có thể có bằng xuất sắc nhưng không có ý chí cũng khó mà thành tài được. Ngược lại một con người có kinh nghiệm, hiểu biết nhưng không có bằng cấp cũng không thể tiến xa được. Trong xã hội ngày nay rất cần những người vừa được đào tạo bài bản qua trường lớp vừa có trải nghiệm cuộc sống. Bởi hai yếu tố đó cộng hưởng lại sẽ ra chiếc chìa khóa của thành công.


    Con người sinh ra không ai không có cho mình một ước mơ dù là nhỏ bé hay to lớn. Bạn có thể vào đại học cũng tốt nhưng không có điều kiện để theo đuổi nó cũng không sao. Song điều quan trọng là chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, học hỏi và trau dồi kiến thức để hoàn thiện mình. Bởi nó mới là nền tảng đưa bạn đến với thành công nhanh nhất.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 6
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 6
  7. Được ngồi trên giảng đường đại học là mơ ước của rất nhiều học sinh. Chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc của bản thân và gia đình như thế nào khi mình đỗ đại học. Cha mẹ sẽ rất tự hào, một chân trời mới đang đón chờ chúng ta phía trước. Đỗ đại học, chúng ta sẽ được nâng cao kiến thức và tạo dựng cho mình một nền tảng công việc sau này.


    Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được ước mơ đó. Một câu hỏi được đặt ra rằng tương lai nào cho các thí sinh không đỗ vào đại học? Những thí sinh thi trượt đại học đã phải chịu những sức ép không nhỏ từ phía gia đình, xã hội và từ chính bản thân mình. Tất cả các bậc phụ huynh đều mong ước con họ đỗ vào đại học, trong số đó, không ít người xem việc vào đại học là con đường duy nhất để tiến thân. Quan niệm ấy vô hình chung đã gây áp lực tâm lí rất lớn và mỗi kì thi đại học thực sự là một cuộc chiến mang ý nghĩa sống còn với thí sinh. Nhiều năm trước, có những học sinh thi trượt đại học không chịu nổi áp lực từ nhiều phía đã có những suy nghĩ dại dột dẫn đến quyên sinh.


    Việc thi đỗ hay không đỗ vào đại học là điều hết sức bình thường như bao nhiêu điều khác trong cuộc sống. Thực ra, nếu bình tĩnh ngẫm lại, ta thấy vấn đề học hay không học đại học không đến mức nghiêm trọng như vậy. Vẫn biết, chương trình đào tạo đại học sẽ trang bị cho học sinh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giúp họ vững bước trên đường đời. Tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất đến với thành công.


    Nếu không vào được đại học, đi học nghề có sao đâu! Thực tế ở nước ta không thiếu những người thợ giỏi với danh hiệu “bàn tay vàng”, không thiếu những ông vua bếp đã và đang mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Những người ấy đâu có bắt buộc phải vào đời qua cổng trường đại học! Một thực tế cho thấy rằng không ít sinh viên ra trường mà chẳng sử dụng được chuyên môn, dẫn đến khó có thể xin được việc. Mới đây hãng Reuters có bài viết về thực trạng khó khăn của các công ti nước ngoài trong việc tuyển dụng những nhân viên có tay nghề cao ở Việt Nam. Reuters lấy chuyện tuyển chọn nhân viên của tập đoàn Intel cách đây một năm làm ví dụ. Khi đó Intel đã mời 2.000 sinh viên xuất sắc của năm trường đại học hàng đầu ở Việt Nam tham gia tuyển chọn và kết quả chỉ có số ít người trúng tuyển. Đấy là những ngành công nghệ cao được qua hệ thống kiểm tra hết sức khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế đào tạo đại học ở nước ta đang cho ra lò không ít sinh viên ở dạng “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”.


    Bao nhiêu năm thống trị bởi tư duy bắt buộc phải vào Đại học, nước ta đang thừa những kĩ sư, cử nhân yếu kém và thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, mức độ hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, đội ngũ công nhân kĩ thuật cao ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong tất cả các ngành nghề đang là một thực tế phổ biến ở Việt Nam.


    Đừng nản lòng khi bạn không thi đỗ đại học, hãy xem đó là thử thách ban đầu, không có ai thành công mà không trải qua thất bại. Thay vì bi quan chán nản, bạn hãy cố gắng nỗ lực phấn đấu, rút ra bài học kinh nghiệm để sửa chữa và vươn lên. Cánh cửa đại học vẫn luôn mở rộng đón bạn.


    Bạn cũng nên nhớ rằng, bạn có thể chọn cho mình những con đường khác, chỉ cần bạn có khả năng làm được việc thì dù bạn học ở đâu cũng không phải là điều quan trọng nhất. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu nói của người xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trượt đại học không hẳn là kém cỏi. Điều quan trọng là chúng ta làm được cái gì và cống hiến cho xã hội như thế nào mà thôi!

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 7
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 7
  8. Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn, dù thuộc tầng lớp trí thức hay quần chúng bình dân, ai ai cũng coi trọng việc học. Xã hội đặc biệt tôn vinh những người học cao hiểu rộng và trân trọng dành cho họ những chức danh cao đẹp như trạng nguyên, tiến sĩ… và thực sự coi những bậc hiền tài là nguyên khí quốc gia.


    Trước ngưỡng cửa vào đời, thế hệ trẻ ngày nay hầu như ai cũng muốn chọn cho mình con đường vào Đại học và quyết tâm theo đuổi ước mơ ấy đến cùng, dù cánh cửa các trường Đại học có hẹp, dù mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thậm chí có người còn coi vào Đại học là vấn đề sinh tử. Hiện tượng có tính chất xã hội đó xuất phát từ quan niệm: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai. Phải chăng đó là quan niệm phổ biến và thức thời nhất hiện nay? Luận điểm này không hoàn toàn đúng vì nó còn có điểm phiến diện, cực đoan. Bởi vì thực tế đã chứng minh không nhất thiết phải tốt nghiệp Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong cuộc sống.


    Đại học là bậc học cao nhất của một nền học vấn. Ở Việt Nam cách đây khoảng 800 năm đã xuất hiện trường Đại học đầu tiên đặt tại kinh thành Thăng Long, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn tồn tại và đã đào tạo cho nước nhà hàng ngàn hiền tài danh tiếng, tiêu biểu như Nguyễn Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi… Đó là những nhân vật kiệt xuất đã đem tâm huyết và tài năng phò vua giúp nước, làm vẻ vang, rạng rỡ non sông.


    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển bậc Đại học. Mấy chục trường Đại học ở miền Bắc đã góp phần đào tạo ra hàng triệu kĩ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo viên, các nhà khoa học, các sĩ quan cao cấp… đóng góp đáng kể vào thắng lợi rực rỡ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ngày nay, trong sự nghiệp phát triển đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của các trường Đại học lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bậc Đại học không chỉ đào tạo trình độ cử nhân mà còn đào tạo trình độ sau Đại học như thạc sĩ, tiến sĩ - những người am hiểu lí thuyết và giỏi thực hành để họ trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


    Sau mười hai năm đèn sách, vượt qua bao vất vả gian nan, trên vai mang nặng công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, trước ngưỡng cửa cuộc đời ai cũng mong ước mình sẽ có một tương lai rạng rỡ. Tương lai ấy là gì? Đó là cuộc sống ổn định, có việc làm phù hợp với sở thích, khả năng và ngành nghề mà mình đã được đào tạo, có thu nhập cao, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Tương lai ấy tạo ra cho bản thân cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, có thể phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà quản lí giỏi, hoặc một nhà khoa học nổi tiếng, nhà doanh nghiệp tài ba, thành đạt…


    Để có được cơ sở vững chắc cho việc tạo dựng tương lai thì việc các bạn trẻ chọn cho mình con đường vào Đại học là chính đáng. Bởi vì vào Đại học, chúng ta sẽ được tiếp cận và tiếp thu những tri thức cơ bản về ngành nghề mà ta theo học từ các thầy cô, các giáo sư có trình độ học vấn và chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện phương pháp học tập, phương pháp tư duy và làm việc, phương pháp nghiên cứu khoa học… một cách có bài bản và hệ thống.


    Vào Đại học, chúng ta sẽ được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực qua những bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm, qua việc tiếp xúc với thực tế… Từ nền tảng kiến thức cơ bản đó kết hợp với trái tim tràn đầy nhiệt huyết và óc sáng tạo cùng khao khát khẳng định mình, chúng ta sẽ cống hiến tài năng cho xã hội một cách hiệu quả nhất bằng những sản phẩm, những công trình nghiên cứu thiết thực và hữu ích. Như thế tức là tương lai đang rộng mở trước mắt chúng ta. Từ trước tới nay đã có nhiều thiên tài trên thế giới trưởng thành từ môi trường Đại học như nhà sinh vật học Đác-uyn, nhà vật lí học Xi-ôn-cốp-xki, nhà hóa học Ma- ri-quy-ri, Men-đê-lê-ép, nhà bác học Anh-xtanh…


    Trong thời buổi hội nhập toàn cầu như hiện nay, với những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về học vấn, trí tuệ, về năng lực sáng tạo… thì không ai có thể phủ nhận việc mỗi người phải trang bị cho mình ít nhất một tấm bằng Đại học. Được học Đại học, nhất là được vào những trường Đại học danh tiếng trên thế giới và trong nước vẫn là khát khao, mơ ước của rất nhiều người, vì đó là con đường ngắn nhất để đi đến tương lai. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ của một nhà xã hội học thì ở nước ta, mỗi năm chỉ có 20% học sinh thi đậu Đại học và chưa đến 50% sinh viên tốt nghiệp Đại học kiếm được việc làm. Số còn lại hoặc thất nghiệp, hoặc phải làm nghề trái tay, có khi chẳng liên quan gì tới lĩnh vực chuyên môn đã được đào tạo. Vì thế nên trước thực tế đa dạng và phức tạp của cuộc sống có khoảng cách khá xa với những gì đã được học, họ trở nên bị động, lúng túng, không đủ khả năng làm việc. Một số khác phải bỏ học giữa chừng vì năng lực kém hoặc điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là khi học xong Đại học, bước vào đời ta còn phải được bạn, được thầy giúp đỡ. Bên cạnh đó, yếu tố may mắn cũng rất đáng kể trên con đường dẫn tới thành công trong sự nghiệp. Những điều đó cho thấy con đường vào Đại học không phải là lựa chọn duy nhất, tốt nhất để con người có được tương lai tốt đẹp.


    Vì vậy, ngưỡng cửa cuộc đời của mỗi thanh niên không chỉ giới hạn ở cổng trường Đại học mà còn rộng mở với biết bao cơ hội ở các trung tâm, các trường trung cấp hay cao đẳng dạy nghề. Nhu cầu cuộc sống phát triển ngày càng cao đòi hỏi xã hội phải có một đội ngũ lao động đông đảo, đa nghề và đa trình độ. Bên cạnh các trường Đại học còn có các trường đào tạo thợ cho các ngành nghề. Ví dụ: Cùng làm việc với bác sĩ cần có y tá, y sĩ, diều dưỡng viên. Cùng làm việc với kĩ sư cần có kĩ thuật viên, thợ lành nghề… Những ê-kíp lao động ăn ý và có trình độ sẽ bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác cao. Thu nhập từ công việc đang làm sẽ giúp những ai vẫn theo đuổi ước mơ vào Đại học có điều kiện biến ước mơ thành hiện thực.

    Ước mơ vào Đại học là chính đáng và cao đẹp, nhưng không nhất thiết chỉ có vào Đại học thì thanh niên mới thực hiện được mơ ước của mình. Chúng ta có thể vươn lên trình độ Đại học bằng nhiều con đường khác nhau. Thực tế chứng minh rằng không phải cứ tốt nghiệp Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong sự nghiệp. Nhiều công nhân, nông dân tuy ít học nhưng qua quá trình làm việc, tự học, tự tìm tòi đã sáng chế ra máy cấy, máy gặt, máy hút bùn, máy nghiền xơ dừa, thậm chí cả… máy bay. Nhiều học sinh nghèo chưa có điều kiện thi vào Đại học đã chọn con đường vừa học vừa làm, phấn đấu từ trung cấp, cao đẳng lên Đại học và họ đã trở thành những kĩ sư, bác sĩ, giảng viên, giám đốc doanh nghiệp, doanh nhân giỏi… Con đường tuy xa nhưng cuối cùng họ vẫn đến đích, vẫn thực hiện được ước mơ của đời mình. Vì vậy, không nhất thiết sau khi học xong bậc Trung học phổ thông, học sinh nào cũng phải vào Đại học. Điều quan trọng hơn cả là mỗi người cần xác định cho mình một hướng đi đúng đắn, thích hợp ; có quyết tâm, ý chí tự học để không ngừng vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận.


    Thomas Edison, người đã có hàng ngàn phát minh quan trọng làm thay đổi bộ mặt thế giới như bóng đèn diện, máy chiếu phim, máy quay phim… nhưng mới chỉ học hết bậc Tiểu học. Henry Ford học xong Trung học vì gia đình khó khăn nên phải vào làm thợ trong một xưởng máy, nhưng ông đã trở thành nhà chế tạo xe hơi nổi tiếng. Quyền lực tài chính của ông bao trùm và ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới trong suốt một thời gian dài. Những trường Đại học của Chủ tịch Hội nhà văn Xô-viết Macxim Gorki chính là những năm tháng dằng dặc lăn lộn kiếm sống trong cuộc đời và mày mò tự học. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải rời ghế nhà trường sớm để ra đi tìm đường cách mạng cứu nước. Nhưng với quyết tâm tự học, Bác đã có trình độ học vấn uyên thâm, nói và viết thông thạo nhiều thứ tiếng và trở thành lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của thế kỉ XX, được tổ chức UNESCO suy tôn tà Danh nhân văn hóa thế giới. Đến nay, nhiều trường Đại học trong và ngoài nước vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một điển hình của thời đại ngày nay mà nhiều người đều biết và hâm mộ là Bill Gates - “ông trùm” của lĩnh vực phần mềm vi tính, người đã tạo nên thương hiệu Microsoft nổi tiếng toàn cầu. Đang là sinh viên trường Đại học Harvard danh tiếng, ông bỏ dở việc học hành để theo đuổi dam mê việc lập trình máy tính và giờ đây, ở tuổi năm mươi, ông đã trở thành một trong những người tài giỏi và giàu có nhất hành tinh.


    Con đường dẫn đến thành công của những thiên tài ấy là gì? Đúng như Thomas Edison đã khẳng định: Thiên tài được hình thành là nhờ 1% trí thông minh, còn 99% là do sự siêng năng, cần cù. Muốn có được thành công và vinh quang thì trước tiên, chúng ta phải có quyết tâm tự học, tự nghiên cứu, có suy nghĩ sâu sắc, nghị lực mạnh mẽ và niềm khao khát, đam mê cháy bỏng. Bên cạnh đó là tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, sẵn sàng chấp nhận thất bại để rút ra kinh nghiệm đi tới thành công. Vậy nếu tốt nghiệp Trung học phổ thông mà không thi vào được Đại học thì chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải kiên định giữ vững lập trường trong việc lựa chọn cho mình một hướng đi. Có như vậy thì mới có thể an tâm đầu tư cho tương lai. Không nên chạy theo quan điểm cứng nhắc: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai vì thực tế cho thấy cánh cửa Đại học không phải mở rộng với bất cứ ai mà chỉ dành cho những người vừa có năng lực thực sự, vừa có điều kiện vật chất bảo đảm theo học được. Chúng ta nên hiểu rằng học vấn, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, còn sự nỗ lực không ngừng của bản thân mới là điều kiện bảo đảm cho sự thành đạt trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Như vậy, không thi đậu vào Đại học không có nghĩa là cánh cửa tương lai đã đóng lại trước mắt chúng ta.


    Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải có lí tưởng, mục đích sống đúng đắn, rõ ràng thì mới tự tin hướng tới tương lai. Thử ngẫm xem nếu ai cũng vào Đại học thì xã hội sẽ ra sao? Cho nên mỗi người cần xem xét kĩ năng lực, năng khiếu, sự hiểu biết, niềm đam mê, khát vọng của bản thân. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rõ và tự tin, tự hào về công việc mình đang làm. Đồng thời, chúng ta cần phải có sự say mê tìm tòi, nghiên cứu, phải năng động, sáng tạo và có phương pháp làm việc khoa học thì mới sáng tạo ra những công trình nghiên cứu, những sản phẩm mới phục vụ hữu ích cho cuộc sống con người. Nếu hăng say, toàn tâm toàn ý với công việc và luôn phấn đấu vươn lên thì dù ở bất cứ vị trí nào, tài năng của chúng ta sẽ được khẳng định. Thanh niên là lứa tuổi có khả năng và sức mạnh dời non lấp bể là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên không chỉ tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mà còn phải góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.


    Học hành là sự nghiệp của cả đời người chứ không chỉ dừng lại ở tuổi trẻ. Biển học không bờ (Khổng Tử). Lê-nin đã khuyên thanh niên: Học, học nữa, học mãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rất nhiều cách học có ích: Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân. Chúng ta phải học thường xuyên, học ở mọi nơi mọi lúc… để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn. Ông cha ta đã dạy: Có công mài sắt, có ngày nên kim.


    Trong xã hội thường có rất nhiều nghề, nghề nào cũng quý, cũng đẹp. Người xưa đã khẳng định: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Hoặc: Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu. Cho nên chúng ta không nên quan trọng hóa việc bắt buộc phải vào Đại học. Nền công nghiệp tiên tiến, nền kinh tế trí thức đang mở ra muôn nghìn cơ hội cho tuổi trẻ. Xã hội Việt Nam đang dần dần trở thành một xã hội coi trọng chất xám. Chúng ta hãy làm giàu trí tuệ, năng lực của mình bằng con đường tự học. Như vậy thì mỗi người mới khẳng định được mình là một công dân có ích, có vị trí xứng đáng trong xã hội, không tụt hậu so với bạn bè và thời đại.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 8
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 8
  9. Mười hai năm đèn sách vất vả, không ai là không mơ ước được bước vào cổng trường đại học. Được vào trường đại học mà mình yêu thích là nguyện vọng hết sức chính đáng của mỗi thanh niên, học sinh chúng ta, vì đó là môi trường học tập lí tưởng, nơi trang bị cho chúng ta những tri thức cơ bản, hiện đại để sau khi ra trường có khả năng thích ứng với các điều kiện công tác khác nhau. Không ai phủ nhận vai trò của trường đại học trong việc tạo dựng tương lai cho mỗi con người. Nhưng nếu cho rằng: “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” thì lại không đúng. Sai lầm của câu nói chinh là đã tuyệt đối hóa việc học ở đại học, coi đó là cứu cánh duy nhất cho cuộc đời của mỗi con người. Ai không vào được đại học thì cuộc đời sẽ bỏ đi. tương lai sẽ mờ mịt. Có đúng như vậy không? Hoàn toàn không phải. Học đại học là cần, nhưng đó không phải là con đường duy nhất cho việc học của mỗi người.


    Thời đại ngày nay đã mở ra cho con người nhiều con đường học tập khác nhau, nhiều cách học tập sáng tạo, có hiệu quả và thực tế đã chứng minh điều đó. Để lập thân, rất cần học tập sáng tạo, có hiệu quả và thực tế đã chứng minh điều đó. Đê lập thân, rất cần học vấn nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất mà còn có nhiều yếu tố khác quan trọng và có tính chất và có tính chất quyết định hơn, như ý chí, nghị lực, sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm… thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước đã có không ít người không qua trường đại học mà vẫn có phát minh sáng chế rất đáng ngợi ca.


    Như vậy, “vào đại học” chỉ là một yếu tố, đúng hơn là một điều kiện để giúp con người lập than. Không nên “thần thánh hóa" việc vào đại học như một “phép màu nhiệm” để có được tương lai. Học đại học mà không có các yếu tố khác trên đây thì cuộc đời chắc gì đã tốt đẹp? Thành ra, yếu tố quyết định nhất để tạo ra tương lai lại chính là con người chứ không phải trường đại học. Câu nói trên đây, ngược lại, cho việc “vào đại học” là yếu tố quyết định, đã thể hiện một quan niệm học và lập thân theo kiểu cũ không phù hợp với thời đại ngày nay.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 9
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 9
  10. Ngày nay, xã hội cần nhiều người có trình độ cao được đào tạo bài bản ở các trường đại học để phát triển đất nước nhưng cũng rất cần nhiều người thành thạo chuyên môn, tay nghề vững chắc được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trở thành người lao động có trình độ tiên tiến. Tạo áp lực tâm lí phải có bằng đại học sẽ vô tình đầy các bạn trẻ vào vòng quay hình thức để không ít người thất vọng và có thể căng thẳng đảo điên vì cứ trượt dài trên bậc thang không bao giờ tới. Xin hãy đề cao những người thành đạt với xuất phát điểm không phải với bằng đại học, xin hãy tôn vinh những người công nhân lành nghề thứ thiệt đang miệt mài lao động để sống vui và góp sức mình phát triển đất nước.


    Trong gia đình, cha mẹ nào cũng muốn con mình thành đạt và làm mình nở mặt nở mày, nhiều người không cần biết sức học của con và nhất mực yêu cầu con phải vào được đại học. Nhiều bạn trẻ không chịu nổi sự căng thẳng vì nhiệm vụ “bất khả thi” nên đã buông thả, mặc kệ hoặc có những hành vi thiếu kiềm chế để lại sự hối hận không bao giờ nguôi cho người lớn. Nếu không bắt đầu từ thực tế, từ khả năng, từ thực lực của con, người lớn có thể vô tình tạo áp lực không đáng có nhiều khi khủng khiếp làm các bạn trẻ quay cuồng, mất hết sáng tạo, không đủ tự tin và có lúc tuyệt vọng khi giấc mơ đại học không thành sự thật.


    Ai cũng có ước mơ, ai cũng mong thành đạt nhưng vào được đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, không phải là mục tiêu duy nhất của con người. Xã hội, gia đình và chính bản thân mình khòng chấp nhận các giá trị ảo, không quá đề cao tính hình thức của vấn đề thì nhận thức sẽ thay đổi, áp lực sẽ bớt và hiển nhiên những hành vi manh động, thủ ác trong nhà trường chắc sẽ bớt dần theo năm tháng.

    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 10
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ
    Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 10




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy