Top 8 Bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ hiện nay và cách điều trị tốt nhất

Ngọc Hyukie 134 0 Báo lỗi

Bệnh phụ khoa là một bệnh thường gặp ở phụ nữ, hầu hết mọi phụ nữ đều sẽ mắc bệnh phụ khoa ít nhất một lần, thậm chí có những bạn vì những căn bệnh phụ khoa mà ... xem thêm...

  1. Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị nhiễm nấm, trùng roi, vi khuẩn gây ra những biểu hiện bất thường và vô cùng khó chịu ở âm đạo. Theo thống kê, có đến một phần ba số phụ nữ có biểu hiện triệu chứng viêm âm đạo trong cuộc đời. Bệnh có thể xảy đến với phụ nữ ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi sinh sản. Ở trẻ em, viêm âm đạo thường liên quan đến hệ vi khuẩn ở đường tiêu hóa (viêm âm hộ âm đạo không đặc hiệu). Một yếu tố góp phần phổ biến ở các bé gái từ 2 tuổi đến 6 tuổi là vệ sinh tầng sinh môn kém (ví dụ: lau từ sau ra trước sau khi đi tiêu; không rửa tay sau khi đi tiêu; thường xuyên chạm vào đáy chậu hoặc âm đạo, đặc biệt là khi bị ngứa).


    Thông thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là thành phần chủ yếu trong môi trường âm đạo bình thường. Tình trạng cư trú của các vi khuẩn này duy trì độ pH âm đạo ở mức bình thường (3,8 đến 4,2), do đó ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, nồng độ estrogen huyết thanh cao duy trì độ dày biểu mô âm đạo, củng cố hệ thống phòng vệ tại chỗ. Ở phụ nữ sau mãn kinh, lượng estrogen giảm rõ rệt thường làm mỏng biểu mô âm đạo, dễ bị nhiễm trùng và viêm nhiễm. Một số phương pháp điều trị (ví dụ: cắt bỏ buồng trứng, xạ trị vùng chậu, một số loại thuốc hóa trị liệu) dẫn đến suy buồng trứng kèm theo giảm estrogen huyết thanh. Giảm estrogen dẫn đến viêm âm đạo (đặc biệt là thể teo). Suy giảm nội tiết tố có thể dẫn đến độ pH âm đạo kiềm hơn, có thể dẫn đến tình trạng phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh âm đạo.


    Nguyên nhân:

    • Sự mất cân bằng trong hệ nấm men và vi khuẩn sống trong âm đạo là nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo. Tình trạng này làm cho lớp niêm mạc của âm đạo bị viêm nhiễm.
    • Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục hoặc quan hệ thô bạo làm tổn thương vùng kín. Khi quan hệ, các loại nấm, vi khuẩn, virus lây truyền qua đường tình dục có cơ hội tấn công và phát bệnh.
    • Nạo, phá thai quá nhiều lần hoặc can thiệp các thủ thuật ngoại khoa như đặt dụng cụ tránh thai không đảm bảo làm tổn thương vùng âm đạo, cổ tử cung cũng là một trong những nguyên nhân hình thành bệnh viêm âm đạo.

    Triệu chứng:

    • Âm hộ, âm đạo ngứa ngáy, sưng đỏ, nóng rát.
    • Khí hư tiết ra có dạng màu trắng giống như bã đậu, vón cục, đôi khi hơi dính, tăng lên nhiều trước ngày hành kinh.
    • Đau khi quan hệ tình dục.
    • Tiểu buốt, tiểu khó.
    • Soi gương thấy có mảng trắng bám ngoài thành âm đạo, đi vệ sinh có thể thấy đục như nước gạo.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, sau những ngày "đèn đỏ".
    • Cách chữa viêm âm đạo hiệu quả nhất đó là chị em cần đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, tin cậy. Sau khi thăm khám, chẩn đoán loại tác nhân gây bệnh và tình trạng, mức độ bệnh bác sĩ sẽ đưa ra cách chữa viêm âm đạo phù hợp.
    Viêm âm đạo
    Viêm âm đạo
    Viêm âm đạo có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
    Viêm âm đạo có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

  2. Rối loạn kinh nguyệt hay các triệu chứng khó chịu khi đến chu kỳ kinh là vấn đề mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng gặp phải. Rối loạn kinh nguyệt rất đa dạng, từ đau bụng kinh (thống kinh) đến kinh nhiều, kinh dày (đa kinh), kinh thưa, kinh ít (thiểu kinh, vô kinh). Các bất thường kinh nguyệt đem lại sự khó chịu cho phụ nữ và có thể làm giảm khả năng thụ thai.


    Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày có kinh và số lượng máu kinh so với những chu kỳ thông thường trước đó. Đây có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, có thể do nội tiết, có thể tổn thương thực thể cơ quan sinh dục nữ, đôi khi chỉ đơn thuần là do thay đổi điều kiện sống môi trường sống. Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra cho phụ nữ ở nhiều độ tuổi, mức độ và biểu hiện khác nhau như ở lứa tuổi dậy thì, sinh con, mãn kinh... gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của chị em phụ nữ nếu không được chữa trị kịp thời.

    Nguyên nhân:

    • Mang thai hoặc cho con bú, trễ kinh có thể là một dấu hiệu mang thai. Sau khi mang thai, kinh nguyệt bị ngừng. Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chứng chán ăn, giảm cân và hoạt động thể chất quá mức có thể gây rối loạn kinh nguyệt.
    • Hội chứng buồng trứng đa nang. Phụ nữ bị mắc chứng rối loạn hệ thống nội tiết này có tình trạng kinh nguyệt không đều và bạn có thể thấy được buồng trứng to chứa nhiều nang trứng khi siêu âm.
    • Suy buồng trứng sớm. Suy buồng trứng sớm là chỉ tình trạng buồn trứng mất chức năng trước tuổi 40. Những phụ nữ mắc chứng suy buồng trứng sớm có thể có kinh nguyệt không đều hoặc không thường xuyên trong nhiều năm.
    • Bệnh viêm vùng chậu, tình trạng nhiễm trùng ở các cơ quan sinh sản gây chảy máu kinh nguyệt không đều.
    • U xơ tử cung là u lành không phải ung thư của tử cung, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt quá nhiều và kéo dài.

    Triệu chứng:

    • Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt thường xảy ra 1 - 2 tuần trước khi kỳ kinh bắt đầu. Một số phụ nữ trải qua một loạt các triệu chứng về thể chất và cảm xúc. NTình trạng này có thể gây đầy hơi, cáu gắt, đau lưng, nhức đầu, đau ngực, nổi mụn, thèm ăn, mệt mỏi quá mức, phiền muộn, lo lắng, cảm giác căng thẳng, mất ngủ, táo bón, bệnh tiêu chảy, đau bụng nhẹ.
    • Tình trạng rong kinh làm bạn chảy máu nhiều hơn bình thường. Chu kì kinh cũng có thể lâu hơn bình thường từ 5 - 7 ngày.
    • Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể không có kinh điều này được gọi là vô kinh. Vô kinh nguyên phát là khi bạn không có chu kì kinh đầu tiên ở năm bạn 16 tuổi. Tình trạng này có thể do một vấn đề về tuyến yên, một khiếm khuyết bẩm sinh của hệ thống sinh sản nữ hoặc dậy thì chậm. Vô kinh thứ phát xảy ra khi chu kì kinh vốn có bị gián đoạn từ sáu tháng trở lên.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Điều chỉnh chế độ ăn uống bắt đầu khoảng 14 ngày trước chu kì kinh có thể giúp bạn chỉ gặp một số rối loạn kinh nguyệt nhẹ.
    • Hạn chế muối (natri) có thể giúp giảm đầy hơi. Hạn chế uống cà phê, đường và uống rượu cũng sẽ có ích.
    • Nghỉ ngơi đầy đủ để giảm căng thẳng sau những giờ học đầy áp lực, sẽ giúp điều tiết cơ thể về trạng thái cân bằng, cho sinh lý cơ thể trở về bình thường.
    • Tích cực tập thể dục thường xuyên cũng sẽ giúp việc học của con gái trở nên hiệu quả hơn.
    Rối loạn kinh nguyệt
    Rối loạn kinh nguyệt
    Rối loạn kinh nguyệt hay các triệu chứng khó chịu khi đến chu kỳ kinh là vấn đề mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng gặp phải
    Rối loạn kinh nguyệt hay các triệu chứng khó chịu khi đến chu kỳ kinh là vấn đề mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng gặp phải
  3. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tế bào tuyến của cổ tử cung tăng sinh quá mức. Các tế bào tuyến này vốn dĩ nằm trong ống cổ tử cung, bây giờ chúng phát triển ra bên ngoài. Xâm lấn lên bề mặt của cổ tử cung. Những tế bào này vẫn tiết dịch như bình thường. Khiến âm đạo có mùi hôi, thối khó chịu. Gọi là hiện tượng viêm lộ tuyến cổ tử cung.


    Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tổn thương lành tính ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong cổ tử cung phát triển, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung. Bệnh nhân viêm lộ tuyến thường có biểu hiện tăng tiết dịch âm đạo, ngứa ngáy, có nhiều khí hư, khí hư có mùi... dễ dẫn đến viêm nhiễm (gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung). Lộ tuyến tử cung thường không thể hiện qua triệu chứng. Bệnh nhân chỉ có thể nhận biết khi đi khám phụ khoa. Một số phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung bẩm sinh. Số khác mắc bệnh do dùng thuốc tránh thai hoặc bị lộ tuyến trong thời kỳ mang thai. Bệnh không khó chữa nhưng các phương pháp truyền thống thường không điều trị dứt điểm hoàn toàn.


    Nguyên nhân:

    • Do không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách sẽ rất dễ mắc các bệnh về cơ quan sinh dục, sinh sản trong đó có bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung. Mặt khác, việc lạm dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ, thường xuyên thụt rửa âm đạo cũng khiến cho vùng kín bị tổn thương. Dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.
    • Nạo, hút thai, thẩm mỹ vùng kín, đặt vòng tránh thai, vá màng trinh…không an toàn sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mắc bệnh viêm lộ tuyến.
    • Quan hệ tình dục không lành mạnh khiến chị em dễ mắc phải các bệnh viêm nhiễm, bệnh xã hội rất nguy hiểm, trong đó không thể loại trừ bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.

    Triệu chứng:

    • Khí hư còn kèm theo cả mùi hôi, tanh, gây khó chịu cho người bệnh, đôi khi vón cục như bã đậu hay lợn cợn như sữa chua ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sinh hoạt.
    • Việc khí hư ra nhiều, cộng với việc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ khiến bệnh nhân thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng nặng thêm nếu nữ giới dùng tay gãi, điều này chỉ khiến vùng tổn thương lan rộng.
    • Máu kinh có thể chuyển sang màu nâu đen, nâu đỏ do bị tích tụ lâu ngày trong tử cung. Viêm nhiễm còn khiến máu kinh vón cục, khó thoát ra ngoài.
    • Khi quan hệ tình dục, nhất là khi quan hệ thô bạo, bệnh nhân có thể thấy một chút máu nhỏ ra. Chúng là kết quả của vùng lộ tuyến bị tổn thương và phải chịu áp lực từ dương vật.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Phương pháp điều trị hiện nay phổ biến là đốt điện, đốt laser, áp lạnh... Những phương pháp này có ưu điểm là nhanh chóng và kết quả rõ rệt.
    • Bên cạnh đó, khi bệnh vẫn chỉ dừng lại ở độ 1 thì bệnh nhân hoàn toàn có thể sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ (cả thuốc uống lẫn thuốc bôi) để tiêu diệt những vi khuẩn có hại tại âm hộ.
    • Để phòng tránh bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 1 nói riêng và các căn bệnh phụ khoa khác nói chung, bạn cần cân bằng độ pH ở âm đạo, thường xuyên đi khám phụ khoa, vệ sinh thường xuyên vùng kín sạch sẽ, tránh thụt rửa âm đạo, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn bằng cách giữ vùng kín thoáng mát, thường xuyên thay quần lót, mặc quần lót làm từ cotton 100%.
    Viêm lộ tuyến cổ tử cung
    Viêm lộ tuyến cổ tử cung
    Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh phụ khoa nhiều chị em phụ nữ mắc phải
    Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh phụ khoa nhiều chị em phụ nữ mắc phải
  4. Viêm cổ tử cung là tình trạng với các triệu chứng như chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, đau khi giao hợp, tiết dịch âm đạo bất thường. Tuy nhiên, có những trường hợp không gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Xác định nguyên nhân gây viêm cổ tử cung là rất quan trọng. Nếu nhiễm trùng không được phát hiện và điều trị thì viêm có thể lan ra đến tử cung, ống dẫn trứng, vào khoang chậu và bụng gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và mang thai sau này.


    Cổ tử cung của bạn hoạt động như một rào cản để ngăn vi khuẩn và vi rút xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị nhiễm trùng, nguy cơ các nhiễm trùng khác sẽ đi vào tử cung của bạn tăng lên. Viêm cổ tử cung do lậu hoặc chlamydia có thể lan đến niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng, dẫn đến bệnh viêm vùng chậu (PID), nhiễm trùng cơ quan sinh sản có thể gây ra các vấn đề về sinh sản nếu không được điều trị sớm. Viêm cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ phụ nữ bị nhiễm HIV từ bạn tình đã bị nhiễm bệnh.


    Nguyên nhân:

    • Việc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, đúng cách. Đặc biệt là không vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ tình dục, trong kỳ kinh nguyệt… Chính là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài có cơ hội xâm nhập vào âm đạo. Sau đó chúng di chuyển ngược dòng đến cổ tử cung. Gây viêm cổ tử cung.
    • Việc thụt rửa sâu trong âm đạo, sử dụng các loại xà phòng, dung dịch vệ sinh có nồng độ kiềm cao để vệ sinh vùng kín… khiến cho môi trường âm đạo mất cân bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng lây xâm nhập.
    • Nạo, phá thai, thẩm mỹ vùng kín, đặt vòng tránh thai…. Trình độ chuyên môn yếu kém của bác sĩ cùng với dụng cụ y khoa không được đảm bảo.

    Triệu chứng:

    • Dịch tiết âm đạo nhiều bất thường.
    • Đi tiểu thường xuyên, đi tiểu đau.
    • Đau khi giao hợp.
    • Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
    • Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, không liên quan đến kinh nguyệt.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Viêm cổ tử cung còn có thể do nguyên nhân xuất phát từ việc vệ sinh cá nhân không sạch sẽ và không đúng cách. Để tránh hạn chế tình trạng viêm nhiễm vùng kín, các chị em phụ nữ cần tạo thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chịu khó sử dụng các loại dung dịch vệ sinh và phải dùng đúng cách.
    • Nếu bị viêm cổ tử cung bắt nguồn từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng đó. Trong trường hợp viêm cổ tử cung do virus gây ra (mụp rộp sinh dục), bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh virus.
    • Lưu ý nữa đó là việc xét nghiệm và điều trị cũng cần được áp dụng đối với đối phương của bạn dù cho họ có biểu hiện thành triệu chứng hay không.
    Viêm cổ tử cung
    Viêm cổ tử cung
    Viêm cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ phụ nữ bị nhiễm HIV từ bạn tình đã bị nhiễm bệnh
    Viêm cổ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ phụ nữ bị nhiễm HIV từ bạn tình đã bị nhiễm bệnh
  5. U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ, đang mang thai hoặc mãn kinh. Đây là hiện tượng các khối mụn thịt mọc bất thường từ cơ tử cung. Vị trí của u xơ có thể nằm dưới thanh mạc, niêm mạc, trong lớp cơ và thậm chí là bên ngoài tử cung... Cho đến nay, các nhà nghiên cứu khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến u xơ tử cung. Tuy nhiên, vẫn có một số nhận định cho rằng sự gia tăng quá mức của estrogen làm rối loạn nội tiết tố nữ, hậu quả của thừa cân,... đều gia tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung.


    Trong tất cả các trường hợp, bệnh nhân mắc u xơ tử cung cần tầm soát, siêu âm để theo dõi sự phát triển của khối u. Không nên chủ quan khi thấy khối u không gây chèn ép khó chịu mà bỏ qua việc tái khám định kỳ. Bởi vì u xơ tử cung vẫn có nhiều khả năng phát triển âm thầm, tăng kích thước, số lượng. Đến lúc các khối u phát triển to ra sẽ gây nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Về khả năng u xơ tử cung chuyển thành ung thư hầu như rất hiếm xảy ra. Vốn dĩ các u xơ được xem là khối u lành tính nên không thể phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan mà cần điều trị sớm, kịp thời nhằm kiểm soát và tránh biến chứng nguy hiểm.


    Nguyên nhân:

    • Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng: Những khối u xơ tử cung được hình thành là do rối loạn nội tiết tố estrogen gây ra.
    • Yếu tố di truyền: Thực tế, u xơ tử cung có nguy cơ mắc cao ở những người có tiền sử trong gia đình mẹ hoặc chị em bị u xơ tử cung.
    • Do béo phì: Nữ giới ở độ tuổi trung niên mà bị béo phì sẽ có nguy cơ bị mắc u xơ tử cung thường cao hơn so với người bình thường.
    • Nữ giới có kinh lần đầu sớm (trước 12 tuổi).
    • Quan hệ tình dục sớm sau khi phá thai hoặc sinh đẻ cũng được coi là nguyên nhân khiến nữ giới bị u xơ cổ tử cung. Bởi sau khi phá thai hoặc sinh nở, cổ tử cung chưa lành hẳn. Nếu nữ giới quan hệ sớm và liên tục. Cổ tử cung sẽ bị tổn thương, có thể dẫn đến u xơ tử cung.
    • Nếu nữ giới bị viêm phụ khoa trong thời gian dài. Các bệnh phụ khoa không được điều trị. Có thể khiến cho niêm mạc tử cung tăng sinh quá mức. Điều này có thể dẫn đến các khối u xơ tử cung hình thành bên ngoài tử cung.
    • Ngoài ra, nữ giới bị stress kéo dài cũng rất dễ bị u xơ cổ tử cung.

    Triệu chứng:

    • Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, không đúng với vòng kinh. Thời gian hành kinh kéo dài hơn bình thường.
    • Người bệnh bị đau lưng, đau bụng hoặc đau ở những vùng thấp hơn.
    • Thường xuyên bị tiểu rắt, tiểu khó, đi tiểu nhiều lần.
    • Khí hư ra nhiều bất thường do niêm mạc tử cung bị kích thích, dịch trong, đôi khi loãng như nước.
    • Có thể sờ thấy khối u nhân xơ cứng ở vùng bụng dưới.
    • Ngoài các dấu hiệu nêu trên, khi bị u xơ cổ tử cung, người bệnh còn gặp các triệu chứng như: Đau khi quan hệ tình dục, bị táo bón, vùng kín bị ngứa rát, vùng thắt lưng bị đau rát.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục đặc biệt những ngày có kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục.
    • Khi phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh nên đi khám ngay để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
    • Tránh ăn đồ ăn cay nóng, nhiều chất béo, đồ ngọt, rượu bia, các chất kích thích có hại.
    • Tạo chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya, tránh stress kéo dài ảnh hưởng đến sức khoẻ.
    U xơ cổ tử cung
    U xơ cổ tử cung
    U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ, đang mang thai hoặc mãn kinh
    U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ, đang mang thai hoặc mãn kinh
  6. U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu, phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng. Khối u này có thể là các mô mới khác thường hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng. U nang buồng trứng có thể phát triển từ các mô của buồng trứng, chiếm khoảng 3.6% các bệnh phụ khoa.


    U nang buồng trứng thường có nhiều loại khác nhau và 90% là khối u lành tính (ít gây ung thư), 10% phát triển thành ác tính. Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh bị u buồng trứng có nguy cơ phát triển thành ung thư cao hơn so với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Các khối u này tiến triển âm thầm với triệu chứng mơ hồ hoặc thậm chí không gây ra triệu chứng bất thường, đôi khi vô hại và tự biến mất.


    Nguyên nhân:

    • Các khối u chức năng xuất hiện có thể do những vấn đề về hormone hoặc các thuốc hỗ trợ rụng trứng gây ra.
    • Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể bị u nang buồng trứng.
    • Thông thường, một vài u nang buồng trứng có thể xuất hiện tự nhiên ở giai đoạn đầu thai kỳ để hỗ trợ cho bào thai cho đến khi nhau thai được hình thành. Tuy nhiên, u nang cũng có thể xuất hiện cho đến hết thai kỳ.
    • Nhiễm trùng vùng chậu có thể lan ra buồng trứng và vòi trứng, từ đó gây hình thành áp-xe.

    Triệu chứng:

    • Cảm giác nặng, căng, tức vùng bụng dưới.
    • Đau vùng chậu.
    • Đau vùng thắt lưng.
    • Gặp khó khăn tiểu tiện và đại tiện.
    • Đau khi quan hệ tình dục.
    • Tăng cân không rõ nguyên nhân.
    • Đau trong chu kỳ kinh nguyệt.
    • Chảy máu âm đạo bất thường.
    • Căng tức ngực.
    • Đi tiểu thường xuyên.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Đối với u nang buồng trứng cơ năng thì không cần điều trị, chỉ cần theo dõi từ 3 - 6 vòng kinh, nếu u nang cơ năng thì tự mất đi.
    • Đối với u nang buồng trứng thực thể cần phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm càng tốt để tránh dẫn đến biến chứng và ung thư hóa.
    • Sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế sử dụng thức ăn có chứa nhiều mỡ động vật, chất béo bão hòa, protein, chất kích thích. Thay vào đó, ăn nhiều loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc và các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, hidrocacbon, cellulose... Đồng thời, uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
    • Tăng cường chức năng giải độc của gan.
    • Kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
    • Làm việc điều độ kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý. Tăng cường thể lực bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
    U nang buồng trứng
    U nang buồng trứng
    U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu, phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng
    U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu, phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng
  7. Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung. Bên trong tử cung có một lớp niêm mạc mềm, xốp, gọi là nội mạc tử cung. Khu vực này sẵn sàng tiếp nhận trứng thụ tinh và nuôi dưỡng chúng phát triển thành bào thai. Nếu trứng không rụng, các mô nội mạc tử cung sẽ bị phá hủy và được tống ra ngoài, tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.


    Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và hậu quả cuối cùng là vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.


    Nguyên nhân:

    • Viêm nội mạc tử cung thường do nhiễm trùng hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra như bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs): Chlamydia và lậu, bệnh lao, tụ cầu, liên cầu, nhiễm trùng do hỗn hợp vi khuẩn âm đạo bình thường gây ra, vi khuẩn lan truyền từ dưới lên, trong hoặc sau khi bị viêm cổ tử cung, viêm âm đạo.
    • Sau mổ lấy thai bị sót nhau, ứ dịch long tử cung kéo dài, bế sản dịch, mổ lấy thai (dụng cụ phẫu thuật không vô khuẩn), vỡ màng ối sớm và chuyển dạ kéo dài thăm khám nhiều lần theo đường âm đạo...
    • Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể do chị em vệ sinh vùng kín không sạch hoặc quan hệ tình dục không an toàn.

    Triệu chứng:

    • Đau bụng dữ dội trước và trong khi hành kinh, đau bụng dưới, đau khi sinh hoạt tình dục.
    • Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau buốt đường tiết niệu.
    • Tiêu chảy, táo bón, nôn mửa...
    • Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn kèm theo biểu hiện dị ứng, thường xuyên bị viêm nhiễm ở vùng kín.
    • Ra nhiều khí hư kèm mủ, sốt.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Để chẩn đoán bệnh viêm niêm mạc tử cung, trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng, quan sát bụng, tử cung và cổ tử cung của người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể lựa chọn các xét nghiệm chẩn đoán như lấy mẫu hoặc nuôi cấy mô tử cung để xét nghiệm vi khuẩn gây nhiễm trùng, sinh thiết nội mạc tử cung, nội soi, xét nghiệm dưới kính hiển vi, xét nghiệm máu (đo số lượng bạch cầu và tỷ lệ lắng đọng hồng cầu).
    • Quan hệ tình dục an toàn, kiểm tra thường xuyên và chẩn đoán sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuân thủ liệu trình điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục theo chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày đúng cách.
    • Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ...
    Viêm nội mạc tử cung
    Viêm nội mạc tử cung
    Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung
    Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung
  8. Bệnh viêm vùng chậu là một bệnh lý nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản của phụ nữ, gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Đây là một căn bệnh thường gặp. Mỗi năm tại Hoa Kỳ phát hiện hơn một triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn từ âm đạo và cổ tử cung di chuyển vào tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Các vi khuẩn này có thể gây ra tình trạng áp-xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến các biến chứng lâu dài.


    Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ thụt rửa âm đạo thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu. Thụt rửa âm đạo là tác nhân không chỉ khiến vi khuẩn gây bệnh dễ dàng phát triển, mà còn vô tình đẩy vi khuẩn từ âm đạo vào sâu bên trong tử cung và ống dẫn trứng. Vì vậy nên việc thụt rửa âm đạo thường không được các bác sĩ khuyến khích. Viêm vùng chậu hoàn toàn có thể điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh sẽ không thể phục hồi vết sẹo gây ra trong quá trình nhiễm bệnh. Mặt khác, với tình trạng bệnh không được điều trị, nếu để càng lâu, nguy cơ mắc các vấn đề khác sẽ càng lớn, chẳng hạn như vô sinh.


    Nguyên nhân:

    • Quan hệ tình dục không an toàn là một trong những con đường gây ra bệnh viêm vùng chậu phổ biến nhất.
    • Vệ sinh vùng kín không đúng cách khiến các vi khuẩn, virus xâm nhập gây viêm nhiễm.
    • Sử dụng băng vệ sinh, giấy vệ sinh kém chất lượng, không đảm bảo độ an toàn hoặc quan hệ tình dục trong ngày đèn đỏ, không thường xuyên thay băng vệ sinh sẽ khiến cho vi khuẩn nhiễm trùng sinh sôi và lây lan gây viêm nhiễm.
    • Viêm nhiễm từ nạo phá thai, sinh đẻ.
    • Không trị dứt điểm các bệnh phụ khoa.

    Triệu chứng:

    • Dịch tiết âm đạo bất thường.
    • Đau ở vùng bụng dưới (thường là đau nhẹ).
    • Đau bụng trên bên phải.
    • Máu kinh xuất hiện bất thường.
    • Sốt và ớn lạnh.
    • Đau khi đi tiểu.
    • Buồn nôn và ói mửa.
    • Đau khi quan hệ tình dục.

    Cách điều trị và phòng tránh:

    • Để điều trị viêm vùng chậu, đầu tiên bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
    • Để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra viêm vùng chậu, bạn hãy sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Vẫn nên dùng bao cao su ngay cả khi đã có các biện pháp ngừa thai khác. Chỉ quan hệ tình dục với bạn tình không mắc bệnh và người này không quan hệ bừa bãi. Giới hạn số lượng bạn tình để hạn chế khả năng lây bệnh.
    Viêm vùng chậu
    Viêm vùng chậu
    Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ thụt rửa âm đạo thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu
    Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ thụt rửa âm đạo thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh viêm vùng chậu




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy