Top 9 Đoạn văn suy nghĩ về sự cần thiết trong trọng dụng hiền tài hay nhất

Hà Ngô 141 0 Báo lỗi

Những người hiền tài chính là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của một quốc gia dân tộc. Do vậy từ xưa đến nay, hiền tài vẫn được ví như là nguyên khí của quốc ... xem thêm...

  1. Khi xưa, Thân Nhân Trung đã viết "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Quả thật, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí một nguồn chất xám lớn đã và đang xảy ra ở Việt Nam, tạo khoảng cách giàu nghèo rõ rệt giữa nước ta với các cường quốc khác. Một lực lượng lớn trí thức trẻ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở những quốc gia khác có điều kiện sống và phát triển năng lực bản thân mạnh mẽ hơn. Nhiều người sau một thời gian học tập và làm việc tại một số quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mĩ,... đã quyết định định cư lâu dài, không quay trở lại làm việc trong nước. Đất nước muốn giữ được người hiền tài thì phải có những phương án lâu dài và hợp lý trọng dụng người tài. Nhà nước phải có chính sách đào tạo và sử dụng đúng đắn cùng chính sách đãi ngộ trân trọng, hợp lí. Tạo điều kiện thuận lợi để hiền tài phát triển tài năng và cống hiến có hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh, tạo được nhiều môi trường làm việc xứng đáng, phù hợp. Mỗi cá nhân cần không ngừng trau dồi bản thân, bồi dưỡng kiến thức và đạo đức để trở thành hiền tài đất nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Trọng dụng hiền tài là điều hết sức cần thiết ở mọi quốc gia. Một đất nước muốn phát triển thì không thể không chiêu mộ những người tài, người giỏi trước hết là ở trong quê mình. Hiền tài là người hội tụ đầy đủ về đạo đức lẫn trí tuệ. Từ những ngày đầu dựng nước, trọng dụng hiền tài là một cách thức để nhà nước tìm kiếm những vị anh tài giúp ích cho đất nước, để đưa đất nước đi lên. Thông qua các cuộc thi tuyển, không phân biệt xuất thân giàu sang hay thấp hèn, người ta chỉ quan tâm đến cài tài và cái đức. Vậy nên, đến hiện nay, việc học hành đối với chúng ta là quyền bình đẳng. Ai cũng được quyền được đến trường và đi học. Nhà nước luôn khuyến khích chúng ta không ngừng học tập. Các cuộc thi trí tuệ ngày một diễn ra nhiều hơn, mục đích nhằm để tìm kiếm, bồi dưỡng nhân tài để sau này mọi người cống hiến cho quê hương. Một đất nước có hưng thịnh hay không, chỉ cần nhìn vào trình độ học vấn là có thể hiểu được. Trên con đường đua của thế giới, chúng ta ít ganh đua nhau về sức mạnh rằng ai khỏe hơn ai, chúng ta ganh nhau từng bước trên đấu trường kinh tế. Muốn vậy, phải không ngừng học tập, không ngừng tìm tòi, học hỏi, khám phá, sáng tạo thì mới có thể đưa đất nước ngày một tiến xa hơn.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Việc trọng dụng hiền tài luôn là quyết sách quan trọng và ý nghĩa trong các giai đoạn lịch sử. Những người hiền tài chính là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của một quốc gia dân tộc. Từ đây, việc trọng dụng hiền tài không chỉ giúp khai phá tài năng cá nhân mà còn phục vụ vào công cuộc xây dựng đất nước. Ngược theo dòng chảy của lịch sử, các vị vua ở từng triều đại nước ta đều chú trọng tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài. "Chiếu cầu hiền", "Chiếu lập học" là những minh chứng sắc nét cho điều đó. Tất cả các bậc minh quân đều mong muốn người tài đức phát huy tài năng của mình để giúp việc nước, cứu dân lành. Dù là ở thời đại nào, việc trọng dụng hiền tài luôn là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Biết trọng dụng đúng người, đúng cách, đất nước sẽ không ngừng lớn mạnh và có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu". Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như ngày nay, trọng dụng người tài càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, để theo kịp bước đi của thời đại, mỗi người chúng ta hãy luôn ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Tư tưởng của Thân Nhân Trung cho rằng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Có thể nói tư tưởng ông là một tư tưởng hết sức đúng đắn và tiến bộ. Hiền tài là những người tài cao, học rộng lại đức độ, đó là những người vừa có trí tuệ lại vừa có nhân cách đáng trọng. Tài năng, trí tuệ sáng suốt của họ sẽ tạo nên những giá trị, những thành quả, những sản phẩm mới cho con người, cho xã hội, góp phần cải biên xã hội, thúc đẩy xã hội vận động. Để xây dựng một đất nước giàu mạnh về mọi mặt cần thiết phải có những con người tài giỏi, những cá nhân có năng lực, có tài, có trí tuệ thực sự. Bên cạnh tài năng thì đức độ, nhân cách của họ sẽ giúp họ biết sử dụng cái tài của mình vào những mục đích tốt đẹp, tạo ra những giá trị hữu ích cho cuộc sống. Trong một xã hội không thiếu những cá nhân có tài, nhưng trong số đó không phải ai cũng là hiền tài. Có nhiều người có tài nhưng lại thiếu đức. Những người này thường đem cái tài của mình phục vụ cho lợi ích cá nhân; không quan tâm, thậm chí đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng. Trái lại, người hiền tài bao giờ cũng biết suy nghĩ về lợi ích chung của cộng đồng, về những giá trị chân chính đích thực cho con người. Chính vì thế những gì mà họ tạo ra bao giờ cũng đem lại những tác động tích cực, lành mạnh cho sự phát triển, sự tiến bộ chung của cả xã hội. Xã hội, đất nước ngày càng đi lên, ngày càng cường thịnh là nhờ sự đóng góp-của hiền tài. Như vậy, rõ ràng việc trọng dụng hiền tài đúng đắn của một quốc gia có vai trò quyết định tới sự thịnh - suy của một đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Dù ở bất kì thời điểm nào thì việc trọng dụng người tài vẫn luôn là việc cần thiết của mỗi quốc gia. Hiền tài là những con người có học thức, trí tuệ, giỏi giang hơn người và nhân cách tốt đẹp. Trọng dụng người tài không chỉ có ý nghĩa với bản thân người đó mà còn đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Từ xưa đến nay, nhờ có những bậc hiền tài như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh,.... chúng ta mới được sống trong một đất nước hoà bình, thịnh vượng như hiện tại. Nếu không có tri thức và không biết vận dụng tri thức một cách đúng đắn, con người và xã hội sẽ không thể phát triển. Những người tài giỏi luôn biết đưa ra những phương án, cách giải quyết hiệu quả, có được những phương pháp tối ưu, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Không những thế, họ còn có khả năng nắm bắt thời thế, tiếp thu những xu hướng và sáng tạo ra những cái mới. Vì vậy, trọng dụng người tài vừa giúp họ cảm thấy được tôn trọng mà ra sức cống hiến, vừa là tấm gương, động lực để những người khác cùng noi theo.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Trần Nhân Trung từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Quốc gia hưng hay thịnh phụ thuộc vào tư tưởng, trí tuệ của hiền tài, bởi vậy mà việc trọng dụng hiền tài là rất cần thiết. Hiền tài là những con người có học thức, có trí tuệ, giỏi giang hơn người khác và quan trọng là có nhân cách tốt đẹp. Người vừa có tài, có khả năng hoàn thành mọi công việc; vừa có đức, có phẩm chất đạo đức biết sống hết mình vì mọi người, biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,… mới là hiền tài chân chính, là người được quốc gia trọng dụng, đưa đất nước phát triển về mọi mặt. Việc trọng dụng hiền tài là không thể thiếu trong quá trình dựng nước và giữ nước. Từ xưa các bậc đế vương đã biết kêu gọi hiền tài, đề ra những chính sách hấp dẫn người tài giỏi, đưa ra những ích lợi, phần thưởng xứng đáng. Trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bao lần kêu gọi hiền tài góp sức cho đất nước. Dưới sự kêu gọi của Người, rất nhiều người đã đứng lên đóng góp tài năng và trí tuệ của mình: các bậc trí thức tân tiến tài giỏi như Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Giàu, … Dưới sự đóng góp của họ, đất nước ta đã chiến thắng các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ để bước vào nền độc lập, hòa bình, dân chủ. Nếu hiền tài không được kêu gọi, không được trọng dụng thì đất nước ta sẽ chẳng có sự hưng thịnh như ngày nay. Vì vậy, noi theo tấm gương của các bậc đế vương và Hồ chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta hiện nay vấn luôn đề cao vai trò của việc trọng dụng hiền tài, kêu gọi hiền tài đóng góp công sức cho đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Trọng dụng hiền tài luôn đóng vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Đây không chỉ là cơ hội quý báu để mỗi cá nhân có thể bộc lộ tài năng mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Lịch sử cho thấy những bậc "minh quân" đều rất coi trọng người tài, có thể kể đến như: vua Lê Thái Tổ với "Chiếu cầu hiền", vua Quang Trung với "Chiếu lập học". Tất cả đều thể hiện mong muốn có nhiều nhân tài để xây dựng triều đại thịnh trị, làm cho "Quốc thái dân an". Hiện nay, việc trọng dụng hiền tài càng trở nên thiết thực và cấp bách hơn nữa bởi thế giới đang vận hành theo một phương thức mới, nơi mà công nghệ kĩ thuật dần thay thế sức lao động con người. Chính vì vậy, trí tuệ của con người vô cùng đáng giá và là nguồn lực chủ đạo đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Trước vô vàn thách thức, mỗi chúng ta cần cố gắng, học tập không ngừng để cống hiến, dựng xây đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, việc trọng dụng hiền tài cũng vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc trọng dụng hiền tài không chỉ góp phần thúc đẩy tài năng của mỗi cá nhân mà còn có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Ngược về quá khứ, biết bao vị vua anh minh đã không ngần ngại dành ra những phần thưởng xứng đáng cho kẻ sĩ. "Chiếu cầu hiền" đã cho thấy chủ trương đúng đắn của vua Quang Trung trong việc tìm kiếm, kén chọn người tài để xây dựng giang sơn. Có thể thấy, trong suốt chiều dài phát triển của dân tộc, việc tuyển chọn và sử dụng hiền tài trở thành bài học quý báu. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì việc trọng dụng hiền tài là hết sức cần thiết. Là thế hệ trẻ, mỗi chúng ta cần cố gắng học tập, trau dồi không ngừng để cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  9. Ở bất cứ thời đại nào, việc trọng dụng hiền tài cũng đều rất cần thiết. Một đất nước nghèo nàn, lạc hậu hay giàu mạnh đều bắt nguồn từ việc tìm kiếm, bồi dưỡng nhân tài. Thực tế lịch sử đã chứng minh những bậc "minh quân" đều "tìm lẽ trị binh, lấy tuyển nhân tài làm gốc". Vua Lê Thái Tổ trong "Chiếu cầu hiền" đã từng viết: "Người tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải có một phương". Tiếp nối tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng người tài. Bằng chứng là vào ngày 20/11/1946, Bác ra văn bản "Tìm người tài đức" với mong muốn người tài đức góp sức góp của vào sự nghiệp kháng chiến và công cuộc kiến quốc. Việc trọng dụng hiền tài trong bối cảnh hiện nay càng trở nên thiết thực và cấp bách hơn nữa bởi xã hội vận động và phát triển không ngừng. Là thế hệ trẻ, chúng ta cần học tập, trau dồi mỗi ngày để phát triển, dựng xây đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy