Top 12 Bộ phim hay nhất giúp bạn hiểu hơn về Hà Nội

Huong Phung 2381 1 Báo lỗi

Những bộ phim về Hà Nội ở những khía cạnh và mức độ khác nhau từng làm rung động bao con tim khán giả bởi khắc họa được cốt cách của người Hà Nội trong những ... xem thêm...

  1. Thái Sư Trần Thủ Độ là dự án UBND TP Hà Nội đặt Hãng phim truyện sản xuất nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long với kinh phí đầu tư hơn 57 tỷ đồng cho 34 tập phim. Nội dung chính là câu chuyện xảy ra từ biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình Trần Lý (gồm hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long, giúp thái tử Sảm lên ngôi vua, trở thành vua Lý Huệ Tông. Phim có sự tham gia diễn xuất của 120 diễn viên trong Nam, ngoài Bắc, cùng hàng nghìn diễn viên quần chúng. Trong đó, ba vai chính được trao cho Thiên Bảo (vai Trần Thủ Độ), Lã Thanh Huyền (vai Trần Thị Dung), Hứa Vĩ Văn (vai Thái tử Sảm).


    So với những phim lịch sử đã được xây dựng trước đây, Thái Sư Trần Thủ Độ là bộ phim khá hay, được làm chỉn chu với sự đầu tư và tìm hiểu về lịch sử một cách nghiêm túc. Kịch bản của Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn khá chặt chẽ và chắc tay, những tình huống đưa ra đều thuyết phục, hợp tình, hợp lý.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    2013
    Thể loại:
    Hư cấu lịch sử
    Đạo diễn:
    Đào Duy Phúc
    Diễn viên:
    Lã Thanh Huyền, Hứa Vĩ Văn, Chí Trung

    Thái Sư Trần Thủ Độ
    Thái Sư Trần Thủ Độ
    Cặp đôi Lã Thanh Huyền và Hứa Vĩ Văn trong Thái Sư Trần Thủ Độ
    Cặp đôi Lã Thanh Huyền và Hứa Vĩ Văn trong Thái Sư Trần Thủ Độ

  2. Long Thành Cầm Giả Ca là một trong những bộ phim nhựa được xây dựng nhân sự kiện kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ phim dựa theo ý tưởng của bài thơ Long thành cầm giả ca của thi hào Nguyễn Du. Kịch bản phim của Văn Lê được trao giải nhất trong cuộc thi viết về một nghìn năm Thăng Long.


    Long Thành Cầm Giả Ca còn đưa vào những hình ảnh đẹp mang đậm nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Khán giả như được sống lại bầu không khí cổ xưa với những trò chơi dân gian quen thuộc như chơi chuyền, ô ăn quan hay cờ tướng trên phiến đá... Những câu thơ trữ tình hay những điệu hát chầu văn, ả đào, các bài đồng dao được điểm xuyết trong phim gợi lên không gian thân thuộc của đất Bắc kỳ xa xưa. Hình ảnh giếng làng, cây đa quán dốc hay các nàng ca kỹ e ấp bên cây đàn nguyệt được tận dụng tối đa. Có thể nói Long Thành Cầm Giả Ca đã có một hướng đi đúng đắn so với nhiều bộ phim lịch sử khác trước đây.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    2010
    Thể loại:
    Chính kịch
    Đạo diễn:
    Đào Bá Sơn
    Diễn viên:
    Nhật Kim Anh, Trần Lực, Quách Ngọc Ngoan
    Điểm IMDb:
    7.7

    Long Thành cầm giả ca
    Long Thành cầm giả ca
    Long Thành Cầm Giả Ca
    Long Thành Cầm Giả Ca
  3. Tác phẩm Hà Nội 12 Ngày Đêm của đạo diễn Bùi Đình Hạc được thực hiện năm 2002, sau gần 30 kể từ chiến thắng vĩ đại của trận Điện Biên Phủ trên không. Hà Nội 12 Ngày Đêm được sản xuất với chất liệu phim màu và lần đầu tiên sử dụng kỹ xảo vi tính hiện đại để tái hiện cuộc chiến trên không. Tuy nhiên bộ phim sẽ không chỉ có chiến tranh ác liệt mà sẽ có cả mối tình đau thương , mất mát nhưng đầy lãng mạn, sâu sắc giữa tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân và cô giáo Hiền.


    Bộ phim truyện nhựa Hà Nội 12 Ngày Đêm do NSND Bùi Đình Hạc làm đạo diễn được đánh giá là một bộ phim đầy ắp chân dung những con người bình dị nhưng hết sức kiên cường, quyết tâm sống chết với thủ đô thân yêu trong những thời khắc lịch sử hào hùng. Bộ phim được thể hiện rất công phu với mục đích tái hiện một phần trận Điện Biên Phủ trên không - một cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris, đưa lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Phim Hà Nội - 12 ngày đêm đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14. Bộ phim cũng đã tham dự 10 Liên hoan phim quốc tế: Năm 2003, phim tham dự liên hoan phim Cairô (Ai Cập), Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản), liên hoan phim New Delli (Ấn Độ); Năm 2004, phim tham dự LHP Loocarnô (Thụy Sĩ), LHP Vesoul (Pháp), LHP Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Năm 2005 phim tham dự LHP Fair (Teheran- Iran) và LHP Laguna Tenerife (Tây Ba Nha).


    THÔNG TIN CHI TIẾT:

    Năm công chiếu: 2002

    Thể loại: Chiến tranh cách mạng, dã sử

    Đạo diễn: Bùi Đình Hạc

    Diễn viên: Mia Thu Huyền, Chiều Xuân, Quốc Tuấn

    Điểm IMDb: 7.6

    Phim nhựa
    Phim nhựa " Hà Nội 12 ngày đêm"
    Hà Nội 12 Ngày Đêm
  4. Phía Trước Là Bầu Trời tái hiện lại cuộc sống của sinh viên những năm 2000 ở Hà Nội. Bộ phim xoay quanh một xóm trọ vào giai đoạn cuối những năm 90 với những cô cậu sinh viên đang chật vật đối mặt với học hành, nợ nần và xoay xở công việc khi mới ra trường. Ngoài nỗi ám ảnh chạy nợ hàng tháng, quá trình chạy việc của 3 cô sinh viên mới ra trường đầy nước mắt, tủi nhục và cả sự đánh đổi đầy xót xa. Chỉ trong xóm trọ ấy mà khán giả tưởng tượng như một xã hội thu nhỏ với những con người có cá tính, nghề nghiệp khác nhau. Nổi bật trong đó là ba cô bạn thân ở chung một phòng trọ Thương (Thu Nga), Nhung (Kiều Anh) và Nguyệt (Hà Hương) với những mối bận tâm về nghề nghiệp và tương lai. Bên cạnh đó, mối tình thoáng qua giữa cô Trà cave (Kiều Thanh) và Nam (Văn Thanh) cũng được khán giả yêu thích không kém.


    Bộ phim Phía Trước Là Bầu Trời đã thành công khắc hoạ chân thật cuộc sống của những người trẻ khao khát lên thành phố lớn lập nghiệp nhưng phải chịu muôn vàn thử thách.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu: 2001

    Thể loại: Tâm lý xã hội, hài hước, tình cảm
    Đạo diễn:
    Đỗ Thanh Hải
    Diễn viên:
    Hà Hương, Thu Nga, Kiều Anh

    Phía Trước Là Bầu Trời
    Phía Trước Là Bầu Trời
    Phía Trước Là Bầu Trời
    Phía Trước Là Bầu Trời
  5. Người Hà Nội ra mắt công chúng năm 1996 lấy bối cảnh cuộc sống tại phố nhà binh những năm đầu của đổi mới, vào khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh với những bi kịch của những con người khác nhau nhưng dường như có rất nhiều dấu ấn của cuộc sống hiện thực.


    Đặc biệt, bộ phim Người Hà Nội càng khiến những người xa xứ thêm nao lòng nhớ về Hà Nội bởi phim cũng đề cập về những người rời thành phố để mưu sinh xa nhà. Dù ra mắt cách đây hơn 20 năm nhưng Người Hà Nội vẫn là một bộ phim truyền hình về Hà Nội ghi dấu mãi trong trái tim nhiều thế hệ khán giả. Bộ phim được các đạo diễn Hoàng Tích Chỉ, Đoàn Lê, Đăng Khoa, Hoàng Thắng chuyển thể từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai. Phim chỉ có 8 tập nhưng vẫn đủ thể hiện bao tâm tư, cảm xúc chân thật của những con người luôn hướng về Hà Nội, dù họ có ở bất kỳ nơi đâu.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:

    Năm công chiếu: 1996

    Thể loại: Tâm lý xã hội, tình cảm

    Đạo diễn: Hoàng Tích Chỉ, Đoàn Lê

    Diễn viên: Lê Khanh, Hồng Sơn

    Bộ phim
    Bộ phim "Người Hà Nội"
    Người Hà Nội
    Người Hà Nội
  6. Dựa theo tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô và Lũy hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, bộ phim Sống Mãi Với Thủ Đô tái hiện trận Hà Nội 1946 do đạo diễn Lê Đức Tiến chỉ đạo thực hiện, ra mắt lần đầu năm 1996. Không khí cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của nhân dân ta chống lại sự tàn ác của thực dân Pháp chắc chắn sẽ khiến các bạn phải nổi da gà vì tự hào về dân tộc Việt Nam.


    Những tháng năm chiến đấu bảo vệ Thủ độ được khắc họa chân thực và sinh động trong 12 tập phim Sống Mãi Với Thủ Đô, làm sống dậy không khí hào hùng, sục sôi nhưng vẫn đầy chất lãng mạn của những tháng năm rực lửa đó đồng thời khắc họa hình ảnh những chiến sĩ thủ đô quả cảm sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ tổ quốc. Họ chỉ là những người đem lòng yêu mảnh đất này và kiên cường bám trụ nơi đây để đồng lòng bảo vệ nó khỏi vòng vây của kẻ thù. Xuyên suốt tác phẩm, ta thấy nhiều tâm tư chồng chéo của tầng lớp tiểu tư sản khi đứng giữa hai lựa chọn, đứng lên chống giặc hay trung lập, không lên tiếng.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:

    Năm công chiếu: 1996

    Thể loại: Chiến tranh cách mạng, dã sử

    Đạo diễn: Lê Đức Tiến

    Diễn viên: Trung Hiếu, Phạm Cường, Khánh Huyền

    Điểm IMDb: 6.9

    Sống Mãi Với Thủ Đô
    Sống Mãi Với Thủ Đô
    Sống Mãi Với Thủ Đô
  7. Đây là bộ phim được đạo diễn Trần Đắc sản xuất ngay khi đất nước mới thống nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, Sao Tháng Tám gần như là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt phản ánh thành công cuộc cách mạng tháng Tám thần thánh của dân tộc. Sau 36 năm, bộ phim vẫn thể hiện sức sống trường tồn cùng lịch sử. Bối cảnh phim là khí thế sục sôi những ngày trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và trận đói kinh hoàng năm ấy. Khi xem phim chúng ta sẽ hoàn toàn bị ấn tượng bởi những đôi mắt dồn nén cảm xúc, những đôi mắt thể hiện xuất sắc thông điệp nhân văn của bộ phim.


    Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như Sao Tháng Tám. Bộ phim giúp khán giả hiểu được cuộc sống lầm than của dân ta mà không trang viết nào tái hiện chân thực bằng. Bộ phim được quay ở thời điểm nước ta mới thống nhất vào năm 1975-1976 nên bối cảnh phim rất chân thực. Bộ phim đã thành công trong việc tạo ra những chi tiết, bối cảnh xã hội, sự mâu thuẫn trong những tình huống đẩy lên cao trào kháng chiến, sự đồng lòng đồng sức trong đồng bào, khẳng định một dân tộc độc lập, tự chủ.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:

    Năm công chiếu: 1977

    Thể loại: Chiến tranh cách mạng, dã sử

    Đạo diễn: Trần Đắc

    Diễn viên: Thanh Tú, Đức Hoàn, Thu An

    Điểm IMDb: 5.9

    Hình ảnh trong bộ phim
    Hình ảnh trong bộ phim "Sao tháng Tám"
    Sao Tháng Tám
  8. Mùa đông năm 1946, cuộc đàm phán trong Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebbeau) tại Pháp thất bại, Hồ Chủ tịch ký tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị đối phó với tình hình. Đây chính là bối cảnh của bộ phim. Khi xem Hà Nội Mùa Đông Năm 1946 các bạn sẽ có cơ hội thấy rõ hơn khả năng đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng trong thời khắc vô cùng quan trọng này.


    Bộ phim Hà Nội Mùa Đông Năm 1946 của đạo diễn Đặng Nhật Minh mang đến cho người xem hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, kêu gọi tinh thần đoàn kết của tất cả các dân tộc trên thế giới cùng gìn giữ hòa bình. Tình yêu hòa bình được thể hiện trong cách chiến đấu, cách ứng xử, cách sống của những người lính thủ đô Hà Nội nói riêng và người lính Việt Nam nói chung vào mùa đông năm 1946, trước giờ phút Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bảo vệ thủ đô 60 ngày đêm khói lửa.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    1977
    Thể loại:
    Chiến tranh cách mạng, dã sử
    Đạo diễn:
    Đặng Nhật Minh
    Diễn viên:
    Mia Thu Huyền, Tiến Lợi, Quách Thu Phương
    Điểm IMDb:
    7.6

    Hà Nội Mùa Đông năm 1946
    Hà Nội Mùa Đông năm 1946
    https://www.youtube.com/watch?v=4cqT8672UF8
  9. Em Bé Hà Nội do Hãng phim Hà Nội sản xuất năm 1974, đạo diễn Hải Ninh thực hiện là một tác phẩm thành công và để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người xem khi đưa góc nhìn chiến tranh qua thân phận của em bé Ngọc Hà (Lan Hương) mới 12 tuổi. Khi xem Em Bé Hà Nội bạn sẽ có cảm giác như xem 1 bộ phim phiêu lưu, cuộc phiêu lưu của 1 cô bé đi tìm bố mẹ và em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố sau đợt dội bom B52 của quân đội Mỹ.


    Được quay giữa bối cảnh thực là Hà Nội ngay sau những trận bom B52 rải thảm, phim Em Bé Hà Nội là câu chuyện xúc động và tràn đầy tình người về đời sống Thủ đô những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Truyện phim đi theo hành trình sơ tán và tìm bố của hai chị em Ngọc Hà, Thùy Dương sau khi mẹ của hai em đã hy sinh, ngôi nhà ở Khâm Thiên cũng đã tan nát sau trận bom B52. Trên đường đi tìm bố, Ngọc Hà chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh và hai chị em cũng đã gặp những con người nồng hậu.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    1974
    Thể loại:
    Chiến tranh, tài liệu
    Đạo diễn:
    Hải Ninh
    Diễn viên:
    Lan Hương, Thế Anh, Trà Giang
    Điểm IMDb:
    6.9

    Diễn viên Lan Hương trong vai Ngọc Hà
    Diễn viên Lan Hương trong vai Ngọc Hà
    Em Bé Hà Nội
  10. Mùa Lá Rụng cũng là một bộ phim truyền hình từng được phát sóng trên kênh VTV1, VTV3 với đề tài về cuộc sống, gia đình người Hà Nội do đạo diễn Quốc Trọng xây dựng dựa theo tiểu thuyết Mùa Lá Rụng Trong Vườn và một vài chi tiết nhỏ trong Đám Cưới Không Giấy Giá Thú của nhà văn Ma Văn Kháng. Phim là câu chuyện về một gia đình sống ở khu nhà cổ tại Thủ đô. Người cha luôn mong muốn gìn giữ, duy trì nếp sống gia đình truyền thống của người Hà Nội nhưng các con lại có quan niệm mới mẻ, khác biệt về lối sống, quan niệm tiền bạc. Mỗi người có cách sống, cách nghĩ khác nhau nhưng điều cuối cùng họ mong muốn đều là sự gắn kết không thể tách rời giữa các thành viên trong gia đình.


    Bộ phim Mùa Lá Rụng không chỉ làm mỗi khán giả nhớ về những điều quen thuộc gắn với Hà Nội, mà còn như lời nhắc nhở về sự hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại trong nếp sống, về ý nghĩa của gia đình trong xã hội ngày càng có nhiều thay đổi. Lên sóng vào năm 2001, Mùa Lá Rụng là một trong những bộ phim thời bấy giờ khiến khán giả phải 'mất ăn mất ngủ'.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    2001
    Thể loại:
    Tâm lý xã hội, tình cảm, chính kịch
    Đạo diễn:
    Quốc Trọng
    Diễn viên:
    Dũng Nhi, Thanh Quý, Chu Văn Thức, Bạch Diện

    Phim truyền hình
    Phim truyền hình "Mùa lá rụng"
    Mùa lá rụng
  11. Hà Nội Trong Mắt Ai là một bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1982 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Bằng cách kể mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, Hà Nội trong mắt ai sử dụng những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn bó với thủ đô để phản ánh suy nghĩ của người dân về tình hình xã hội.


    Trong phim Hà Nội Trong Mắt Ai đạo diễn Trần Văn Thủy đã nhắc tới nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hà Nội như Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương cho tới Bùi Xuân Phái. Bên cạnh những cảnh sinh hoạt của người dân Hà Nội thời bao cấp, nhiều cảnh đẹp của thành phố cũng xuất hiện trong phim, có thể kể tới Hồ Tây, chùa Trấn Quốc hay Đền Quán Thánh. Sau khi chiếu duyệt, Hà Nội trong mắt ai đã lập tức bị cấm chiếu dù được nhiều người khen ngợi về nội dung và chất lượng nghệ thuật. Phải 5 năm sau khi ra đời, bộ phim mới được chiếu rộng rãi nhờ sự can thiệp của các lãnh đạo Việt Nam như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng. Năm 1988, bộ phim đã giành giải Bông sen vàng cho phim tài liệu Việt Nam hay nhất, cho đến nay đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc lấy đề tài về Hà Nội.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    1983
    Thể loại:
    Phim tài liệu
    Đạo diễn:
    Trần Văn Thủy
    Điểm IMDb:
    7.7

    Hà Nội Trong Mắt Ai
    Hà Nội Trong Mắt Ai
    Hà Nội Trong Mắt Ai
    Hà Nội Trong Mắt Ai
  12. Khát Vọng Thăng Long là bộ phim nhựa mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bối cảnh phim là nước Đại Cồ Việt cuối thế kỷ 10. Phim kể về cuộc đời của Lý Công Uẩn và Lê Long Đĩnh từ lúc nhỏ cho đến khi Lý Công Uẩn lên làm vua và ban Chiếu dời đô. Trong phim, Lý Công Uẩn từng vào Hoa Lư phò Lê Hoàn, rồi trở thành chỉ huy cấm vệ quân và bạn thân của Lê Long Đĩnh. Bộ phim cũng kể về một mối tình tay ba giữa Lý Công Uẩn, Lê Long Đĩnh và ca nữ Dạ Hương.


    Những cảnh quay trong Khát Vọng Thăng Long được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam có lẽ là một lợi thế cho phim. Những hình ảnh làng mạc, sông nước mang đậm nét vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phim cũng tái hiện quang cảnh phiên chợ quê, cảnh sinh hoạt nơi giếng làng, lễ hội Tịch Điền, hay cảnh hoàng cung với phong cảnh hữu tình, nên thơ… Nhà làm phim khôn khéo chọn tông màu nâu chủ đạo cho bộ phim, khiến khung cảnh phim mang màu sắc cổ xưa, gần gũi với người Việt.


    THÔNG TIN CHI TIẾT:
    Năm công chiếu:
    2010

    Thể loại: Chiến tranh cách mạng, dã sử
    Đạo diễn:
    Lưu Trọng Ninh
    Diễn viên:
    Thạch Kim Long, Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn
    Điểm IMDb:
    7.2

    Khát vọng Thăng Long
    Khát vọng Thăng Long
    Khát vọng Thăng Long




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy