Top 10 Đặc sản không thể bỏ qua khi đến Cà Mau

Kim Linh 583 2 Báo lỗi

Cà Mau là một mảnh đất cuối cùng trên bản đồ hình chữ S và miền đất xa xôi này không chỉ là "địa chỉ cuối cùng" của Tổ quốc mà còn là "xứ sở" của những món ... xem thêm...

  1. Người dân Cà Mau rất lành nghề trong việc chế biến các con chuột đồng thành nhiều món hấp dẫn như thịt chuột sấy khô, chuột khìa, chuột chiên… Tuy nhiên, món chuột đồng chiên sả ớt là một món ăn kèm với cơm là ngon nhất, mê hoặc nhất.


    Đây là món ăn khiến cho nỗi nhớ quê nhà của những con người đi xa càng thêm da diết mà thấm đẫm hơn. Món ăn này khá kén người ăn như các món từ đuông, không phải ai cũng dám ăn. Chuột đồng làm sạch để ráo nước, ướp với sả ớt băm nhuyễn rồi thêm muối, bột ngọt, gia vị cho vừa ăn. Nước mắm phải thật ngon và thêm một chút đường cho vị dịu xuống. Để như thế khoảng mười phút cho gia vị ngấm vào thịt chuột, người ta mới đem chiên trên lửa riu riu và luôn tay đảo đều để miếng thịt chuột chín vàng ruộm.


    Bất cứ ai khi đã ăn món chuột đồng chiên sả ớt thì sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt của món ăn này. Với người Cà Mau đi xa quê thì món chuột đồng chiên xả ớt là thứ món ăn gợi nhớ quê nhà. Món này ăn cùng cơm gạo mới thì ngon không dừng lại được. Cơm trắng thơm mùi gạo mới, thịt chuột đồng đậm đà dậy mùi gia giảm, vừa ăn vừa xuýt xoa, hít hà như gói cả hương vị quê hương vào trong món ăn vậy. Vì thế người ta vẫn nói, đến Cà Mau phải thưởng thức món chuột đồng chiên sả ớt, món ăn "tuyệt đỉnh công phu" của ẩm thực vùng đất Mũi. Nếu có cơ hội đến với mảnh đất này, bạn hãy thử thưởng thức món đặc sản này nhé.

    Chuột đồng chiên sả ớt - Video: MÙA GẶT MIỀN TÂY
    Chuột đồng chiên sả ớt
    Chuột đồng chiên sả ớt

  2. Khi lựa chọn du lịch về vùng đất U Minh này thì du khách đừng quên thưởng thức món lẩu mắm U Minh nổi danh và ngon không kém các loại lẩu khác ở miền Tây sông nước xinh đẹp này nhé. Lẩu mắm là một trong những món ăn rất dân dã mà không kém phần ngon miệng của người dân Nam Bộ. Nguyên liệu chính để làm nên một nồi lẩu mắm thơm ngon đó chính là các loại mắm.


    Người Việt mình thường kho mắm hoặc chưng mắm theo cách làm của người dân tộc Khmer và sau đó biến tấu thành một món lẩu ăn giống kiểu người Hoa hay dùng. Mùi mắm nồng, thậm chí khá khó ăn nhưng cũng là một mùi gây nghiện, mà nghiện rồi là khó cai. Nếu nó được chế biến khéo như Lẩu Mắm U Minh thì chẳng khác gì liều thuốc kích thích khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác. Toàn bộ giác quan sẽ bị gây tê để đi vào con đường khám phá Ẩm thực Cà Mau đặc trưng.


    Lẩu mắm nói chung vốn dĩ là một đặc trưng của Đồng Bằng Sông Cửu Long nên không quá ngạc nhiên khi lẩu mắm U Minh lại có tiếng đến mức được xem là thương hiệu của Ẩm thực Cà Mau. Không phải là kiểu ăn theo thương hiệu mà mắm U Minh thật sự rất đặc biệt.


    Nó là cả một kho tàng đặc sản từ bình dân đến quý hiếm, là sự kết hợp tài hoa điêu nghệ của bàn tay ẩm thực gia. Bởi chỉ cần đếm sơ nguyên vật liệu làm nên nồi lẩu mắm U Minh đã vượt trên 10 con số. Nào mắm cá sặc, nào cá lóc, lươn, tôm, bông súng. Còn về công thức chế biến thì cầu kỳ, đo ni đóng giày đến từng loại gia vị. Về Cà Mau, ăn cá lóc nướng trui, cua Cà Mau mà không thử lẩu mắm U Minh thì chưa trọn chuyến đi. Nói vậy là biết lẩu mắm ngon đến cỡ nào, đặc biệt đến cỡ nào. Cũng đúng thôi vì người ta cẩn thận trong mọi quy trình. Nấu nước lẩu thì nhất định phải chọn mắm cá sặc để cho nước dùng thật thơm.

    Lẩu mắm U Minh
    Lẩu mắm U Minh
    Lẩu mắm U Minh nức tiếng miền Tây
    Lẩu mắm U Minh nức tiếng miền Tây
  3. Cá rô chiên là món ăn quen thuộc trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, khi đến với Cà Mau, du khách lại được thưởng thức một món cá rô chiên xù lạ miệng, ngon hơn rất nhiều. Cá rô được người dân làm sạch, bỏ chiên cả con trong chảo nóng. Khi cá chín được vớt ra để cho ráo dầu, sau đó gắp lên đĩa ăn kèm kèm với rau xanh. Thịt cá rô chiên xù giòn giòn và đậm đà, đặc biệt hơn khi cuốn bánh tráng và rau rừng tươi xanh rồi chấm kèm nước mắm gừng nơi đây.


    Cá rô chiên xù phải để nguyên vẩy, rửa sạch (có thể mổ hoặc không mổ bụng), nhúng sơ qua nước muối để khi chiên cá được giòn hơn. Dầu cho vào chảo để lên bếp, khi dầu sôi thì cho cá vào, đảo cá qua lại cho đến khi chín vàng, vớt ra để cho ráo rồi bày ra dĩa cùng với rau the, hẹ sống, rau thơm, dưa leo, cà chua…Cá rô chiên xù phải chấm với nước mắm me hoặc nước mắm ngon làm với tỏi, ớt… thì mới tuyệt. Vị mặn, ngọt, chua, cay của nước mắm hòa quyện cùng với mùi thơm, vị ngọt và giòn của thịt cá sẽ làm cho người thưởng thức khó có thể quên được.

    Cá rô đồng chiên xù
    Cá rô đồng chiên xù
    Cá rô đồng chiên xù
    Cá rô đồng chiên xù
  4. Ngoài chuột đồng chiên xả ớt, cá nướng trui là đại diện nổi tiếng cho ẩm thực Cà Mau dân dã thì còn có một món ăn khác cũng mang đậm chất hương vị miền Tây khác là lươn um rau ngổ. Lươn là hải sản từ ruộng đồng, ngổ là loại rau mọc hoang dại ở ao đầm cộng thêm công thức chế biến om hay um trong nồi đất đã nói lên tất cả nét bình dị, đồng quê của ẩm thực đất mũi. Cà Mau trù phú nên sản vật đồng quê nhiều vô kể. Vì thế đặt chân đến chốn này thực khách chẳng lo đói đặc sản, hay mất công tìm kiếm đâu xa. Bởi đặc sản luôn là những thứ quen thuộc hiện hữu trong đời sống hàng ngày của người dân. Một nồi lươn um rau ngổ béo ngậy thơm ngát, đơn giản vậy thôi mà đã làm say mê biết bao người. Và một điểm đặc biệt nữa, tuy dân dã nhưng đây lại phương thuốc đông y quý cho người mắc bệnh về dinh dưỡng, phong thấp, trĩ hoặc xương sống


    Lươn um rau ngổ Cà Mau sẽ không đậm chất miền Tây nếu thiếu chén nước chấm đặc biệt. Đó là thứ nước chấm làm từ nước cốt dừa và tương hạt. Tương hạt nghiền nhuyễn trộn chung xả băm nhuyễn cùng ớt bằm. Cho tất cả vào chén lớn, thêm nước cốt dừa thêm đường muối vừa ăn rồi trộn đều cho đến khi thành thứ nước chấm sền sệt. Rắc thêm chút đậu phộng rang nữa là thành phẩm.


    Thông thường, người miền Tây rất chuộng nước chấm chua ngọt nhưng riêng lươn um rau ngổ Cà Mau họ nhất định phải dùng thứ nước chấm này. Nó vừa thơm vừa béo, vừa ngọt vừa mặn. Có lẽ vị này nó hợp gu với đặc sản dân dã. Hương vị đồng quê có những nét riêng khó tả bằng lời. Lươn um rau ngổ cũng vậy, thực khách phải tự nếm tự cảm nhận mới thấy cái ngon, đặc biệt.

    Lươn um rau ngổ
    Lươn um rau ngổ
    Lươn um rau ngổ đúng chất miền Tây
  5. Đây là món hải sản vô cùng độc đáo của người dân đất Mũi. "Câu mực tuy cực mà vui - Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài". Chả trứng mực được chiên thành chả có màu vàng rộm đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng của riêng vùng này. Chả được cắt ra từng lát chừng ngón tay vừa đủ ăn, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng trên đĩa. Cuốn từng cuốn chả cùng bánh tráng, sau đó chấm kèm nước mắm nhĩ, hay muối tiêu chanh thì ngon tuyệt. Món đặc sản này đem đến cho du khách cái mềm mại của rau, cái dai mềm của bánh tráng, cái dẻo dai xốp xốp, béo bùi của vị trứng mực.


    Trứng mực vốn đã ngon, banh có thể thưởng thức bằng cách đơn giản là nướng, hấp, xào… Món chả trứng mực chiên sẽ không làm bất kì thực khách nào thất vọng. Những miếng chả được chiên vàng ruộm, ngấm đều gia vị. Khi thưởng thức chúng ta ăn kèm với rau sống, chấm với muối tiêu sẽ vô cùng đưa cơm. Cái mềm thơm, vị ngọt tự nhiên, bùi bùi ngon miệng sẽ làm bạn muốn thưởng thức mãi không thôi. Rau sống giúp cân bằng lại vị giác, đánh bay cảm giác ngán do dầu chiên, bạn cứ muốn ăn mãi, ăn mãi không ngừng mà thôi.

    Chả trứng mực Cà Mau
    Chả trứng mực Cà Mau
    Đặc sản chả trứng mực
    Đặc sản chả trứng mực
  6. Đây là một món ăn dân dã, dễ làm và rất đặc trưng cho miền sông nước Nam Bộ. Tuy nhiên, món cá lóc nướng trui của đất Cà Mau lại có một hương vị vô cùng riêng biệt và độc đáo. Cá khi vừa bắt dưới sông lên đem rửa sạch, dùng que tre hoặc que nứa xuyên qua cá theo hướng từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm khô, châm lửa đốt lửa cho đến khi tro tàn.


    Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xiên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.


    Riêng với cá lóc từ 700 - 800gr trở lên muốn cho thịt cá được chín đều hoàn toàn bạn nên vạch miệng cá ra chế nước vào trong miệng cá sao cho nước vào đầy dạ dày cá rồi mới nướng, làm như vậy khi nướng thì dưới tác động của nhiệt nước trong bụng cá sẽ sôi lên trong môi trường kín làm cho thịt cá được chín hoàn toàn, và một đòi hỏi quan trọng không kém nữa là vật liệu thui cá nhất định phải là rơm thì thịt cá mới thơm và không bị hôi khói. Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm nước mắm chua cay ngọt theo kiểu miền Tây hoặc chấm với nước mắm me. Khi có điều kiện, cá lóc nướng trui có thể thực hiện cầu kì trên lửa than hồng, rưới mỡ hành, cá chín ăn với mắm me và thường được cuốn với bánh tráng, rau thơm các loại.

    Cá lóc nướng trui
    Cá lóc nướng trui
    Cá lóc nướng trui
  7. Bánh tằm gà cay là một món ăn nổi tiếng và không thể không thử khi đến với mảnh đất cuối cùng của Việt Nam này nhé. Người Cà Mau đã kết hợp độc đáo món bánh tằm với cà ri gà để tạo thành một món ăn đặc trưng của miền đất phương Nam yên bình này. Đĩa bánh tầm thơm ngon được chan nước cà ri gà hấp dẫn kèm thêm phần thịt, mề và huyết được băm nhỏ rồi chan lên bánh, sau đó ăn kèm với rau sống là ngon vô cùng. Linh hồn của món bánh tằm cay là nước xốt cay và đậm mùi cà ri. Hầu hết các quán ở Cà Mau đều đưa ra hai lựa chọn dành cho thực khách 2 loại nhân là cà ri gà và cà ri xíu mại hoặc cả hai.

    Bánh tằm
    cho ra dĩa, chịu khó gỡ rời sợi bánh, sau đó cho giá, rau quế, xà lách, huyết, xíu mại và thịt gà lên trên, người bán lấy muỗng chan nước xốt cà ri sền sệt, nóng hôi hổi lên làm bánh thấm vị cay thơm. Khi ăn, vắt thêm chút tắc, chấm kèm với muối ớt chanh thì ngon đến quên trời đất. Hương cà ri tràn ngập khắp miệng, sóng sánh, lớp nọ chồng lên lớp kia, thơm ngọt nhưng cay nồng đến độ rơi nước mắt, trán túa mồ hôi. Cay thế nhưng nó không làm "chết" độ béo và độ ngọt của thịt, của nước xốt. Ấy là cái hay của món bánh tằm cay. Ngoài ra còn có bánh tầm xíu mại cũng độc đáo không kém.

    Bánh tầm gà cay
    Bánh tầm gà cay ngon nhất Cà Mau
    Bánh tầm gà cay ngon nhất Cà Mau
  8. Cua đá Cà Mau vốn là loài tự nhiên không nuôi được, muốn thưởng thức đặc sản này người dân phải đánh bắt thủ công. Đồ nghề chỉ cần có cái giỏ và một cái đèn pin. Tối tối họ xách đèn đi men các con kênh, rọi đèn vào các bụi cỏ để tìm, nếu có cua thì lấy tay chộp là xong. Bắt cua đơn giản như đi chơi là do cua bị ăn đèn, mắt cua nhạy cảm với ánh sáng mạnh, gặp đèn pin nó dần mất tính năng tự chủ, chỉ đứng một chỗ, huơ huơ càng. Mỗi tối bỏ một hai tiếng cũng thu hoạch được kha khá, lúc này ngoài để ăn thì người dân còn bán cho các nhà hàng, quán nhậu để kiếm thêm nhu nhập. Nhờ đó, khách phương xa mới có dịp thưởng thức cua đá rang muối.


    Người ta có câu cua càng chắc thịt càng chắc, cua đá cứng như đá chắc chắn thịt sẽ rất ngon. Qủa đúng như vậy, biết bao món ăn ngon từ loại thực phẩm này đã ra đời: Nào cua đá hấp bia, bún riêu cua đá, nào riêu cháo cua đá, cua đá luộc hèm và không thể thiếu đặc sản tuyệt tác cua đá rang muối. Sở dĩ trong menu cua đá rang muối lại được xứng danh đặc sản là vì cách chế biến giảm thiểu được sự tác động của nhiệt vào các bộ phận bên trong nên giữ được vị ngọt tươi, bùi béo của thịt cua. Cua đá khi rang xong sẽ chuyển sang màu đỏ, thịt cua có màu trắng, rất mềm và hơi dai. Cua có mùi thơm lừng, khi ăn có vị ngọt. Cua đá rang muối thường ăn kèm với rau răm và chấm với muối tiêu chanh đặc biệt nơi đây.

    Cua đá rang muối Cà Mau - Video: SGChill
    Cua đá rang muối
    Cua đá rang muối
  9. Gỏi nhộng ong từng được ví là món ăn “đệ nhất” trong các món ngon của Cà Mau. Nhộng ong ở vùng đất U Minh có rất nhiều và có vị bùi, béo ngậy, ngon vô cùng. Nhộng ong sạch nơi đây có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi. Trong đó, món gỏi nhộng ong có thể được du khách ưa chuộng nhất vì nó có sự kết hợp giữa vị ngon bùi của nhộng ong và vị thơm của các loại rau ở nơi đây. Tổ nhộng ong nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch, là có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi. Trong đó, món nhộng ong trộn gỏi khá được ưa chuộng vì có thể kết hợp vị ngon bùi của nhộng ong và vị thơm của các loại rau.


    Nhộng ong sau khi làm sạch để riêng, phi chảo hành thật thơm rồi cho nhộng ong vào đảo đều, thêm chút gia vị nước mắm ngon, tiêu, chút đường cho đậm đà, rồi để riêng... Bắp chuối non bào sợi thật mảnh, rửa qua nước loãng pha chút giấm rồi vắt ráo, trộn chung với nhộng ong. Đậu phộng giã nhỏ, chút hẹ và vài cong rau thơm xắt nhỏ, tất cả trộn đều chung, thêm chút nước mắm chua ngọt vào thì đã có một món ăn mà tất cả các vị thơm ngon ngọt béo bùi… hòa quyện.


    Nằm ở vùng ven biển cực Nam đất nước ta, Cà Mau từng là vùng rừng thiêng nước độc, không người sinh sống. Đến cuối thế kỷ 17, vùng đất này đã được bàn tay con người khai hoang mở cõi, đã trở thành vùng đất trù phú, dồi dào sản vật địa phương mà những vùng đất khác không thể sánh bằng.

    Nhộng ong
    Nhộng ong
    Gỏi nhộng ong Cà Mau
    Gỏi nhộng ong Cà Mau
  10. Đối với nhiều thực khách khi đến Cà Mau, món bún bì còn khá xa lạ bởi khi đến đây, người ta thường nhắc đến bún mắm, bún bò Nam Bộ, bún kèn, hay bún cá... Nhưng nếu đến Cà Mau bạn không thưởng thức món bún bì thì quả thật là một thiếu sót. Bởi điểm hấp dẫn của bún bì không chỉ nằm ở bì, nem nướng, thịt nướng mà là việc bạn phải húp hết nước mắm để cảm nhận vị ngon của món ăn.


    Bún bì được coi như một món điểm tâm phổ biến, hấp dẫn bởi những cọng bún to, dai, ăn cùng với bì, thịt và chả lụa. Người ăn sẽ bị hấp dẫn bởi những cọng bì vàng ươm, thơm, thịt chọn làm bì phải là loại nạc đùi, ướp gia vị đều và ram cho thơm lừng. Da heo luộc chín với ít gừng để khử mùi, xắt sợi. Gạo rang chín, giã hay xay nhuyễn để tạo thính. Sau khi có ba thành phần thì trộn với nhau, bạn sẽ có bì - thành phần quan trọng nhất của món ăn. Sự thành công của món ăn đòi hỏi người đầu bếp phải thật khéo tay trong khâu trộn bì này.


    Thành phần không thể thiếu được trong món bún bì là nước mắm, bởi nó làm nên hương vị thơm ngon, đặc biệt của món bún bì. Nước mắm phải pha theo tỷ lệ sao cho vừa mặn, cay, chua, the để vừa có thể ướp hương cho các thành phần, vừa có thể uống cạn sau khi dùng hết. Theo kinh nghiệm của nhiều người, nước cốt chanh lấy cũng phải tỉ mỉ, tách lấy thịt như bưởi, sau đó phần thịt chanh được dầm nát, lọc lấy bã rồi lấy nước. Sau đó nước chanh được cho vào mắm đường đã nấu sôi, thêm chút tỏi ớt đã băm nhuyễn. Một bát bún bì sẽ gồm 4 tầng: Rau, bún, thịt (nem nướng, thịt nướng) và một chút đồ chua, đậu phộng giã dập được chan ngập trong nước mắm. Khi ăn, thực khách sẽ trộn đều các nguyên liệu, cảm nhận sự hoà quyện của các nguyên liệu với nhau. Món ăn này sẽ kém ngon khi thiếu giá sống, rau thơm, dưa leo băm.

    Bún bì
    Bún bì
    Món bún bì - Video: Phạm Dũng



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy