Top 12 Căn bệnh thường gặp nhất trong mùa nóng
Nắng nóng không chỉ gây bất lợi cho sinh hoạt hàng ngày của người dân mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Khí hậu nóng nực, nhiệt độ tăng cao là ... xem thêm...điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại bệnh. Nguyên nhân là do môi trường nóng kích thích nhiều loại vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Toplist xin tổng hợp những bệnh thường gặp nhất trong mùa nóng để bạn có biện pháp phòng ngừa nhé!
-
Say nắng
Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.
Đặc điểm của say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh... Các biểu hiện của say nắng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
-
Nhiễm trùng da
Giống như một củ hành, da có nhiều lớp khác nhau. Khi da bị nhiễm trùng càng sâu thì càng nguy hiểm. Lớp đầu tiên của da là thượng bì tạo ra các tế bào và màu sắc da. Lớp thứ hai là lớp bì tạo lớp dầu để bảo vệ da và mồ hôi để làm mát. Lớp này cũng có các đầu tận thần kinh nhận cảm giác nóng, lạnh và đau. Lớp thứ ba là lớp mỡ dưới da, gắn da với cơ và xương, và giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
Da là nơi lưu trú của rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, các loại vi khuẩn này rất dễ sinh sôi nảy nở ở nhiệt độ cao. Thời tiết nóng, da trở nên mỏng do bài tiết nhiều mồ hôi và chất bã làm cho sức đề kháng của da bị giảm, vi khuẩn và virus có cơ hội xâm nhập vào lớp da gây nên các bệnh viêm da dị ứng, kích ứng, viêm da mủ, ghẻ lở, chốc mụn, u nhọt, Herpes… Khi bị nhiễm trùng da, ta không nên tự ý mua thuốc về chữa trị mà nên đến chuyên khoa da liễu để khám bệnh, không nên tùy tiện bôi thuốc lên vùng da đang bị viêm vì có thể làm cho bệnh trở nên nặng hơn.
-
Ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nóng bức cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nhất là trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu… Thức ăn chưa được nấu chín kĩ để tiêu diệt vi khuẩn làm vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn.
Nhiều nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhiều người vẫn phải nấu thức ăn với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc chế biến trong môi trường không đảm bảo vệ sinh… dễ dẫn đến tiêu chảy và ngộ độc thức ăn. Chính vì thế, môi trường ô nhiễm, nước thải sinh hoạt kém là điều kiện thuận lợi cho virus xuất hiện và gây bệnh. Thực phẩm và rau quả chưa được rửa sạch và đúng cách. Nắng nóng nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bán sẵn không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc thực phẩm. -
Dịch tả
Bệnh tả ở người (Cholerae) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở đường tiêu hoá. Biểu hiện bệnh tả chủ yếu là nôn và tiêu chảy số lượng lớn, người bệnh dễ dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Trước đây, bệnh tả đã gây những trận đại dịch lớn, gây tử vong cho hàng triệu người. Hiện nay, bệnh tả đã được khống chế ở nhiều nơi nhưng vẫn còn xảy ra những đợt dịch ở các nước châu Phi và một số nước châu Á. Bệnh tả ở Việt Nam vẫn còn xảy ra nhưng đa phần chỉ là những trường hợp tản phát, thường vào mùa hè ở các tỉnh ven biển.
Bệnh tả là một căn bệnh do phẩy khuẩn tả có tên là Vibrio cholerae gây nên. Bệnh tả lây truyền qua đường tiêu hóa qua thức ăn hoặc do uống nước bị ô nhiễm. Triệu chứng điển hình là tiêu chảy ồ ạt, phân toàn nước màu đục như nước vo gạo, có thể kèm theo nôn mửa, mất nước, rất nguy hiểm đến tính mạng. Khi có hiện tượng bị bệnh tả, cần đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là ăn chín, uống chín.
-
Bệnh Lỵ
Kiết lỵ hay còn gọi là bệnh lỵ là một bệnh nhiễm trùng đường ruột gây ra tiêu chảy nghiêm trọng, ngoài phân lỏng còn kèm theo máu. Trong một số trường hợp, chất nhầy có thể được tìm thấy trong phân kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Bệnh kiết lỵ thường lây lan do vệ sinh kém. Ví dụ, nếu một người mắc bệnh kiết lỵ không rửa tay sau khi đi vệ sinh, bất cứ điều gì họ chạm vào đều có nguy cơ. Nhiễm trùng cũng lây lan qua tiếp xúc với thực phẩm hoặc nước đã bị nhiễm phân. Rửa tay cẩn thận và vệ sinh đúng cách có thể giúp ngăn ngừa bệnh lỵ và tránh không lây lan.
Theo thống kê của trung tâm dịch tễ học, số ca mắc bệnh lỵ ở nước ta tăng cao trong mùa nóng, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng gay gắt. Người mắc bệnh lỵ do uống phải nguồn nước bị ô nhiễm hoặc ăn phải thức ăn nhiễm trực khuẩn lỵ, loại vi khuẩn phát triển mạnh trong mùa nắng. Triệu chứng lỵ điển hình là tiêu chảy cấp kèm theo máu và dịch nhầy trong phân, đau quặn bụng từng cơn kéo theo sốt. Để phòng bệnh lỵ, chúng ta cần ăn chín, uống sôi và đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn.
-
Sốc nhiệt
Sốc nhiệt là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Người thuộc nhóm động vật đẳng nhiệt, nghĩa là thân nhiệt cơ thể ít thay đổi theo nhiệt độ môi trường, thường dao động quanh con số 37 độ C. Đây là bản năng sinh tồn tiến hóa hơn hẳn các động vật khác.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó như nhiệt độ quá cao khiến cho cơ thể bị giảm sức đề kháng, hoặc đi từ môi trường lạnh sang nóng đột ngột (như từ trong phòng lạnh bước ra ngoài trời nóng). Tất cả những điều đó có thể khiến chúng ta bị sốc nhiệt với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, tức ngực, chóng mặt, hạ huyết áp, ngất… Để phòng tránh bệnh này, cần bố trí nhà ở, nơi làm việc thoáng mát; đội mũ nón, đeo khẩu trang, kính râm khi đi ngoài nắng; hạn chế việc đi trực tiếp từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng.
-
Tâm thần
Bệnh tâm thần là tình trạng sức khỏe tinh thần có liên quan đến những thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Tình trạng này có mối mật thiết với những vấn đề trong các hoạt động xã hội, công việc và gia đình. Bệnh tâm thần được phân ra thành nhiều loại khác nhau. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi do Tổ chức y tế thế giới, hiện nay có hơn 300 các loại rối loạn thâm thần ví dụ như tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần do sử dụng rượu hay ma túy, sa sút tâm thần, rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não hoặc viêm não, rối loạn hoang tưởng, rối loạn khí sắc, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu, chứng ngủ nhiều, mất ngủ, mộng du, ác mộng...
Theo thống kê mới nhất của Viện tâm thần Trung ương, tỷ lệ một số bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, phản ứng với stress cấp… có xu hướng gia tăng trong mùa nắng nóng. Thời tiết nóng có thể là yếu tố vật lý tác động đến hệ thần kinh, làm cho não luôn ở trạng thái bị kích thích, kích động dẫn đến những bệnh tâm thần. Để phòng tránh bệnh, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; trang bị nơi ở và nơi làm việc thoáng mát, quang đãng sẽ hạn chế được sự xuất hiện các bệnh về tâm lý, tâm thần.
-
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là: DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3, DEN - 4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt. Muỗi Aedes, Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, bệnh gặp cả ở trẻ và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ đến đến tử vong.
Nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi, nảy nở của các loại lăng quăng, muỗi và virus gây bệnh sốt xuất huyết (virus Dengue). Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn : giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn phục hồi. Bệnh này rất nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta tự tìm cách bảo vệ mình bằng cách tích cực diệt muỗi vằn, diệt lăng quăng, ngủ mùng kể cả ban ngày.
-
Động kinh
Động kinh là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương (thần kinh) trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây ra co giật hoặc thời gian hành vi và cảm giác bất thường và đôi khi là mất ý thức trong thời gian ngắn. Các biến chứng có thể gây tử vong khác của bệnh động kinh là rất hiếm, nhưng chúng xảy ra do cơn vắng ý thức làm cơ thể mất kiểm soát dẫn đến các biến chứng khó lường. Gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong, đột tử do rối loạn tim hoặc hô hấp.
Cũng giống như các bệnh về tâm thần, yếu tố nóng là một trong những nguyên nhân kích thích hệ thần kinh, tạo điều kiện thuận lợi để bộc phát những cơn co giật của bệnh động kinh ở những người có cơ địa nhạy cảm, sức đề kháng bị suy yếu. Để hạn chế tần suất cơn động kinh, người bệnh cần uống thuốc đầy đủ, có chế độ học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc ở những môi trường quá nóng nực.
-
Tai biến mạch máu não (đột quỵ)
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là tình trạng não bị thiếu máu nuôi đột ngột ở toàn bộ hay một phần. Điều này làm cho các bộ phận trên cơ thể thuộc những vùng não chỉ huy sẽ có hiện tượng yếu liệt hoặc thậm chí là hôn mê. Hậu quả nghiêm trọng có thể gặp chính là tử vong. Hai thuật ngữ đều mang ý nghĩa mô tả một hiện tượng, trong đó đột quỵ chỉ sự cấp tính của bệnh còn tai biến mạch máu não là nơi xảy ra bệnh. Theo các dữ liệu được ghi lại thì nguyên nhân gây tử vong thứ hai (20%) là do đột quỵ và chính căn bệnh này cũng có nguy cơ gây sa sút trí tuệ.
Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam, những năm gần đây, tỷ lệ người bị các bệnh lý như xuất huyết não, tăng huyết áp, xuất huyết màng não, tai biến mạch máu não… ngày càng tăng do thời tiết ngày càng nóng. Nguyên nhân là do hệ thần kinh thực vật ở người bị kích thích khi nhiệt độ gia tăng, từ đó kéo theo hàng loạt những hậu quả xấu cho cơ thể, trong đó có các bệnh tai biến, tim mạch… Cần phòng bệnh bằng những biện pháp như uống thuốc đầy đủ, rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể khi trời nóng, uống nhiều nước và tránh làm việc ở những môi trường quá nóng.
-
Rubella
Rubella hay còn gọi là sởi Đức là một bệnh truyền nhiễm do virus rubella gây nên. Là bệnh do virus gây ra và có thể phát triển thành dịch, nhất là ở những nơi tập trung đông người. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở những nơi như trường học, khu nhà trọ, công ty, xí nghiệp. Bệnh được lây truyền bởi các hạt nước bọt khi hắt hơi, sổ mũi,… khuếch tán rộng trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Phần lớn bệnh ở mức độ nhẹ, tuy nhiên phụ nữ mang thai bị nhiễm Rubella có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như sảy thai, thai chết lưu hay gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Bệnh do virus Rubella gây ra, đây là virus chứa ARN, thuộc họ togavirus. Bệnh Rubella thường phát triển mạnh vào mùa xuân và mùa hè. Con đường lây truyền qua đường hô hấp, virus Rubella cư trú tại vòm họng và các hạch bạch huyết. Khi người lành tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy của mũi/họng hay các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt xì hơi thì có thể bị bệnh. Giai đoạn dễ lây nhiễm bệnh Rubella là từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi phát ban đỏ. Mọi người đều có thể là đối tượng cảm nhiễm Rubella. Người phơi nhiễm với virus Rubella sẽ mắc bệnh nếu như chưa có miễn dịch với virus Rubella, không có trường hợp người lành mang virus.
-
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, bệnh thường gia tăng vào mùa nắng nóng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận… Tăng huyết áp được chia làm hai thể: tăng huyết áp tiên phát (tăng huyết áp vô căn) và tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp có nguyên nhân). Tăng huyết áp vô căn là thể tăng huyết áp thường gặp nhất, chiếm 90% và không xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Cơn tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao lên trên 180/120mmHg. Cơn tăng huyết áp được chia làm hai loại: tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp.Tăng huyết áp cấp cứu được định nghĩa là huyết áp tăng trên 180/120mmHg và có bằng chứng tổn thương cơ quan đích (bệnh não tăng huyết áp, tổn thương võng mạc, suy thận cấp, nhồi máu cơ tim, lóc tách động mạch chủ). Tăng huyết áp khẩn cấp thì chưa có tổn thương cơ quan đích. Nhưng cả hai thể đều phải điều trị ngay và kịp thời.