Top 5 Câu hỏi thường gặp nhất của môn Lịch sử văn minh thế giới
Việc ôn tập các môn học về khoa học xã hội theo chương trình đại cương tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khiến nhiều bạn sinh viên băn ... xem thêm...khoăn, lo lắng bởi sự lúng túng trong việc xác định các nội dung trọng tâm kiến thức cũng như các trả lời các câu hỏi tự luận sao cho chính xác và đầy đủ. Vậy nên rất nhiều lượt tìm kiếm về chủ đề những câu hỏi thường gặp nhất của môn Lịch sử văn minh thế giới được các bạn sinh viên quan tâm. Trong bài viết này Toplist xin đưa ra một số gợi ý cho bạn về vấn đề trên.
-
Câu hỏi: Nêu các thời kì lịch sử chính của Ai Cập cổ đại và những thành tựu cơ bản?
Gợi ý trả lời:
Các thời kì lịch sử chính của Ai Cập cổ đại có thể chia ra làm 5 thời kì chính sau:
- Thời kì Tảo Vương quốc (khoảng 3200 – 3000 năm TCN)
- Thời kì Cổ Vương quốc (khoảng 3000 – 2200 năm TCN)
- Thời kì Trung Vương quốc (khoảng 2200 – 1570 năm TCN)
- Thời kì Tân Vương quốc (khoảng 1570 – 1100 năm TCN)
- Thời kì Hậu Vương quốc (khoảng 1100 – 31 năm TCN)
Thành tựu cơ bản:
- Chữ viết:
- Khoảng hơn 3000 năm TCN, người Ai Cập cổ đại đã sáng tạo ra chữ tượng hình. Muốn chỉ một vật gì thì họ vẽ những nét tiêu biểu của sự vật đó. Để diễn tả những khái niệm trừu tượng thì họ mượn ý. Thí dụ để diễn tả trạng thái khát thì họ vẽ ba làn sóng nước và cái đầu bò đang cúi xuống; để nói lên sự công bằng thì họ vẽ lông chim đà điểu (vì lông đà điểu hầu như dài bằng nhau).
- Những chữ tượng hình của người Ai Cập được khắc trên đá, viết trên da, nhưng nhiều nhất là được viết trên vỏ cây sậy papyrus. Đây là một loại “giấy” cổ xưa nhất, do vậy ngôn ngữ nhiều nước trên thế giới, giấy được gọi là papes, papier… Năm 1822, một nhà ngôn ngữ học người Pháp là Sampôliông (Champollion) đã tìm cách đọc được thứ chữ này.
- Về văn học:
- Những tác phẩm tiêu biểu còn lại như Truyện hai anh em, Nói Thật và Nói Láo, Đối thoại của một người thất vọng với linh hồn của mình, Người nông phu biết nói những điều hay…
- Tôn giáo:
- Người Ai Cập cổ đại theo đa thần giáo, họ thờ rất nhiều thần. Ban đầu, mỗi vùng thờ mỗi vị thần riêng của mình, chủ yếu là những vị thần tự nhiên. Đến thời kì thống nhất quốc gia, bên cạnh những vị thần riêng của mỗi địa phương còn có các vị thần chung như thần Mặt trời (Ra), thần sông Nin (Osiris).
- Người Ai Cập cổ tin rằng con người có hai phần: hồn và xác. Khi con người chết đi, linh hồn thoát ra ngoài nhưng có thể một lúc nào đó lại tìm về nơi xác (Họ tin rằng như khi bị ngất , hồn thoát ra ngoài tạm thời). Vì vậy những người giàu có tìm mọi cách để giữ gìn thể xác. Kĩ thuật ướp xác vì vậy cũng rất phát triển.
- Kiến trúc điêu khắc:
- Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng rất nhiều đền đài, cung điện, nhưng nổi bật nhất phải kể đến là các kim tự tháp hùng vĩ, vĩnh cửu. Người thiết kế ra Kim tự tháp đầu tiên để làm nơi yên nghỉ cho các pharaon là Imhotép.
- Người ta đã phát hiện ra khoảng 70 Kim tự tháp lớn nhỏ khác nhau trong đó có 3 Kim tự tháp nổi tiếng nằm ở gần thủ đô Cairo. Đã mấy ngàn năm qua các Kim tự tháp vẫn sừng sững với thời gian. Vì vậy người Ai Cập có câu “Tất cả mọi vật đều sợ thời gian, nhưng riêng thời gian phải nghiêng mình trước Kim tự tháp”.
- Ngoài việc xây dựng các lăng mộ, người Ai Cập cổ còn để lại ấn tượng cho đời sau qua các công trình điêu khắc. Đặc biệt nhất là tượng Nhân Sư (Sphinx) hùng vĩ ở gần Kim tự tháp Khephren. Bức tượng mình sư tử với gương mặt Khephren cao hơn 20m này có lẽ muốn thể hiện Khephren là chúa tể với trí khôn của con người và sức mạnh của sư tử.
- Khoa học tự nhiên:
- Về thiên văn: người Ai Cập cổ đã vẽ được bản đồ sao, họ đã xác định 12 cung hoàng đạo và sao Thuỷ,Kim, Hoả, Mộc, Thổ. Người Ai Cập cổ làm ra lịch dựa vào sự quan sát sao Lang (Sirius). Một năm của họ có 365 ngày, đó là khoảng cách giữa hai lần họ thấy sao Lang xuất hiện đúng đường chân trời. Họ chia một năm làm 3 mùa, mỗi mùa có 4 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Năm ngày còn lại được xếp vào cuối năm làm ngày lễ. Để chia thời gian trong ngày, họ đã chế ra đồng hồ mặt trời và đồng hồ nước.
- Về toán học: do yêu cầu làm thuỷ lợi và xây dựng nên kiến thức toán học của người Ai Cập cổ cũng sớm được chú ý phát triển. Họ dùng hệ đếm cơ số 10. Họ rất thành thạo các phép tính cộng trừ, còn khi cần nhân và chia thì thực hiện bằng cách cộng trừ nhiều lần. Về hình học, họ đã tính được diện tích của các hình hình học đơn giản; đã biết trong một tam giác vuông thì bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông. Pi của họ tính bằng 3,14 .
- Về y học: người Ai Cập cổ đã chia ra các chuyên khoa như khoa nội, ngoại , mắt, răng, dạ dày… Họ đã biết giải phẫu và chữa bệnh bằng thảo mộc.
-
Câu hỏi: Nêu những phát minh lớn về khoa học kĩ thuật của Trung Quốc thời cổ trung đại và ý nghĩa của nó.
Gợi ý trả lời:
Trung quốc là nơi có nhiều những điều kiện về địa hình và dân cư để hình thành cho thế giới một nền văn minh mới, đó là văn minh Trung Quốc với rất nhiều thành tựu. Trong đó không thể không kể đến bốn phát minh lớn về khoa học kĩ thuật của Trung Quốc thời cổ trung đại như:
- Kĩ thuật làm giấy:
- Thời Tây Hán, người Trung Quốc vẫn dung thẻ tre, lụa để ghi chép. Đến khoảng thế kỷ II, mặc dù đã biết dung phương pháp xơ gai để làm giấy, tuy nhiên giấy thời kỳ này còn xấu, mặt không phẳng , khó viết nên chỉ dùng để gói.
- Đến thời Đông Hán, năm 105 một người tên Thái Luân đã dung vỏ cây, lưới cũ, rẻ rách… làm nguyên liệu, đồng thời đã cải tiến kỹ thuật, nên đã làm được loại giấy có chất lượng tốt. Từ đó giấy được dung để viết một cách phổ biến thay thế cho các vật liệu trước đó.
- Từ thế kỷ III nghề làm giấy được truyền sang Việt Nam và sau đó được truyền đi hầu khắp các nước trên thế giới.
- Kĩ thuật in:
- Từ giữa thế kỷ VII kĩ thuật in giấy đã xuất hiện. Khi mới ra đời là in bằng ván sau đó có một người dân tên Tất Thăng đã phát minh ra cách in chữ rời bằng đất sét nung đã hạn chế được nhược điểm của cách in bằng ván. Tuy nhiên cách in này vẫn còn hạn chế nhất định: chữ hay mòn, khó tô mực. Sau đó đã có một số người tiến hành cải tiến nhưng ko được, đến thời Nguyên, vương Trinh mới cải tiến thành công việc dùng chữ rời bằng gỗ.
- Từ khi ra đời kĩ thuật in cũng đã được truyền bá rộng rãi ra các nước khác trê thế giới. Cho đến năm 1448, Gutenbe người Đức đã dùng chữ rời bằng kim loại, nó đã làm cơ sở cho việc in chữ rời bằng kim loại ngày nay.
- Thuốc súng:
- Thuốc súng là phát minh ngẫu nhiên của những người luyện đan, cho đến thế kỷ X thuốc súng bắt đầu được dùng làm vũ khí. Sau đó qua quá trình sử dụng nó đã được cải tiến rất nhiều với nhiều tên gọi khác nhau. Và trong quá trình tấn công Trung Quốc người Mông cổ đã học được cách làm thuốc súng và từ đó lan truyền sang Tây Á rồi đến châu Âu.
- Kim chỉ nam:
- Từ thế kỷ III TCN người Trung Quốc đã phát minh ra “Tư nam” đó là một dụng cụ chỉ hướng. Sau đó các thầy phong thủy đã phát minh ra kim nam châm nhân tạo, đầu tiên la bàn được dùng để xem hướng đất rồi mới được sử dụng trong việc đi biển. Nửa sau thế kỷ XII la bàn được truyền sang Ả rập rồi sang châu Âu
Ý nghĩa:
- Đối với Trung Quốc bốn phát minh trên ra đời không chỉ trực tiếp giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của con người Trung Quốc, mà đó còn là những đóng góp không nhỏ của một nền văn minh cho toàn nhân loại.
- Đối với thế giới sự ra đời của kĩ thuật làm giấy, kĩ thuật in, thuốc súng và kim chỉ nam đã nâng cao được vị thế của loài người, đưa nhân loại tiến lên một bước trong quá trình chinh phục tự nhiên và tranh đấu với tự nhiên với chính con người để sinh tồn và phát triển.
- Kĩ thuật làm giấy:
-
Câu hỏi: Trình bày sự ra đời và phát triển của đạo Ki-tô thời cổ trung đại ở châu Âu.
Gợi ý trả lời:
Sự ra đời:
- Theo truyền thuyết, người sáng lập ra đạo Kitô là Jesus Crit, con của chúa Trời đầu thai vào người con gái đồng trinh Maria. Jesus Crit ra đời vào khoảng thế kỉ IV TCN tại Béthleem (Palestin ngày nay). Đến năm 30 tuổi, Jesus Crit bắt đầu đi truyền đạo.
- Đạo Kitô khuyên con người nhẫn nhục chịu đựng đau khổ nơi trần gian để khi chết sẽ được hưởng hạnh phúc nơi thiên đàng. Chúa Trời sáng tạo ra thế giới này. Chúa Trời, chúa Jesus, thành thần tuy ba mà là một (tam vị nhất thể). Đạo Kitô cũng có quan niệm thiên đường, địa ngục, thiên thần, ma quỉ… Giáo lí của đạo Kitô gồm có Kinh cựu ước (tiếp nhận của đạo Do Thái) và Kinh tân ước (kể từ khi chúa Jesus ra đời). Luật lệ của đạo Kitô thể hiện trong 10 điều răn.
- Về tổ chức, lúc đầu các tín đồ đạo Kitô tổ chức thành những công xã vừa mang tính chất tôn giáo, vừa giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đến thế kỉ II, các công xã Kitô dần phát triển thành Giáo hội.
Sự phát triển của Đạo Kitô:
- Khi mới ra đời, đạo Kitô bị các hoàng đế La Mã và bọn quý tộc địa phương đàn áp rất tàn bạo. Vụ đàn áp đẫm máu nhất là vụ đàn áp vào năm 64, dưới thời hoàng đế Nêrông, máu của biết bao nhiêu tín đồ đã đổ. Nhưng số người theo đạo Kitô không những không giảm mà ngày càng tăng lên. Về sau, Giáo hội đề ra nguyên tắc “vương quốc thì trả cho vua, thiên quốc thì trả cho Chúa trời” tức là tôn giáo không dính dáng đến chính trị. Thấy đàn áp mãi không có tác dụng, các hoàng đế La Mã nghĩ tới biện pháp chung sống. Năm 311, một hoàng đế La Mã đã ra lệnh ngưng đàn áp các tín đồ Kitô. Năm 313, đạo Kitô được hoàng đế La Mã công nhận là hợp pháp. Năm 337, một hoàng đế La Mã lúc đó là Cônxtantinut đã gia nhập đạo Kitô.
- Hoàng đế theo đạo Kitô thì đương nhiên các quan lại đua nhau theo Đạo. Ngân quỹ quốc gia cũng được chi ra để đóng góp cho Nhà thờ. Đạo Kitô được truyền bá rộng khắp trong vùng đất quanh Địa Trung Hải. Sau này, khi đế quốc La Mã tan vỡ thì đạo Kitô đã ăn sâu, lan rộng khắp châu Âu.
-
Câu hỏi: Nêu kết quả và ảnh hưởng của công cuộc phát kiến địa lý đối với sự phát triển của văn minh nhân loại.
Gợi ý trả lời:
Kết quả của công cuộc phát kiến địa lý:
- Cuộc hành trình của Vaxcodo gama men theo bờ biển châu Phi đến điểm cực nam (Mũi hy vọng) rồi vượt qua Ấn Độ Dương, cập bến Ấn Độ. Những chuyến đi tiếp theo đã đến các quần đảo Đông Nam Á rồi đi vào Biển Đông tới các cảng Trung Hoa và Nhật Bản
- Những chuyến vượt Đại Tây Dương của Crixtôp Côlông và vêpuxơ Amêrigô đã phát hiện ra lục địa châu Mỹ, khi đó được gọi là Tân thế giới hoặc nhầm lẫn là “Tây Ấn Độ”
- Cuộc thám hiểm của Megienlan chẳng những đã đến châu Mỹ mà còn vượt qua Thái Bình Dương để tới quàn đảo vùng Đông Nam Á, được đặt tên là Philippin
- Những chuyến vượt biển trên cùng nhiều cuộc thám hiểm tiếp theo đã đem lại nhiều kết quả to lớn vượt xa mục đích ban đầu, có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong lịch sử loài người
Ảnh hưởng của cuộc phát kiến địa lý:
- Các nhà thám hiểm bằng những chuyến đi thực tế đầy dũng cảm của mình đã chứng minh cho giả thuyết Trái Đất hình cầu. Họ còn cung cấp cho các nhà khoa học rất nhiều hiểu biết mới về địa lí, thiên văn, hàng hải, sinh vật học…
- Sau những cuộc phát kiến này, một sự tiếp xúc giữa các nền văn hoá trên thế giới diễn ra do các cá nhân có nguồn gốc văn hoá khác nhau như các giáo sĩ, nhà buôn, những người khai phá vùng đất mới, những quân nhân…
- Một làn sóng di chuyển dân cư lớn trên thế giới trong thế kỉ XVI-XVIII với những dòng người Châu Âu di chuyển sang Châu Mĩ, Châu Úc. Nhiều nô lệ da đen cũng bị cưỡng bức rời khỏi quê hương xứ sở sang Châu Mĩ .
- Hoạt đông buôn bán trên thế giới trở nên sôi nổi, nhiều công ti buôn bán tầm cỡ quốc tế được thành lập.
- Những cuộc phát kiến địa lí này cũng gây ra không ít hậu quả tiêu cực như nạn cướp bóc thuộc địa, buôn bán nô lệ da đen và sau này là chế độ thực dân.
-
Câu hỏi: Hãy kể tên những thành tựu cơ bản của văn minh thế giới nửa thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.
Gợi ý trả lời:
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đạt được những thành tựu kì diệu trong mọi ngành khoa học cơ bản và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, rõ nét nhất là trong các ngành điện tử-tin học, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học, kĩ thuật lade, khoa học vũ trụ.
Máy tính và rôbôt là những sản phẩm tiêu biểu của công nghệ điện tử - tin học. Từ những chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời vào năm 1946 đến nay, máy tính đã trải qua bốn thế hệ. Từ những chiếc máy tính điện tử đầu tiên sử dụng bóng đèn điện tử chân không, rồi chất bán dẫn, vi mạch (mạch tích hợp IC – Integrated Circuit), vi mạch với độ tích hợp cao. Từ máy tính điện tử dẫn tới sự kết nối Internet, tạo ra mạng thông tin toàn cầu với khả năng trao đổi thông tin cực nhanh, giá rẻ. Đội ngũ rôbôt công nghiệp ngày càng đông đảo, thông minh hơn và lĩnh vực tham gia hoạt động đang ngày càng mở rộng.
Nhiều loại vật liệu mới ra đời trong hoàn cảnh vật liệu thiên nhiên ngày càng vơi cạn dần. Những loại vật liệu mới này còn có những tính năng hơn hẳn vật liệu tự nhiên như siêu bền, siêu cứng, siêu nhẹ…Tên các loại vật liệu mới như composite, polyme, silic, sợi cáp quang… ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều loại năng lượng mới đã được con người sử dụng để biến thành điện năng như năng lượng nguyên tử, năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió…
Tia lade (laser) mới được phát minh ra từ những năm 60 của thế kỉ XX nhưng đến nay đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự, thiên văn, y học, công nghệ in, thông tin liên lạc…
Công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, thậm chí đáng sợ. Công nghệ sinh học tập trung vào bốn lĩnh vực : công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzim. Nhờ công nghệ sinh học, người ta đã tạo ra nhiều giống cây, con mới với những đặc tính ưu điểm khác hẳn các giống trong tự nhiên; nhiều loại dược phẩm mới ra đời, nhiều loại chất xúc tác mới xuất hiện…Trong nghiên cứu vũ trụ, con người đã tiến những bước dài mà đi đầu là hai nước Liên Xô và Mĩ. Các tàu vũ trụ của Liên Xô và Mĩ đã đi thăm dò những hành tinh xa xôi ngoài Trái Đất. Liên Xô, Mĩ và giờ đây đang thêm nhiều nước khác đã phóng các vệ tinh nhân tạo đáp ứng nhu cầu truyền hình, thông tin toàn cầu, điều tra tài nguyên, dự báo thời tiết, mạng định vị qua vệ tinh…