Top 18 Bức tranh Đông Hồ không thể thiếu trong gia đình dịp Tết

Bùi Diễm Hoàng My 17905 0 Báo lỗi

"Dù ai buôn bán trăm nghề / Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh" Mỗi dịp Tết đến xuân về những bức tranh treo Tết lại ngập tràn khắp nơi. Tranh Tết không chỉ ... xem thêm...

  1. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có một ý tưởng thật thú vị: Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô; Con trâu đang nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế và dáng vẻ của nó khiến ta dường như nghe được tiếng sáo du dương vang vọng giữa bầu trời trong xanh lồng lộng. Một cuộc sống vô cùng thanh bình, yên ả.


    Khi xem "Chăn trâu thổi sáo" người thưởng thức dường như thả tâm hồn mình về vùng đất nào đó thoải mái, khoáng đạt nhất. Ngoài ra bức tranh còn có chữ "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh). Trong dân gian vẫn còn lưu truyền một cái tựa khác cho bức tranh này là "Thiên thanh lộng suy địch" (Trời xanh trong tiếng sáo).


    Bức tranh vẽ nên hình ảnh một chú bé ngồi đè lên những bông sen trên lưng trâu, đang say sưa thả hồn mình theo tiếng sáo. Con trâu (không hề có chút sự ràng buộc của sợi dây nào) đang ngóc đầu lên như muốn đồng cảm với con người.


    Trên đầu chú bé có một chiếc lá sen được cường điệu lớn hơn bình thường nhưng vẫn hài hòa cân đối. Chúng ta có thể tìm thấy những ý tưởng về trí tuệ và nhân bản trong bức tranh. Sự an bình của cuộc sống thường nhật toát ra từ hình tượng của bức tranh. Đó chính là tính nhân bản của bức tranh. Có người nói hình tượng chiếc lá sen che trên đầu chú bé như hình tượng của cây nêu - biểu tượng của Thái cực - sự vươn lên hòa nhập hoàn toàn vào thiên nhiên.


    Lời chú thích được lưu truyền trong dân gian của bức tranh cũng minh họạ cho ý tưởng này: “Thiên thanh lộng suy địch” (Trời xanh trong tiếng sáo). Khi tâm hồn của con người trở nên thanh thản, vô tư như thuở bé buông trong tiếng sáo, bao trùm cả trời xanh, hòa nhập vào vũ trụ. Nhưng cũng có người lại nói bức tranh nói về ý chí tiến thân. Ngày xưa có rất nhiều những cậu bé mặc dù thông minh nhưng tài năng của họ mãi không được trọng dụng. Có một cậu bé kia là thần đồng, cậu rất căm ghét chế độ phong kiến lúc bấy giờ và đã bày ra một trò chơi rất dễ thương: Lấy lưng trâu làm kiệu, lấy lá sen làm lọng, tạo ra một cái kiệu rất sang trọng mà chỉ bọn vua quan mới có. Cậu bé luôn có mong muốn mình đỗ đạt làm quan. Đây quả là một bức tranh ý nghĩa và thích hợp để treo trong nhà dịp Tết phải không?

    "Chăn trâu thổi sáo" - Nguồn: Sưu tầm
    Cơ sở làm tranh Đông Hồ

  2. "Dạ xướng ngũ canh hòa" (Gà gáy năm canh) là một bức tranh Đông Hồ rất nổi tiếng. Nổi bật lên đó là hình ảnh chú gà trống với tư thế vô cùng oai phong lẫm liệt, bất khuất, không chút e dè lo sợ kẻ thù. Đồng thời gà trống cũng thể hiện một đức tính vô cùng cao quý đó là chữ Tín: Hằng ngày gà trống luôn luôn gáy đúng canh năm dù cho mưa gió cũng không sai. Gà trống là người bạn thân thiết của người dân quê, luôn đánh thức mọi người dậy đúng giờ bằng tiếng gáy oai vệ của mình.


    5 chữ Hán trong bức tranh có nghĩa là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín:

    • Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
    • Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
    • Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
    • Trí: Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
    • Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy.

    Treo "Dạ xương ngũ canh hòa" trong nhà gia chủ mong muốn thể hiện bản thân là một người luôn đúng giờ, đồng thời cũng mang nhiều điều tốt lành cho năm mới.


    "Gà gáy năm canh" - Nguồn: Sưu tầm
    Hình ảnh gà hồ trong tranh Đông Hồ
  3. Đây là 2 bức tranh Đông Hồ rất đặc biệt vì chúng phải luôn đi với nhau thành cặp thì mới đầy đủ ý nghĩa. Cặp tranh "Vinh hoa – Phú Quý" mang ý nghĩa sâu sắc với mong muốn chúc tụng cũng như cầu may cho gia đình có một cuộc sống giàu sang, đầy đủ “vinh hoa – phú quý” điều này đồng nghĩa với việc gia đình có đông con, nhiều cháu (người xưa có quan niệm nhà đông con chính là nhà có phúc). Ngoài ra cặp tranh còn mang hàm ý chúc cho gia đình có đầy đủ cả nếp lẫn tẻ (tức là có trai, có gái) như vậy thì mới tròn đầy.


    Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp đó nên cặp tranh "Vinh hoa – Phú quý" thường được mua về để treo trong nhà dịp tết như một lời chúc cho sự thành đạt, no ấm của gia chủ và đó cũng là lời chúc cho gia đình được giàu sang, phú quý, con cháu đề huề với đầy đủ cả trai lẫn gái.

    Cặp tranh
    Cặp tranh "Vinh hoa - Phú Quý" - Nguồn: Sưu tầm
    Giới thiệu về Làng tranh Đông Hồ
  4. "Đám cưới chuột" có lẽ là bức tranh đặc biệt nhất của làng tranh Đông Hồ. Bức tranh vẽ nên tình trạng tham ô, nhận hối lộ như chú mèo mải nhận chim, nhận cá mà quên cả nhiệm vụ chính của mình là phải đi bắt chuột. Ngoài ra bức tranh còn thể hiện cảnh sống của những người dân thấp cổ bé họng, muốn sống cuộc sống bình yên thì phải cống nạp cho bọn tham quan, cường hào ác bá.


    Ngày xưa là như vậy và ngày nay vẫn còn những “con mèo” độc ác, tham nhũng vẫn đang ngày ngày tìm cách vơ vét, bóc lột của nhân dân. Vì vậy bức tranh “Đám cưới chuột” luôn mang ý nghĩa sâu sắc cùng với giá trị nhân văn, tính hiện thực sâu sắc và cả giàu tính chiến đấu.


    Chính vì ý nghĩa đặc biệt của mình nên "Đám cưới chuột" thường được mua về để treo ở cơ quan, trong nhà như một lời cảnh báo, nhắc nhở và răn dạy những người có chức có quyền phải sống phải đạo và nó cũng là lời răn dạy các thế hệ trẻ trong gia đình cần phải biết đối nhân xử thế, biết tránh xa tham lam tiêu cực để có được thành công bền vững, giữ vững đức hạnh cho thế hệ mai sau.

    "Đám cưới chuột" - Nguồn: Sưu tầm
    Bài hát "Đám cưới chuột" lấy ý tưởng từ bức tranh đặc biệt này
  5. "Hứng dừa" có lẽ là một bức thú vị của làng tranh Đông Hồ. Hình ảnh cây dừa được xem là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi. Hình tượng quả dừa cùi trắng, nước trong chính là một tình yêu trong trắng của đôi trai gái. Trong bức tranh ta thấy trên thân cây dừa có một chàng trai to khoẻ, vạm vỡ đang hái liền hai trái dừa đưa xuống cho cô gái đang vén váy lên hứng dừa (đây cũng được xem là một chi tiết nghệ thuật vô cùng đặc sắc trong làng tranh).


    Có một câu hỏi thú vị được đặt ra ở đây là: Tại sao chàng trai lại không hái từng quả một rồi đưa xuống cho cô gái đứng ở dưới dùng tay để đón? Chàng trai chắc hẳn là một người rất tinh nghịch và tinh quái. Chàng đã hái tận 2 trái dừa và đưa xuống, nếu cô gái mà dùng tay để đón thì rất khó và chắc chắn sẽ bị rơi, 2 quả dừa theo đó sẽ bị tách ra làm đôi, đồng nghĩa với hạnh phúc cũng từ đó mà ra đi. Cô gái lúc này không còn cách nào khác phải vén váy lên để hứng trọn lấy 2 trái dừa, tức là hứng trọn hạnh phúc của chính mình.


    Có một bài thơ được viết trong bức tranh như sau (đọc từ phải qua trái):
    “Khen ai khéo dựng lên dừa
    Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”


    "Hứng dừa" luôn được rất nhiều người yêu thích. Bức tranh thuộc dòng tranh truyền thống mang ý nghĩa về hạnh phúc đủ đầy, may mắn ngập tràn, tình yêu đôi lứa tươi đẹp… có thể treo trang trí ở nhiều nơi như phòng khách, cơ quan,...

    "Hứng dừa" - Nguồn: Sưu tầm
    Câu chuyện vui bên bức tranh "Hứng dừa"
  6. Hình ảnh con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ có lẽ là một trong những con lợn được tạo hình đẹp nhất. Vì Đông Hồ là một làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có một cái nhìn rất đẹp, rất tình về một vật nuôi tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Chỉ cần nói về các bức tranh dân gian vẽ con lợn gần như chắc chắn người ta luôn nghĩ ngay đến các bức tranh Đông Hồ, điều đó thực sự dễ hiểu vì tranh Đông Hồ là một dòng tranh nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay, trong khi các dòng tranh khác ít nhiều mai một và biến mất.


    Trong "Đàn lợn âm dương" hình các con vật luôn được viền bởi những nét khắc rất chắc khoẻ mà cũng rất mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng cả về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có trên mình những xoáy âm dương để thể hiện cho sự sinh sôi và phát triển. "Đàn lợn âm dương" là bức tranh duy nhất được in ba bản màu. Lợn trong tranh Đông Hồ mang một ý nghĩa rất riêng biệt: Thể hiện sự sung túc và thịnh vượng, cầu chúc cho một năm mới phát tài phát lộc. Vì vậy mà bức tranh cũng mang những sắc thái rất tươi vui và dí dỏm như những người bạn và người thân trong gia đình.


    "Đàn lợn âm dương" đẹp và rực rỡ, đầy sự cách điệu lạ mắt: Những khoáy tròn âm dương trên lưng. Chắc hẳn người thợ đã vẽ với tâm hồn của một người nghệ sĩ đã nhìn những xoáy lông bình thường trên mình lợn mà vẽ thành cái khoáy âm dương trong triết học cổ. Cái hồn của làng quê bình dị, thân thiết như toát lên qua bức tranh, để những người con đất Việt dù cho có đi đâu xa vẫn luôn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của chính mình.

    "Đàn lợn âm dương" - Nguồn: Sưu tầm
    Hình ảnh gà lợn trong tranh Đông Hồ
  7. Tranh dân gian Đông Hồ sang trọng – Vinh Quy Bái Tổ thường được mua về để treo trang trí trong nhà như một lời chúc cho sự thành đạt của gia chủ, nó cũng là lời nhắc nhở động viên đầy ý nghĩa cho các thế hệ trẻ trong gia đình cố gắng nỗ lực học tập vươn tới thành công.


    Vinh Quy Bái Tổ không chỉ là vinh dự cho vị tân khoa, cho cha mẹ họ hàng, làng xóm mà còn là dịp để vị tân khoa bỏ bày lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ và thầy dạy theo đúng đạo lý Việt Nam: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Dân tộc Việt Nam rất hãnh diện với truyền thống văn hóa này.


    Chính vì ý nghĩa đó nên Tranh dân gian Đông Hồ sang trọng – Vinh Quy Bái Tổ thường được mua về để treo trang trí trong nhà như một lời chúc cho sự thành đạt của gia chủ, nó cũng là lời nhắc nhở động viên đầy ý nghĩa cho các thế hệ trẻ trong gia đình cố gắng nỗ lực học tập vươn tới thành công.

    Tranh dân gian Đông Hồ sang trọng – Vinh Quy Bái
    Tranh dân gian Đông Hồ sang trọng – Vinh Quy Bái
    Tranh dân gian Đông Hồ sang trọng – Vinh Quy Bái
  8. Bức tranh Đông Hồ nổi tiếng Lễ Trí Nhân Nghĩa là thể hiện ước nguyện cho thế hệ trẻ khi lớn lên có đầy đủ đức tính Lễ trí, nhân nghĩa. Bức tranh bé trai ôm cóc với ngụ ý cầu chúc em bé sẽ học hành hiển đạt. Tranh Nhân nghĩa vẽ hình em bé ôm cóc. Trong văn chương truyền miệng Việt Nam, chắc cũng chưa ai quên hình ảnh con cóc trong truyện “Cóc kiện trời”, hoặc câu ca dao:


    “Con cóc là cậu ông trời

    Ai mà đánh cóc thì trời đánh cho”


    Ông Trời – chúa tể của vũ trụ – linh thiêng là thế, uy vũ là thế mỗi khi con người gặp chuyện gì không vừa ý lại kêu trời. Vậy mà cóc còn là cậu của ông trời mới oai chứ! Đúng là “oai như Cóc”. Tranh có chú thích chữ “nhân nghĩa” ấy chính là lời cầu chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân, cái Nghĩa như con cóc tía trong truyện cổ: Mình mẩy tuy có thể xấu xí, bé nhỏ song dám lên kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng. Có câu chú thích trên tranh là “Nhân Nghĩa”. Từ Nhân Nghĩa ấy chính là tình người, tình yêu thương cũng giống như chú Cóc: Tuy mình mẩy xấu xí nhưng dám cả gan kiện trời để đòi mưa cho dân làng. Ước nguyện cho cậu bé trai khi lớn lên sẽ trở thành người tài giỏi để có thể bảo vệ, đòi quyền lợi công bằng cho những người xung quanh. Ấy chính là một phần Nhân Nghĩa của “Trai tài ôm cóc tía”.

    Lễ Trí - Nhân Nghĩa
    Lễ Trí - Nhân Nghĩa
    Lễ Trí - Nhân Nghĩa
  9. Tranh tứ quý vịt sen thuộc dòng tranh tứ quý truyện trong tranh dân gian Đông Hồ. Bộ tứ quý vịt sen là câu chuyện cảm động về lòng chung thủy sắt son tấm gương sáng đạo vợ chồng của lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân. Bắt đầu với bức tranh đôi chim Hỉ Thước bay lượn bên khóm trúc (quân tử) mai (giai nhân) quấn quýt giúp người xem liên tường ngay đến “trúc mai song hỷ” một cuộc hôn nhân hạnh phúc.


    Bức thứ 2 trong bộ tranh Đông Hồ tứ quý này là hình ảnh đôi vịt trong hồ sen đây là bức bảo áp xuyên liên – Nói lên sự thông đạt trong thi cử đỗ đạt luôn giành vị trí đứng đầu. Nó còn có ý nghĩa hấp thụ tài khí từ ngoài vào. Rất thích hợp treo trong nhà.


    Bức thứ 3 trong bộ tranh Đông Hồ tứ quý này là hình ảnh của hoa cúc và chim phượng là hình ảnh vợ chồng son sắc thủy chung. Hoa cúc là một trong bốn loài hoa quyền quý trong văn hóa Trung Quốc, tượng trưng cho sự trường thọ, sự cao thượng, phúc lộc dồi dào. Hoa cúc cũng đại diện cho chí quân tử. Người thời xưa yêu hoa cúc vì nó là loài hoa : “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”. Lá hoa cúc không bao giờ rụng khỏi cành, dù đã héo quắt. Hoa cúc cũng không chịu rụng, dù héo khô vẫn bám lấy cành như người quân tử suốt đời không rời xa lý tưởng của mình. Bức tranh vẽ đôi chim phượng nhưng không cùng cành để nói đến cảnh chia xa nhưng vẫn thủy chung son sắc dù trong bất kể hoàn cảnh nào.


    Bức thứ 4 trong bộ tranh là hình ảnh Đàn gà bên hoa hồng. Hoa hồng là loài hoa nở bốn mùa biểu tượng cho sự sung túc, ấm cúng kết hợp cùng hình ảnh chú gà trống cùng gà mái và đàn gà con đang kiếm ăn cho bộ tứ quý truyện một cái kết thật đẹp một gia đình sum vầy hạnh phúc mãi bên nhau sau khi trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

    Tranh tứ quý vịt sen
    Tranh tứ quý vịt sen
    Tranh tứ quý vịt sen
    Tranh tứ quý vịt sen
  10. Tranh em bé ôm tôm, ôm cá dân gian Đông Hồ Thể hiện niềm vui trong năm mới được ôm một chú cá chép đẫy đà. Hình tượng Cá trong văn hóa dân gian Việt Nam tượng trưng cho cái chữ, cho việc học và thăng tiến trong sự nghiệp.


    Đầu tiên là tranh em bé ôm tôm, ôm cá dân gian Đông Hồ, miêu tả một em bé mũm mĩm khôi ngô đang ôm tôm. Tôm là hình tượng xuất hiện trong hội họa thời xưa nhưng rất hiếm. Bởi vì vẽ Tôm không hề đơn giản, nhưng vẫn có những họa sỹ cực kỳ thích vẽ tôm. Hình ảnh tôm gần gũi với cuộc sống của người dân và trở thành những món ăn giàu chất dinh dưỡng trong đời sống. Nhưng tôm xuất hiện trong bức tranh cậu bé ôm tôm của dòng tranh đông hồ còn mang ý nghĩa riêng của nó. Ví như đặc điểm của loài tôm là sống ở dưới nước di chuyển trong nước bằng cách khua chân dưới nước. Tôm lại có thể bò bằng chân khi ở trên cạn, nhiều khi còn bơi ngược bằng cách gập người để nhảy xa hơn. Đây là những đặc điểm ẩn dụ cho tính cách của con người, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh và có những điểm riêng vượt trội hơn để nổi bật, năng động để tiến tới thành công.


    Tranh Đông Hồ: Em bé gái ôm cá cũng thuộc dòng tranh Đông Hồ chúc tụng. Thể hiện niềm vui trong năm mới được ôm một chú cá chép đẫy đà. Hình tượng Cá trong văn hóa dân gian Việt Nam tượng trưng cho cái chữ, cho việc học và thăng tiến trong sự nghiệp.

    Tranh em bé ôm tôm ôm cá dân gian Đông Hồ
    Tranh em bé ôm tôm ôm cá dân gian Đông Hồ
    Tranh em bé ôm tôm ôm cá dân gian Đông Hồ
  11. Tranh hội làng dân gian Đông hồ truyền thống thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, những người có công với đất nước, với địa phương theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đồng thời bức tranh còn thể hiện cảnh sinh hoạt của người dân thôn quê. Hội làng còn được xem như là món ăn tinh thần và chính điều này tạo nên những giá trị tư tưởng mang đậm văn hóa Việt.


    Ngày nay mọi người vẫn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc và vẫn tổ chức những ngày lễ, hội làng theo phong tục nên bức tranh “Hội làng” này luôn có ý nghĩa sâu sắc giá trị nhân văn, cùng những đạo lý làm người nhắc nhở con cháu phải “uống nước nhớ nguồn”.

    Tranh Đông hồ hội làng dân gian
    Tranh Đông hồ hội làng dân gian
    Ảnh minh họa
  12. Tranh tứ quý hạc dân gian Đông hồ truyền thống ý nghĩa của bộ tranh là chúc gia đình luôn luôn hạnh phúc, mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, vạn thọ trường xuân. Một bức tranh “quý” để treo trong phòng khách của gia đình.


    Tranh tứ quý hạc dân gian Đông hồ truyền thống thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: Hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: Hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: Hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: Cây trúc, cây thông (tùng). Mỗi loài hoa, loài cây lại tương ứng với một loài chim.


    Vẽ hoa ấy phải đi với chim ấy mới là đúng quy tắc, đúng luật. Như vẽ hoa mai phải vẽ với chim khổng tước (mai/điểu), hoa hồng với chim công (hồng/công), hoa cúc với gà (kê/cúc), cây thông với chim hạc (tùng/hạc) v.v…Tuy nhiên trong tranh dân gian Đông hồ vẫn có những cách vẽ ngẫu hứng phá luật để làm bức tranh thêm giàu màu sắc như: Vẽ cây Tùng đi với chim Công, hoa hồng đi với chim Phượng, phù dung đi với chim Loan Phượng, hạc đi với mai/đào.

    Tranh tứ quý hạc dân gian Đông hồ
    Tranh tứ quý hạc dân gian Đông hồ
    Tranh tứ quý hạc dân gian Đông hồ
    Tranh tứ quý hạc dân gian Đông hồ
  13. “Gà trống hoa hồng” là bức tranh nói về sự no ấm, bội thu của mùa màng, đem đến cho con người cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Đây được xem là những lời cầu mong giản dị, thiết thực ai ai cũng mong muốn, vì vậy mọi người thường treo bức tranh này để trang trí trong nhà. Gà trống hoa hồng là bức tranh mang thể hiện cuộc sống hằng ngày của người nông dân. Đối với người dân Việt Nam thì những chú gà trống là con vật gắn liền với tuổi thơ, với cuộc sống gia đình. Tiếng gáy báo hiệu một ngày mới, một khởi đầu mới. Con gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho cuộc sống đủ đầy, no ấm với nghề trồng lúa nước của người dân thôn quê.

    Hơn hết đối với người dân Việt Nam thì chú gà trống là biểu tượng của ngũ đức của nam nhi: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ quân tử mà người đàn ông nào cũng muốn có. Hoa hồng thì mang ý nghĩa của vinh hoa phú quý, sự sung túc, no ấm… Gà trống ngậm hoa hồng vì vậy có ý nghĩa chúc tụng và được mua rất nhiều trong dân gian.

    Chính vì ý nghĩa đó nên cặp Tranh dân gian Đông Hồ – Gà trống hoa hồng thường được mua về để treo trong nhà như lời chúc cho một khởi đầu mới, công việc hanh thông, cầu cho gia đình no ấm.

    Tranh dân gian: Gà trống hoa hồng
    Tranh dân gian: Gà trống hoa hồng
    Tranh dân gian: Gà trống hoa hồng
    Tranh dân gian: Gà trống hoa hồng
  14. Đàn gà mẹ con” cũng là một bức tranh nổi tiếng thường được mọi người treo trang trí trong nhà với mong muốn cầu chúc sự bình an, vô sự cho gia đình, mong cho gia đình được con cháu đuề huề, vợ chồng sớm có con, viên mãn hạnh phúc.


    Chẳng thể thiếu một bức tranh dân gian Đông Hồ treo Tết. Thiếu tranh đông hồ trên vách là thiếu luôn không khí Tết đối với cuộc sống của người dân lúc bất giờ. Mỗi bức tranh về đàn gà, hay đàn lợn đều mang ý nghĩa tài lộc, đông con cháu sum vầy hạnh phúc, ấm no.

    Treo bức tranh đàn gà trong nhà ngày Tết là ước nguyện của con người về một mái ấm hạnh phúc. “Nhà đông con là nhà có phúc” chính là mong trong nhà có đông con nhiều cháu. Trong năm mới con cháu đều khỏe mạnh là cuộc sống sung túc đề huề. Ngoài ra còn là ý nghĩa về tình mẹ thương con, một mẹ có thể chăm được nhiều con. Nhưng nhiều con chẳng thể chăm được một mẹ. Đó chính là đạo lý mà các con cần phải hiểu. Đặc biệt là các lớp trẻ thế hệ tương lai hiện nay.

    Tranh dân gian Đàn gà mẹ con
    Tranh dân gian Đàn gà mẹ con
    Tranh dân gian đàn gà mẹ con
  15. Bức tranh Thầy đồ cóc thuộc dòng tranh dân gian làng Đông Hồ. Vào phiên chợ tết các bà mẹ Việt Nam thường mua cho con bức tranh này với hy vọng con mình sẽ chăm chỉ học hành, ngày một thông minh sáng lán. Trong bức tranh là cả một thế giới của cóc, nhái, ễnh ương rất nhộn nhịp trong lớp học với một thầy ếch lớn ngồi chễm chệ trên chiếc sập đang dạy học. Hình tượng sinh vật nhưng chúng lại có hành động nhân cách hóa như người.


    Trên bức tranh có dòng chữ “Lão Oa độc giảng” tức là ông Ếch một mình giảng dạy (Oa có thể dịch là “ếch” nhưng trong dân gian vẫn gọi tranh này là “Thầy đồ Cóc”, chữ “độc” trong tranh dịch là đọc, nhưng cũng đồng âm với “độc” là cô độc, một mình). Hình tượng con cóc đã tồn tại và phổ biến từ rất lâu trong nền văn hiến Lạc Việt. Đối với những nhà nghiên cứu hoặc những ai đã từng nhìn thấy những chiếc trống đồng, thạp đồng Lạc Việt chắc không quên hình ảnh con cóc trên những vật thể này. Cóc đã từng oai vệ với vai trò là “cậu ông trời” trong các câu chuyện dân gian Việt Nam, nhưng trong bức tranh dân gian này cóc chỉ khiêm tốn làm một ông giáo già ngồi dạy học.


    Tranh “Thầy đồ cóc” là một bức tranh nổi tiếng thể hiện ý nghĩa chúc tụng, thường được mọi người tặng cho các cháu nhỏ hay các em học sinh để chúc sự siêng năng, ham học hỏi, thông minh sáng dạ trong học tập.

    Thầy đồ cóc
    Thầy đồ cóc
    Thầy đồ cóc
  16. “Thái bình để múa như công

    Thái bình để đẹp như bông hoa hồng

    Thái bình ai cũng ước mong

    Ta yêu tranh điệp làng Đông Hồ nhiều.”


    Công còn có tên gọi là chim khổng tước thuộc họ trĩ. Trong phong thủy, Công được coi là đại diện của Phượng Hoàn hiện diện trên trái đất. Chim Công để lại ấn tượng cho người xem bằng bộ lông tuyệt đẹp. Bộ lông công có gam màu óng ánh, xòe ra hình quạt rất đẹp. Chim công mà có bộ lông đẹp xòe rộng là chim công đực. Còn chim công cái thì không có đuôi đẹp được như thế. Thời phong kiến chỉ có các quan Ngũ phẩm trở lên mới được phép cài lông công trên mũ. Vì thế chim công luôn là biểu tượng của quan chức, tiền tài, uy quyền.

    Bức tranh thuộc dòng tranh Tết chúc tụng “Thiên hạ thái bình” khắc họa hình ảnh chú công rực rỡ bên gốc hoa hồng với ngụ ý cầu mong cho đất nước thịnh vượng, thái bình, ấm no.

    Tranh thiên hạ thái bình
    Tranh thiên hạ thái bình
    Tranh thiên hạ thái bình
  17. Chơi đu thường diễn ra vào những ngày Tết cổ truyền hay trong các ngày lễ hội đầu xuân ở các hội làng. Từ những ngày trước Tết, các làng cử người đi tìm chọn những cây tre to đẹp nhất để dựng cột đu. Cây đu thường được dựng giữa bãi đất rộng ở sân đình làng.


    Bức tranh truyền tải được nét đẹp văn hóa của người nông dân Việt Nam. Là mong ước có được sự giao hoa giữa trời đất, thời tiết yên lành cho mùa màng bội thu. Qua trò chơi với hình ảnh đôi nam nữ tham gia, thể hiện tình cảm đôi lứa trong sáng, tình yêu thắm thiết đượm nồng trong không khí vui xuân. Trò chơi đu quay còn thể hiện khát vọng chinh phục chiếng thắng, khát khao vươn cao bay cao của tuổi trẻ. Bức tranh Đánh Đu mang hình ảnh đặc sắc, đậm chất của Việt Nam. Ý nghĩa tranh dân gian Đông Hồ Đánh đu thật đơn giản, gần gũi bình dị và cũng rất sâu sắc khi hướng cho thế hệ tương lai bay cao bay xa hơn với khát vọng, sức trẻ, tình yêu.

    Đánh đu
    Đánh đu
    Đánh đu
  18. Ở bức tranh thả diều cũng miêu tả cạnh cậu bé khôi ngô đang thả diều trên lưng trâu. Trên bức tranh còn có hàng chữ là: “Nhất tướng phúc lộc điền”, nghĩa là: “Được mùa nhất người dân”. Hình ảnh cậu bé thả diều là một nét đẹp văn hóa giản dị, bình yên của những làng quê xưa…


    Bức tranh Mục đồng thả diều với khung cảnh yên bình ở làng quê thể hiện khát vọng bình yên của người nông dân. Cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng được bội thu. Hình ảnh cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, giúp đỡ bố mẹ đi chăn trâu. Còn biết sáng tạo, thông minh, khéo léo trong việc làm diều, thả diều trên lưng trâu. trong năm mới có dược những cậu bé thông minh, lanh lợi đó là cả niềm vui của gia đình. Nhìn chung bức tranh thể hiện mong ước cuộc sống luôn an yên, ấm no hạnh phúc, và con cái thành đạt, thông mình, yêu thương lễ phép và ngoan ngoãn.

    Tranh mục đồng thả diều
    Tranh mục đồng thả diều
    Tranh mục đồng thả diều
    Tranh mục đồng thả diều




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy