Top 10 Tản văn viết về Hà Nội hay nhất

Phương Kem 1782 0 Báo lỗi

Hà Nội không chỉ có những di tích lịch sử quan trọng mà nơi này còn có những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, đầy thi vị, đủ cho bạn khám phá một Hà Nội vừa bình ... xem thêm...

  1. Hà Nội không phải nơi tôi sinh ra. Hà Nội không phải nơi tôi lớn lên. Hà Nội cũng không phải nơi tôi lập thân, gắn bó cuộc đời. Hà Nội trong em và trong tôi.


    Nếu ai đó hỏi tôi rằng: Có yêu Hà Nội không? Tôi sẽ không ngần ngại mà gật đầu. Bởi Hà Nội nào phải của riêng ai? Hà Nội đâu chỉ là thủ đô ngàn năm văn hiến. Hà Nội đâu chỉ ba sáu phố phường mà tôi từng biết qua những trang thơ, trang văn, trang sử.


    Hà Nội đâu chỉ có món phở trứ danh hay chén nước chè xanh hè phố. Hà Nội đâu chỉ thu gọn trong tầm mắt bởi cái lướt qua rất vội vàng. Hà Nội trong tôi đó là đất, là người, là những giá trị không thể phai mờ theo dòng chảy thời gian.

    Tôi có quen một cô em gái vốn người Hà Nội gốc. Nhà nằm ngay trong phố cổ. Tôi vẫn thường nghe em kể những câu chuyện về phố cổ với những góc phố giao cắt nhau như bàn cờ; về căn nhà hơn mười mét vuông của mình với bảy con người sinh sống thuộc ba thế hệ; về các mợ thảnh thơi ngồi trò chuyện bên thềm nhà. Hà Nội phố, Hà Nội ngõ và Hà Nội bên thềm đã trở thành một phần cuộc sống trong em.

    Vui có, buồn có và những khốn khó cũng có. Vậy mà trong mỗi câu chuyện của em đều qua cái giọng thanh thoát và nhẹ nhàng. Phải chăng lối sống, cách ăn, cách ở của người Hà Nội dẫu có mai một ít nhiều cũng đâu hoàn toàn biến mất.


    ”Chẳng thơm như thể hoa nhài

    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

    Ca dao

    Có lần em bảo tôi: Anh ra Hà Nội đầu đông đi. Thích lắm!

    Tôi bật cười: Chết rét à?

    Lại mường tượng đến cái rét lạnh cóng cả người, thi thoảng ập đến những cơn mưa dầm dề dai dẳng làm người ta chỉ muốn nằm ườn trên giường trong chăn êm nệm ấm.


    “Không. Hà Nội vào đông thú vị lắm!” Và rồi từ em, một người con của phương Nam với hai mùa mưa nắng biết về mùa đông nơi đó.

    Hà Nội vào đông không thấu thịt cắt da như Sa Pa mùa sương đọng thành băng giá; không rực rỡ ngàn hoa như Đà Lạt bảng lảng sương chiều; không liêu xiêu gió thốc trên đồng hun hút vào mùa cấy, cóng cả mạ non.

    Hà Nội vào đông rất lạ…Lạ vì rét đó người ta vẫn muốn ra đường tìm chút hương bên bát nước chè xanh nghi ngút khói, hít hà hơi phố xá. Lạ vì mưa phùn ảm đạm vẫn muốn lao về phía hồ Tây mà ngắm khói sương, vấn vương Bờ Hồ liễu rủ hay hoài cổ trên phố Cổ Ngư.


    Lạ vì nếu như ngày hanh nắng sẽ chẳng rời mắt "nắng vàng như mật” phủ màu óng ả say mê. Vậy đó. Hà Nội bốn mùa thì bốn mùa khác nhau đâu như phương Nam chỉ thấy mưa và nắng, trắng và đen. Ừ, tôi hứa mùa đông…

    Lại có lần em bảo: Anh biết đặc trưng của Hà Nội là gì không?

    Bia hơi, rất Pháp và lăng Bác?

    Gánh hàng rong, bởi những thứ trên ai cũng biết cả rồi. Tôi cười. Một người không có tâm hồn ăn uống như tôi thì có bao giờ để ý đến những điều mình cho là nhỏ nhặt. Dẫu hàng rong đã trở thành một phần văn hóa của Hà Nội.

    Mùa nào thức ấy và không khó để bắt gặp các mẹ các chị với gánh hàng rong len lỏi khắp phố, khắp phường. Mùa hè oi bức với bát tào phớ trắng ngà, mát lạnh, sóng sánh nước đường đen. Mùa thu se se lạnh nhón cốm vòng xanh mướt thơm mùi lúa mới, lá sen. Mùa đông suýt xoa với bắp ngô non nướng trên bếp lửa hồng mà quên đi cái rét căm căm. Mùa xuân với những gánh hàng hoa tung tăng lướt phố. Ừ, tôi sẽ cùng em…

    Khi người ta sống đủ lâu thì có thể hiểu về Hà Nội. Nhưng chỉ khi người ta yêu, người ta thương Hà Nội thì mới dễ dàng bỏ qua “thói hư tật xấu” vốn là căn bệnh trầm kha của phố để có bức tranh thật đẹp về Hà Nội, để thấy những điều dù nhỏ bé cũng đẹp đến nao lòng. Em yêu Hà Nội và em truyền tình yêu đó sang tôi từ khi nào không biết để lòng mãi cứ bâng khuâng mà nhớ. Đôi khi lại buộc miệng thì thầm:

    “Ai về bắc, ta đi với

    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

    Tự thuở mang gươm đi mở cõi

    Trời nam thương nhớ đất Thăng Long”

    Huỳnh Văn Nghệ

    Nào đâu dám lấy mình so sánh với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, chỉ là; Tôi cũng là người con đất phương nam và tôi yêu Hà Nội. Một Hà Nội trong em và trong tôi…


    Quốc Việt

    Hà Nội trong em và trong tôi
    Hà Nội trong em và trong tôi
    Hà Nội trong em và trong tôi
    Hà Nội trong em và trong tôi

  2. Xin thú thật một điều rằng, đến giờ phút này tôi vẫn chưa có dịp được ra Hà Nội lần nào cả, mặc dù cũng đã đôi lần tôi quyết khăn gói gió trăng lên đường. Và rồi… đành lỗi hẹn với ba mươi sáu phố phường, với người Hà Nội, cho đến tận bây giờ!


    Hà Nội trong tôi, đó là những hình ảnh tôi thu thập được thường xuyên trên ti-vi, báo đài, sách vở. Hà Nội trong tôi, đó là từ những bài hát tôi vẫn thuộc nằm lòng. Những bản tình ca, tình đất nước với những cung bậc lãng mạn sâu lắng thiết tha: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Nhớ mùa thu Hà Nội, Đoản khúc thu Hà Nội. Hà Nội mùa thu của nhạc sĩ Vũ Thanh, Có phải em mùa thu Hà Nộicủa nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ thi sĩ Tô Như Châu, Im lặng đêm Hà Nội thơ của Phạm Thị Ngọc Liên được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc… Và còn nhiều, nhiều lắm những bản nhạc nổi tiếng về Hà Nội tôi được biết bên cạnh những bài hát ngọt ngào sâu lắng về xứ Huế quê tôi.

    Cũng thật lạ, mỗi dịp gặp gỡ bạn bè giao lưu văn nghệ tôi vẫn thường thích hát nhạc Hà Nội, và bạn tôi vẫn thường khen rằng giọng tôi hát nhạc về Hà Nội nghe rất hợp, phải chăng do tôi vốn có chất giọng dày và đặc biệt Hà Nội luôn là một Thủ đô chiếm trọn cảm tình yêu mến trong tôi.

    Nhắc đến Hà Nội, tôi hình dung mùa thu Hà Nội với tiết trời dịu mát, những đôi nhân tình nắm tay nhau đi dưới những “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”.

    Nhớ về Hà Nội, tôi tưởng tượng cảnh mua bán tấp nập của ba mươi sáu phố phường nườm nượp kẻ bán người mua, “mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi, mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi!”

    Nghĩ về Hà Nội, tôi hình dung những góc phố cổ kính rêu phong, những hàng hoa sữa, hoa ngọc lan lặng lẽ toả hương trong đêm, cho môi ai thêm ngọt ngào những lời thầm thì say đắm.

    Nghĩ về con người Hà Nội, tôi nghĩ ngay đến những nàng con gái Hà thành, với làn da mịn màng trắng trẻo, giọng nói nhẹ nhàng như mật ngọt rót vào tai: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

    Tôi nghĩ đến những câu mời chào xởi lởi của những người bán hàng quán, của những bát nước chè xanh, những môi cười lóng lánh răng hạt huyền đen nhánh, đầu vấn khăn đen của các bà, các cô – những con người thủy chung với những hồi ức của một Hà Nội xưa ngàn năm văn hiến.

    Vẫn luôn mang trong lòng ý nguyện mai này ra Hà Nội, tôi sẽ chậm rãi thả bộ đến những phố Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Trống… Tôi sẽ đạp xe quanh Hồ Tây để nghe mùi hương của gió từ Hồ Tây nhẹ thổi làn tóc tung bay. Không biết có còn không “tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa Cầu Giấy” nhưng tôi tin dù sao với tình yêu Hà Nội luôn cháy bỏng trong tôi có lẽ trong khoảng lặng nào đó tôi sẽ bắt gặp khoảnh khắc tuyệt vời ấy, dù chỉ là trong mơ cũng đã là những phút giây bồi hồi nhớ mãi!

    Ước mơ một lần được đặt chân ra Hà Nội của tôi còn bắt nguồn từ Hà Nội băm sáu phố phườngcủa tác giả tên tuổi Thạch Lam.

    Tôi mê những món hàng quà đặc trưng của phố phường Hà Nội, qua ngòi bút tài hoa đầy cảm xúc của nhà văn Thạch Lam tôi ước chi được tận mắt trải nghiệm món quà Hà Nội nổi tiếng cốm làng Vòng. Tôi hình dung từ những hạt nếp tròn mẩy của đất trời ban cho con dân trăm họ, những người dân làng Vòng đã khéo léo và tinh tế tạo ra một món ăn nức tiếng trong và ngoài nước. Một thứ quà dân dã mà sang trọng, mộc mạc mà thanh khiết, tinh tế từ màu sắc, hương vị. Sự mềm dẻo trong sự “ăn ngậm mà nghe” của chiếc bánh cốm còn là hình ảnh của những “cô hàng cốm xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng” (Hà Nội ba mươi sáu phố phường – Thạch Lam). Tôi sẽ tìm trong lòng Hà Nội những quán phở trứ danh mang đậm hương vị đặc trưng tạo nên thương hiệu “phở Hà Nội chính gốc” mà ngày nay món ăn này đã theo chân những người dân Hà Nội vào Huế lập nghiệp để rồi trở thành một món ăn quen thuộc của người dân quê tôi bên cạnh món bún bò Huế cũng không chịu thua kém. Và, mặc dù tôi biết sẽ rất khó lòng gặp được hình ảnh cô hàng nước tên Dần xinh xinh, non trẻ với cái áo tứ thân nâu cũ vấn trên đầu vầng khăn tròn trịa, với cái nhìn ngoe nguẩy bên điếu thuốc, que diêm, bát nước chè ấm ngọt ngày nào của Thạch Lam tôi vẫn cố công để đi tìm cho bằng được những phong vị được Thạch Lam “mách” trong Hà Nội băm sáu phố phường nhân dáng, nét đặc trưng của văn hóa nghìn năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội ấy.

    Tôi tin rằng hơn ai hết những người dân Hà Nội đang sinh sống và lớn lên trên vùng đất xứ Bắc Kì này đều ý thức nét văn hóa đặc trưng của mình mà nâng cao hướng phát triển để đưa một Hà Nội hào hoa ra năm châu bốn bể, theo khái niệm hoà nhập mà không hoà tan để giữ mãi bản sắc văn hoá quý báu riêng có của mình.

    Có ai đó đã nói với tôi rằng: Nếu muốn có một chữ duyên thì trước hết bản thân ta cần phải tạo ra chữ duyên trước đã. Phải rồi, có lẽ tôi phải tạm gác lại mọi công việc bộn bề để theo tiếng còi tàu thúc giục một lần thôi. Tôi sẽ viết nên một chữ duyên với người Hà Nội, vì tôi biết nơi ấy đang có những người Hà Nội thân yêu đón đợi tôi đặt chân lên vùng đất linh thiêng và hào hoa này!


    Trang Thuỳ

    Hà Nội trong tôi…
    Hà Nội trong tôi…
    Hà Nội trong tôi…
    Hà Nội trong tôi…
  3. Tôi yêu Hà Nội - một tình yêu trong trắng và đắm say như một mối tình đầu bởi lẽ tôi đã gắn bó với Hà Nội bằng những tháng ngày đi làm thuê trong ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên và sau đó là suốt quãng đời sinh viên giàu ước mơ, nhiều khát vọng, mà tôi đã được sống hết, sống thật với chính mình.


    Tôi nhớ đến nao lòng đêm Hà Nội. Thành phố chìm vào giấc ngủ say, yên bình sau một ngày gồng mình lên với cuộc sống tất bật. Những ánh đèn vàng héo hắt, hắt ra từ ô cửa sổ những nhà cao tầng. Những cột đèn cao áp toả ánh sáng bàng bạc, thâm quầng trong màn sương đêm, đứng lặng lẽ như những người lính gác trung thành, tận tụy. Những con phố vắng hoe, dài hun hút. Thỉnh thoảng, một vài tiếng động cơ xe máy lạc lõng vang lên rồi chìm nghỉm trong khoảng không tĩnh lặng. Chỉ có tiếng rao vang của những hàng bán bánh mì là vẫn chứa đựng sự thắc thỏm, lo âu. Tiếng rao kéo dài, mệt mỏi và đứt quãng chẳng đánh thức nổi những bác đạp xích lô đang nằm gác chân lên thành xe, chụp mũ vào mặt ngủ ngon lành, quên cả muỗi đốt, quên cả sương đêm và gió lạnh. Cuộc sống tất bật của phố xá suốt một ngày vất vả rồi cũng dừng lại, lắng đọng vào từng cuộc đời, từng số phận cụ thể với rất nhiều cảnh ngộ khác nhau. Thỉnh thoảng vẫn thấy họ tủm tỉm cười mãn nguyện trong một giấc mơ hạnh phúc. Những tiếng chổi tre cào vào màn đêm xoàn xoạt... xoàn xoạt... xoàn xoạt... nghe thật nhẫn nại và bền bỉ, âm thầm. Lúc thành phố ngủ say cũng là lúc những người lao công bắt đầu làm việc. Tôi chợt chạnh lòng, chợt thương xót cho cuộc sống vất vả, cơ cực của những người lao động nghèo, giống như chị tôi, như mẹ tôi vẫn hàng ngày tần tảo nơi quê nhà.


    Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của những đêm Hà Nội. Đó là lúc tôi tạm gác bỏ lại bài vở và những công việc mưu sinh trong ngày để đến với những đứa trẻ mồ côi ở làng Birla để dạy các em học bài, học hát và vui chơi. Những đứa trẻ thiệt thòi đầy mặc cảm đó cứ thu mình lại, khó gần, khó bảo nhưng rồi một ngày cũng quấn quýt lấy chúng tôi. Những đứa trẻ đánh giầy quê Mỹ Đức, Hà Tây đang ở trọ nhà chú Quang làng Quan Hoa, quận Cầu Giấy lại vô cùng lạ lẫm với những con số, với chữ nghĩa mà có lẽ ngoài việc nhẩm tính số tiền kiếm được và chi tiêu hàng ngày ra thì chúng chẳng bao giờ dùng đến. Những đứa trẻ con các gia đình nghèo, gia đình chính sách trong khu tập thể Nghĩa Tân và nhiều nơi khác thì mới 8 giờ tối đã ngáp ngắn ngáp dài, ngồi học bài mà cứ ngủ gà ngủ gật vì ban ngày quá vất vả khi phải vừa đi học, vừa đi làm. Những đứa trẻ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu thì vẫn luôn âm thầm tự khẳng định mình với khát khao học chữ, học nghề... Chúng tôi cùng các em vui chơi, tổ chức những đêm trung thu tưng bừng cho các em tại công viên Bách Thảo, tại Bảo tàng Không quân, Công viên Thủ Lệ, Gò Đống Đa... Tất cả các em dường như đã hoà làm một, đã tìm được tiếng nói chung từ tuổi thơ nghèo lam lũ và thiệt thòi.


    Tôi yêu và quý trọng vô cùng giới trẻ Hà Nội, những thanh niên sống có lý tưởng, ước mơ và hoài bão. Rất nhiều trong số những bạn bè của tôi, những người tôi gặp trong câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ của báo Sinh viên Việt Nam là những cô chiêu, cậu ấm dùng toàn đồ hiệu, có xe máy riêng, có điện thoại di động nhưng họ vẫn cùng chúng tôi đi dọn vệ sinh ở Công viên Đống Đa, Tuổi Trẻ, Bách Thảo, ở Nghĩa trang liệt sỹ Ngọc Hồi... Họ sẵn sàng xắn tay áo, dùng tay không để bốc rác và hoàn thành tất cả công việc dù bị gai và mảnh phế liệu cào tứa máu. Họ cũng sẵn sàng xắn quần lội xuống nước hồ đen ngòm để vớt rác, đi trồng cây. Rồi tối đến, họ cũng hăm hở đến với những trẻ em thiệt thòi, mang hết tri thức, tình thương và lòng nhiệt tình của mình dành cho các em. Những đêm khuya khoắt, họ vẫn lang thang quanh ga Hà Nội, quanh Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, cầu Mới, cầu Long Biên... để tiếp xúc và gặp gỡ những em bé đánh giầy, những đứa trẻ lang thang hư hỏng để lắng nghe nguyện vọng của các em, giúp các em học chữ và nhiều đêm, họ sẵn sàng ngủ cùng những đứa trẻ này trong gầm cầu, trong những chiếc quán bên chợ nhơ nhớp, không chăn chiếu, không màn để sáng hôm sau chân tay mặt mũi sưng vù vì muỗi đốt. Nhưng tất cả vẫn cười hạnh phúc và lại hăm hở làm mọi công việc tình nguyện. Khi được sống cuộc sống của những người nghèo, họ hiểu rằng mình đang sống những ngày tháng đầy ý nghĩa, có ích cho mọi người, để rồi lại cùng nhau tổ chức những ngày quyên góp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập gửi tặng học sinh Tuyên Quang, ủng hộ đồng bào lũ lụt Thừa Thiên Huế, đồng bào Bình Thuận... Họ đến từng nhà vận động, phát tờ rơi, bỏ công việc để ngồi trực nhận đồ quyên góp, tất tả phóng xe đến nhận sách vở, quần áo của những gia đình không mang đến được. Tất cả rất bận rộn, rất mệt nhưng rất vui, nhất là lúc phân loại, đóng gói và chuyển đi khi thấy số lượng quyên góp được khá nhiều. Và cũng đã nhiều lần chúng tôi cùng nhau nô nức kéo đến Viện huyết học và truyền máu ở Bệnh viện Bạch Mai để hiến máu nhân đạo. Những ngày tháng ấy thật ý nghĩa. Những con người trẻ tuổi ấy thật sôi nổi, nhiệt tình và đáng yêu vô cùng.


    Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi đã có gần mười năm sống, làm việc và học tập nơi mảnh đất thân thương này. Đó là những ngày tháng đủ cho tôi hiểu rằng: cuộc sống dù cơ cực, vất vả đến đâu, dù bon chen, khắc nghiệt đến đâu, cuối cùng cái còn lại vẫn là tình yêu thương giữa con người với con người, là những giờ phút được sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.


    Mai xa Hà Nội rồi, tôi chợt muốn bật khóc thật to như một đứa trẻ sắp phải xa nhà. Bao kỷ niệm thân thương, bao hình ảnh quen thuộc và bao gương mặt mến yêu bỗng chốc trở nên xa vời và lùi dần vào ký ức. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Chúng tôi mỗi người đang bắt đầu xây dựng cho mình một cuộc sống mới với bộn bề công việc. Tất cả đã làm kỷ niệm - những kỷ niệm luôn in đậm trong tâm trí tôi suốt cả cuộc đời.


    HOÀNG TRỌNG MUÔN

    Hà Nội trong tôi
    Hà Nội trong tôi
    Hà Nội trong tôi
    Hà Nội trong tôi
  4. Tôi không phải người Hà Nội, nhưng những gì Hà Nội đem tới cho tôi rất sâu đậm, từ kí ức tuổi thơ, cho tới bây giờ, sau mấy chục năm gắn bó, khi con trai tôi, các cháu nội, ngoại của tôi đều cất tiếng khóc chào đời ở Hà Nội, tuổi trung niên, tuổi cao niên, tôi đã sống, đã học tập, giảng dạy…, và một ngày cứ cho là xa xôi nữa, khi sẽ lặng im mãi mãi cùng thinh không, tôi cũng vẫn thuộc về nơi này.

    Nên với tôi, Hà Nội vừa xa xôi, vừa gần gũi, như một bạn đồng hành ngẫu nhiên gặp trên đường đời, vừa đồng cảm, vừa giữ khoảng cách– sự đồng cảm để gắn bó, yêu thương; khoảng cách để lùi xa quan sát và suy ngẫm!


    Tuổi thơ và những năm tháng chiến tranh, Hà Nội với tôi cũng giống như nỗi nhớ của bé Liên trong truyện ngắn Thạch Lam, Hà Nội là “một vùng sáng rực và lấp lánh” với “những cốc nước lạnh xanh đỏ...”; Hà Nội là niềm vui khi được mẹ mua cho những bộ áo váy xinh xắn hiệu Đức Hạnh, một cửa hiệu chuyên bán và may đo quần áo cho trẻ em duy nhất còn lại từ thời Pháp ở phố Hàng Trống; Hà Nội là cảm giác mát lạnh tan chảy trong miệng và trong lòng khi được các anh chị đưa ra tiệm kem Hòa Bình trên phố Hàng Bông ăn kem (Tràng Tiền!); Hà Nội là niềm tự hào xen lẫn ngượng nghịu khi mẹ cầu kì lên tận chợ Đồng Xuân mua cái mũ đan bằng bẹ ngô trắng muốt, vẻ đẹp thanh khiết của nó khiến tôi từng bị các bạn cùng lớp chế giễu khi chạy báo động xuống hầm trú ẩn, cả lớp mũ rơm vàng ươm, chỉ mình tôi lúp xúp chạy với chiếc mũ trắng thắt nơ…


    Và Hà Nội cô đặc lại trong kí ức của tôi về ngôi nhà cổ của bác ruột ở phố Hàng Da với sàn gỗ lim đen nhánh, mát rượi, với những cầu thang cũng bằng gỗ đen nhánh như vậy uốn cong từ tầng một lên tới tầng ba, và khi nơi tôi sống mới chỉ có chiếc đài Orionton to kềnh càng trong niềm tự hào của bố thì mỗi dịp nghỉ hè được bố mẹ cho lên nhà bác chơi, tôi lại được say mê, thích thú ngồi xem những người, những cảnh hiện lên sống động trong chiếc tivi đen trắng của bác.


    Tôi thấy bác tôi rất giống nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, chuẩn mực và nghiêm khắc, bác dạy tôi cách đi đứng sao cho đàng hoàng, không hấp tấp mà khổ cả đời, cũng không chậm chạp khiến người khác thấy khó chịu; cách ngồi ăn sao cho lịch sự, không rúm ró cũng không sấn sổ; giọng nói và cách phát âm của tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mẹ và bác, tuyệt đối tránh các thổ âm gây phản cảm cho người nghe…


    Thời điểm sau bữa ăn, khi mấy anh chị em dọn dẹp xong (bác tôi cũng phân công bình đẳng công việc cho tất cả các con và cháu, không “ưu tiên” cho cô cháu mang tên “Lâm Đại Ngọc” đa sầu đa cảm đa bệnh của bà ngoại, bác nói: Bà ngoại cưng chiều quá nên cứ nghĩ mình yếu đuối! – có khi nhờ bác mà càng ngày tôi càng vợi bớt nữ tính, cứ mặc nhiên coi mình là mạnh mẽ, gồng gánh đa mang suốt cả cuộc đời!), cả nhà ngồi uống trà, xem tivi, bác gái và các chị ngồi đan len, thêu móc, mấy anh chị em tôi ngồi nghe bác trai nói chuyện thời sự từ thế giới tới Việt Nam, Hà Nội, rồi tới cả những nhà dãy số lẻ và dãy số chẵn, trong câu chuyện góp vui của các anh chị, đôi khi xuất hiện những chuyện vui về các bác hàng xóm, bà T. bên số 9, ông N. bên số 12, cô H. cuối phố… - có cảm giác con phố êm đềm của bác ngày ấy như một cái làng nhỏ, “dân làng” ở đó biết hết về nhau, đủ gần gũi để chia sẻ, chuyện trò, nhưng vẫn giữ một khoảng cách cần thiết để tôn trọng sự riêng tư phía sau cánh cửa mỗi nhà, để không can thiệp hay bình phẩm. Bác gái ngồi đan nhưng vẫn như Trưởng trạm kiểm soát không lưu, chỉ cần thấy máy bay chệch ra khỏi đường bay vui vẻ, lấn sang làn bình phẩm hay giễu cợt là dừng tay đan, ngẩng lên, hơi nhíu mày hoặc khẽ cười, và chỉ chừng đó thôi là cả đoàn bay lại nghiêm chỉnh trở về “chính lộ” - những nét tính cách ấy cũng là biểu hiện sự tự trọng của người Hà Nội, như cách sống của nhân vật bà Hiền.


    Tôi còn nhớ ấn tượng ngày ấy về cách ăn mặc của hai bác và các anh chị, cả nhà không ai mặc quần loe, quần bó, áo chẽn... như cách mặc phổ biến của nhiều người trong thành phố nơi tôi sống, trong nhà bác, hầu như ai cũng ưa thích những trang phục có màu sắc trang nhã, kiểu cách chuẩn mực, không hề quê mùa (tất nhiên!) nhưng cũng không hề đua đòi, theo cách các bạn trẻ bây giờ gọi là theo trend! Không ai để tóc dài, tóc cợp theo mốt lúc đó; và cũng không ai đi ra đường với bộ quần áo quăn nhàu hay mái tóc xơ rối! Giản dị, thanh lịch, chừng mực, có lẽ đó cũng là một quan niệm thẩm mĩ thể hiện sự tự trọng với mình và tôn trọng với những người xung quanh.


    Thế kỉ XX với còi báo động và mũ rơm, với những hi vọng và thất vọng thời hậu chiến… qua đi, cũng qua đi cả nỗi lo sợ về ngày tận thế năm 2000, rồi thoáng cái, thế kỉ XXI cũng đã đi được phần tư đoạn đường, cô bé ngày xưa sinh ở xứ Đoài mây trắng, lớn lên ở trấn Sơn Nam hạ…, nay đã là một bà già dừng lại ở Hà Nội, hay nghĩ ngợi vẩn vơ, quên rất nhiều việc của thực tại và nhớ rất nhiều những cảnh, những người trong quá khứ. Hà Nội hiện lên bối rối, chông chênh trong tôi bởi ánh hào quang êm đềm ngày xưa cũ và những bề bộn, ồn ào, bức bối của hôm nay. Nhiều người quen của tôi đã bứt thoát khỏi quầng sáng lấp lánh của Hà Nội, tìm về một miền quê cách xa hồ Gươm khoảng 30 phút đi xe, sáng sáng, bố mẹ con cái cùng nhau lên xe về Hà Nội đi làm, đi học như bất kì cư dân nào trong phố cổ, rồi chiều tối, lại trở về chốn thôn dã trong lành, tĩnh lặng!

    Từ sáng tới đêm khuya, đường phố chằng chịt hỗn loạn ô tô, xe máy, xe ba bánh (những chiếc xe thường có hàng chữ “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, lái xe mặc quân phục cũ, ngực áo có khi gắn huân chương, phóng bạt mạng trên đường với cái quyền mà các phụ kiện đã hiện hữu theo xe!); hè phố không chỉ là thể giới của hàng quán, chợ cóc, quán rửa xe, cắt tóc, lấy ráy tai, là nơi ăn nhậu của bạt ngàn thực khách cùng bia hơi, đồ ăn, và giấy ăn trắng xóa từ trên bàn xuống tới mặt đất… mà còn là đường thoát hiểm, đường chống tắc cho chen chúc xuôi ngược các loại xe trong giờ cao điểm…

    Nhìn các dãy phố, rất hiếm hoi mới bắt gặp một ngôi nhà mặt phố khép cửa im lìm hoặc chủ nhà đứng thảnh thơi ơ hờ ngắm phố! Hầu như Hà Nội nay đã tận dụng tối đa ưu thế “nhà mặt phố” cho mưu sinh – và một Hà Nội khác cũng hiện ra ngay trong nguồn sáng này: không phải “Hà Nội lấp lánh” trong ánh lung linh êm đềm lẫn khuất giữa những vòm cổ thụ trầm mặc soi bóng xuống hồ Gươm trong kí ức của bé Liên (Thạch Lam), Hà Nội bây giờ ô nhiễm ánh sáng bởi những dây đèn chói lòa chăng kín thân cây, cành cây; những pano quảng cáo, biển hiệu nhà hàng sống động; những manocanh xoay tay sáng rực biển gọi, mời chào; những hệ thống đèn trang trí, đèn led dày đặc khiến các nhà hàng, cửa hiệu nhìn từ xa giống như những khối pha lê phát sáng! Hà Nội bây giờ ô nhiễm âm thanh bởi tiếng ồn của còi xe, của những tiếng nói đan xen đủ mọi thổ âm, thổ ngữ; của những tiếng chửi thề thô tục, những quát tháo tranh cướp, những cuộc điện thoại ồn ào ít duyên…

    Tuy nhiên, từ rất lâu, tôi vẫn thầm ngạc nhiên về một đặc điểm trong phần lớn các ngôi nhà phố cổ, đó là mọi ô nhiễm về ánh sáng, tiếng ồn, văn hóa…dường như chỉ dừng lại ở tầng một – tầng hai vẫn là hình ảnh những ban công tay uốn xinh xắn, những khung cửa sổ với cánh chớp xanh bình yên, với những chậu cây cành lá buông mềm mướt mát, và thú vị nhất là đôi khi ngẩng đầu nhìn lên, bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc, quần áo ở nhà nền nã, kín đáo, bình thản cầm bình tưới cây, và thờ ơ ngắm phố phường trôi chảy…! Có lần, tôi đã chia sẻ nhận xét ấy với một cô bé học trò cũ, người phố cổ, trò cười: “Cô ơi, đó là “Hà Nội nhìn từ tầng hai”! Thì ra người Hà Nội, nhất là những người thuộc thế hệ trước của Hà Nội, dù vẫn phải mưu sinh, kiếm sống, nhưng họ vẫn gắng giữ cho gia đình họ, hồn cốt văn hóa của họ một Hà Nội xưa cũ, từ không gian của tầng hai, nơi ấy, có hoa và lá xanh, có âm nhạc và sự yên bình, có màu thời gian trong những bức tường ngoài chậm thay màu sơn mới, trong lớp rêu mờ xanh, thậm chí, trong những bong tróc lộ hàng gạch trăm năm…


    Cảm giác gặp một Hà Nội khác rõ nhất trong buổi sáng mùng Một Tết Nguyên Đán, những dòng người về quê đã trả lại cho Hà Nội một không gian tĩnh lặng, êm đềm, đường phố bình yên, hình ảnh những dãy phố thiếp ngủ gợi chút biếng lười thật gợi cảm - bỗng thấy thương quá khi bao năm qua Hà Nội nhẫn nại và bất lực gồng mình cho sự phát triển, thậm chí cả cảm giác có lỗi khi chính mình cũng là một trong số những tác nhân đó!

    Và mỗi khi tới nhà bác, sau khi đi qua những dãy tủ kính sáng trưng ở tầng một, lách qua vài cô bé bán hàng tiếng nói đa âm sắc khiến tôi nhớ tới những cô gái tên toàn thanh sắc như kiểu Tuất, Bích, Trúc, Ðát, Phúc, Thoát, Ngát, Thấm, Bắc... trong truyện ngắn Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài thuở nào; lên tới tầng hai, tôi gặp lại một Hà Nội cổ kính, sang trọng trong những đồ vật xưa cũ, những giọng nói xưa cũ, ấm nhẹ và thân thiện, trong vẻ giản dị và thanh lịch của các anh chị, như ngày xưa…

    Và tôi hiểu, chiều sâu văn hóa của Hà Nội có thể chưa đủ sức đồng hóa người nhập cư, người nhập cư tứ xứ vẫn sống ngạo nghễ trong các căn hộ chung cư hoặc biệt thự sang trọng, bệ vệ ngồi trong những xe hơi sang trọng, giữ những vị trí xã hội quan trọng, nhưng từ tầng hai phố cổ, một Hà Nội xưa cũ vẫn còn, bình thản và thờ ơ, thanh lịch và tự trọng, một Hà Nội tôi yêu!

    Mơ hồ nghĩ: những thế hệ sau này có còn gắng giữ lại một Hà Nội ở tầng hai?


    Trinh Thu Tuyet

    Có một Hà Nội khác…
    Có một Hà Nội khác…
    Có một Hà Nội khác…
    Có một Hà Nội khác…
  5. Hà Nội mùa này thật lạ. Mới chang chang trời nắng như đổ lửa mà cuối chiều lại ào ạt mưa ngay được. Những con phố bỗng chốc ngập nước lênh láng như sông vào mùa lũ. Bì bõm trên những tuyến phố dài là muôn kiếp người khắc khoải mưu sinh.


    Nhưng rồi khi cơn mưa đi qua, Hà Nội bỗng trở nên thật đặc biệt. Dường như nước mưa đã làm cho vạn vật trở nên sáng sủa, tươi tắn hơn thì phải.

    Trên đoạn phố Phan Đình Phùng, hình như được trải một tấm thảm xanh điểm xuyết ngàn vạn bông hoa nhỏ xíu màu trắng ngà hệt như một tấm voan hoa nhí nền xanh thẫm. Xà cừ đấy, xà cừ đang cuối mùa hoa. Hình như với Hà Nội, từ lâu, nó đã trở thành một “đặc sản” khiến không ít người phải lưu luyến, dẫu chỉ một lần dừng chân tại thành phố này. Vài ba tia nắng còn mải chơi nhảy nhót trên thứ lá cành xanh mướt của nó càng khiến nó trở nên tươi tắn hơn hẳn vẻ ủ rũ ban chiều vì cái oi nồng của mùa hạ.


    Trên đoạn đường Thanh Niên, phượng vẫn còn sót lại, không còn rực rỡ như cháy cả vòm trời giống lúc chớm vào hè. Những bông phượng cũng đã nhạt màu trở nên bàng bạc như màu giấy điều bị nhuốm nước mưa. Lá phượng dày hơn, đôi khi che lấp cả bông hoa khiêm tốn nép mình như sợ chia xa. Mùa thi năm nay không còn đến muộn. Mấy ngày này lũ học trò cuối PTTH đã được thỏa sức bay nhảy khắp nơi , không còn gồng mình lên với những bài thi, chỉ còn chờ đợi những ước mơ đang sắp thành hình. Hình như vì thế mà phượng cũng nở rải rác như lưu luyến, đợi chờ.


    Mưa làm cho phố phường chợt trong lành hẳn. Mọi mùi hương đều trở nên rõ ràng hơn. Đâu đó từ một khoảng sân nhỏ dịu dàng thứ hương nhài cứ len lén mà khiến người ta bị mê hoặc. Để rồi chợt thấy nồng nàn bị cuốn lấy bởi hương hoàng lan vừa kịp lướt qua cánh mũi.


    Trong ánh đèn đường ban chiều bắt đầu bật lên khi nắng vừa kịp tắt có một thứ hương thanh dịu theo gió bay lại từ phía bờ hồ Tây khiến lòng người chợt như an yên đến lạ. Đang là cuối vụ, sen hồ Tây hình như không còn nhiều nữa, lâu lâu mới bắt gặp một chiếc xe hoa chở những bó sen hồng đặt xen lẫn giữa sắc vàng rực rỡ của hướng dương đang chính vụ. Sau cơn mưa, nụ cười của cô hàng hoa cũng chợt tươi hơn. Nụ cười cô khiến những đóa hướng dương hình như cũng đôi phần bẽn lẽn.

    Hà Nội buông ánh hoàng hôn lãng mạn xuống khiến người ta thấy xốn xao lạ kì. Tựa lưng vào chiếc ghế gỗ nhỏ trên gác hai của quán café chìa ra phía hồ, bất chợt như thu vào trong tầm mắt cả bức tranh lung linh của phố phường. Giống như ta đang ngắm nhìn người nghệ sĩ, chấm phá những mảng màu rực rỡ lên bức tranh thành phố đang chuyển dần vào đêm. Bỏ lại sau lưng tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng bực bội vội vã của ai đó đang muốn nhanh chóng xong việc để trở về bên gia đình, bỏ lại thứ mùi vị hỗn tạp của những dãy hàng quán chật chội kẻ bán người mua trong thế giới huyền ảo của Hà Nội ban chiều bởi hình như tôi đã quên mất cả một ngày dài với đống công việc ngập ngụa, để chỉ biết ngắm nhìn nó không ngớt ngưỡng mộ, thương yêu.

    Hà Nội muôn đời vẫn khiến người ta thấy bị mê hoặc. Mê hoặc hương sắc dịu dàng của những mùa hoa đi qua Hà Nội. Mê những ngày chuyển mùa lá vàng rơi đầy trên phố. Và đôi khi, chỉ cần một thoáng bâng khuâng, để quên con tim mình trên một tuyến phố cuối buổi chiều tà, ta cũng có thể nhận ra, yêu Hà Nội là một điều chẳng ai dối lòng mình được.


    Lê Huyền

    Bâng khuâng chiều Hà Nội
    Bâng khuâng chiều Hà Nội
    Bâng khuâng chiều Hà Nội
    Bâng khuâng chiều Hà Nội
  6. Lại trở về Hà Nội mỗi lúc một gần hơn và nhiều hơn nhưng lần nào cũng thấy xốn xang. Chỉ cần máy bay hạ cánh là trong lòng đã ngửi thấy cái mùi thương thương đến lạ, Hà Nội xưa tôi đi, Nồng nàn da diết, mùa hoa sữa những đêm khó ngủ cứ len nhẹ vào hồn tôi, cho tôi mơ một thuở thiếu thời, một thuở xanh ngời mắt biếc. Chiều thu muộn, hồ Tây lao xao con sóng, hàng cây xanh vút cao che bóng cả con đường tươi trẻ. Có những ngày trốn học trốn làm, thưởng cho mình một tý thảnh thơi nhìn ngắm sự bình yên của ngày trôi, lòng như lắng lại những bon chen vội vã hàng ngày. Hà Nội chậm trong bình thản. Những gánh hàng hoa trong nắng sớm lung linh như vũ điệu gọi mùa. Và kia tiếng rao đêm làm lòng tôi khắc khoải những nhọc nhằn vai mẹ, sự lớn khôn tôi, thấm đẫm giọt mồ hôi tảo tần khuya sớm, sự chịu đựng dẻo dai đến thần kỳ.


    Cứ trăn trở cho cơm áo gạo tiền với muôn nẻo tha hương, bao nhiêu lần trở về là bấy nhiêu lần thêm da diết. Mỗi một lần gặp gỡ một cảm xúc đổi thay, một cảm nhận đặc biệt khác nhau, có lẽ bởi mùa.

    Mùa xuân làm người tôi thấy xốn xang rạo rực, tràn đầy sức sống mới, với sự đâm nảy chồi non. Những cành đào hồng, đào phai đua nhau khoe sắc trong tiết trời se lạnh, làm Hà Nội dịu dàng như thiếu nữ xuân thì.


    Mùa Hạ chói chang, lại để lại trong tôi một Hà Nội năng động và nhạy bén và làm cho hương vị ngọt ngào của kem tràng tiền còn đọng mãi không quên.


    Mùa thu cho tôi cảm nhận Hà nội như một thiếu nữ mơ mộng chìm đắm trong sắc thu xao xác lá vàng, trời xanh gió mát, huyễn hoặc bước chân kẻ tha hương. Hương cốm mới len trong từng con phố, cho Hà Nôi thêm tinh khôi trong trẻo, Tất cả gợi lên trong lòng những nhớ nhung, những mất mát, những xót xa cho những gì còn dang dở.


    Chớm đông rồi... cái lạnh đầu mùa làm cho tôi thèm một bờ vai, một hơi ấm bàn tay lan toả từ một trái tim khao khát yêu thương. Đêm đông, Hà Nội trầm mặc và bình lặng, tôi như nghe được cả tiếng thở của cỏ cây trong giấc ngủ mùa đông. Cái lạnh đầu đông làm cho những món ăn nóng hổi thêm khắc sâu vào lòng mặc khách những mỹ vị nhân gian, khó thể phai mờ.


    Đi bên nhau những chiều thu muộn, một chút chớm đông cho lòng bao khát khao hoài vọng và cứ ước ao mãi thôi...


    Tôi trở về Hà Nội vẫn điệu đà, vẫn cổ kính, vẫn kiêu sa, luôn mê hoặc lòng tôi những khoảng khắc giao mùa. Hà Nội cho tôi đắm say- Hà Nội tuổi thơ tôi với nồng nàn tình yêu và nỗi nhớ. Ra đi để cảm nhận lúc trở về.


    Nguyễn Thị Mai Diệp

    Hà Nội trong tôi
    Hà Nội trong tôi
    Hà Nội trong tôi
    Hà Nội trong tôi
  7. Lạnh. Gió mùa đông bắc phả hơi lạnh trên từng mái phố, hàng cây. Hà Nội bước vào mùa đông với cái lạnh thật ngọt, thật sâu thấm đẫm bao thuộc quen. Năm tháng trôi, dẫu đi qua bao mùa đông trên mọi vùng đất nhưng chẳng thể nhạt phai trong tôi những ký ức của mùa đông Hà Nội.


    Nhớ những sớm mùa đông sương phủ mờ từng con đường thân quen. Thấp thoáng đâu đó, những chiếc xe chở đầy hoa tươi thắm khoe sắc trong giá lạnh đẹp đến hư ảo. Những bông hồng, bông cúc đại đóa dường như to hơn, rực rỡ hơn khi đông về. Cúc họa mi tinh khôi, hoa bươm bướm mỏng manh vươn mình đón gió lạnh. Hoa hướng dương vàng tươi bên thiên điểu, phi yến, lay ơn...


    Trưa đến, mặt trời ló ra khỏi màn sương và thắp lên những đốm nắng lung linh trên hè phố. Nắng mùa đông lạ lắm, không óng ả như nắng xuân, không chói chang như nắng hạ, không ngọt ngào rót mật như nắng thu mà dường như vương chút buồn hanh hao. Nắng mùa đông khiến ta bấc giác nhớ tới lời bài hát “Những mùa đông yêu dấu”: “Còn lại trong tôi những mùa đông dấu yêu/ Mùa bao nhiêu ký ức cho mình nhớ thương/ Những giấc mơ không thành/ Những hạnh phúc ngọt lành”. Phải chăng, nắng giấu đi ký ức xa mờ của những mùa đông đã qua?


    Quá trưa sang chiều, chúng ta cùng dạo quanh Hà Nội với những món ăn vặt của mùa đông nhé. Có lẽ, món bánh trôi tàu deo dẻo, béo ngậy chỉ xuất hiện vào mùa đông bởi vị thơm cay đặc trưng của nước đường nấu kỹ với gừng “bánh tẻ”. Món ốc luộc hầu như mùa nào cũng có, nhưng ăn vào mùa đông thì hợp vị hơn cả. Con ốc béo, giòn sần sật được chấm đẫm vào thứ nước mắm chua cay mặn ngọt pha cùng gừng, tỏi, ớt giã nhuyễn thơm rưng rức. Thấp thoáng đâu đó trong những con ngõ nhỏ Hà thành là các hàng bánh gối, bánh rán mặn, chè sắn... luôn khiến ta sà vào cho “bữa xế”.


    Chiều mùa đông thường nhanh tối, nhiệt độ hạ nhanh. Nắng đông mới vừa rực lên tán bàng lá đỏ, giờ đã phủ màu tím sẫm trên vỉa hè. Đường phố đã lên đèn, soi rõ dòng đời hối hả ngược xuôi. Dường như, ai cũng vội vã trở về nhà sau một ngày mưu sinh. Tạm gác lại mọi lo toan, công việc ngoài cánh cửa, ta cùng quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều ấm áp.


    Đêm mùa đông Hà Nội ghi dấu trong ký ức tôi với những ngọn đèn vàng hiu hắt. Phố vắng xao xác lá với tiếng rao quà đêm ngân dài hun hút. Mỗi thức quà một tiếng rao rất riêng. Nhớ năm xưa, cứ nghe tiếng rao “phá xaaaa....” loang trên phố, tôi lại xin mẹ vài hào, gọi mua một ít lạc rang húng lừu, hạt bí, hạt dưa để cắn tí tách cùng nhau. Năm tháng trôi, đôi khi, làm việc trong đêm muộn, chợt tiếng rao “Khúc ơ...”, đánh thức mọi giác quan khiến tôi chẳng ngại ngần mà bước ra phố mua lấy vài ba chiếc bánh nóng hôi hổi. Thấp thoáng đâu đó trong đêm là vài lò than hoa sáng hồng cùng những tia lửa bắn lên không trung đẹp huyền ảo. Những ngày xa Hà Nội, đôi khi tôi nhớ đến nao lòng mùi ngô nếp nướng, khoai nướng lan theo gió lạnh mùa đông.


    Đêm, nghe tiếng gió bấc quất ràn rạt ngoài cửa sổ, bỗng nhớ chiếc chăn bông của mẹ. Khi hạ tới, mẹ thường phơi ruột chăn vài ba nắng. Đông về, mẹ hối hả lôi chăn bông ra, lồng chiếc vỏ hoa đỏ xinh xắn vào cho tôi. Sau này, mỗi khi tới mùa đông, tôi lại nhớ cái cảm giác ấm áp, được nằm gọn trong chiếc chăn bông nằng nặng thơm mùi nắng.


    Thấm thoắt, một mùa đông nữa vừa đi ngang phố, đánh dấu thêm vào miền ký ức trong tôi.


    Vy Anh

    Ký ức đông Hà Nội
    Ký ức đông Hà Nội
    Ký ức đông Hà Nội
    Ký ức đông Hà Nội
  8. Tôi biết Hà Nội từ năm mười bốn tuổi. Một Hà Nội chiến tranh, hầm hào lô nhô trên phố. Một Hà Nội tất bật bước chân những anh chị dân quân tự vệ súng khoác trên vai. Một Hà Nội với tiếng tàu điện leng keng đã đi vào ký ức… Với cô bé mười bốn tuổi ngày ấy, Hà Nội là một nơi chốn lạ lẫm, cuốn hút mà không thiếu vẻ thân thương bình dị của cuộc sống đời thường. Để rồi mười tám tuổi, phơi phới đời sinh viên, tôi hăm hở khám phá, trải nghiệm và yêu Hà Nội từ lúc nào không biết…


    Có những sáng mùa Đông tôi đạp xe đi trong gió lạnh, để cái rét buốt và mưa phùn thấm ướt hồn tôi. Chênh chao phố buồn, tiếng rao hàng trong ngõ nhỏ nghe như có chút ngái ngủ của thành phố chưa hề thức giấc sau một đêm dài. Đường từ nhà tới trường hun hút gió, chiếc xe đạp như trĩu nặng hơn bởi mặt đường nhem nhép ướt át, vậy mà tôi thấy lòng mình thật hân hoan khi nhìn ngắm những người dân trên phố bắt đầu một ngày mới. Trong giá lạnh, nhịp sống vẫn hối hả với những gánh hàng từ ngoại ô đổ vào phố. Tôi yêu những khoảnh khắc được ngắm nhìn những chiếc xe đạp chất đầy hoa, khuôn mặt của người bán dẫu trong gió lạnh vẫn lấm tấm những giọt mồ hôi vì họ đạp vội để mang sự tươi mới, tinh khôi của những bông hoa vừa cắt về cho phố.


    Có những chiều Thu tôi lang thang thả bộ trên những con đường đầy lá rụng, đâu đó trên hàng cây có tiếng chim lích chích chuyền cành. Thu Hà Nội đẹp thanh bình dẫu ngày đó có lúc tôi thấy man mác buồn bởi những cuộc chia xa…Tôi thích ngồi lặng lẽ ngắm những hàng cây rủ bóng ven hồ. Hà Nội những năm 70 người chưa đông lắm nên không khó tìm riêng cho mình một không gian yên tĩnh. Những con ngõ nhỏ ngoằn nghèo đôi khi thông giữa hai phố luôn làm tôi có hứng thú khám phá. Những quả sấu giòn giòn chua chua, những bông hoa ngọc lan trắng muốt, bánh quế thơm giòn…là những phát hiện thú vị trong những lần đang đi trên phố bất chợt thích rẽ vào một ngõ nhỏ không quen.


    Ở Hà Nội tôi có những người bạn thật gần gũi, thân thương mà nhà họ là nơi tôi tìm thấy sự ấm áp, chân tình mà một kẻ xa quê như tôi luôn muốn trở về. Tôi nhớ mãi ngôi nhà nhỏ đong đầy yêu thương của gia đình bạn tôi ở Ngã Tư Sở, nơi tôi đã có những ngày như được sống trong lòng những người ruột thịt. Mẹ bạn đã nấu cho tôi những món ăn Hà Nội thanh đạm, người đã nhắc nhở, bày dạy cho tôi nếp sống người Hà Nội, người đã góp phần đánh tan cái cảm giác xa lạ, mặc cảm của một cô bé tỉnh lẻ đi học ở đất kinh kỳ. Sau này, mỗi khi có dịp trở về đi qua khu vực Ngã Tư Sở mà giờ đây đã đổi thay đến khác lạ, tôi vẫn thấy lòng mình rưng rưng khi nhớ lại căn nhà xưa…


    Từ trong thành phố ra ngoại ô giờ đây đã có nhiều chiếc cầu hiện đại và đẹp nhưng như một kẻ cố chấp, cũ kỹ, tôi vẫn yêu cây cầu Long Biên hàng trăm năm tuổi. Tôi nhớ cái cảnh tấp nập vội vã của những người thồ hàng vào mỗi sớm, nhớ đoàn tàu xình xịch chạy qua với những thanh sắt nghiến ken két, nhớ tiếng ồn ã của nhiều phương tiện chen chúc qua cầu. Đứng trên cầu Long Biên nhìn dòng nước đỏ phù sa cuồn cuồn chảy, ngắm những bãi ngô, bãi rau cải vàng rực hoa, hít căng lồng ngực gió lộng sông Hồng…đã trở thành điều không thể thiếu mỗi lần tôi trở về Hà Nội. Và những lần trở về ấy thì cứ thưa dần, thưa dần…tỷ lệ nghịch với tuổi tác dẫu trong lòng tôi luôn ắp đầy kỷ niệm, luôn ắp đầy lòng mong mỏi được trở về!


    Hà Nội bây giờ đông đúc hơn, hiện đại hơn với nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình xây dựng to đẹp và nhịp sống dường như cũng xô bồ, hối hả hơn. Thay vì phải vui mừng vì sự đổi thay thì mỗi lần trở lại tôi thấy lòng mình một chút tiếc nuối, thương nhớ Hà Nội xưa. Đâu rồi tiếng tàu điện leng keng, tiếng chuông xe đạp kính coong, đâu rồi ngõ nhỏ bình yên, những tiếng rao hàng như cất lên từ câu chuyện cổ tích… và ven hồ lá rụng xạc xào, có một nàng thơ đắm chìm trong ngẩn ngơ phố cổ…


    Hà Nội ơi, tôi sẽ trở về. Còn đó trong tôi vẹn nguyên nỗi nhớ một Hà Nội yên bình, một Hà Nội thân thương, mộc mạc, một Hà Nội với ân tình của những con người muôn năm cũ dẫu vật đổi sao đời chẳng còn những ngày xưa!


    Minh Nguyệt.

    Hà Nội nỗi nhớ trong tôi
    Hà Nội nỗi nhớ trong tôi
    Hà Nội nỗi nhớ trong tôi
    Hà Nội nỗi nhớ trong tôi
  9. "Những ngày tôi lang thang,

    Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội.
    Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi.
    Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi".


    Những ca từ đầy cảm xúc của nhạc sĩ Lê Vinh đã nói thay tiếng lòng của biết bao người. Không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghìn năm văn hiến nhưng may mắn thay, tôi đã có thời gian dài học tập và làm việc nơi đây. Để rồi vấn vương, để rồi gắn bó, để rồi yêu thương, để rồi thành dâu con Hà Nội.


    Ừ thì Hà Nội ồn ào, Hà Nội bụi bặm, Hà Nội tắc đường, Hà Nội đắt đỏ, tôi không phủ nhận điều đó. Hơn tám triệu người dân bám trụ thủ đô, hỏi sao không chật chội cho được, nhưng tại sao mọi người vẫn cứ tụ về? Phải chăng là đất lành chim đậu, đã đến rồi chẳng muốn rời xa?


    Có lẽ là như vậy!

    "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn! "

    *


    Hàng ngày sống giữa lòng thành phố lớn, có những lúc ta sẽ thấy tù túng trong những căn hộ chung cư, ngột ngạt bởi những bụi mịn, khí thải công nghiệp. Nhưng nếu một ngày vì công việc phải tạm xa thời gian dài, một mình lang thang trên đường phố xa lạ, không người quen, không bạn bè, ta sẽ lại nhớ khôn nguôi Hà Nội.


    Tôi đã có lần như thế. Ngồi trên tầng bẩy mươi lăm của toà nhà Landmark 81, nhâm nhi tách cà phê sang chảnh và chiêm ngưỡng khung cảnh thành phố Hồ Chí Minh từ độ cao hàng trăm mét tại quán café – bar Blank Lounge mà lòng bất chợt chùng xuống. Thèm xì xụp vừa chấm vừa hít hà thứ nước chua chua, ngọt ngọt, cay cay ăn cùng đĩa bánh rán mặn và tráng miệng bát chè Khúc Bạch thanh mát ở góc quán quen. Rồi đêm xuống, sau khi nghe hết cả album nhạc sến vẫn trằn trọc không tài nào ngủ được, lại thở dài mở cửa ban công nhìn xuống con ngõ nhỏ vàng vọt ánh đèn đường mà ngóng một tiếng rao: "Ai phớ đi! Ai phớ nào!"


    Nửa tháng công tác giữa Sài thành hoa lệ đủ để tôi choáng ngợp trước nhịp sống hối hả, nhanh đến chóng mặt nơi đây. Chị em nhiệt tình mời đi ăn, nhà hàng đắt đỏ, tiệc tùng xa hoa nhưng trong lòng vẫn thấy chênh chao, thiếu vắng một điều gì đó. Phải rồi! Có lẽ bởi đó chỉ là những bữa tiệc xã giao, những cái bắt tay có lệ, những cuộc gặp gỡ chóng vánh. Rất nhanh thôi, sẽ ra khỏi bộ nhớ đã lập trình.


    Họ đâu phải bà chị biết tuốt của chúng tôi, cái người suốt ngày ra rả " Việc khó nhai cứ để chị lo"? Cuối mỗi giờ làm lại cho đám đàn em nghỉ giải lao xem cờ lip "Những thằng nguy hiểm nhất hành tinh" để rồi ha ha, để rồi hi hi, để rồi cười không nhặt được mồm, để rồi như trẻ con một đám. Rồi còn mấy thánh ăn vặt nữa, tôi thật thán phục các mợ ấy vì tài săn ẩm. Cứ đều đặn tuần hai lần mỗi buổi trưa, đặt gờ ráp từ Láng Hạ mò lên tuốt Bát Đàn, suốt mấy năm trời chỉ để ăn sáu bát bún riêu cua xong rồi về. Quen mặt đến độ, mỗi lần mấy con giời đổ bộ là chị chủ quán lại tự động bưng thêm một bát rau sống cắt nhỏ với bát mắm tôm nêm cho đậm vị. Bún riêu ở đây phải nói là ngon tuyệt! Vị nước dùng thật tôi không biết tả như thế nào cho đúng. Nó ngọt mà không ngấy, chua mà lại thanh. Gạch cua nhiều mà rất mịn, sợi bún nhỏ, dai mà không chua. Chả thế mà sáu bát đầy có ngọn lại hết veo trong một nốt nhạc.


    Đấy! Hà Nội trong tôi giản đơn là thế. Tôi yêu tất cả! Những phố phường tấp nập người xe, những quán cóc vỉa hè bụi bặm, những tiếng rao đêm thầm lặng và những con người rất đỗi thân thương!


    "Hà Nội ơi ! Hà Nội ơi!
    Khát vọng trong tôi, tình yêu trong tôi.
    Thời gian có bao giờ phôi phai.
    Như nước Hồ Gươm xanh vời vợi,
    Như hương hoa sữa nồng nàn đắm đuối.
    Bước chân tôi qua bao nẻo đường.
    Vẫn mong một ngày trở về quê hương."

    **


    Sao mà hợp tâm trạng thế, anh hàng xóm vừa tra tấn tôi với liên khúc "Nhớ người yêu", "Đắp mộ cuộc tình" xong đã đổi ngay gu âm nhạc, lại muốn làm người Hà Nội.


    Hoa Diên Vỹ
    * Lời bài thơ "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên
    ** Lời bài hát "Hà Nội và tôi" của nhạc sĩ Lê Vinh

    Tôi yêu Hà Nội
    Tôi yêu Hà Nội
    Tôi yêu Hà Nội
    Tôi yêu Hà Nội
  10. Tôi không sinh ra và lớn lên trên đất Hà Thành, nhưng tôi lại may mắn được sống, học tập và làm việc tại thủ đô những năm giữa giữa đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước.


    Hà Nội từ lâu trong tôi là một cái gì đó thiêng liêng, lạ lẫm đến kỳ bí nhưng không kém phần hấp dẫn khi mỗi lần tôi, một cậu nhóc áp sát tai vào chiếc đài bán dẫn say sưa nghe những bài hát, bản nhạc về thủ đô, hoặc giả ngấu nghiến đọc trên mặt báo Nhân Dân, Nhi Đồng hay Thiếu niên Tiền Phong mà mẹ mang về. Tôi thường say sưa dưới ngọn đèn dầu lù mù khi mỗi cuối tuần cho đến khi cơn buồn ngủ ập tới. Để rồi khi tôi đến với Thủ đô không phải để thi đại học mà đi làm phụ hồ theo một cánh thợ làng và ở phố Khâm Thiên. Tôi không buồn, bởi tôi nghĩ dù sao đó cũng là cơ duyên nên tôi háo hức có được cái cảm giác tận mắt ngước nhìn "cây cơm muội vàng, cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu" hay ao ước được nghe "tiếng xe điện leng keng" hoặc thả hồn mình theo mùi hương hoa sữa thơm nồng cuối Thu dọc phố Nguyễn Du, lại được ngược nắng chầm chậm trên "phố thâm nghiêm rợp bóng cây" giữa trưa hè. Nhiều khi tôi đạp xe trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu trải đầy lá sấu vàng ruộm như một tấm thảm khổng lồ sau mỗi cơn gió ào tới.


    Tôi dần khám phá ra Hà Nội qua những lần đi làm mạn Quảng Bá, Nghi Tàm để rồi mê mẩn ngắm Hồ Tây xanh biếc dưới làn gió lộng hay Trúc Bạch lơ thơ rặng liễu rủ xuống. Tôi mơ hồ nghe văng vẳng đâu đây nhịp chày Yên Thái từ cõi xưa vọng lại. Tôi lơ lễnh mỗi hoàng hôn ngắm mặt trời đỏ ối từ từ lặn xuống sau những dãy nhà cao tầng xếp san sát, để rồi tha hồ hít hà hương sen thơm ngát từ mặt hồ Tây như chỉ sợ mùi thơm ấy biến mất trong khoảnh khắc.


    Đêm Hà Nội nhộn nhịp. Dưới ánh đèn đường vàng rực, người xe tấp nập lướt qua nhau như cuộc sống vẫn hằng hối hả vội vã. Xen lẫn tiếng còi tàu xe là tiếng rao đêm nhọc nhằn của nhiều mảnh đời. Tôi cảm thương những vòng quay của chiếc xe đạp cũ, kẽo kẹt chở nặng cuộc sống của cả một gia đình nào đó.

    "Ai mì nóng, bánh ngọt đê" hay "ai khúc nóng đê", tiếng chổi tre xoèn xoẹt của các anh chị lao công cần mẫn làm sạch đường phố, đã trở thành những thứ âm thanh không thể thiếu của Hà Nội mỗi khi đêm buông xuống cùng cơn buồn ngủ. Tiếng rao xa dần, lạc lõng rồi mất hút vào những con ngõ nhỏ. Thỉnh thoảng lại nghe "Bánh mì ơi", "bánh khúc ơi" cùng tiếng "dạ" vồn vã, thấy lòng mênh mang quá!


    Tôi sợ xa Hà Nội không phải vì cuộc sống đủ đầy cơm áo, mà sợ tôi không còn có dịp quay lại để thả hồn theo những thứ tôi đã từng yêu. Nhưng sau đó tôi vẫn phải tạm xa để lên đường nhập ngũ.

    Hà Nội ưu ái một lần nữa khi tôi trở thành chàng binh nhất từ vùng đất Ba Vì về công tác mười ngày tại thành Hoàng Diệu. Những quán trà đá vỉa hè, những quán ăn sáng, ăn đêm, những tiếng rao vẫn thân thuộc như xưa.


    Hà Nội chào đón tôi không nồng nhiệt mà trầm tư dưới nắng xuân. Có lẽ Hà Nội biết tôi lưu lại quá ngắn? Nhưng tôi lại may mắn khi được ngắm hoa ban giữa lòng thủ đô.


    Lần thứ ba tôi có dịp quay lại sống và làm việc lâu hơn cùng Hà Nội. Thời gian ba năm, không dài nhưng chẳng ngắn, đủ để tôi giữ cho riêng mình những nét đẹp Hà Thành. Tôi có dịp đi chơi Hà Nội nhiều hơn. Bởi với tôi, mỗi mùa, thủ đô lại có nét đẹp khác biệt không lẫn vào đâu được...


    Đó là những kỷ niệm về Hà Nội của tôi hơn hai mươi năm về trước. Giờ đây, chỉ thỉnh thoảng, tôi mới có dịp ghé thăm. Hà Nội hẳn đã khác nhiều?

    Những ngày gần đây, khi cả nước căng mình theo những con số, Hà Nội vắng lặng về đêm, ánh đèn vàng le lói dưới màn mưa, thấy lòng se sắt. Một ngày gần nhất, mong Hà Nội nhộn nhịp như xưa...


    Cậu Tú

    Có một Hà thành như thế
    Có một Hà thành như thế
    Có một Hà thành như thế
    Có một Hà thành như thế



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy