Top 10 Điểm du lịch nổi tiếng tỉnh Hưng Yên
Tỉnh Hưng Yên có nền văn minh lúa nước lâu đời, các lễ hội nơi đây phản ánh về phong tục tập quán cũng như văn hóa của người nông dân xưa kia. Song song với ... xem thêm...phong tục tập quán đó là nền văn hóa tâm linh đặc sắc với số lượng lớn các ngôi đền, ngôi chùa cổ kính. Ngoài ra thì các làng nghề truyền thống cũng thu hút nhiều khách thập phương tới khám phá.
-
Làng Nôm – Chùa Nôm
Cách Hà Nội 30 km về hướng đông, chùa Nôm thuộc xã Đại Đồng, Văn Lâm, là ngôi chùa có tiếng ở phố Hiến vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ. Khi bước vào cổng làng Nôm, bạn sẽ bị ấn tượng với cảnh quan cổ xưa của những nếp nhà xưa, mái đình rêu phong, cây đa, giếng nước,… Theo phong tục của làng, mỗi khi khách tới chơi thì ghé qua đình Tam Giang thắp nén hương để cầu may mắn. Sau đó sẽ bước qua 9 nhịp cầu trên phiến đá xanh bắc qua sông Nguyệt Đức, để đến ngôi chùa linh thiêng. Tham quan chùa Nôm bạn sẽ không khỏi bất ngờ với không gian yên bình, vẻ đẹp kỳ bí của những pho tượng linh thiêng. Thuộc thiền phái Lâm Tế, chùa Nôm sở hữu 122 pho tượng phật lớn, nhỏ làm bằng đất. Các pho tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán...Trong vườn chùa, hàng trăm cây hoa mẫu đơn, hoa hồng, hoa đại… đang đến độ ra hoa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, đầy thơ mộng nhưng vẫn giữ nét cổ kính.
Ngoài chùa Nôm, du khách đến đây còn được đắm mình vào một quần thể di tích làng Nôm cổ kính bao gồm cổng làng Nôm, cầu Nôm, chợ Nôm, đình Tam Giang với kiến trúc bằng đá thời Hậu Lê...Cầu Nôm được làm hoàn toàn bằng đá, đến nay đã hơn 200 năm tuổi. Mặt cầu rộng gần 2m, được tạo nên từ những phiến đá xanh lớn với nhiều nét chạm đục cầu kỳ và công phu. Hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ hoa văn rất tinh xảo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quần thể làng Nôm vẫn tồn tại như một nhân chứng lịch sử sống động. Hàng năm, nhất là mỗi dịp lễ, Tết, hàng trăm du khách từ khắp nơi đã về đây để lễ chùa và vãn cảnh làng cổ. Chùa Nôm, làng Nôm là niềm tự hào của người dân Văn Lâm nói riêng và là di tích lịch sử văn hóa có giá trị lâu đời của tỉnh Hưng Yên nói chung.
Địa chỉ: Thôn Nôm, Văn Lâm, Hưng Yên
-
Làng nghề Đúc đồng Lộng Thượng
Làng đúc đồng Lộng Thượng là một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm được đúc từ đồng như: lọ hoa, đỉnh đồng, lư hương,... Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, những sản phẩm đã góp phần vào nét đẹp của chốn kinh thành Thăng Long xưa. Đến đây, bạn sẽ được học hỏi về những kinh nghiệm và được tự tay làm ra sản phẩm từ đồng dưới sự hướng dẫn những người thợ tại đây. Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng được mở rộng và phân công hóa ngành nghề, đã mở các phường sản xuất riêng cho từng mặt hàng như: mâm, chậu, đồ thờ cúng, tượng... Nhờ có sự tổ chức mà làng đã ngày càng phát triển. Từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa trong làng, những sản phẩm ấy đã góp phần vào nét đẹp làng nghề chốn kinh thành Thăng Long xưa. Theo sử sách ghi chép lại rằng, ông tổ nghề đúc đồng ở nơi đây là Khổng Minh Không – Quốc sư triều Lý thế kỷ thứ XII, ông đã đến đây và truyền lại nghề đúc đồng cho dân làng. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn đến Đức Tổ sư - người đã có công lao khai truyền nghiệp quý, người dân nơi đây đã đúc tượng ông và thờ cúng quanh năm.
Theo truyền thuyết tại địa phương thì nghề đúc đồng ở xã Đại Đồng rực rỡ nhất vào thời Lê - Trịnh. Trước năm 1990, bốn trong chín thôn của Đại Đồng là Bùng Đông, Văn Ổ, Xuân Phao và Lộng Thượng vẫn giữ được nghề cổ truyền, nay chỉ còn Lộng Thượng. Làng đúc đồng Lộng Thượng xưa chuyên đúc tượng, đỉnh, chuông, nay chỉ sản xuất đồ thờ cúng như đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bổng, bát hương, những thứ mà trên bàn thờ của mọi gia đình không thể thiếu. Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề, đã thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng.... Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh, làng nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng nâng cao trong kinh nghiệm luyện đồng.
Địa chỉ: Làng Rồng, Văn Lâm, Hưng Yên
-
Đền Chử Đồng Tử
Đền thờ Chử Đồng Tử có ở rất nhiều nơi trên Việt Nam. Ở huyện Khoái Châu - Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 25 km theo đê sông Hồng, có hai ngôi đền thờ Chử Đồng Tử đó là ngôi đền nằm ở thôn Đa Hòa, Bình Minh, bên dòng sông Hồng nhìn ra bãi Tự Nhiên nơi mà nàng công chúa Tiên Dung - con gái vua Hùng thứ 18 nên duyên với chàng Chử nghèo, ngôi đền thứ hai ở thôn Yên Vĩnh, Dạ Trạch, nơi chàng Chử cùng với nhị vị phu nhân về trời. Tuy hai ngôi đền đều thờ Chử Đồng Tử có kiểu dáng kiến trúc truyền thống nhưng lại có sự khác biệt đáng kể để phân biệt. Khách thập phương tới đây không chỉ để đứng trên con đê sông Hồng thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê "xanh xanh lũy tre, ngô khoai biêng biếc, con đò sang ngang", hay ngắm nhìn những bãi phù sa cát trắng, những ánh nắng lung linh trên những hàng cau, mà còn để được đắm mình giữa chốn bồng lai tiên cảnh của đền Đa Hòa và dâng nén nhang tưởng nhớ tới đức thánh Chử Đồng Tử cùng vị phu nhân xinh đẹp Tiên Dung công chúa và nàng Tây Sa công chúa.
Cây cối nơi đây cũng được chọn lọc để tập trung vào chủ điểm khẳng định sự bất tử của đức thánh Chử Đồng Tử cũng như mối tình tuyệt mỹ của ngài. Xen vào đó là những lời hay, ý đẹp và tình yêu bất tử của con người toát lên qua mỗi lời, mỗi chữ của những bức hoành phi, câu đối của những bậc tao nhân, mặc khách mọi thời. Thật là một chốn Bồng Lai tiên cảnh nơi trần thế. Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng hai âm lịch hàng năm ở cả hai ngôi đền này. Truyền thuyết về mối tình giữa nàng công chúa lá ngọc cành vàng với một chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo từ lâu đã trở thành thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Địa chỉ: Bình Minh, Khóai Châu, Hưng Yên
-
Chùa Chuông – Phố Hiến
Chùa Chuông - Phố Hiến là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi danh. Với bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cùng hệ thống những pho tượng cổ đẹp, chùa Chuông đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, nổi tiếng. Chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê và đã trải nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Trong Hưng Yên của Trịnh Như Tấu có viết “Chùa Chuông - phố Hiến nổi tiếng danh lam”. Vào năm 1992, chùa Chuông được ghi nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Tọa lạc tại phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Chùa còn có tên là Kim Chung Tự (chùa Chuông Vàng) bởi gắn với một truyền thuyết cổ xưa.
Tương truyền, vào một năm đại hồng thuỷ, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè không biết từ đâu đã trôi dạt vào bãi sông thuộc thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, vậy mà bô lão thôn Nhân Dục lạy trời khấn Phật hô mười nam thanh nữ tú kéo được chuông lên bờ. Cho là vật báu trời ban, dân làng Nhân Dục bèn góp công, của dựng lại chùa cho rộng rãi hơn và xây lầu treo chuông. Mỗi lần thỉnh chuông, tiếng chuông ngân vang xa hàng vạn dặm. Khi ấy vua quan Bắc quốc lo sợ vì mỗi khi tiếng chuông thỉnh, những báu vật mà chúng cướp được sẽ về với chủ cũ nên đóng giả làm cao tăng tìm đến chùa để lấy cắp chuông vàng. Biết được giã tâm muốn cướp chuông vàng, các Tăng ni đã dấu chuông vàng xuống một chiếc giếng nhỏ. Dần dần những người mang chuông đi dấu đều viên tịch, hậu thế muốn tìm lại chuông nhưng không thấy. Tới đây, du khách có thể thấy được cảnh đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là ở bố cục cân đối, nhịp nhàng, như thấy được trong tâm như được gột bỏ bụi trần để đi đến thế giới của Phật, hướng con người tới tâm và thiện.
Địa chỉ: Hiền Nam, Hưng Yên
-
Đền Ghênh
Đến với đền Ghênh tại thôn Ngọc Quỳnh, Như Quỳnh là bạn được đến với nơi lưu lại những dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan - người phụ nữ tài, đức vẹn toàn suốt đời vì nước, vì dân. Đền Ghênh là công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách triều đại của nhà Lý, nó được chia làm ba phần gồm tiền tế, bái đường, hậu cung. Chính điện quay về hướng nam và nhìn xuống Tam giao thủy. Từ phía xa nhìn tam quan của đền có thể biết được đền xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Đi vào trong sân có một phiến đá lớn để người dân đặt đồ lễ. Toàn bộ ba tòa được xây trên nền cao 9 bậc. Sau đền có hai giếng nước trong xanh quanh năm và nó không bao giờ cạn nên được gọi là mắt rồng, trên bờ có hai cây cổ thụ gọi là mi rồng...
Đến thăm đền Ghênh tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm), du khách thập phương được về với nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài, đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và tương truyền rằng, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh năm 1044, quê ở làng Ghênh Sủi, thuộc hương Thổ Lỗi (nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh). Năm ấy, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi vẫn chưa có con trai, thường đi tới các chùa, quán để cầu tự. Vua đi đến đâu con trai, con gái nô nức đổ ra xem, duy có một người con gái ở hương Thổ Lỗi đang hái dâu, cứ đứng nguyên chỗ, tựa mình vào bụi lan. Vua thấy nàng xinh đẹp, cho đưa vào cung, phong tước phi và đổi tên cho là Ỷ Lan. Khi đó bà ở độ tuổi 18. Ỷ Lan vừa có nhan sắc, lại thông minh, trí tuệ và sinh được con trai nối dõi nên được vua yêu mến phong làm thần phi, sau được gọi là nguyên phi.
Địa chỉ: Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên
-
Hồ Bán Nguyệt
Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Hưng Yên, thì không thể không ghé đến hồ Bán Nguyệt. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên xưa nay là thắng cảnh thu hút khách du lịch. Bất cứ ai đến nơi đây đều mang trong mình ấn tượng sâu đậm về phong cảnh hữu tình, không gian thoáng đãng, cùng các lễ hội được tổ chức hàng năm. Hồ Bán Nguyệt nằm giữa lòng xã Hưng Yên, một nét duyên dáng trong khung cảnh phố phường sầm uất, điểm xuyết phố phương nơi đây. Dáng hồ cong như hình trăng khuyết nên đã được đặt tên là Hồ Bán Nguyệt. Hồ là khúc bỏ lại của dòng sông Hồng khi nó đổi dòng. Hồ Bán Nguyệt có phong cảnh nên thơ hữu tình, nước trong xanh, bốn bề cây cối um tùm, mát dịu, với một bên là phố Nguyệt Hồ và một bên là đê Đại Hà. Không gian dịu êm giữa phố thị, hồ là nguồn hứng thú cho những tao nhân mặc khách. Trong khung cảnh ồn ã, sầm uất của đô thị, hồ Bán Nguyệt như một nét thơ được điểm xuyết vào đó với không gian thoáng đãng, phong cảnh hữu tình. Một bên là phố phường tấp nập, một bên là con đê sông Hồng chạy dài với bờ đê trải thảm cỏ xanh mướt.
Cảnh hồ mây lồng bóng nước, mặt hồ phẳng lặng, nước hồ trong xanh tựa như một tấm gương lớn lung linh soi bóng những hàng cây ven hồ. Chẳng thế mà ông nghè làng Phú Thị, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã phải thốt lên lời khen: Nhất hồ thu tẩy kính quang viên, (Mặt hồ thu quét sáng như gương). Cảnh đẹp của Hồ Bán Nguyệt còn được ví: ”Bàn cuộc đất, hãy gác điều kim cổ, ướm hỏi Châu Doanh cùng Vị Khổn đã đâu hơn hẳn nước non này”(Phú Hồ Bán Nguyệt – Lê Cù). (Châu Doanh và Vị Khổn là địa danh Châu Cầu và Vị Hoàng thuộc tỉnh Hà Nam và Nam Định cũng không thể đẹp hơn được). Hồ Bán Nguyệt là dấu tích của dòng sông Hồng khi đã đổi dòng và cũng chính nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử. Đến thăm hồ Bán Nguyệt Hưng Yên du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị nhất và sẽ thật tuyệt vời khi được đến tận nơi, xem tận mắt vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có như thế này.
Địa chỉ: TP. Hưng Yên, Hưng Yên
-
Văn Miếu Xích Đằng
Hưng Yên – một vùng quê “Hưng thịnh” và “Yên bình”, là quê hương của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng. Người Hưng Yên luôn tự hào có di tích Văn Miếu Xích Đằng là nơi hội tụ những yếu tố tinh hoa trí tuệ, học vấn. Văn miếu Xích Đằng là văn miếu được xây dựng vào năm 1832 thuộc thôn Xích Đằng, Lam Sơn. Trước mặt văn miếu là hai cây gạo hàng trăm tuổi. Khuôn viên Văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu xây dựng theo kiến trúc "chồng diêm hai tầng tám mái”. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên. Hai bên sân là lầu chuông và lầu khánh. Trong đó, lầu chuông treo quả chuông bằng đồng đúc năm 1804 còn lầu khánh mắc một chiếc khánh đá, dựng năm 1803. Phần tiếp theo là hai dải vũ, xây theo kiến trúc 5 gian, xưa kia là nơi các quan để cỗ kiệu, sửa soạn mũ áo trước khi vào lễ Khổng Tử.
Ngày nay, nơi này trưng bày những hình ảnh về giáo dục và du lịch tỉnh. Văn miếu xưa có hai mùa lễ hội. Trọng hội là ngày 10/2 và 10/8. Cứ vào các ngày trọng hội, những vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn miếu tế lễ để thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo làm gương cho con cháu, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ. Ngày nay, hàng năm, vào dịp mùng 4-5 Tết, Văn miếu lại tổ chức lễ hội với các hoạt động như hát ca trù, cho chữ đầu xuân.
Địa chỉ: Lê Quý Đôn, Lam Sơn, Hưng Yên
-
Chùa Thái Lạc
Chùa Thái Lạc nằm ở thôn Thái Lạc, Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Chùa được xây dựng từ đời Trần vào đầu thế kỷ XIV. Chùa xây theo kiểu Nội Công Ngoại Quốc được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX. Bàn thờ ở thượng điện thờ bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là những vị thần trong hệ thống Tứ Pháp. Chùa vẫn còn giữ được những tấm ván bưng chạm khắc của thế kỷ XIV, là những tiêu bản duy nhất Việt Nam, với những đề tài như nhạc công biểu diễn sáo, đàn, nhị, phù điêu chạm rồng phượng... Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin ghi nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu, chùa Bối Khê. Bộ vì kiến trúc kiểu giá chiêng, dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí. Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn. Nếu nguyên vẹn, có khoảng hơn 20 bức chạm nổi các đề tài khác nhau. Trên ván bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên. Trên ván nong trang trí đề tài các tiên nữ. Nơi tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị. Nơi khác, tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn. Có cảnh tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm dàn nhạc ba người đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc. Chùa Thái Lạc còn giữ được tượng Pháp Vân, ba bệ thờ và ba tấm bia đá ghi quá trình trùng tu tôn tạo chùa. Năm 1964, chùa Thái Lạc được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Địa chỉ: Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên
-
Đình Đa Ngưu
Đình Đa Ngưu nằm ở giữa làng Đa Ngưu, Tân Tiến, Văn Giang, là một trong số những ngôi đình cổ của tỉnh Hưng Yên vẫn còn giữ được nguyên vẹn bố cục, cảnh quan kiến trúc, những di vật quý giá. Các cụ cao niên của làng kể rằng, đình đã 7 thế kỷ, đình gồm 2 tòa, ghép thành chữ “sĩ”. Liền với sân đình lát gạch Bát Tràng là vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình trăm cột, đậm kiến trúc của thời nhà Lý – Trần. Đình Đa Ngưu là công trình kiến trúc lạ mắt trong số những nơi thờ Chử Đồng Tử được xếp hạng di tích quốc gia, sau bao nhiêu năm đình làng Đa Ngưu vẫn vững chãi, đẹp uy nghi. Đến đây bạn không chỉ mãn nhãn trước kiến trúc độc đáo của thời nhà Lý – Trần mà còn được lắng nghe những câu chuyện về sự thông minh của những người thợ Việt ngày xưa. Giữa những ồn ào, bon chen của cuộc sống thời mở cửa, đình Đa Ngưu vẫn giữ được không khí trang nghiêm, thanh tịnh như thể bao xô bồ cũng không chạm được tới chốn linh thiêng đó.
Từ xa nhìn vào đã thấy màu đỏ của mái đình với hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt nổi bật giữa sắc xanh của cây lá như giục giã khách bộ hành bước nhanh chân để thưởng lãm cảnh đẹp nơi đây. Bước qua cổng đình, qua giếng Ngọc, qua khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thâm trầm của ngôi đình trăm cột Đa Ngưu mang đậm phong cách thời Lý - Trần. Căn cứ vào dấu tích lăng Bà Chúa cũng như sắc phong của các triều đại (trong đó có sắc phong của Vua Quang Trung năm) xưa để lại, đình Đa Ngưu được xây dựng từ rất sớm. Năm 1520, hai anh em ông Cống Cả, Cống Hai đã đứng lên tổ chức xây dựng đình. Năm 1706, đình được tôn tạo thêm và lại được trùng tu sửa chữa tiếp vào năm 1907.
Địa chỉ: Văn Giang, Hưng Yên
-
Xã Lạc Đạo
Là xã thuộc vùng đồng bằng sông Hồng có mặt đất bằng phẳng, được bồi đắp phù sa màu mỡ. Xã Lạc Đạo được biết đến với nhiều nghề như: nghề làm hóa, nghề nấu rượu, làm mộc, cơm nắm muối vừng... trong đó nổi tiếng là nghề nấu rượu. Rượu Lạc Đạo lắm gạo nhiều men có đã tiếng trên thị trường. Thương hiệu rượu Lạc Đạo là một trong những loại rượu quê nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Một số đặc sản Hưng Yên như là nhãn lồng, mật ong, long nhãn, hạt sen, Đặc sản gà Đông Tảo Hưng Yên, bánh giày, bánh tẻ, bánh cuốn, ếch om Phượng Toàn, tương Bần, Cơm nắm Lạc Đạo... Đến đây bạn sẽ được học hỏi rất nhiều điều thú vị từ làng nghề và thưởng thức nhiều loại đặc sản đấy nhé. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại rượu và người tiêu dùng có xu hướng tìm về với những sản phẩm rượu được chưng cất theo phương pháp truyền thống, không bị pha trộn hóa chất. Chính vì thế, thương hiệu rượu Lạc Đạo đang là một trong những sản phẩm rượu quê nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.
Không ai biết nghề nấu rượu ở Lạc Đạo (Văn Lâm) có từ bao giờ. Chỉ biết đó là một nghề cha truyền con nối. Lớp lớp người Lạc Đạo sinh ra và lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ mình nấu rượu. Thời Pháp thuộc, nghề nấu rượu bị ngăn cấm, ai nấu rượu bị coi là phạm tội và bị tịch thu tài sản. Đó cũng là lúc khó khăn nhất của nghề nấu rượu Lạc Đạo. Theo những người cao tuổi ở Lạc Đạo kể lại, khi đó, trong xã chỉ còn lại rất ít người nấu rượu, và phải nấu vào ban đêm. Rượu được chôn giấu ở dưới chân cột nhà. Do vậy vẫn có những mẻ rượu thơm ngon, đặc sắc ra đời. Và nghề nấu rượu vẫn được kín đáo giữ gìn từ đời này sang đời khác. Lúc đầu người Lạc Đạo chỉ nấu rượu để phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình, đặc biệt là vào các dịp lễ tết, hội hè. Người dân Lạc Đạo xưa nay vẫn chỉ sống bằng cây lúa. Và chính từ những cây lúa do mình gieo trồng ra, đôi tay khéo léo của người Lạc Đạo đã biến những giọt rượu trong vắt, thơm lừng và đặc sắc, ít nơi nào có được. Bây giờ là Lạc Đạo, nhà nào cũng biết nấu rượu. Không chỉ người già, thanh niên mà cả phụ nữ cũng biết nấu. Tiếng thơm của rượu Lạc Đạo xưa vang xa, nên khi kinh tế thị trường phát triển, nghề nấu rượu được coi là hợp pháp, công khai phát triển thì có nhiều người tìm đến mua rượu Lạc Đạo.Địa chỉ: Văn Lâm, Hưng Yên