Top 10 Bài văn phân tích truyện "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" hay nhất

Bình An 3811 0 Báo lỗi

Truyện ngụ ngôn tạo cho người đọc những tiếng cười thoải mái sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhưng những câu chuyện đó còn làm cho người đọc có 1 thái độ nhận ... xem thêm...

  1. Trong kho tàng truyện ngụ ngôn nước ta, Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là một truyện độc đáo. Nhân vật không là loài vật, cũng không phải con người, mà là những bộ phận trên thân thể con người. Tác giả dân gian mượn một mẩu chuyện về mấy cơ quan của thân thể người để nói chuyện con người. Câu chuyện vui vui, hóm hỉnh, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa triết lí sâu xa và một bài học thấm thía.


    Năm cơ quan của thân thể người đã được ngụ ngôn hoá thành những cá nhân trong tổ chức, cộng đồng với những quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Từ xưa họ sống với nhau thân thiết nhưng “vấn đề” đã nảy sinh khi bốn người (cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai) cảm thấy mình làm việc mệt nhọc quanh năm chỉ để lão Miệng ngồi ăn không. Thế là họ quyết định nghỉ ngơi không làm nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.


    Truyện kể lại khá sinh động cảnh bốn người hăm hở đến nhà lão Miệng để nói thẳng với lão như trút tất cả nỗi bất bình lên đầu lão. Nhưng điều họ “cảm thấy” dựa trên cơ sở nào và việc họ “quyết định” như vậy là đúng hay sai? Điều họ cảm thấy là có thực: Đúng là Tay, Chân, Tai, Mắt phải làm việc để Miệng ngồi ăn không. Nhưng việc họ quyết định nghỉ ngơi thì lại sai, và hậu quả đã đến sau mấy ngày họ không làm việc.


    Thật là trớ trêu, nghỉ ngơi mà cả bọn lại thấy mệt mỏi, rã rời: “Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước nữa; Cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai thấy lúc nào cũng ù như xay lúa ở trong”. Vì sao vậy? Chính bác Tai đã kịp nhận ra sai lầm để nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay: Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt cả. Lão Miệng không đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải là ăn không ngồi rồi. [...]. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khoẻ khoắn được”.


    Họ đến nhà lão Miệng thì thấy lão cũng “nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép”. Nhưng khi cậu Chân, cậu Tay đi tìm thức ăn về, lão Miệng ăn xong thì dần dần tỉnh lại. Rồi bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên cũng thấy đỡ mệt nhọc và thấy mình lại khoan khoái như trước.


    Đó chính là quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau của những cá nhân trong một tổ chức, một cộng đồng mà truyện ngụ ngôn này đã thu nhỏ lại trong mấy cơ quan của thân thể con người một cách cụ thể, dễ hiểu nhưng cũng thật sâu sắc. Và bài học thấm thía đã được tác giả dân gian kết luận như là cách vận dụng tốt nhất mối quan hệ đó trong cuộc sống: “Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc không ai tị ai cả”.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng đã nhân hoá năm bộ phận của thân thể con người tạo cho mỗi bộ phận một vị thế rất hóm hĩnh: cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai và lão miệng.


    Trước kia, họ vẫn dựa vào nhau mà cùng tồn tại. Nhưng rồi cô Mắt đã khởi xướng một cuộc tẩy chay bất hợp tác với lão Miệng. Cô đã vận động được cậu Chân, cậu Tay và bác Tai kéo đến "nhà" lão Miệng, nói cho lão ta biết phải lo lấy mà sống; chúng tôi vất vả lam lũ xưa này mà nào co biết cái gì ngọt bùi ngon lành nào đâu!


    Cuộc tẩy chay bắt đầu. Chỉ mấy ngày sau, cô Mắt thì lờ đờ, cậu Chân, cậu Tay thì không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa. Bác Tai thì ù ù như xay lúa ở trong, ... Tất cả đều lừ đừ mệt mỏi; đến ngày thứ bảy thì không thể chịu được nữa. Còn lão Miệng trong thời gian ấy cũng nhợt nhạt cả hai môi, hàm răng thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Cái "sáng kiến!' của cô Mắt thế là hoàn toàn thất bại, gây tác hại cho cả người lẫn mình!


    Anh em ta cùng nhau hân hoan: cậu Tay kiếm thức ăn bỏ vào mồm lão Miệng. Lão nhai và nuốt vào họng, cụ Bụng căng tròn (có một dị bản nói thế), tức thì ai cũng thấy "đỡ mệt nhọc", dần dần thấy "khoan khoái" như trước. Từ đó, họ bảo nhau thăn mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả. Từ thực tế mà họ thấm thìa lẽ đời. Lẽ đời không đơn giản! Bài học luân lí hàm chứa trong truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng khá sâu sắc:


    Trong cuộc sống đừng a dua, đừng nghe người ta xui dại, làm bậy mà thiệt hại đến mình. Con người không thể sống riêng biệt một mình mà tồn tại, mà được hạnh phúc. Mỗi người, mỗi bộ phận, mọi tổ chức đều gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau như các bộ phận trong cơ thể. Cũng đừng cho mình là quan trọng nhất mà coi thường người khác, hoặc suy bì tị nạnh bon chen trong cuộc sống. Cùng sống, cùng hoà hợp và tồn tại để mưu cầu hạnh phúc là bài học sâu sắc nhất được rút ra từ truyện ngụ ngôn này.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Trong kho tàng truyện ngụ ngôn của Việt Nam ta có rất nhiều những câu chuyện ý nghĩa, trong đó không thể không kể tới truyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”. Đây là một câu chuyện rất độc đáo, mượn hình ảnh các bộ phận trên cơ thể con người để nói về chuyện của con người. Đây là một câu chuyện vui và hóm hỉnh nhưng lại chứa đựng những hàm ý triết lí sâu xa và bài học thấm thía.


    “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” là năm cơ quan của cơ thể người đã được ngụ ngôn nhân hóa thành những cá nhân trong một tổ chức, cộng đồng và đặt trong một mối quan hệ thống nhất, tương trợ và phụ thuộc lẫn nhau. Từ xa xưa, năm người họ đã sống với nhau rất thân thiết, nhưng đã nảy sinh ra vấn đề bốn người là cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai đều cảm thấy mình phải làm việc nặng nhọc quanh năm chỉ để cho lão Miệng ngồi ăn không.


    Nghĩ như vậy xong họ đã quyết định nghỉ ngơi không làm nữa, để xem lão Miệng lấy gì mà ăn, thử xem lão ấy có sống được không. Câu chuyện đã miêu tả rất sinh động cảnh bốn người họ kéo nhau tới nhà lão Miệng nói lão như trút hết những nỗi bất bình lên đầu lão. Nhưng liệu họ làm như vậy có đúng hay sai, liệu bốn người họ đã suy xét kĩ càng hay chưa? Trên thực tế đúng là lão Miệng không hề làm gì, chỉ việc ăn,còn cả Chân, Tay, Tai, Mắt lúc nào cũng phải làm việc. Nhưng thật trớ trêu khi họ quyết định nghỉ ngơi không làm gì để cho lão Miệng có cái ăn thì họ lại rất mệt mỏi, rã rời: “Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước nữa; Cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà không ngủ được. Bác Tai thấy lúc nào cũng ù ù như lúa ở trong”.


    Tất cả mọi người đều phải chịu sự mệt mỏi ấy, riêng chỉ có bác Tai là nhận ra sai lầm và đến nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay. Bởi chính việc ăn của lão miệng là nuôi sống chúng ta, nếu lão không được ăn thì chúng ta cũng sẽ bị tê liệt, lão tuy không đi làm nhưng có công việc là nhai, đó cũng là làm việc chứ không phải ăn không ngồi rồi “Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được”. Nói rồi mọi người đã hiểu ra sự tình rồi cùng nhau đi tới nhà lão Miệng, nhìn thấy lão cũng đang trong tình trạng “nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm khô như rang, không buồn nhếch mép”. Khi cậu Chân và Tay đi tìm thức ăn cho lão ăn thì lão dần tỉnh lại, ngay lúc đó cả bốn người Tai, Mắt, Chân, Tay cũng đều cảm thấy đỡ mệt nhọc và khoan khoái hơn trước.


    Câu chuyện đã nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ nương tựa và phụ thuộc lẫn nhau giữa những cá nhân trong một tổ chức, tập thể. Con người không thể tách mình sống riêng biệt mà tồn tại được, mỗi người, như một bộ phận trong một cỗ máy tập thể, thiếu đi một bộ phận dù nhỏ cũng không thể hoàn thành cỗ máy hoàn chỉnh. Bài học sâu sắc của câu chuyện chính là cùng sống, cùng hòa hợp để có thể tồn tại và mưu cầu hạnh phúc.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Từ thuở xa xưa, tổ tiên chúng ta đã nhận thức rất đúng về vai trò của đoàn kết và mối quan hệ chặt chẽ giữa cá nhân với cộng đồng. Nhận thức đó đã được đúc kết thành bài học bổ ích gửi gắm trong tục ngữ, ca dao và truyện cổ dân gian. Một trong những truyện mang ý nghĩa giáo dục thấm thìa, sâu sắc dưới một hình thức ngụ ngôn dí dỏm, thú vị là truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.


    Truyện kể về hành động dại dột của Chân, Tay, Tai, Mắt vì suy bì, ganh tị với Miệng mà bảo nhau đồng loạt không làm việc, để cho lão Miệng tự kiếm lấy miếng ăn. Hành động nông nổi thiếu suy nghĩ ấy khiến cho cả bọn mệt mỏi, rã rời. Hiểu ra sai lầm, tất cả kéo nhau đến giảng hoà với lão Miệng. Rồi ai làm việc nấy, mọi người lại sống hoà thuận như xưa.


    Trong truyện ngụ ngôn này, nhân vật là những bộ phận của cơ thể con người đã được nhân hoá. Thông qua truyện, người xưa muốn khẳng định: Trong xã hội, trong một tập thể, tất cả mọi người đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Không ai có thể tách rời khỏi cộng đồng và chỉ có đoàn kết, gắn bó, nương tựa lẫn nhau mới có thể tạo ra sức mạnh. Nếu chia rẽ sẽ dẫn tới suy thoái, diệt vong. Do đó mọi người phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.


    Kết cấu truyện ngắn gọn. bố cục rõ ràng và có đầy đủ nhân vật, tình tiết, mâu thuẫn như một màn kịch nhỏ và hoàn cảnh nảy sinh mâu thuẫn chính là cuộc trao đổi giữa Chân, Tay, Tai, Mắt về sự cống hiến và hưởng thụ. Truyện kể rằng: Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết. Bỗng một hôm, cô Mắt cho rằng lão Miệng quanh năm không phải làm việc mà lại được hưởng tất cả những miếng ngon miếng lành ; còn mọi người suốt ngày quần quật mà chẳng được gì.


    Ý kiến của cô Mắt nêu ra nhanh chóng được cậu Chân, cậu Tay và bác Tai ủng hộ. Cả bọn hăm hở đến gặp lão Miệng để nói thẳng với lão rằng: … Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay, chúng tôi đã cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi. Câu nói ấy chứa đựng sự bất bình mà mọi người cố chịu đựng bấy lâu. Chẳng thèm nghe lão Miệng phân trần phải trái.


    Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay đều lắc đầu mà rằng: Không, không phải bàn bạc gì nữa, từ nay trở đi, ông phải lo lấy mà sống. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm gì cả. Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực! Nếu mới nghe qua thì lí sự của chúng có vẻ đúng, bởi thực tế là Mắt nhìn, Tai nghe, Tay làm, Chân đi… để kiếm sống, chứ còn Miệng thi chỉ có ăn uống, hưởng thụ, nào có phải vất vả, mệt nhọc gì đâu? Kẻ làm nhiều mà không được hưởng thụ gì, còn kẻ không làm lại được hưởng tất.


    Chúng bất bình, giận dữ, tẩy chay lão Miệng để cho lão biết thân. Chúng không hiểu rằng việc nhai nuốt của lảo Miệng cũng là làm. việc, biến thức ăn thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, trong đó có Chân, Tay, Tai, Mắt… Người có khỏe thì Mắt mới tinh, Tai mới thính, Chân, Tay mới nhanh nhẹn được. Trong cơ thể con người, mỗi bộ phận có một chức náng riêng nhưng tất cả phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì sự sống. Nếu một bộ phận suy yếu hoặc ngừng hoạt động, con người sẽ bị bệnh hoặc có thể chết.


    Suy nghĩ nông nổi của Chân, Tay, Tai, Mắt đã phải trả giá. Chúng bảo nhau đồng loạt nghỉ việc. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rả rời. Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa. Cô Mắt thì ngày cũng như đêm, lúc nào cũng lờ đờ, hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai trước kia hay đi nghe hò nghe hát, nghe tiếng gì cũng rõ, nay bỗng thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong, cả bọn lừ đừ, mệt mỏi như thế cho đến ngày thứ bảy thì không thể chịu được nữa, đành họp nhau lại để bàn…


    May mắn là trong bọn họ, bác Tai đã hiểu ra nguyên nhân của tình cảnh đáng sợ ấy nên giải thích cho cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay: Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt cả. Lão Miệng không đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải là ăn không ngồi rồi. Trước kia sống với nhau thân thiết như thế, nay tự dưng chúng ta gây nên chuyện. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khoẻ khoắn được. Chúng ta nên đến nói lại với lão, các cháu có đi không?


    Trước lời nói có tình có lí của bác Tai, cả bọn đã nghe ra và cố gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Suốt bảy ngày không có cái ăn, lão Miệng cũng rơi vào cảnh sống dở chết dở: nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, khônq buồn nhếch mép. Tất cả mọi người vội vàng ai vào việc nấy: Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn cho lão Miệng ăn. Lão Miệng ăn xong, dần dần tỉnh lại. Và như có phép lạ, lập tức bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên thấy đỡ mệt nhọc, rồi thấy trong mình khoan khoái như trước. Từ một sự hiểu lầm dẫn đến hành động không đúng, nay hiểu ra, may mà còn cứu kịp.


    Kết thúc câu chuyện là cảnh: lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật, hòa thuận, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.Như vậy rõ ràng là Chân, Tay, Tai, Mắt và Miệng có liên quan mật thiết với nhau. Mỗi bộ phận tuy có chức năng riêng nhưng có cùng một nhiệm vụ chung là duy trì và phát triển sự sống của cơ thể. Không thể nói bộ phận nào quan trọng hơn cả. Sự khiếm khuyết bất cứ bộ phận nào cũng gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hoạt động của con người.


    Tử quan hệ không thể tách rời giữa các nhân vật, truyện ngụ ngôn này đã Khéo léo đặt ra bài học cho con người. Trong cuộc sống, một cá nhân không thể tồn tại nếu tách khỏi cộng đồng. Mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng là hết sức quan trọng. Truyện tuy ngắn gọn nhưng là lời khuyên khéo léo và thiết thực: Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Bởi vì suy nghĩ, hành động, cách ứng xử của cá nhân không chỉ tác động đến bản thân mà còn ảnh hưởng chung đến cả cộng đổng, tập thể.


    Điều thú vị là qua truyện ngụ ngôn này, ông cha ta đã khẳng định: Trong xã hội, mỗi người có một năng lực, một trình độ khác nhau, do đó sự phân công công việc và cách thức đóng góp cũng khác nhau. Không nên suy bì, tị nạnh một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ dẫn đến hậu quả xấu, ảnh hưởng đến lợi ích chung. Bên cạnh việc đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, mỗi thành viên phải tự giác làm việc theo sự phân công của xã hội. Khi làm việc phải cống hiến hết sức mình cho cả cộng đồng. Có như vậy xã hội mới ngày càng tốt đẹp hơn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Truyện ngụ ngôn tạo cho người đọc những tiếng cười thoải mái sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhưng những câu chuyện đó còn làm cho người đọc có 1 thái độ nhận thức đúng về vai trò của đoàn kết và vai trò của cá nhân với cộng đồng, tiêu biểu cho những câu chuyện đó là Truyện ngụ ngôn chân tay tai mắt miệng.


    Truyện chân tay tai mắt miệng kể về những hành đông sai lầm của Chân tay tai mắt vì sự ganh tị mà họ đã bảo nhau không chịu làm việc để lão miệng tự kiếm ăn, nhưng học lại không hiểu được những sai lầm của học gây ra, khiến cho mấy ngày học mệt dã dời và cuối cùng phải quay lại làm hòa với Miệng để khỏi sự dã dời mệt nhọc. Hiểu được tất cả mọi việc Chân tay tai mắt đã quay laị làm việc như ban đầu, và chúng sống với nhau hòa thuận như xưa.


    Những nhân vật trong câu chuyện này là những bộ phận trong cơ thể con người và đã được tác giả nhân hóa lên để làm nên 1 nhân vật trong câu chuyện. Những bộ phận chân tay tai mắt miệng đều cùng nằm trên 1 cơ thể con người chúng phải cùng đồng hành cùng tồn tai không có sự tách rời của bộ phận nào hết. Tác giả cũng dựng lên những tình huống như này nhằm để giáo dục con người trong xã hội cần đoàn kết đùm bọc lấy nhau không lên chia bè kéo cánh gây mất tình đoàn kết trong 1 tập thể cộng đồng.


    Nếu tách rời khỏi cộng đồng con người sẽ không thể tồn tại được, xã hội là môi trường để con người hình thành nhân cách của mình. Con người có sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong công việc của mình mới là điều kiện để học học hỏi kinh nghiệm từ xã hội, rút ra những bài học cho bản thân. Đây là nền tảng để con người tự đánh giá về bản thân mình những điểm đã được và những điểm chưa làm được trong cuộc sống. Sống trong 1 xã hội cần có sự hòa đồng giữa các thành viên trong xã hội.


    Trong câu chuyện nổi lên với tình huống rất đặc sắc khi cuộc trò chuyện của: Cô mắt cậu chân, cậu tay, Bác tai,lão miệng từ xưa tới nay vẫn chung sống hòa bình nhưng bỗng một hôm cô Mắt cho rằng Lão Miệng quanh năm không phải làm việc vất vả những những điều ngon, lạ hắn đều được hưởng còn ta thì lao động vất vả cả năm nhưng không được hưởng thụ gì. Ý kiến của cô nhanh chóng được cậu chan cậu tay và Bác tai ủng hộ. Họ khéo nhau đến gặp Lão miệng mà nói rằng từ nay chúng tôi sẽ không làm việc cho ông hưởng thụ nữa ông tự kiếm sống mà ăn, chúng tôi bấy lâu nay đã vất vả rồi. Chẳng thèm nghe Lão Miệng phân lẽ đúng sai Bác Tai, Cô Mái Cậu Chân, Cậu Tay đều lắc đầu cho rằng từ nay chúng tôi sẽ không làm gì nữa.


    Chỉ với sự ganh đua ghen ghét giữa các bộ phận mà đã đưa ra những hành động sai lầm họ chia bè kép cánh gây mất đoàn kết trong cộng đồng xã hội. Khi mới nghe thì tưởng rằng như những lý lẽ của các bộ phận đó đúng, nhưng họ lại không hiểu được những hậu quả sau này, họ bảo nhau đồng loạt không làm việc, một ngày 2 ngày rồi 3 ngày cả bọn thấy mệt mỏi rã rời. Cậu chân thì không còn vui đùa như trước nữa, Cô mắt thì ngày cũng như đêm lờ mờ ….


    Cho đến ngày thứ 7 khi họ không thể chịu được nữa họ mới gọi nhau hội chung lại bàn bạc. May mắn là trọng bọn họ có bác tai đã hiểu ra nguyên nhân của tình cảnh đáng sợ ấy nên lần lượt mới giải thích cho chân tay mắt nghe. Bác nói chúng ta đã lầm rồi các cháu ạ chúng ta có đi làm việc cho lão miệng ăn chúng ta mới khỏi bị tê liệt. Lão miệng không đi làm nhưng lão có nhiệm vụ là nhai chứ không phải là Lão chỉ ăn không ngồi rồi. Bác đã đến tìm lão miệng các cháu có đi không. Khi nghe lời giải thích của Bác Tai họ hiểu được và đã đi đến tìm Lão miệng, Lão không có cái gì ăn nên 2 môi cũng nhợt nhạt, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Tất cả các bộ phận đã ra đỡ và nâng lão miệng dậy và cho ăn kịp thời may mắn vẫn cứu thoát được, khi ăn xong các bộ phận đều trở nên tươi tỉnh.


    Kết thúc câu chuyện đó là cuộc sống hòa thuận giữa các bộ phận, mỗi bộ phận tuy có chức năng riêng nhưng đều có chung 1 nhiệm vụ đó là suy trì sự sống cho con người. Bởi lẽ qua cau chuyện này muốn giáo dục con người trong xã hội không nên ghen ghét và ganh tị lẫn nhau mỗi người có 1 trình độ khác nhau nên sẽ được phân công ở 1 trình độ khác nhau vì vậy cần phải có sự đoàn kết để hoàn thành được công việc chứ không nên gây mất đoàn kết cộng đồng, làm giảm tính hiệu quả của công việc.


    Truyện đã lại lại cho người đọc 1 bài học về sự đoàn kết giữa những cá nhân với những tập thể cộng đồng, không thể tác cá nhân ra khỏi môi trường xã hội cộng đồng được vì khi đó con người sẽ không phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Trong những bài học mà cha ông ta vẫn truyền lại cho thế hệ trẻ có bài học về sự đoàn kết giữa cá nhân và tập thể. Không có cá nhân tách biệt, cũng không có tập thể mà chỉ có một người. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể vẫn biểu hiện rất rõ trong cuộc sống của mỗi người. Câu chuyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” đã phản ánh được đúng đắn mối quan hệ gắn bó ấy. Cha ông ta đã kín đáo gửi gắm quan niệm sống cũng như bài học qua câu chuyện dân gian hàm chứa ý nghĩa sâu sắc này.


    “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” là câu chuyện hài hước, dí dỏm kể về cuộc sống của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng. Chỉ vì sự ganh ghét, đố kị của cô Mắt đã dẫn đến tình huống cả bọn cùng tẩy chay lão Miệng, vì nghĩ rằng lão Miệng không phải làm gì nhưng cũng được hưởng thụ mọi miếng ngon ở trên đời. Suy nghĩ của cô Mắt đã khiến cho cậu Chân, cậu Tay và bác Tai cùng đồng tình ủng hộ.


    Và diễn biến câu chuyện cứ thế trở nên phức tạp hơn. Khi nghe sự giải thích của cô Mắt thì tất cả mọi người đều tìm đến lão Miệng và nói “Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay chúng tôi đã cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi”. Mặc dù câu nói thể hiện sự tức giận, bực mình, bức bội bấy lâu nay nhưng suy nghĩ của cô Mắt không phải là không có lí. Vì cô Mắt chỉ nghĩ rằng lão Miệng không phải làm việc vất vả gì, chỉ việc ăn nên gây ra sự ghen ăn tức ở là đúng. Nhưng cô Mắt đã không biết rằng lão Miệng cũng làm, việc mà lão làm hằng ngày chính là nhai thức ăn, giúp nuôi sống cơ thể, để cho các bộ phận khác trên cơ thể có thể khỏe mạnh để hoạt động được.


    Tuy nhiên lời giải thích của lão Miệng không được ai lắng nghe và đồng cảm. Sự rạn nứt, tan vỡ của các bộ phận trên cơ thể người cũng từ đó mà hình thành. Một tập thể từng hòa thuận, đoàn kết với nhau giờ bị tách biệt, chia bè kéo cánh. Và chính suy nghĩ phiến diện của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, và cái giá mà họ phải trả cũng rất đắt. Vì không phải làm việc để nuôi lão Miệng nên các bộ phận đó trở nên uể oải, mệt nhọc, không có động lực và tinh thần làm việc. Cậu Chân, cậu Tay cũng không vận động, chạy nhảy nhiều như trước nữa. Cô Mắt không còn tinh anh, suốt ngày mệt mỏi. Tất cả mọi người đều rơi vào trạng thái mệt mỏi, không thiết tha làm việc. Đây chính là hậu quả mà cả bọn phải trả giá, và việc họp nhau bàn lại mọi chuyện cũng xuất phát từ đây.


    Bác Tai là người lớn tuổi nhất, đã ngộ ra điều mà bấy lâu nay mọi người vẫn nghĩ không đúng. Bác đã giải thích cho mọi người “Chúng ta lầm rồi các cháu ạ….” Chính lời nói chí lí như thế này đã thuyết phục được cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cùng đi đến nói chuyện với lão Miệng. Những ngày cô Mắt, cậu Chân, cậu tay và bác Tai không làm việc, không có gì để ăn nên lão Miệng cũng trở nên mệt mỏi và không còn sức sống.


    Như vậy qua chi tiết này có thể thấy được nếu như trong một tập thể không có sự đồng lòng và hợp sức của tất cả mọi người thì tập thể đó sẽ rơi vào bệ rạc và không còn một thể thống nhất. Bởi vậy trách nhiệm của mỗi cá nhân là phải cố gắng vì tập thể chứ không phải vì chính bản thân mình. Câu chuyện kết thúc trong sự hòa thuận, vui vẻ của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng. Sự hòa thuận này xuất phát từ sự thấu hiểu cho nhau, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.


    Từ câu chuyện hài hước, dí dỏm trên mà chúng ta mới ý thức được mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa cá nhân và tập thể, cách ứng xử của từng cá nhân trong một tập thể cũng hoàn toàn quan trọng, quyết định đến sự tồn tại của tập thể đó.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Từ xưa cha ông ta đã có câu:

    “Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chùm lại nên hòn núi cao”


    Từ thủa ban đầu cha ông ta đã đề cao tinh thần đoàn kết đối với cộng đồng dân tộc ta. Nhận thức đó đã được đúc kết thành những bài ca dao, tục ngữ để truyền lại cho con cháu đời sau. Một trong những truyện mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, dưới hình thức ngụ ngôn dí dỏm là truyện Chân, tay, tai, mắt, miệng.


    Truyện kể về hành động dại dột của Chân, Tay, Tai, Mắt vì suy bì, ghen tỵ với Miệng mà bảo nhau đồng loạt không làm gì, để lão Miệng tự kiếm lấy miếng ăn. Hành động dại dột thiếu suy nghĩ ấy đã làm cho cả đồng bọn mệt mỏi, rã rời. Nhận ra sai lầm tất cả kéo nhau đến lão Miệng giảng hòa. Rồi ai làm việc đấy mọi người lại sống hòa thuận như xưa.


    Thông qua truyện người xưa muốn khẳng định: trong xã hội, trong một tập thể, tất cả mọi người đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Không có ai có thể tách rời cộng đồng chỉ có đoàn kết với nhau, yêu thương, gắn bó, nương tựa lẫn nhau mới tạo ra sức mạnh. Nếu chia rẽ sẽ dẫn tới suy thoái diệt vong. Do đó mọi người phải biết hợp tác với nhau tôn trọng công sức của nhau.


    Kết cấu truyện ngắn gọn, bố cục rõ rằng và đầy đủ các nhân vật, tình tiết, mâu thẫn như một màn kịch nhỏ và hoàn cảnh xảy ra mâu thuẫn chính là cuộc trao đổi giữa Chân, Tay, Tai, Mắt về sự cống hiến và hưởng thụ.


    Truyện kể rằng: Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai và lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết. Bỗng một hôm cô Mắt cho rằng lão Miệng quanh năm không phải làm việc mà lại được hưởng tất cả những miếng ngon, miếng lành; còn mọi người suốt ngày quần quật mà chẳng được miếng gì. Ys kiến của cô Mắt đưa ra nhanh chóng được cậu Chân, cậu Tay và bác Tai ủng hộ. Cả bọn hăm hở đến gặp lão Miệng và tuyên bố rằng: Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay chúng tôi đã cực khổ vất vả vì ông nhiều rồi. Câu nói ấy chứa đựng sự bất bình mà mọi người đã chịu đựng bấy lâu nay. Chẳng thèm nghe lão Miệng phân trần phải trái. Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay đều lắc đầu mà rằng: không, không phải bàn bạc gì nữa từ nay trở đi ông phải lo lấy mà sống. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm gì cả. Xưa nay chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!


    Nếu mới nghe qua thì lí sự của chúng có vẻ đúng, bởi thực tế là Mắt nhìn, Tay làm, Tai nghe và Chân đi…để kiếm sống chứ còn Miệng chỉ có ăn uống, hưởng thụ nào có mệt nhọc gì đâu? Kẻ làm nhiều mà không được hưởng thụ gì, còn kẻ không làm lại được hưởng tất. Chúng bất bình, tẩy chay lão Miệng để lão biết thân. Chúng nào biết rằng việc nhai nuốt của lão Miệng cũng là một việc làm rồi. Việc biến thức ăn thành chất bổ dưỡng để nuôi cơ thể trong đó có Chân, Tay, Tai, Mắt…. Người có khỏe thì mắt mới tinh, tai mới thính, chân, tay mới nhanh nhẹn được. Trong cơ thể con người mỗi bộ phận đều có chức năng riêng nhưng tất cả phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì sự sống. Nếu một bộ phận suy yếu và ngừng hoạt động con người sẽ bị bệnh hoặc có thể chết.


    May mắn là trong bọn họ bác Tai đã hiểu ra nguyên nhân của tình cảnh đáng sợ ấy nên giải thích cho cô Mắt cậu Chân cậu Tay: Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt cả. Lão Miệng không đi làm nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải ăn không ngồi rồi. Trước kia sống với nhau thân thiết thế nay tự dưng chúng ta gây chuyện. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được. Chúng ta nên nói lại với lão các cháu có đi không?


    Trước lời nói có tình có nghĩa của bác Tai, cả bọn đã nghe ra và gắng gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Suốt bảy ngày không có cái ăn lão Miệng cũng rơi vào tình trạng sống dở chết dở: nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Tất cả mọi người vội vàng ai vào việc nấy: Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn cho lão Miệng. Lão Miệng ăn xong dần dần hồi phục lại. Và như phép lạ lập tức Bác tai, Mắt, Tay, Chân tự nhiên đỡ mệt nhọc và thấy trong mình khoai khoái như trước.


    Kết thúc câu truyện bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, lão Miệng sống hòa thuận với nhau như lúc trước. Mỗi người một việc không ai tị ai cả. Từ câu truyện trên mượn các bộ phận trong cơ thể để nói từng còn người. Tác giả muốn gửi gắm chúng ta một bài học.


    Trong xã hội chúng ta mỗi người có một kiến thức khác nhau một trình độ khác nhau, một công việc khác nhau chúng ta không nên so bì tị nạnh nhau. Mà phải biết đoàn kết tôn trọng lẫn nhau. Sống trong cùng một cộng đồng thì không thể tách rời nhau được. Phải biết yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. “Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”


    Từ xưa đến nay, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái đã trở thành một truyền thống cao đẹp của dân tộc ta. Ông cha ta luôn răn dạy con cháu phải biết kế thừa truyền thống tốt đẹp này. Điều đó không chỉ được thể hiện trực tiếp trong cuộc sống mà còn được nói ẩn dụ qua các bài học được gợi ra từ các câu chuyện dân gian. Và chuyện ngụ ngôn “Chân Tay Tai Mắt Miệng” cũng là một trong những câu chuyện đặc sắc được ông cha ta sáng tạo ra để nói về tinh thần đoàn kết. Câu chuyện gợi cho mỗi người chúng ta nhiều suy nghĩ.


    Trước tiên để có thể biết được bài học mà câu chuyện gợi ra chúng ta cần tìm hiểu tác phẩm trước. Tác giả dân gian đã rất sáng tạo trong việc chọn lựa các nhân vật chính là các bộ phận của cơ thể người đó là Chân, Tay,Tai, Mắt , Miệng. Chính sự sáng tạo này đã gây được ấn tượng đầu tiên cho người đọc và khiến họ bắt đầu tò mò xem đã có chuyện gì xảy ra giữa các nhân vật này. Câu chuyện khá là đơn giản chỉ nói về việc cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai sau những ngày làm việc vất vả liền bắt đầu cảm thấy ghen tị và phàn nàn về lão Miệng.


    Tại sao tự nhiên lại có sự đố kị như vậy? Đơn giản vì họ nghĩ lão Miệng chẳng phải làm gì chỉ việc ăn đồ ăn thức uống vô cùng nhàn nhạ trong khi ngày nào họ cũng phải làm việc quần quật vô cùng là vất vả. Chính vì suy nghĩ như vậy nên họ quyết định sẽ không làm gì nữa để xem lão Miệng có sống được nổi không. Điều đáng ngạc nhiên là tuy không phải làm việc nữa nhưng họ không thấy vui tươi, nhàn nhã mà lại thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay chẳng cất nổi mình để chạy nhảy, nô đùa như trước nữa. Cô Mắt thì suốt ngày lờ đờ, hai mí nặng trĩu. Bác Tai mọi ngày nghe gì cũng rõ, nay lúc nào cũng cảm thấy như có cái cối xay lúa quay ù ù ở bên trong.


    Họ cứ sống trong tình trạng như thế cho tới ngày thứ bảy thì không thể chịu đựng được nữa, đành họp nhau lại để bàn. Và bác Tai chính là người nhận ra sai lầm đầu tiên. Hóa ra họ đã nghĩ quá đơn giản và trách giận nhầm lão Miệng. Tuy lão không phải làm gì nhưng lão cũng có một công việc vô cùng quan trọng, quyết định đến số phận của tất cả mọi người khác đó chính là nhai thức ăn để chuyển hóa và đi đến các bộ phận khác trong cơ thể. Kết quả của câu chuyện chính là mọi người đến xin lỗi lão Miệng và lại chăm chỉ làm việc, sống hòa thuận như xưa.


    Như vậy, câu chuyện đã cho thấy sức mạnh, mối liên hệ vô cùng bền chặt giữa các bộ phận của cơ thể người. Mỗi bộ phận không tự nhiên sinh ra mà luôn mang trong mình trách nhiệm và nghĩa vụ riêng của nó. Bộ phận nào cũng quan trọng và gắn bó khăng khít với nhau. Vì vậy nếu có một bộ phận nào hỏng không thể làm việc được bình thường thì sẽ kéo theo những bộ phận khác cũng bị liên lụy và không thể tồn tại phát triển được.


    Bên cạnh đó, câu chuyện không chỉ nói cho chúng ta về sự gắn bó khăng khít giữa các bộ phận trong cơ thể người mà qua câu chuyện này, ông cha ta còn muốn nhắc nhở mỗi người về tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Chính mỗi cá thể, môi cá nhân làm nên cộng đồng và cộng đồng chỉ có thể vững mạnh khi mỗi cá nhân biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.


    Từ việc hiểu được điều đó, mỗi chúng ta càng cần phải tích cực hoàn thiện bản thân, đoàn kết giúp đỡ mọi người đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn để có thể xây dựng một tập thể tốt đẹp hơn bao giờ hết. Đồng thời qua đây cũng phê phán những người ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến tập thể, những con người như vậy cũng không sẽ thể nào tồn tại và phát triển tốt được!


    Nói tóm lại, “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” là một câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa đem lại cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần đoàn kết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Vậy chúng ta- những người hiểu được điều đó, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình tại sao chúng ta không cùng nhau hợp lực lại để xây dựng một cộng đồng lành mạnh và bền vững hơn?

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  9. Mỗi câu chuyện là một tiếng cười, nhưng đồng thời cũng là một bài học sâu sắc. Đó là những giá trị mà mỗi câu chuyện ngụ ngôn mang đến cho người đọc. “Chân, tay, tai, mắt, miệng” là một câu chuyện như thế. Không chỉ đem đến cho bạn đọc những giây phút thoải mái, những tiếng cười sảng khoái mà còn răn dạy những bài học thấm thía, có ý nghĩa muôn đời: đó là sự đoàn kết giữa cá nhân và cộng đồng, giữa một cá thể và một tập thể.


    Ông cha ta đã thể hiện sự sáng tạo của mình khi nhân hóa chân, tay, tai, mắt và miệng thành những nhân vật có suy nghĩ, có tiếng nói và hành động cụ thể. Nhờ đó, ý nghĩa của câu chuyện được truyền tải một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Ai cũng biết, đó là những bộ phận quan trọng trên cơ thể con người, chúng luôn hoạt động, phối hợp ăn ý với nhau giúp con người tồn tại, sinh trưởng và phát triển. Mượn hình ảnh đó, ông cha ta đã răn dạy con cháu bài học về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của mỗi cá nhân khi sống trong một tập thể: phải biết gắn bó với nhau, hòa mình vào cộng đồng, một người vì mọi người, mọi người vì một người.


    Có như vậy, xã hội mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển một cách hòa thuận, bình yên.Vậy nếu không có sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, liệu mỗi cá nhân và cả cộng đồng có tồn tại được như bình thường? Câu trả lời đã được ông cha ta giải đáp trong câu chuyện “ Chân, tay, tai, mắt, miệng”. Trước đây, chân, tay, tai, mắt và miệng sống với nhau rất hòa thuận, vui vẻ, ai cũng cố gắng làm tốt bổn phận và nhiệm vụ của mình.


    Câu chuyện bắt đầu khi cô Mắt nói với cậu Chân, cậu Tay và bác Tai về sự đố kỵ của mình khi lão Miệng cả ngày không phải làm việc gì cả mà vẫn được ăn ngon, trong khi cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai thì làm việc suốt ngày mà chẳng được hưởng thụ gì cả. Ý kiến của cô Mắt nhanh chóng nhận được sự đồng tình của mọi người. Thế là họ kéo nhau đi tìm và nói rõ sự tình cho lão Miệng nghe, rằng từ giờ họ sẽ không làm bất cứ việc gì nữa, lão Miệng phải tự đi mà kiếm cái ăn. Mặc cho lão Miệng phân bua, họ vẫn mặc kệ ra về.


    Nhưng họ không biết là mình đã phạm phải một sai lầm rất lớn. Ban đầu, đúng là họ được tự do chơi đùa, vui đùa thỏa thích, nhưng mấy ngày sau, cả cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai đều trở nên mệt mỏi, yếu ớt. Lúc bấy giờ, họ mới nhận ra sai lầm của mình: nếu lão Miệng không có cái ăn, chính bản thân họ cũng sẽ không tồn tại được. Thế là họ nhanh chóng đi tìm lão Miệng, tìm thức ăn cho lão, xin lỗi lão và lại trở lại cuộc sống hòa thuận, vui vẻ như xưa, không có ghen ghét, đố kị và tính toán thiết hơn.


    Tuy chỉ là một câu chuyện vui nhưng ông cha ta cũng đã gửi gắm một bài học rất sâu sắc. Sống trong một cộng đồng, một tập thể thì cần biết đoàn kết, gắn bó với nhau, chung sống hòa thuận, chớ nên ghen ghét, tị nạnh với nhau. Bất kì ai cũng đều có giá trị và nhiệm vụ của riêng mình, phải biết phối hợp hoạt động và làm việc có hiệu quả. Có như vậy con người, xã hội mới tồn tại và phát triển được.


    Nếu vì ghen tị, đố kị mà chia bè kết phái, làm rạn nứt tinh thần đoàn kết, xã hội đó, và cả các cá nhân trong xã hội sẽ không thể phát triển được.Với kinh nghiệm tâm huyết cùng sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, ông cha ta đã gửi gắm một bài học thật sâu sắc, ý nghĩa qua câu chuyện “ Chân, tay, tai, mắt, miệng”: bài học về tinh thần tập thể, gắn kết trong một cộng đồng. Đó còn là lời nhắc nhở có ý nghĩa muôn đời với mỗi chúng ta.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  10. Ông cha ta có rất nhiều bài học khuyên răn con cháu và trong đó không thể không kể đến bài học về sự đoàn kết. Mỗi chúng ta đều sống trong tập thể, gia đình chính vì vậy cần phải biết yêu thương và đùm bọc nhau hơn. Và truyện dân gian “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” là một truyện đã phản ánh được đúng đắn mối quan hệ gắn bó và sâu sắc đó.


    Truyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” được biết đến là câu chuyện hài hước, mang được sự dí dỏm kể về cuộc sống hàng ngày của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng. Cũng chỉ vì sự ganh ghét, đố kỵ của cô Mắt mà đã dẫn đến tình huống cả bọn cùng tẩy chay lão Miệng. Mọi người đều nghĩ rằng lão Miệng không phải làm gì nhưng dường như chính lão lại được hưởng thụ mọi miếng ngon ở trên đời. Những nghĩ sai lầm của cô Mắt đưa ra mà đã khiến cho cậu Chân, cậu Tay và bác Tai cùng đồng tình ủng hộ.


    Khi cô Mắt đưa ra những lý do vì sao mọi người không nên làm gì nữa, không nuôi lão miệng nữa. Lão miệng có nhiệm vụ là ăn nên gây ra sự ghen ăn tức ở là có lý. Thế nhưng cô Mắt dường như cũng không biết rằng lão Miệng cũng làm việc, công việc thường ngày mà lão làm chính là nhai, nuốt thức ăn để nuôi sống cơ thể, đồng thời cũng để giúp cho các bộ phận khác trên cơ thể có thể thật khỏe mạnh và để hoạt động được.


    Khi lão miệng đưa ra lý do của mình nhưng chẳng được ai lắng nghe và đồng cảm cảm cho lão. Thực sự là việc rạn nứt, tan vỡ của các bộ phận trên cơ thể người cũng từ đó mà hình thành. Lúc này đây thì ta thấy được một tập thể từng hòa thuận, luôn luôn đoàn kết với nhau giờ bị tách biệt, họ lại chia bè kéo cánh. Chính suy nghĩ phiến diện không tốt của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và cả bác Tai dường như cũng đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại lớn lao. Và có thể thấy được cái giá mà họ phải trả cũng rất đắt biết bao nhiêu.


    Họ không phải làm việc để nuôi lão Miệng nên các bộ phận cũng đã trở nên uể oải, mệt nhọc và cũng không hề có động lực và tinh thần làm việc. Hình ảnh cậu Chân, cậu Tay cũng không vận động, cũng chẳng còn chạy nhảy nhiều như trước nữa. Ngay cả cô Mắt không còn tinh anh, suốt ngày mệt mỏi mà không thể nào mở được. Lúc này đây tất cả mọi người đều rơi vào trạng thái mệt mỏi và chẳng có ai thiết tha làm việc nữa. Hậu quả này cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai phải trả giá và họ cũng lại phải họp nhau lại.


    Trong số đó thì bác Tai là người lớn tuổi nhất, bác cũng đã ngộ ra điều mà bấy lâu nay mọi người vẫn nghĩ không đúng. Bác cũng đã ôn tồn giải thích cho mọi người biết rằng: Chúng ta lầm rồi các cháu ạ!” Có lẽ rằng chính lời nói chí lí như thế này đã thuyết phục được cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay đã rủ nhau đi đến nói chuyện với lão Miệng.


    Khi đến nhà bác Miệng thì nhìn thấy bác cũng vô cùng mệt mỏi. Trong những ngày cô Mắt, cậu Chân, cậu tay và bác Tai không làm việc thì lão Miệng cũng thật mệt mỏi và uể oải. Thông qua chi tiết này có thể thấy được nếu như trong một tập thể mà dường như cũng không có sự đồng lòng và hợp sức của tất cả mọi người thì tập thể đó sẽ rơi vào trạng thái rời rạc và không còn một thể thống nhất nữa. Cũng chính bởi vậy trách nhiệm của mỗi cá nhân chính là phải cố gắng vì tập thể chứ không phải vì chính bản thân mình nữa.


    Khi mọi người đã nhận ra được sai lầm của mình thì câu chuyện kết thúc trong sự hòa thuận, kết thúc trong sự vui vẻ của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng. Thông qua sự hòa thuận này cũng đã lại xuất phát từ sự thấu hiểu cho nhau, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau hơn rất nhiều.


    Thông qua câu chuyện hài hước “Chân, Tay, Mắt, Mũi Miệng” quả thật rất hấp dẫn và dí dỏm bởi tác giả dân gian cũng đã nhân hóa các bộ phận trên cơ thể con người để nói chuyện về con người. Chuyện đã giúp chúng ta như ý thức được mối quan hệ gắn bó.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy