Có một Hà Nội khác…

Tôi không phải người Hà Nội, nhưng những gì Hà Nội đem tới cho tôi rất sâu đậm, từ kí ức tuổi thơ, cho tới bây giờ, sau mấy chục năm gắn bó, khi con trai tôi, các cháu nội, ngoại của tôi đều cất tiếng khóc chào đời ở Hà Nội, tuổi trung niên, tuổi cao niên, tôi đã sống, đã học tập, giảng dạy…, và một ngày cứ cho là xa xôi nữa, khi sẽ lặng im mãi mãi cùng thinh không, tôi cũng vẫn thuộc về nơi này.

Nên với tôi, Hà Nội vừa xa xôi, vừa gần gũi, như một bạn đồng hành ngẫu nhiên gặp trên đường đời, vừa đồng cảm, vừa giữ khoảng cách– sự đồng cảm để gắn bó, yêu thương; khoảng cách để lùi xa quan sát và suy ngẫm!


Tuổi thơ và những năm tháng chiến tranh, Hà Nội với tôi cũng giống như nỗi nhớ của bé Liên trong truyện ngắn Thạch Lam, Hà Nội là “một vùng sáng rực và lấp lánh” với “những cốc nước lạnh xanh đỏ...”; Hà Nội là niềm vui khi được mẹ mua cho những bộ áo váy xinh xắn hiệu Đức Hạnh, một cửa hiệu chuyên bán và may đo quần áo cho trẻ em duy nhất còn lại từ thời Pháp ở phố Hàng Trống; Hà Nội là cảm giác mát lạnh tan chảy trong miệng và trong lòng khi được các anh chị đưa ra tiệm kem Hòa Bình trên phố Hàng Bông ăn kem (Tràng Tiền!); Hà Nội là niềm tự hào xen lẫn ngượng nghịu khi mẹ cầu kì lên tận chợ Đồng Xuân mua cái mũ đan bằng bẹ ngô trắng muốt, vẻ đẹp thanh khiết của nó khiến tôi từng bị các bạn cùng lớp chế giễu khi chạy báo động xuống hầm trú ẩn, cả lớp mũ rơm vàng ươm, chỉ mình tôi lúp xúp chạy với chiếc mũ trắng thắt nơ…


Và Hà Nội cô đặc lại trong kí ức của tôi về ngôi nhà cổ của bác ruột ở phố Hàng Da với sàn gỗ lim đen nhánh, mát rượi, với những cầu thang cũng bằng gỗ đen nhánh như vậy uốn cong từ tầng một lên tới tầng ba, và khi nơi tôi sống mới chỉ có chiếc đài Orionton to kềnh càng trong niềm tự hào của bố thì mỗi dịp nghỉ hè được bố mẹ cho lên nhà bác chơi, tôi lại được say mê, thích thú ngồi xem những người, những cảnh hiện lên sống động trong chiếc tivi đen trắng của bác.


Tôi thấy bác tôi rất giống nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, chuẩn mực và nghiêm khắc, bác dạy tôi cách đi đứng sao cho đàng hoàng, không hấp tấp mà khổ cả đời, cũng không chậm chạp khiến người khác thấy khó chịu; cách ngồi ăn sao cho lịch sự, không rúm ró cũng không sấn sổ; giọng nói và cách phát âm của tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mẹ và bác, tuyệt đối tránh các thổ âm gây phản cảm cho người nghe…


Thời điểm sau bữa ăn, khi mấy anh chị em dọn dẹp xong (bác tôi cũng phân công bình đẳng công việc cho tất cả các con và cháu, không “ưu tiên” cho cô cháu mang tên “Lâm Đại Ngọc” đa sầu đa cảm đa bệnh của bà ngoại, bác nói: Bà ngoại cưng chiều quá nên cứ nghĩ mình yếu đuối! – có khi nhờ bác mà càng ngày tôi càng vợi bớt nữ tính, cứ mặc nhiên coi mình là mạnh mẽ, gồng gánh đa mang suốt cả cuộc đời!), cả nhà ngồi uống trà, xem tivi, bác gái và các chị ngồi đan len, thêu móc, mấy anh chị em tôi ngồi nghe bác trai nói chuyện thời sự từ thế giới tới Việt Nam, Hà Nội, rồi tới cả những nhà dãy số lẻ và dãy số chẵn, trong câu chuyện góp vui của các anh chị, đôi khi xuất hiện những chuyện vui về các bác hàng xóm, bà T. bên số 9, ông N. bên số 12, cô H. cuối phố… - có cảm giác con phố êm đềm của bác ngày ấy như một cái làng nhỏ, “dân làng” ở đó biết hết về nhau, đủ gần gũi để chia sẻ, chuyện trò, nhưng vẫn giữ một khoảng cách cần thiết để tôn trọng sự riêng tư phía sau cánh cửa mỗi nhà, để không can thiệp hay bình phẩm. Bác gái ngồi đan nhưng vẫn như Trưởng trạm kiểm soát không lưu, chỉ cần thấy máy bay chệch ra khỏi đường bay vui vẻ, lấn sang làn bình phẩm hay giễu cợt là dừng tay đan, ngẩng lên, hơi nhíu mày hoặc khẽ cười, và chỉ chừng đó thôi là cả đoàn bay lại nghiêm chỉnh trở về “chính lộ” - những nét tính cách ấy cũng là biểu hiện sự tự trọng của người Hà Nội, như cách sống của nhân vật bà Hiền.


Tôi còn nhớ ấn tượng ngày ấy về cách ăn mặc của hai bác và các anh chị, cả nhà không ai mặc quần loe, quần bó, áo chẽn... như cách mặc phổ biến của nhiều người trong thành phố nơi tôi sống, trong nhà bác, hầu như ai cũng ưa thích những trang phục có màu sắc trang nhã, kiểu cách chuẩn mực, không hề quê mùa (tất nhiên!) nhưng cũng không hề đua đòi, theo cách các bạn trẻ bây giờ gọi là theo trend! Không ai để tóc dài, tóc cợp theo mốt lúc đó; và cũng không ai đi ra đường với bộ quần áo quăn nhàu hay mái tóc xơ rối! Giản dị, thanh lịch, chừng mực, có lẽ đó cũng là một quan niệm thẩm mĩ thể hiện sự tự trọng với mình và tôn trọng với những người xung quanh.


Thế kỉ XX với còi báo động và mũ rơm, với những hi vọng và thất vọng thời hậu chiến… qua đi, cũng qua đi cả nỗi lo sợ về ngày tận thế năm 2000, rồi thoáng cái, thế kỉ XXI cũng đã đi được phần tư đoạn đường, cô bé ngày xưa sinh ở xứ Đoài mây trắng, lớn lên ở trấn Sơn Nam hạ…, nay đã là một bà già dừng lại ở Hà Nội, hay nghĩ ngợi vẩn vơ, quên rất nhiều việc của thực tại và nhớ rất nhiều những cảnh, những người trong quá khứ. Hà Nội hiện lên bối rối, chông chênh trong tôi bởi ánh hào quang êm đềm ngày xưa cũ và những bề bộn, ồn ào, bức bối của hôm nay. Nhiều người quen của tôi đã bứt thoát khỏi quầng sáng lấp lánh của Hà Nội, tìm về một miền quê cách xa hồ Gươm khoảng 30 phút đi xe, sáng sáng, bố mẹ con cái cùng nhau lên xe về Hà Nội đi làm, đi học như bất kì cư dân nào trong phố cổ, rồi chiều tối, lại trở về chốn thôn dã trong lành, tĩnh lặng!

Từ sáng tới đêm khuya, đường phố chằng chịt hỗn loạn ô tô, xe máy, xe ba bánh (những chiếc xe thường có hàng chữ “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, lái xe mặc quân phục cũ, ngực áo có khi gắn huân chương, phóng bạt mạng trên đường với cái quyền mà các phụ kiện đã hiện hữu theo xe!); hè phố không chỉ là thể giới của hàng quán, chợ cóc, quán rửa xe, cắt tóc, lấy ráy tai, là nơi ăn nhậu của bạt ngàn thực khách cùng bia hơi, đồ ăn, và giấy ăn trắng xóa từ trên bàn xuống tới mặt đất… mà còn là đường thoát hiểm, đường chống tắc cho chen chúc xuôi ngược các loại xe trong giờ cao điểm…

Nhìn các dãy phố, rất hiếm hoi mới bắt gặp một ngôi nhà mặt phố khép cửa im lìm hoặc chủ nhà đứng thảnh thơi ơ hờ ngắm phố! Hầu như Hà Nội nay đã tận dụng tối đa ưu thế “nhà mặt phố” cho mưu sinh – và một Hà Nội khác cũng hiện ra ngay trong nguồn sáng này: không phải “Hà Nội lấp lánh” trong ánh lung linh êm đềm lẫn khuất giữa những vòm cổ thụ trầm mặc soi bóng xuống hồ Gươm trong kí ức của bé Liên (Thạch Lam), Hà Nội bây giờ ô nhiễm ánh sáng bởi những dây đèn chói lòa chăng kín thân cây, cành cây; những pano quảng cáo, biển hiệu nhà hàng sống động; những manocanh xoay tay sáng rực biển gọi, mời chào; những hệ thống đèn trang trí, đèn led dày đặc khiến các nhà hàng, cửa hiệu nhìn từ xa giống như những khối pha lê phát sáng! Hà Nội bây giờ ô nhiễm âm thanh bởi tiếng ồn của còi xe, của những tiếng nói đan xen đủ mọi thổ âm, thổ ngữ; của những tiếng chửi thề thô tục, những quát tháo tranh cướp, những cuộc điện thoại ồn ào ít duyên…

Tuy nhiên, từ rất lâu, tôi vẫn thầm ngạc nhiên về một đặc điểm trong phần lớn các ngôi nhà phố cổ, đó là mọi ô nhiễm về ánh sáng, tiếng ồn, văn hóa…dường như chỉ dừng lại ở tầng một – tầng hai vẫn là hình ảnh những ban công tay uốn xinh xắn, những khung cửa sổ với cánh chớp xanh bình yên, với những chậu cây cành lá buông mềm mướt mát, và thú vị nhất là đôi khi ngẩng đầu nhìn lên, bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc, quần áo ở nhà nền nã, kín đáo, bình thản cầm bình tưới cây, và thờ ơ ngắm phố phường trôi chảy…! Có lần, tôi đã chia sẻ nhận xét ấy với một cô bé học trò cũ, người phố cổ, trò cười: “Cô ơi, đó là “Hà Nội nhìn từ tầng hai”! Thì ra người Hà Nội, nhất là những người thuộc thế hệ trước của Hà Nội, dù vẫn phải mưu sinh, kiếm sống, nhưng họ vẫn gắng giữ cho gia đình họ, hồn cốt văn hóa của họ một Hà Nội xưa cũ, từ không gian của tầng hai, nơi ấy, có hoa và lá xanh, có âm nhạc và sự yên bình, có màu thời gian trong những bức tường ngoài chậm thay màu sơn mới, trong lớp rêu mờ xanh, thậm chí, trong những bong tróc lộ hàng gạch trăm năm…


Cảm giác gặp một Hà Nội khác rõ nhất trong buổi sáng mùng Một Tết Nguyên Đán, những dòng người về quê đã trả lại cho Hà Nội một không gian tĩnh lặng, êm đềm, đường phố bình yên, hình ảnh những dãy phố thiếp ngủ gợi chút biếng lười thật gợi cảm - bỗng thấy thương quá khi bao năm qua Hà Nội nhẫn nại và bất lực gồng mình cho sự phát triển, thậm chí cả cảm giác có lỗi khi chính mình cũng là một trong số những tác nhân đó!

Và mỗi khi tới nhà bác, sau khi đi qua những dãy tủ kính sáng trưng ở tầng một, lách qua vài cô bé bán hàng tiếng nói đa âm sắc khiến tôi nhớ tới những cô gái tên toàn thanh sắc như kiểu Tuất, Bích, Trúc, Ðát, Phúc, Thoát, Ngát, Thấm, Bắc... trong truyện ngắn Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài thuở nào; lên tới tầng hai, tôi gặp lại một Hà Nội cổ kính, sang trọng trong những đồ vật xưa cũ, những giọng nói xưa cũ, ấm nhẹ và thân thiện, trong vẻ giản dị và thanh lịch của các anh chị, như ngày xưa…

Và tôi hiểu, chiều sâu văn hóa của Hà Nội có thể chưa đủ sức đồng hóa người nhập cư, người nhập cư tứ xứ vẫn sống ngạo nghễ trong các căn hộ chung cư hoặc biệt thự sang trọng, bệ vệ ngồi trong những xe hơi sang trọng, giữ những vị trí xã hội quan trọng, nhưng từ tầng hai phố cổ, một Hà Nội xưa cũ vẫn còn, bình thản và thờ ơ, thanh lịch và tự trọng, một Hà Nội tôi yêu!

Mơ hồ nghĩ: những thế hệ sau này có còn gắng giữ lại một Hà Nội ở tầng hai?


Trinh Thu Tuyet

Có một Hà Nội khác…
Có một Hà Nội khác…
Có một Hà Nội khác…
Có một Hà Nội khác…

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy