Hà Nội trong tôi…
Xin thú thật một điều rằng, đến giờ phút này tôi vẫn chưa có dịp được ra Hà Nội lần nào cả, mặc dù cũng đã đôi lần tôi quyết khăn gói gió trăng lên đường. Và rồi… đành lỗi hẹn với ba mươi sáu phố phường, với người Hà Nội, cho đến tận bây giờ!
Hà Nội trong tôi, đó là những hình ảnh tôi thu thập được thường xuyên trên ti-vi, báo đài, sách vở. Hà Nội trong tôi, đó là từ những bài hát tôi vẫn thuộc nằm lòng. Những bản tình ca, tình đất nước với những cung bậc lãng mạn sâu lắng thiết tha: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Nhớ mùa thu Hà Nội, Đoản khúc thu Hà Nội. Hà Nội mùa thu của nhạc sĩ Vũ Thanh, Có phải em mùa thu Hà Nộicủa nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ thi sĩ Tô Như Châu, Im lặng đêm Hà Nội thơ của Phạm Thị Ngọc Liên được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc… Và còn nhiều, nhiều lắm những bản nhạc nổi tiếng về Hà Nội tôi được biết bên cạnh những bài hát ngọt ngào sâu lắng về xứ Huế quê tôi.
Cũng thật lạ, mỗi dịp gặp gỡ bạn bè giao lưu văn nghệ tôi vẫn thường thích hát nhạc Hà Nội, và bạn tôi vẫn thường khen rằng giọng tôi hát nhạc về Hà Nội nghe rất hợp, phải chăng do tôi vốn có chất giọng dày và đặc biệt Hà Nội luôn là một Thủ đô chiếm trọn cảm tình yêu mến trong tôi.
Nhắc đến Hà Nội, tôi hình dung mùa thu Hà Nội với tiết trời dịu mát, những đôi nhân tình nắm tay nhau đi dưới những “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”.
Nhớ về Hà Nội, tôi tưởng tượng cảnh mua bán tấp nập của ba mươi sáu phố phường nườm nượp kẻ bán người mua, “mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi, mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi!”
Nghĩ về Hà Nội, tôi hình dung những góc phố cổ kính rêu phong, những hàng hoa sữa, hoa ngọc lan lặng lẽ toả hương trong đêm, cho môi ai thêm ngọt ngào những lời thầm thì say đắm.
Nghĩ về con người Hà Nội, tôi nghĩ ngay đến những nàng con gái Hà thành, với làn da mịn màng trắng trẻo, giọng nói nhẹ nhàng như mật ngọt rót vào tai: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Tôi nghĩ đến những câu mời chào xởi lởi của những người bán hàng quán, của những bát nước chè xanh, những môi cười lóng lánh răng hạt huyền đen nhánh, đầu vấn khăn đen của các bà, các cô – những con người thủy chung với những hồi ức của một Hà Nội xưa ngàn năm văn hiến.
Vẫn luôn mang trong lòng ý nguyện mai này ra Hà Nội, tôi sẽ chậm rãi thả bộ đến những phố Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Trống… Tôi sẽ đạp xe quanh Hồ Tây để nghe mùi hương của gió từ Hồ Tây nhẹ thổi làn tóc tung bay. Không biết có còn không “tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa Cầu Giấy” nhưng tôi tin dù sao với tình yêu Hà Nội luôn cháy bỏng trong tôi có lẽ trong khoảng lặng nào đó tôi sẽ bắt gặp khoảnh khắc tuyệt vời ấy, dù chỉ là trong mơ cũng đã là những phút giây bồi hồi nhớ mãi!
Ước mơ một lần được đặt chân ra Hà Nội của tôi còn bắt nguồn từ Hà Nội băm sáu phố phườngcủa tác giả tên tuổi Thạch Lam.
Tôi mê những món hàng quà đặc trưng của phố phường Hà Nội, qua ngòi bút tài hoa đầy cảm xúc của nhà văn Thạch Lam tôi ước chi được tận mắt trải nghiệm món quà Hà Nội nổi tiếng cốm làng Vòng. Tôi hình dung từ những hạt nếp tròn mẩy của đất trời ban cho con dân trăm họ, những người dân làng Vòng đã khéo léo và tinh tế tạo ra một món ăn nức tiếng trong và ngoài nước. Một thứ quà dân dã mà sang trọng, mộc mạc mà thanh khiết, tinh tế từ màu sắc, hương vị. Sự mềm dẻo trong sự “ăn ngậm mà nghe” của chiếc bánh cốm còn là hình ảnh của những “cô hàng cốm xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng” (Hà Nội ba mươi sáu phố phường – Thạch Lam). Tôi sẽ tìm trong lòng Hà Nội những quán phở trứ danh mang đậm hương vị đặc trưng tạo nên thương hiệu “phở Hà Nội chính gốc” mà ngày nay món ăn này đã theo chân những người dân Hà Nội vào Huế lập nghiệp để rồi trở thành một món ăn quen thuộc của người dân quê tôi bên cạnh món bún bò Huế cũng không chịu thua kém. Và, mặc dù tôi biết sẽ rất khó lòng gặp được hình ảnh cô hàng nước tên Dần xinh xinh, non trẻ với cái áo tứ thân nâu cũ vấn trên đầu vầng khăn tròn trịa, với cái nhìn ngoe nguẩy bên điếu thuốc, que diêm, bát nước chè ấm ngọt ngày nào của Thạch Lam tôi vẫn cố công để đi tìm cho bằng được những phong vị được Thạch Lam “mách” trong Hà Nội băm sáu phố phường nhân dáng, nét đặc trưng của văn hóa nghìn năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội ấy.
Tôi tin rằng hơn ai hết những người dân Hà Nội đang sinh sống và lớn lên trên vùng đất xứ Bắc Kì này đều ý thức nét văn hóa đặc trưng của mình mà nâng cao hướng phát triển để đưa một Hà Nội hào hoa ra năm châu bốn bể, theo khái niệm hoà nhập mà không hoà tan để giữ mãi bản sắc văn hoá quý báu riêng có của mình.
Có ai đó đã nói với tôi rằng: Nếu muốn có một chữ duyên thì trước hết bản thân ta cần phải tạo ra chữ duyên trước đã. Phải rồi, có lẽ tôi phải tạm gác lại mọi công việc bộn bề để theo tiếng còi tàu thúc giục một lần thôi. Tôi sẽ viết nên một chữ duyên với người Hà Nội, vì tôi biết nơi ấy đang có những người Hà Nội thân yêu đón đợi tôi đặt chân lên vùng đất linh thiêng và hào hoa này!
Trang Thuỳ