Top 10 Tản văn viết về Đà Lạt hay nhất

Phương Kem 1363 0 Báo lỗi

Thành phố Đà Lạt nằm thuộc khu vực cao nguyên, đa phần là đồi núi và thung lũng. Địa hình, địa chất nơi đây cắt xén vô cùng mạnh. Nhờ đó mà cảnh đẹp thiên ... xem thêm...

  1. Giữa tháng tám lãng du tôi đã từng thấy những chùm hoa vàng lác đác hai bên con đường quanh co dựa theo thế núi dẫn đến hồ Tuyền Lâm, bạn tôi bảo đó là hoa Mimosa. Lúc ấy, lần đầu tiên tôi được thấy loài hoa này và chợt nhiên có ấn tượng một cách kì lạ có lẽ trước hết vì cái tên của nó. Hoa như bông tuyết, những bông tuyết màu vàng đang khẽ khàng đung đưa trong gió sớm. Những bước chân của tôi ngày hôm đó vì hoa đã nở mà trở nên nhẹ nhàng dù hồ Tuyền Lâm với sắc nước xanh trong vẫn còn xa lắm, trên kia, nắng đang lấp loáng cho một ngày mà mưa chưa kịp tìm đến, lòng người đang quá đỗi nôn nao.


    Tôi trở về nhà mang theo nỗi nhớ. Cuối thu, tháng Chín nghiêng mình với những cơn mưa xối trên mái nhà rêu phủ, tôi vẫn dõi theo ngày nắng đẹp ở Đà Lạt để rồi một ngày thấy ngập trong mắt mình là một sắc vàng kiêu hãnh. Bây giờ, tâm hồn của Đà Lạt đã nhuốm màu Mimosa, níu bước chân lữ khách bằng loài hoa dường như chỉ dành riêng cho xứ sở này. Đà Lạt ngàn hoa nhưng Mimosa không bị che lấp trong thế giới ngàn hoa đó. Bao nhiêu sự chuẩn bị, chắt chiu để rồi một ngày hoa bung nở, sống trọn mình cho một mùa hoa tha thiết níu chân người.


    Chuyện kể rằng có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết, chàng trai vì cứu mọi người mà ra đi mãi mãi, cô gái tiếc thương, đau đớn, khóc cạn dòng nước mắt rồi biến thành một loài cây hoa vàng. Có lẽ vì thế mà Mimosa luôn cháy hết mình, màu vàng của hoa luôn tươi rói, tinh khôi như nắng mai, hương thơm dịu nhẹ, tinh khiết mà bền bỉ. Suy cho cùng, tình yêu sẽ luôn tồn tại, dù bằng cách này hay cách khác, bằng dáng hình này hay dáng hình khác. Nếu đời hoa là đời người thì ít nhất đời người ấy đã được sống những năm tháng rực rỡ và đẹp đẽ nhất, sẽ không bao giờ hồi tiếc dù vẫn có những dở dang.


    Liệu lạc trong sự rực rỡ, có ai thắc mắc về nỗi lòng của hoa? Có ai hiểu những vi vút rì rào của rừng thông mây phủ. Những con đường tôi qua, loài hoa, loài cây nào thả nhẹ vào tim một nỗi nhớ cồn cào vô hình, một nỗi nhớ không tên mà đằm sâu da diết? Vạn vật hữu linh, tôi nghĩ không phải tự nhiên mà hoa vàng thế, không phải bỗng dưng mà thông sừng sững như kiếm dựng giữa trời xanh. Chúng tồn tại, tôn tạo nhau, dựa vào nhau mà sống, mà âm thầm làm giàu thêm cho mảnh đất đã từng giấu mình thật kĩ, thật sâu, đến mãi sau này người ta mới tìm đến và bất cứ ai dầu lãnh đạm tới đâu cũng không thể không xiêu lòng vì cao nguyên xinh đẹp.


    Người ta đến với Đà Lạt để tìm bình yên, lắng lòng mình lại sau những ồn ào bất tận. Sự mệt mỏi của mưu sinh dường như được bỏ lại, tạm quên đi khi người ta đến với xứ sở này. Đà Lạt cứ lặng lẽ, bao dung mà xoa dịu nỗi đau, vỗ về trái tim tổn thương, vá víu cõi lòng tan nát. Có thể tất cả đều vẫn sẽ ở đó thôi, nhưng ít ra khi lên xứ ngàn hoa, người ta đã được quên chúng dù chỉ trong chốc lát. Đời người, cần lắm những giây phút được lãng quên một điều gì đó và ai cũng xứng đáng được đối xử dịu dàng. Còn tôi, tôi tìm về Đà Lạt để làm đầy giấc mơ còn dang dở, để thấy một sắc vàng trong màu nắng cuối thu. Hoa mỏng manh có đủ chống đỡ cho chất chồng thương nhớ? Cành Mimosa nào long lanh trước mắt tôi, gợi hoài niệm về một thời xa lắm.

    Có đôi lứa nào hò hẹn bên hàng cây Mimosa đang rực lên những đốm lửa, cố cháy hết mình cho một mùa riêng, mãnh liệt như tình yêu của ngày tháng tuổi trẻ nhiều mơ mộng, coi tình yêu là điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Một loài cây vì tình yêu mà được sinh ra, giờ thành chứng nhân cho muôn vàn cuộc tình khác, hẳn nhiên khiến con người ta thấy tạo hóa thật kì diệu, luôn biết cách sắp đặt mọi thứ trở nên phù hợp và hài hòa đến lạ lùng.

    Có sợi nắng nào vắt ngang chùm hoa đang nở rộ, có áng mây nào dùng dằng chẳng muốn bay đi, lòng người vì thế chẳng nỡ cất nỗi nhớ thương một mùa thu vàng ruộm. Giấc mơ hoa cứ mãi tinh khiết như dòng nước mát lành, đủ để xoa dịu những mệt nhoài đời thực. Vì thế, tôi cố chấp mà bước mãi trong đó chẳng dừng, Mimosa ngập tràn xung quanh, vây kín, ôm lấy tôi bao dung che chở. Tôi ước gì mình trở thành những chú đom đóm, ban ngày ẩn nhẫn ở trong tán lá, ban đêm thắp lên ngọn lửa nhỏ để tiếp nối sắc vàng của hoa, để màu hoa cứ thế mà trở nên bất tận…


    Nhưng tôi tỉnh dậy rồi, mùa hoa Mimosa cũng sắp rời đi nhường chỗ cho những mùa hoa mới. Cây lại tiếp tục chắt chiu, dành dụm tinh túy của đất trời để biến chúng thành dòng nhựa sống dạt dào, chuẩn bị cho mùa vàng ngọt ngào tiếp theo trong mùa thu năm tới, ấy là bí mật của sự sống, là vòng tuần hoàn quý giá, linh thiêng.

    Còn tôi, từ nay trở đi, trong những khi da diết, cồn cào nhớ về Đà Lạt, ngoài kí ức về những con đường dốc quanh co, những rừng thông nắng xiên ngang rực rỡ, những đỉnh núi mây trắng che phủ quanh năm thì còn có một kí ức khác, kí ức về một loài hoa khi bung nở nhìn tựa những bông tuyết nhỏ, những bông tuyết ấy có màu của ngọn lửa, ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa bình yên, ngọn lửa sưởi ấm, làm mềm lại những thân cây thông gân guốc xù xì, ngọn lửa kiêu kì làm lòng tôi mãi neo lại đó không rời.


    Nguyễn Hiên

    Đà Lạt kiêu kỳ một giấc mơ hoa
    Đà Lạt kiêu kỳ một giấc mơ hoa
    Đà Lạt kiêu kỳ một giấc mơ hoa
    Đà Lạt kiêu kỳ một giấc mơ hoa

  2. Không hiểu vì sao tôi cứ thích về thăm Đà Lạt. Có phải thành phố này nhiều hương, nhiều hoa, nhiều con dốc xô nghiêng về phía lòng hồ Xuân Hương, Than Thở. Có phải thành phố trên cao rì rào mùa thông thay lá, nao nao lòng người một sắc vàng tô điểm Mimosa.


    Thành phố trên cao uốn mình qua con đường Thánh Mẫu, mùa gieo hạt thông non mọc kín những chân đồi. Thành phố ẩn mình sau những vạt đồi đất đỏ, những bãi dâu vạt vườn mùa hạ cháy lên xanh. Những lưng đồi như bờ vai người mẹ hiền tần tảo, cắm cúi suốt đời cho hoa lá sinh sôi. Những lưng đồi miên man gối lên miền mây trắng, róc rách nhẹ ngân vũ khúc dương cầm. Đà Lạt có bao nhiêu lưng đồi là có bấy nhiêu điều huyền thoại, mà huyền thoại nào cũng gắn hồn mình với một thuở dịu dàng tình tứ, với rung cảm dễ thương, xúc động lòng người. Điều diệu kỳ của tình yêu lứa đôi.


    Có thể nói, những lưng đồi nỗi nhớ bàng bạc trong mắt người đi xa, xa lắm chưa về. Lưng đồi Lang - Biang lời nguyền chia cắt, núi hóa ông, hóa bà, hóa sữa mát cho cây. Lưng đồi Đồi Thông Hai Mộ ướt đẫm câu chuyện tình buồn chiều giăng cơn mưa nhỏ, ướt cả xa xưa, ướt cả bây giờ. Lưng đồi làng Cù Lần mù sương, nhịp cầu chênh vênh qua ba con suối, chẳng biết ai qua chợ Chồm Hổm mua gì! Chỉ biết khi chết đi họ gửi thân mình về lưng núi, bồi đắp tôn cao cho dáng núi trữ tình.


    Hình như, người Đà Lạt sinh ra bên những lưng đồi gió nhẹ. Tuổi ấu thơ và thở hoa niên tắm mình trong thế giới của các loài hoa, tức là tắm mình trong cái đẹp nên cách sống cũng tĩnh lặng, nhẹ nhàng và thoáng chút mộng mơ. Chưa có ở đâu và ở nơi nào lại có nhiều danh từ Tình yêu đến thế. Nào là Thung lũng Tình Yêu, cây Tình yêu, tín vật Tình yêu, con đường Tình yêu, những ngôi nhà, góc phố Tình yêu và cả triệu triệu đóa hồng dành cho ngày Tình yêu nữa. Chẳng có nơi nào ở miền Nam mà địa danh mang tính người, tình người nhiều như vậy. Nào là hồ Than Thở, đồi Mộng Mơ, hồ Đa Thiện, Xuân Hương, cung đường Đa Phúc... Đà Lạt mùa thu, hoa không còn rực rỡ như vài ba tháng trước, nhưng cũng đủ tỏa hương đêm cho ký ức bay về.


    Đà Lạt những lưng đồi cà phê ấm lòng trong cái se lạnh khẽ khàng. Đà Lạt những lưng đồi nhạc Trịnh, "buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua". Mỗi chuyến mưa qua là một khoảnh khắc đam mê, nhẹ nhàng. Phải chăng, đây là những chuyến mưa gột rửa, thanh lọc tâm hồn trong cái buổi ồn ào hỗn tạp. Có như vậy mới "ngóng", mới đợi chờ, mới thiết tha và mới "Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Đời sau sỏi đá cũng cần có nhau"! Đà Lạt liêu trai, huyền bí rờn rợn nhập vào hồn ca sĩ bao giai điệu xưa dằng dặc nỗi buồn. Tháng bảy, về với những lưng đồi, tôi nghe bước chân Trường Sơn, nghe hạt muối đại ngàn và hai chữ tri ân nằng nặng, nghe một thời hoa đỏ dịu dàng nửa còn nửa mất, nghe hoa dại Cao Nguyên kiếp sống tạm bên đường.


    Đà Lạt - thành phố lưng đồi đánh thức bởi tiếng chuông nhà thờ Gà Trống và vút lên dáng thông bên trời xứ sở. Mưa lất phất bay qua những mái nhà rong rêu, mưa chợt đến bên gốc thông già bài ca du mục, mưa giăng qua mặt hồ vị Thiền sen súng, mưa ướt bên hiên giọt nhỏ lặng bên thềm. Đà Lạt bình minh, sương nhẹ len qua con đường Ánh Sáng, đọng trên cánh hồng một mùa thu nhỏ. Cỏ nảy lá đâm mầm chồi mới nhú xanh non!


    Lương Minh Chung

    Thành phố những lưng đồi
    Thành phố những lưng đồi
    Thành phố những lưng đồi
    Thành phố những lưng đồi
  3. Trong năm nay đây là lần đầu tiên tôi được đến Đà Lạt và tôi bần thần trước sắc phượng tím nơi đây. Khi nhắc chữ phượng tôi nghĩ đó sẽ là màu hoa đỏ nhưng thật không ngờ ở Đà Lạt chữ phượng này lại là một màu hoa tím nét đẹp mê hồn trên từng con đường chân tôi bước qua…ôi tháng tư một màu tím đẹp trở về...


    Một buổi chiều gió đưa hoa phượng tím lung lay, nhẹ nhàng đi lòng người. Loài hoa giản đơn, níu chân những những vị khách lữ hành với nét đẹp dịu dàng, đằm thắm và đầy hoài niệm.


    Chiều ngược xuôi trên con phố tấp nập, hoa phượng tím Đà Lạt vẫn đứng đó, trải dài theo năm tháng. Xuân - hạ - thu - đông các mùa trôi qua phượng tím vẫn lặng lẽ in dấu vào lòng người như một chứng nhân khó phai mờ. Cũng từ đây tôi biết một màu sắc hoa phượng nữa đó là màu tím mà chỉ nơi Đà Lạt mới có. Tôi yêu và tìm hiểu thêm về loài hoa này. Tôi được biết:


    Hoa phượng tím Đà Lạt đã có từ rất lâu và tồn tại đến bây giờ, loài hoa này không phải hoa thuần Việt Nam mà có nguồn gốc từ Nam Mỹ sau được du nhập vào nước ta. Trong thế giới hoa ở Đà Lạt thì phượng tím cũng là một biểu tượng đặc sắc.


    Không giống với phượng vỹ phượng tím lại yêu một khí hậu vô cùng se lạnh và mát mẻ nên Đà Lạt là nơi phù hợp để phượng tím thích nghi và phát triển. Tôi bước chân trên các nẻo đường nơi đây nhìn những sắc phượng tím thấy vô cùng lãng mạn. Có lẽ đây cũng chính là một trong những tuyệt diệu tạo nên thành phố Đà Lạt mộng mơ.


    Thành phố mộng mơ sắc đẹp phượng tím được nở rộ vào tháng tư khi những cánh hoa mai amh đào ngọt ngào cuối cùng rơi xuống thì là thời điểm mà cánh phượng tím khoe sắc. Tôi nhận thấy ai đến Đà Lạt vào lúc này thì có thể đắm mình trong không gian thơ mộng tràn ngập sắc tím. Cùng với đó bạn cũng có thể lưu giữ lại cho mình những bức ảnh thật đẹp tại nơi đây.Ở Đà Lạt tháng tư thời tiết se lạnh , nhìn những cánh hoa phượng tím rơi rơi khiến lòng thổn thức, bồi hồi man mác nhớ thương. Ai đã đến thăm một lần có lẽ sẽ nhớ mãi cái dư vị này.


    Bên cạnh đó, tháng 4 là tháng tượng trưng cho nữ thần tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp, tương đương với thần Venus trong thần thoại La Mã. Phải chăng vì lý do đó mà hoa phượng tím Đà Lạt mới nở vào tháng 4? Đừng quên thử một lần du lịch Đà Lạt tháng 4 để được thưởng trọn vẻ đẹp của loài hoa này.


    Hoa phượng tím mang trong mình nét dung dị, mộc mạc làm xao xuyến lòng người. Giản đơn mà hiền dịu như chính con người Đà Lạt vậy. Ở đây, không khí mát mẻ, không xô bồ tấp nập, như các phố thị lớn. Con người cũng trầm lắng để có chút thời gian ngắm nhìn hoa phượng, lặng im thưởng thức tách cà phê nóng mỗi sáng dưới tán phượng tím lãng mạn. Và chính tôi đã cảm nhận được hương vị này khi đến Đà Lạt vào tháng tư. Nhìn những cánh hoa phượng tím mỏng manh mang đến cho tâm hồn tôi một nét buồn trầm tư xao xuyến. Một sắc tím buồn mang mác khiến ai cũng nghĩ đến thôi. Tôi thấy vương vấn Đà Lạt và không muốn trở về.


    Trên nền trời xanh thẳm có những sắc tím hòa quyện nhau dưới chân là những cánh tím theo những con đường nhìn mãi không thấy điểm dừng. Nếu bạn yêu thiên nhiên yêu màu tím thủy chung vẻ đẹp đơn giản bình dị hãy theo chân tôi đến nơi đây chụp ảnh và ngắm nhìn màu tím hoa phượng nơi đây. Một vẻ đẹp mộc mạc mà vô cùng thơ mộng, đến Đà Lạt tháng tư này nha bạn…..


    Sưu tầm

    Hoa phượng tím Đà Lạt chào đón tháng 4
    Hoa phượng tím Đà Lạt chào đón tháng 4
    Hoa phượng tím Đà Lạt chào đón tháng 4
    Hoa phượng tím Đà Lạt chào đón tháng 4
  4. Tôi đến Đà Lạt một chiều mưa. Không, nói đúng hơn thành phố cao nguyên này chiều hạ nào chẳng mưa một cơn làm duyên. Mưa nhẹ thôi, như đùa! Mưa ỡm ờ như vắt tấm khăn voan mỏng manh phủ bụi lòng du khách. Và những cơn mưa dịu dàng ấy khiến phố núi thơ hơn, mộng hơn, mang vẻ đẹp u buồn đặc trưng của Đà Lạt hút hồn lãng khách...


    Chiều cuối tuần, phố núi sầm uất, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Dân mọi nơi về đây nghỉ dưỡng. Những quý ông, quý bà lấp lánh kim tiền tỏa ra từ mái tóc, hàm răng. Những quý cô, quý cậu tay trong tay tình tứ mắt sóng sánh niềm hạnh phúc viên mãn. Dòng người nườm nượp như mắc cửi. Xe hơi nối đuôi nhau đậu kín lề đường.


    Tôi bỗng thấy có chút bâng khuâng. Đà Lạt mà tôi mơ không phải thế này, hoang sơ và tịch mịch như áng thơ buồn cơ! Tôi thèm mê mải vẻ chậm buồn, êm đềm cố hữu của Đà Lạt. Nhưng tôi kịp nhủ lòng "Cuộc sống vạn biến. Hà cớ sao mình phải khư khư niềm si mê bảo thủ, khe khắt ấy?". Và tôi hòa vào dòng người.


    Đêm! Đà Lạt như cô sơn nữ trút bỏ chiếc váy thổ cẩm, mạnh bạo khoác lên người chiếc đầm sexy. Những con đường vòng mềm mại lung linh đèn cao áp. Lấp lánh ánh đèn nháy, đèn màu hắt ra từ các quán hàng sang trọng khiến phố núi mang vẻ đẹp hiện đại, phồn hoa. Du khách thong thả tản bộ và thưởng thức ẩm thực Đà Lạt. Những quán ăn vỉa hè thu hút một lượng du khách lớn: Người bình dân hoặc những người có thú phiêu diêu. Dân thượng lưu chọn những nhà hàng sang trọng. Còn các cặp tình nhân đưa nhau vào những quán cà phê để nhâm nhi từng giọt đắng, giọt tình.


    Người Đà Lạt hồn hậu, chân tình và giàu lòng tự trọng. Ngay cả những người hành khất cũng mang nét riêng Đà Lạt. Họ ngồi lặng lẽ một góc, không làm phiền du khách, ai cho tiền, họ mỉm cười cúi đầu cảm ơn rất tế nhị. Tôi bị cuốn vào hình ảnh người phụ nữ ôm một đứa nhỏ, khoác một cái bị; một cái nón rách đặt trước mặt. Đứa trẻ hồn nhiên toe toét cười, chưa hiểu được những cơ cực của người mẹ trong cuộc mưu sinh. Xót lòng, tôi lại gần cho mẹ con họ ít tiền rồi vuốt ve đứa bé. Đi rồi, ngoảnh lại, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt đứa trẻ nhìn theo mình với nụ cười trong veo và ánh mắt biết ơn của người mẹ nghèo.


    Người bán hàng ở Đà Lạt không chèo kéo khách hàng, chẳng săn đón, ép giá và cũng chẳng có cảnh chặt chém khách như mọi khu du lịch. Họ mời chào nhẹ nhàng, tinh tế lắm! Tôi bùi tai mua ít dâu Tây cho bọn nhỏ. Theo chân mọi người, tôi háo hức đi chợ đêm bởi lẽ theo lời người dân ở đây "không đến chợ đêm coi như chưa đến Đà Lạt". Gọi là chợ đêm bởi chợ họp ban đêm. Những xe đẩy bán đồ ăn hấp dẫn: chim sẻ nướng, gà rừng luộc nóng hổi cùng cả buồng trứng non. Hàng bán đồ chơi rong cho trẻ con nhiều hơn cả. Men lối đi là những hàng hoa quả đặc sản Đà Lạt: dâu Tây, a-ti-so... Rồi la liệt những mẹt thuốc nam từ núi rừng của những người bán hàng ăn vận trang phục dân tộc thiểu số.


    Nhưng ấn tượng hơn cả là kiểu bán hàng độc đáo, vừa lạ vừa pha chút hiện đại mà vẫn giữ được nét thô mộc, hoang sơ của người dân miền sơn cước. Đó là những hàng quần áo dọc cổng chợ, chỉ từ 25 - 30 nghìn. Người bán hàng mặc quần áo dân tộc thiểu số, cầm bất kỳ một cái quần, áo, giơ lên rồi “hét lớn” giá bán: hai lăm, hai lăm, hai lăm! Đối diện, một người bán khác cũng hét lên: ba mươi, ba mươi, ba mươi, ba mươi! Hàng bán, người mua được chọn thoải mái nhưng không mặc cả, thêm bớt. Hết mùa, mang về sang năm bán tiếp chứ không hạ giá.


    Đêm! Gió thổi lồng lộng, rét run người. Lạ thật! Miền Bắc nắng thư thiêu như đốt, vậy mà Đà Lạt vẫn rét như mùa đông. Người ta gọi Đà Lạt là xứ lạnh quả không sai. Tôi thực sự bất ngờ và thích thú với thời tiết nơi đây. Cái lạnh Đà Lạt đánh thức trong tôi một cảm giác quen quen khó tả, nó khiến tôi ngửi được mùi của mùa đông miền Bắc năm ngoái, năm kia và năm kia nữa...


    Cũng như bao du khách, tôi ghé một hàng quần áo bày mặt đất ven cổng chợ mua tạm một chiếc áo khoác vào cho đỡ rét. Giá quá rẻ mà áo lại vừa ý đến thế! Kệ trời rét và mưa giăng mắc như sương phủ, tôi vẫn trôi phiêu. Mưa bụi ấy mà! Chỉ cần đưa tay vuốt nhẹ là những hạt mưa lấm tấm, mong manh trôi không dấu vết. Ngửa mặt, tôi nhâm nhi từng giọt mưa bụi lãng đãng. Là tôi đang uống mưa hay đang uống từng giọt Đà Lạt để thỏa cơn khát bấy lâu? Tôi lang thang dạo bộ khắp các con đường. Cái lạnh khiến Đà Lạt buồn và lãng mạn hơn, huyền hoặc hơn; khiến người ta cô đơn hơn, mê nhớ hơn, thèm một bờ vai hơn!


    Tôi bước đi vô định để mặc dòng cảm xúc đưa đẩy mà cảm nhận đúng nghĩa đêm Đà Lạt. Lòng vòng từ con đường nọ bắt nối con phố kia, bỗng nhiên tôi đứng trước nhà thờ tự lúc nào không hay! Lời thánh ca buồn vọng ra từ giáo đường khiến tôi lơ lửng như thoát xác. Lặng lẽ tiến vào sân giáo đường, tôi cảm nhận một không khí trang nghiêm toát lên từ những tiếng cầu kinh của những con chiên ngoan đạo. Bỗng nhiên con tim kẻ ngoại đạo như tôi chợt rộn ràng.


    Buổi cầu kinh kết thúc. Mọi người ra về, còn tôi vẫn nán lại. Tôi muốn ngắm nhìn khoảnh khắc nhà thờ u tịch không bóng người. Vị linh mục điềm đạm bước ra cất giọng Bắc pha Nam ngọt như mía lùi:

    - Con cần chi?

    Tôi e dè đáp:

    - Thưa cha, không có gì, con là dân ngoại đạo!

    Linh mục mỉm cười:

    - Một khách lãng du!

    Tôi đưa tay làm dấu thánh một cách vụng về:

    - Dạ, chào cha, con về!

    - Chào con! - linh mục bước đi rồi bất ngờ quay lại nói với theo:

    - Con vẫn có thể đến nhà thờ cho tâm hồn thanh thản.


    Tôi ra về. Đường phố vắng ngắt! Lác đác một vài đôi tình nhân bên hồ Xuân Hương hoặc trên đồi thông vắng. Trong màn đêm huyền bí, ẩn hiện những ngôi biệt thự cổ thời Pháp trầm tư mặc tưởng như người góa phụ quay quắt trong đêm dài. Một cơn gió rít gào xuyên qua da thịt tôi, bay tóc rối. Lạnh người! Tôi bất giác nghĩ đến những biệt thự ma huyền thoại. Liệu có thật chăng hay chỉ là những giai thoại thêu dệt làm tăng phần hấp dẫn du khách? Dù sao nữa thì những ngôi biệt thự ấy cũng khiến Đà Lạt có một vẻ đẹp liêu trai.


    Tôi sẽ đặt chân đến đó nhưng không phải đêm nay!


    Tinh mơ, tôi thức dậy. Choàng tấm áo ngủ mong manh bước ra ban công. Trời se lạnh, gió thổi lồng lộng, khẽ rùng mình, tôi pha một tách trà cung đình đưa ngang mặt hít hà. Những sợi khói bốc lên sưởi ấm cơ thể tôi. Từ lan can, tôi mơ màng ngắm toàn cảnh Đà Lạt trong sương. Phố núi êm đềm bồng bềnh trong màn sương mù buổi sớm khiến Đà Lạt hư ảo như chốn bồng lai tiên cảnh. Và thanh tịch đến vô cùng! Một tiếng xe máy lạc lõng, một tiếng rao buổi sớm của người bán quà rong đều trở nên đủ xé tan sự im lặng của màn đêm. Vạt sương sớm mong manh như tấm khăn voan yêu kiều của cô dâu phủ hờ hững lên núi đồi, mạ bạc con đường mòn lên núi, giăng mắc vào những ngôi biệt thự cổ khiến Đà Lạt có vẻ đẹp của một nàng thơ. Xa xa, những cây thông tư lự trong giấc ngủ mỏi mòn. Tháp chuông nhà thờ trầm mặc như con chiên ngoan đạo trong đêm dài chờ ngày sám hối.


    Đà Lạt đó! Chỉ có Đà Lạt mới cảm thấu con tim đang thét gào vì nổi loạn trong tôi. Chỉ có Đà Lạt mới đủ bao dung độ lượng để thứ tha cho những lầm lạc của một kẻ phiêu lãng như tôi. Và cũng chỉ Đà Lạt mới có thể lay động hồn tôi, đánh thức những trắc ẩn trong sâu thẳm cõi lòng để rồi nghe như tiếng tim mình nức nở, òa vỡ trong câm lặng. Tôi muốn khóc! Muốn ngụp lặn trong khoảnh khắc Đà Lạt còn chìm trong giấc ngủ mơ màng. Tôi nghe vết thương lòng đang được xoa dịu. Và bản ngã hồi sinh...


    Anh Phan

    Nhớ thương Đà Lạt
    Nhớ thương Đà Lạt
    Nhớ thương Đà Lạt
    Nhớ thương Đà Lạt
  5. Mùa Giáng sinh về cho lòng mình một chút chênh chao…


    Biển chiều nay xanh quá, gió cứ thổi… lay hoài miền ký ức. Tôi bước đi dưới hàng dừa nghiêng nghiêng bãi Trước, nghe sóng vỗ ì oạp vào vách đá, bâng quơ ngắm những con thuyền nằm lặng yên trong nắng sau những ngày rong ruổi khơi xa mà nghĩ về đời người khi đã vào Đông.


    Mùa Đông đâu chỉ có lạnh lùng và gió bấc, đâu chỉ có bầu trời màu xám trĩu mây và những hàng cây trụi lá, âm thầm góc phố bên hồ ghế đá đơn côi ướt lạnh sương đêm…dẫu những hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong tôi mặc dù xa Hà Nội mấy chục năm rồi. Mùa Đông còn là mùa dịu dàng với cúc Họa mi trắng tinh khôi theo chân người vào phố, rực rỡ màu vàng của hoa cải bên sông, ấm áp những tối quay quần cùng bạn hữu bên ánh lửa với tiếng ghita bập bùng. Giáng sinh cũng là món quà đặc biệt của mỗi mùa Đông.


    Ký ức luôn đưa tôi trở về với Giáng sinh tuổi thơ trong xóm đạo ngoại ô thành phố Vinh thời sơ tán. Theo lũ bạn Công giáo đi nhà thờ từ chập tối, quỳ giữa những giáo dân, bên tai vang lên tiếng đọc kinh đều đều của họ, tôi chẳng thấy được Đức Chúa hiện hình chói lòa như lời hứa mấy đứa bạn mà chỉ thấy tê chân và buồn ngủ rũ rượi. Ra khỏi nhà thờ đã quá nửa đêm, gió lạnh thông thốc thổi, mắt nhắm mắt mở tôi loạng choạng đi về nhà chui vào chăn ấm. Sáng hôm sau cả lũ em trai được dịp “chọc quê” bà chị ngố của chúng , người luôn muốn tìm hiểu và tin vào những điều thần kỳ trong cuộc sống (và suốt cả cuộc đời phải trả giá không ít lần cho những niềm tin ngu ngơ ấy)


    Noel 1976, khi đã là cô sinh viên với bao náo nức của năm Đại học đầu tiên, tôi lại theo cô bạn thân người Công giáo đến nhà thờ Lớn Hà Nội. Trở về ký túc xá của trường trong đêm Giáng sinh se lạnh, lần đầu tiên tôi ngẫm nghĩ về hình ảnh Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ và thấy cảm thương thân phận người đàn bà (đức mẹ Maria) khi phải vượt cạn ở một nơi nghèo nàn, lạnh lẽo, cô đơn…Giáng sinh đã mất đi vẻ lung linh huyền bí trong tôi dẫu còn đó những náo nức của những ngày đón chờ bởi nó như một sự hẹn hò vui tươi cho tình bạn, tình yêu giữa mùa Đông giá lạnh…


    Tôi đã có một mùa Giáng sinh Đà Lạt với tiếng chuông Thánh đường ngân nga hòa cùng tiếng thông reo xào xạc. Những con dốc quanh co hun hút gió, âm u ánh đèn vàng mỗi tối làm lòng tôi neo giữ nơi này. Tôi thấy thương một Đà Lạt trầm buồn của những năm tám mươi, tôi tương tư những nẻo đường đầy hoa, hồ nước lặng giữa lòng thành phố, tháp chuông nhà thờ Con Gà vươn giữa một trời mây xám mùa Đông…Bởi vậy tôi luôn muốn trở lại với Đà Lạt mỗi khi có dịp để tưởng như còn đó vòng tay ấm và ánh mắt nồng nàn của chàng trai xứ đạo tiễn tôi đi trong một sáng mù sương. Để từ đó, với tôi Giáng sinh là Đà Lạt, Giáng sinh là nỗi nhớ, nỗi buồn man mác về một thành phố cao nguyên mà tôi không chọn để trao gửi cuộc đời mình!


    Tôi chọn sống nơi thành phố biển khoáng đạt với trời xanh, gió lộng, biển mênh mang và những con đường tràn ngập mùi hương hoa sứ. Mỗi dịp Giáng sinh về phố phường náo nức với hoa, với nhạc, với ánh sáng rực rỡ…nhưng sự huyền diệu lung linh trong lòng tôi thì đã gửi lại chốn xa vời. Đêm Chúa ra đời, nếu không có những cuộc gặp gỡ bạn bè, tôi thường ngồi lặng lẽ trong nhà mình nghe lại những bản nhạc Giáng sinh, thả hồn mình vào những kỷ niệm xa xưa và kỳ lạ thay vẫn thấy nhói lòng thương đức mẹ Maria với thân phận đàn bà xa xót dẫu sinh cho đời một vĩ nhân.


    Giáng sinh về, niềm hân hoan đến với muôn người. Người ta chờ đợi những niềm vui hạnh phúc, người ta đón nhận và trao gửi yêu thương. Ngắm những đôi trẻ tay trong tay, mắt ngời lên say đắm bên nhau tôi luôn biết Giáng sinh là dịp mang lại những ngọt ngào, tươi đẹp cho cuộc sống con người. Hãy tận hưởng và trân trọng những tháng ngày vui, hãy nắm chặt tay nhau dẫu sẽ có những bão bùng, sóng gió! Tôi luôn muốn nói với các con mình và lớp trẻ như vậy. Vì hơn ai hết tôi hiểu mùa Đông không chỉ có những ngày Giáng sinh vui…


    Và dẫu sao thì mùa Giáng sinh ấm áp vẫn cứ về mỗi năm trong niềm tin và hy vọng một cuộc sống an lành, hạnh phúc cho muôn người!


    - Sưu tầm -

    Mùa giáng sinh về
    Mùa giáng sinh về
    Mùa giáng sinh về
    Mùa giáng sinh về
  6. Tôi chẳng vay gì Đà Lạt. Đà Lạt cũng chẳng nợ gì tôi. Chẳng có cái mất nào sắp phải đối mặt, cũng chẳng có cái được nào đang ngóng chờ. Không cố nhân, chẳng tân nhân. Những chỗ đáng đi thì đều đã tới. Đà Lạt có còn xa lạ gì đâu.


    Lần này vào, cũng không vì công to việc lớn, chỉ là một cuộc tập huấn rồi nghỉ cuối tuần. Tự trích ngang ra thế, tôi ngờ mình bay vào đây cũng như bay đến bao chốn khác thôi… Cớ gì khi màu thông xanh chợt xao động dưới mây, tôi vẫn nhoài ra ? Cớ gì khi thấy hồ Xuân Hương lươn lướt dưới cánh máy bay, tôi vẫn cứ nghển cổ trông theo mãi? Có cái gì như xốn xang, như chực tràn bờ. Sao thế nhỉ ? Tôi kì vọng điều gì ở dưới ấy ? Tôi định kiếm tìm gì ở Đà Lạt ? Chẳng nhẽ chỉ vì một tuần được bứt khỏi Hà Nội, được nghỉ, được quên đang đợi mình dưới kia thôi sao ? Hay Đà Lạt thầm ám tôi mà tôi không hay biết ?


    Ôn đới gần


    Tôi đồ rằng, do bất bình trước cái việc tạo hóa đã ném mình vào nắng nung khiến thân nhiệt lúc nào cũng nồng nã vã sáng, xứ nhiệt đới này đã gồng mình cướp lại bằng được một phần ôn đới rồi đem về cất giấu tận trên cao nguyên Di Linh làm của để dành. Vì thế mà có Đà Lạt. Đà Lạt được giấu kín như thế hàng kỉ nguyên sau mây mù và rừng núi rậm rạp. Kín đến nỗi chính xứ nhiệt đới cũng từng quên mất nó. Chỉ đến khi một người Pháp tốt bụng là Yersin kiên nhẫn dò tìm và phát hiện ra, thì Đà Lạt mới được khua dậy, được dắt tay ra khỏi lãng quên. Lập tức người Pháp ở Đông Dương chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng khi không thể về bản quốc.


    Lên đây, họ cảm thấy được hồi hương ngay tại xứ người. Người Việt xem Đà Lạt như một ôn đới gần, một ôn đới nằm gọn trong vòng tay nhiệt đới. Từ Hà Nội bay vào hay Sài Gòn bay ra, họ đều cất cánh từ mùa hạ, sau vài tiếng đồng hồ, đáp cánh xuống mùa thu. Người bị ngập đầu trong guồng quay công việc tìm về đây cho ngày cuối tuần thư giãn, y như thỏi sắt nung được nhúng vào nước lạnh.


    Người cầm tù trong nhịp sống tĩnh tại, thời gian biểu quẩn quanh, tìm về đây như một dịp thau chua rửa mặn, được sống những nhu cầu khuất lấp trong mình. Có phải ngàn thông là một bộ lọc tận tụy vô tư cho Đà Lạt không ? Bao bọc Đà Lạt trong lòng mình, ru vỗ Đà Lạt trong cái nôi xanh đời đời của mình, thông cao nguyên cứ lặng thầm lọc nóng thành mát, đục thành trong, tục thành thanh, ồn ã thành êm ả, nhiệt đới thành ôn đới.


    Người đến Đà Lạt ngỡ như được làm mát, làm trong lại mình. Ôi, người Việt Nam những thế hệ trước, chỉ một mực sống cho người khác, đầu tắt mặt tối một đời. Các thế hệ ấy thường chia cái đời mình làm hai chặng. Chặng đầu, nai lưng làm lụng tích cóp như một con lừa. Chỉ sau khi mọi chuyện lớn bé của bổn phận người đã hòm hòm, họ mới cho phép mình sang chặng hai, ấy là hưởng đời một chút, thăm thú chỗ nọ chỗ kia một chút.


    Nhưng khốn nỗi, chặng trước đâu có chịu dừng, nó thường nuốt gọn cả chặng sau, khiến đời tàn lực kiệt. Lúc hưởng được thì không được hưởng, lúc được hưởng lại không hưởng được. Thế, họ cũng chẳng lấy làm tiếc. Đà Lạt thế kỉ trước là chốn xa xỉ, viển vông ngay cả với người không thiếu điều kiện. Một ôn đới ngay trong tầm tay mà họ cũng không thể đến. May thay, quan niệm về chất lượng sống cũng khác dần.


    Người Việt nay có vẻ hiện sinh hơn. 7X, 8X bây giờ ứng xử khác: vừa làm vừa hưởng. Địa chỉ xanh cho ngày nóng ở xứ mình đâu có ít, nhưng xem ra Đà Lạt vẫn là lựa chọn sâu kín nhất cho mỗi chuyến ngao du. Vẫn biết, gió tươi cao nguyên có thể làm dịu đời một lát, chứ không thể làm dịu mát một đời. Nhưng dù ngắn vẫn hơn không! Chẳng đổi đời thì đổi gió. Mà cứ gì 7X với 8X, chuyến bay lánh nóng này của tôi cũng đang tìm về Đà Lạt đây thôi. Chẳng phải miền ôn đới quốc nội này đang mê dụ tôi sao ? Chẳng phải lúc nào tôi cũng thèm được làm tươi, làm trong lại đời mình sao ? Thảo nào, lúc máy bay chớm vào miền thông xanh, mình cứ nhấp nhổm hoài.


    Xứ tình yêu


    Với những người yêu, Đà Lạt là xứ tình. Cái mát mẻ thiên phú làm cho cỏ cây non nước chốn này thảy đều gợi cảm, gợi tình. Đà Lạt khác nào một vườn địa đàng được tạo riêng cho những cặp uyên ương. Huyền thoại tình yêu ngày ngày vẫn vẽ lại thiên nhiên xứ sở. Cái ngọn núi cao nhất Đà Lạt là Langbiang vốn mang trong nó truyền thuyết về một tình yêu bất tử. Ngày đêm từ cao vời dõi trông xứ sở, hẳn Langbiang đã thành vị thần bảo trợ đất này. Uy của thần đã khiến các thắng cảnh kì thú nhất nơi đây kết nối với nhau chung tay biến Đà Lạt thành cõi tình. Một cõi tình luôn để ngỏ mời mọc mọi lứa đôi.


    Cứ thế tạo vật được design theo bản đồ tình yêu. Hay tình yêu tự lập bản đồ cho tạo vật theo ý mình?


    Chả biết, chỉ biết lần theo những địa danh nổi tiếng xứ này, người ta như bị dẫn dụ vào non nước của ái tình: Thung lũng tình yêu, Đồi Mộng mơ, Thác Cam ly, Hồ Xuân hương, Hồ Tuyền lâm, Hồ Than thở, Đồi thông hai mộ… Còn từng địa danh thì ngập trong thế giới của hoa yêu: dã quỳ, mimosa, foget me not, hoa đào, hoa hồng, lay ơn, bất tử…


    Chỉ sau hơn một giờ bay, từ chốn phồn tạp, những người yêu đã hạ cánh xuống địa đàng. Uyên ương hẹn hò lên đây như lên chốn Thiên Thai. Phu thê tìm đến đây như tìm về vườn Eden cho tuần trăng mật. Người vội đánh mất quãng son trẻ tìm về đây mong một dịp tái son, truy lĩnh chút nào phần lãng mạn thất thoát. Người tơi tả những vết thương sâu tìm về đây với hi vọng được băng bó, rịt lành. Người thất lạc nhau trong quãng đời trước lặn lội về đây để trao nhau những gì chưa kịp trao, nhận những gì chưa kịp nhận, như một đền bù muộn.


    Ai cũng mong tìm ở xứ sương rơi này một chút lãng quên, xin mây mưa chút vui vầy và nghe từ thông xanh một lời độ lượng khi nhịp tim đập loạn. Rồi thì về lại đời mình sống tiếp phận mình. Đà Lạt bí mật mở những Khau Vai, những hội chen Nga Hoàng, Giã La cho dân gian. Cùng với cái mát mẻ ôn đới, đây chính là nét quyến rũ mà Tuần Châu, Cát Bà, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc không thể có được, thậm chí Tam Đảo, Sa Pa, Bà Nà cũng không sánh được.


    Bao kẻ yêu cứ thế đổ bộ xuống Đà Lạt. Nhưng khốn nỗi, thời gian ở cõi yêu bao giờ chẳng trôi nhanh. Trăng mật bao giờ chẳng ngắn. Vài ngày trôi qua chóng vánh, làm sao đủ thỏa lòng nhau. Với những tái hồi muộn, đôi khi, đến bên nhau rồi, gần nhau là thế, nhưng chắc gì đã có thể tỏ bày. Biết đâu lại chẳng ngọng nghịu, khờ khạo, chẳng dấm dớ, vu vơ như cái thuở não nào… Rồi lại giã từ, về lại phận mình mà chưa kịp trao gửi nhau bất cứ điều gì. Háo hức mang đến lại lủi thủi mang về.


    Nhưng, dù sao Đà Lạt vẫn là một cơ hội vàng. Bay cùng tôi trong chuyến bay này, có bao nhiêu trái tim đang hồi hộp trong những lồng ngực có vẻ điềm nhiên kia? Làm sao tôi biết rõ. Riêng anh bạn đi cùng chuyến tập huấn với tôi đây, thì ngay từ lúc kéo va li vào check in đã khó điềm nhiên rồi. Ba ngày nữa vợ anh cũng sẽ bay vào. Họ đã chọn Đà Lạt cho sự kiện mong chờ: sinh nhật vợ và 20 năm ngày cưới. Dù trước đó họ vừa có một kì cuối tuần Phú Quốc, và ngày tròn của con số 20 thực ra còn ở tháng sau.


    Nhưng, chả cản trở gì. Kỉ niệm như thế phải thuộc về Đà Lạt thôi. Họ sẽ cùng lượn xe đạp đôi ven Thung lũng tình yêu và những gương hồ Đà Lạt, sẽ lượn trên những con dốc mềm qua các vườn hoa, quầy hoa đẹp nhất, rồi sẽ cùng lên đỉnh Langbiang… Ba ngày nữa, chiếc xe đạp đôi nào dưới kia sẽ có may mắn được chọn, loài hoa nào, bông hoa nào sẽ gặp hên đây ?… Hèn chi mà chẳng bồn chồn? Phần mình, đến Đà Lạt lần này, dù biết không còn trẻ, tôi vẫn mong có những hồi hộp như thế!


    Những hồi hộp sẽ thì thầm bên tai rằng đời chưa phải đã hết, dù mất mát rụng rơi vẫn có cơ tìm lại, những ngày Đà Lạt này sẽ vẫn là những ngày đôi lứa, như thuở mới yêu, thuở chưa đắng cay gì. Bên cửa sổ máy bay, tôi miên man nghĩ tới những bông hoa Đà Lạt, ở dưới xứ thông kia có sắc hoa nào ứng với tôi không ? có bông hoa nào sẵn lòng chia sẻ với tôi không?


    Xứ Trịnh ca


    Nếu đi sâu vào Đà Lạt, bạn sẽ gặp những con phố vắng. Đi sâu vào từng phố vắng, bạn sẽ gặp những quán cà phê. Đi sâu vào mỗi quán cà phê, bạn sẽ gặp Trịnh Công Sơn. Để được chìm đắm với xứ này, tôi đã đôi lần tìm uống cà phê. Khi ấy, tôi thường trầm ngâm với những cái tên mà người đời đã dành cho Đà Lạt. Nào xứ sương rơi, xứ thông reo, xứ ngàn thương, xứ ngàn hoa, xứ tình yêu, nào thành phố buồn, rồi Pa ri nhỏ (Le petit Paris)… Cái tên nào cũng muốn gọi ra hồn vía Đà Lạt… Một đêm, trở về từ quán nhạc, lững thững ven hồ Xuân hương, tôi đã gọi Đà Lạt là “xứ Trịnh ca”, vì chợt nhận ra Trịnh là một chiều sâu khác của xứ này.


    Nhạc quán ấy là Diễm xưa, một không gian thuần Trịnh. Đêm nào diễn, họ cũng thắp nến, dâng hương trước chân dung Trịnh Công Sơn. Sơn được bái vọng thờ phụng, được tri ân. Cũng phải thôi, họ đã gắn đời với Sơn, được hưởng lộc từ Sơn. Sơn giúp họ nuôi họ, cũng giúp họ thành họ. Đam mê ca hát dành cho một mình Sơn kể cũng là đặc biệt.


    Những kiếp cầm ca nương nhờ vào Sơn để phiêu du phận mình trong cái đời người dài dặc và hoang hoải này. Nếu không có Sơn, đời nhạc của họ rồi sẽ ra sao? Ngày nào cũng hát Trịnh, nhưng người nghe không khi nào hết chăm chú nghiêm trang. Lời bình phẩm bên li cà phê chỉ thầm thì, ý nhị. Vì ca sĩ? Vì nhạc sĩ ? Hay vì một nhã thú, một nghi lễ đang diễn ra trong không gian nhạc này? Thật khó mà tách bạch. Ở Đà Lạt, đâu đâu cũng ngân thầm nhạc Trịnh. Khi ấy tôi thấy dường như cả Đà Lạt đã thu nhỏ mình thành nhạc quán Diễm xưa.


    Nhân duyên nào đã gắn Sơn với xứ này? Sao không là Huế hay Sài Gòn? Huế là quê Sơn, người Huế rất yêu Sơn. Nhưng không gian nhạc Huế đã đặc kín những Nam bình Nam ai, những nhã nhạc cung đình. Ở đó, Sơn đành khép nép thôi. Hầu như cả đời Sơn gắn với Sài thành. Nhưng Sài thành có một dạ dày nhạc khủng, ngốn tất tật các thứ nhạc trên đời.


    Dù được yêu, Sơn cũng chỉ là một thị phần. Có lẽ không ở đâu Sơn được thiên vị như Đà Lạt. Không sinh ở Đà Lạt, cũng không mất ở Đà Lạt, thời dạy học ngắn ngủi, thì ở Blao, cách thành phố này cả trăm cây số, không sống nhiều ở đây và dường như cũng ít sáng tác ở đây… những mối liên hệ thường thấy để một người có thể thuộc về một vùng đất dường như vắng bóng trong quan hệ của Sơn với Đà Lạt. Ngoại trừ một lí do không mấy trực tiếp: Khánh Ly. Đà Lạt là nơi Sơn gặp Khánh Ly. Nhưng đây hẳn là lí do của mọi lí do, liên hệ của mọi liên hệ chăng ? Mối duyên nhạc, duyên đời, đã nảy nở ở chốn này. Vì thế, nó là chất keo để kết dính một hồn nhạc vào xứ sở chăng ? Ấy là Đà Lạt qua Ly mà có Sơn.


    Nhưng, đâu chỉ thế. Ít có xứ nào trên dải đất này lại nhạy cảm như Đà Lạt. Y như một cô gái đa cảm, hễ ngoài biển Đông động bão, dù là bão tít mù phía vịnh Bắc bộ, hay bão dạt mãi tận cực Nam, thì Đà Lạt cũng lập tức rơi mưa. Người ta thấy màu hoa mimosa hay dã quỳ vào những ngày ấy cũng ngùi ngùi biến sắc, nước hồ Xuân Hương khi ấy cũng khác màu. Tiếng thông vi vút quen thuộc trên những ngọn núi kia vào ngày ấy cũng xao xác khôn nguôi. Và rồi, người ta cũng nói: đến Đà Lạt thì ngay cả sỏi đá cũng động lòng yêu.


    Bởi vạn vật khắp xứ đều thầm thì vào tai người cùng một câu hát thôi “hãy yêu nhau đi”. Nó khiến người đã đến đây sẽ thấm thía cái nghĩa lí của tình yêu trong cuộc nhân sinh này. Một mảnh đất như thế không thể không chọn Sơn. Còn ai hơn Sơn trong linh cảm về nỗi yên hàn mong manh của mặt đất này. Còn ai hơn Sơn trong linh cảm về những giấc mơ đời hư ảo. Và thế là như một lẽ tự nhiên, Đà Lạt thấy ở Sơn một hồn đồng điệu. Sơn là người hát lên linh cảm của mình, cũng là linh cảm của Đà Lạt.


    Đà Lạt mượn Sơn để bày tỏ. Những viên sỏi, hòn đá của xứ ngàn thông đã níu nhạc Trịnh lại với mình. Và, cũng chỉ có ở cõi tình Đà Lạt, trong màn sương thơm phấn thông, bên li cà phê đơn hay đôi, nhạc Trịnh mới ru mê thế. Phải, chỉ Đà Lạt mới là xứ Trịnh Ca. Xưa thành Nam từng hãnh diện với “ăn chuối ngự đọc thơ Xương”, thì nay Đà Lạt cũng có thể kiêu sa với “uống cà phê nghe nhạc Trịnh”. Ngồi cà phê trong quán khuya ở xứ này, nghe Trịnh da vàng hay Trịnh tình ca, đều sẽ thấy âm thanh như những giọt mưa gieo xuống miền thông, lại như những hạt mầm nảy trong đêm Di Linh, thấy mình được vỡ vụn, được phiêu diêu, lại được lắng, được nguôi, được băng bó, nương náu vào một cái gì.


    Xứ thiền


    Trúc lâm thiền viện là một chiều sâu khác của Đà Lạt. Gốc gác tận Yên Tử từ tít đời Trần với vị đầu đà danh lừng khắp cõi là Trần Nhân Tông, thiền phái giàu chất Việt này như dòng nước ngầm bền bỉ, qua năm sáu thế kỉ đã chảy vào tâm linh Đà Lạt. Nhưng phải cuối thế kỉ trước, thiền viện này mới được lập nên. Và đến nay, thiền viện Đà Lạt lại đang làm một hành trình chảy ngược ra phía bắc. Đến đâu, các thiền viện theo mô hình Đà Lạt lại mọc lên đến đấy. Giờ, nó đã ra đến nơi phát tích của mình rồi.


    Sau khi thắp hương, vãng cảnh như một kẻ hành hương, tôi ra ngồi trước hồ Tịnh Tâm. Trong phút giây thư thái hiếm hoi bên hồ, tôi mới thấm thía về cái được cái mất đáng giá vào bậc nhất của đời người. Thư thái là gì nếu không phải là trạng thái bình thản bên trong, khi tinh thần bằng an, không bị xô đẩy. Và đó là tĩnh tâm. Tâm tĩnh như gương nước tĩnh, cho ta thấy rõ mặt mình. Chỉ trong thư thái mình mới thật là mình. Ba động là lúc nội tâm chòng chành chao đảo nhiễu loạn, hình bóng mình bị vỡ ra muôn ngàn mảnh. Vọng động có được dẹp yên, hình và bóng mới không còn tranh chấp, mới nhập vào nhau mà nên bản thể mình.


    Bởi thế, thư thái trong nội tâm chính là hạnh phúc. Đánh mất sự thư thái cũng là đánh mất gương mặt mình, đánh mất cái hạnh phúc được là mình. Nhưng, một nội tâm thư thái chỉ được nảy nở và nuôi nấng trong một không gian sống bình yên. Mà cuộc sống hiện đại lại đang đánh mất dần sự bình yên. Không gian sống luôn bị tra tấn đầu độc bằng đủ mọi thứ bát nháo của công nghiệp, phố xá và thị trường. Thế giới thành cái chợ mất rồi.


    Cái yên ả êm đềm bị bài xích xua đuổi dần khỏi những chung cư phường phố. Sự yên bình đành rời bỏ chốn đô hội để tìm về nương náu trú ngụ ở những chốn xa. Và những ham hố, thù hận, u mê, những phụ bạc, thất thoát, phản trắc, những vết thương bị gây ra và tự gây ra cũng luôn băm nát lòng mình, chiếm đoạt mất thư thái trong tâm mình. Bất an là thường hằng, thư thái chỉ thoáng chốc. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc trong bề sâu là tìm kiếm thư thái mà có phải lúc nào mình cũng hay biết đâu.


    Tôi đến Đà Lạt, mong tìm kiếm gì đây? Cái cảm giác ôn đới? Cái cảm xúc yêu và được yêu? cái trạng thái được quên rất nhiều, được an trú trong ảo mê cùng cà phê và nhạc Trịnh? Tất cả Đà Lạt là đó sao ? Những tra vấn khôn nguôi khi đứng trước Thiền viện đã đẩy tôi tới bên hồ Tịnh Tâm này. Mặt ai đang vỡ dưới hồ kia? Hình ai đang quay cuồng loạn múa? Mặt hồ khi ấy đâu đã lặng gì !… Thôi, ngồi xuống, thiền đi, thở đều, thật đều, dù giờ đây tìm lại được bình lặng cho gương hồ thật mong manh mờ mịt làm sao !


    Tôi đâu phải một thiền sư. Cõi riêng tôi cũng tựa như Đà Lạt này: đỉnh là Langbiang và đáy là Tịnh Tâm. Tôi cần bình yên và cả tình yêu. Có thể cầm giữ bình yên bằng tình yêu được không ? Bình yên nuôi dưỡng tình yêu hay tình yêu nuôi dưỡng bình yên? Đà Lạt có thể là một trái tim cho những lứa đôi tìm về nương náu được không? Dường như, câu trả lời của Đà Lạt là “có”. Bình yên có thể tưới tắm cho tình yêu, làm dưỡng chất của tình yêu. Mà cho dù không, thì Thung lũng tình yêu, đồi Mộng mơ vẫn có thể xoa dịu, chí ít, thì hồ Xuân hương, hồ Tuyền lâm là những đền bù.


    Hằng ngày, trời thả bình yên vào mây trôi, sương ướp bình yên vào ngàn thông, thông thả từng thoáng bình yên biêng biếc vào gió, còn gió thì đem dải xuống mặt hồ. Mặt hồ không đành hưởng hết mà đem lại quả một phần bình yên cho hoa lá cỏ cây qua từng viền sóng. Bao lứa đôi đang chụm môi cà phê thủy tạ, dún dín xe đạp đôi bay lượn ven hồ, hân hoan du thuyền mặt hồ, chẳng phải đôi nào cũng đang căng tất cả giác quan để cảm nhận hương vị tình yêu và dưỡng khí bình yên đó sao ?


    Chốn bình yên sâu khuất


    Sinh ra ở trên cao, ngỡ Đà Lạt đã được phú cho một bình yên vĩnh viễn. Bình yên mới là gia tài lớn nhất của Đà Lạt. Để cầm giữ sự bình yên quí giá ấy, Đà Lạt đã phải đánh đổi phận mình, lùi sâu vào ẩn dật giữa sơn dã lâm tuyền. Đà Lạt đã nâng niu sự bình yên của mình bằng một nhịp sống chậm, bằng cách sống sâu, gắng gỏi cách li với những hối hả phiền tạp của các đô thị lớn mạn dưới.


    Nhưng những hàng thông giàu tiên cảm kia, những vạt hoa đồi quá mẫn cảm kia dường như hằng đêm vẫn trăn trở, lo âu, vẫn nơm nớp với linh cảm về một ngày nào đó bình yên có thể bị tuột mất, đoạt mất. Với người đến từ chốn náo động xô bồ, Đà Lạt là tỉ phú của êm ả, là nơi cư trú muôn đời của bình yên. Nhưng chỉ có Đà Lạt mới thực sự biết rằng sự bình yên ấy mong manh thế nào, và Đà Lạt phải ráng mình để chắt chiu vun góp cho bình yên ấy ra sao.


    Mối nguy cơ đến từ vùng thấp đang lan tràn và lăm le đánh chiếm nốt miền cao này. Cái xô bồ, hỗn tạp, nhiễu loạn, quay cuồng chả đời nào chịu buông tha cho những chốn êm đềm yên ả. Sự cách li có là phòng tuyến lâu dài? Sự ẩn dật có thể là trường thành chống đỡ ? và cách sống chậm nữa, liệu có thể là lá mộc che giữ cho sự bình yên này mãi không ? Tôi đọc ra niềm lo âu trong mỗi tiếng thở dài của rừng thông về đêm và những thoáng rùng mình kín đáo từ những đóa hoa hồng, lay ơn, cẩm tú cầu khi những tia nắng đầu tiên gọi về một ngày mới.


    Nỗi lo âu dường như cũng tỏ mờ ngay cả trong những làn hương từ mỗi li cà phê trong quán nhỏ. Chẳng thế mà, đang nghi ngút tỏa lên yên ả vậy, sao chốc chốc làn hương lại chợt ngừng, chợt ngơ ngẩn bởi những thoáng gió lạ lúc nắng mai? Chỉ Đà Lạt mới biết hằng đêm, mỗi khi tiếng chuông điểm canh trên thiền viện ngân trong thanh vắng, thì cũng là lúc ngàn thông vào thiền định trong một lễ cầu an mênh mông thầm nguyện cầu cho xứ sở yên hàn.


    Khi đêm qua đi, tôi như chợt nghe thấy tiếng nói tỉnh táo từ những cây thông tham thiền sâu nhất trong đêm Đà Lạt. Rằng: khi lòng khánh kiệt bình yên, những mất mát, đổ vỡ có không được hoàn nguyên, thì cũng được băng bó ràng rịt. Ít nhất thì cũng được quên. Đôi khi, quên là một liệu pháp để có một bình yên ảo. Nhưng dù sao nó cũng giúp rịt lại những vết thương thật. Dẫu chỉ là cầm máu trong ngày. Không có cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc. Không có những cuộc đời bình yên, chỉ có những khoảnh khắc bình yên. Sống là chi chút từng khoảnh khắc, dành dụm từng khoảnh khắc. Chắt chiu được càng nhiều khoảnh khắc, thì chuỗi bình yên hạnh phúc càng dài. Vậy thôi. Đừng ảo tưởng.


    Và tôi nhận ra, trong chúng ta ai chẳng thèm một Đà Lạt, ai chẳng giấu một Đà Lạt. Có phải bình yên trong chúng ta đang gọi tên Đà Lạt không ? Đến chốn này, nhìn vào lòng ta, ta mới thấy rõ, lỗ hổng lớn của đời mình trong nhịp sống này là Đà Lạt. Đà Lạt là nỗi chắt chiu trong đời sống nháo nhào của ta. Về Đà Lạt, ta đang về với chốn bình yên sâu khuất trong mình…


    Tác giả: Chu Văn Sơn

    Đà Lạt và tôi
    Đà Lạt và tôi
    Đà Lạt và tôi
    Đà Lạt và tôi
  7. Có lẽ muốn cho tôi cảm nhận Đà Lạt bằng cái nhìn trẻ thơ, trong trẻo, để thấy “cái gì là Việt Nam”, dì đã thả tôi vào Đà Lạt bằng những chuyến khám phá thành phố đầy ngẫu hứng.


    Mùa hè 44 năm trước, khi chỉ là cô bé con, lần đầu tiên đến Đà Lạt, ngắm sương giăng bồng bềnh mây gió, ngó nghiêng những căn nhà mang kiến trúc Pháp và những hàng rào hoa đủ màu sắc bao quanh các ngôi biệt thự mang dáng dấp một miền quê châu Âu với phong cách Basque, Savoie hay Normandie, rồi những địa danh như Trường trung học Yersin, Couvent des Oiseaux, ngay cái Nhà ga Đà Lạt như bản sao thu nhỏ của nhà ga Deauville của Pháp khiến tôi đã ngẩn ngơ hỏi người dì: Thế cái gì là Việt Nam!


    Và những địa danh như Hồ Xuân Hương, Thung lũng Vàng, rừng thông trên cao nguyên Lang Biang, Chợ Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, Khu ngoai ô Đa Thiện, cùng 10 con thác đẹp tuyệt mỹ bởi tạo tác của thiên nhiên: Cam Ly, Prenn, Pongour, Datanla, Dambri, Jráiblian, Păng Tiêng, Bobla, thác Voi, thác Hang Cọp…, đã cho tôi cảm nhận về một Đà Lạt huyền bí mà lộng lẫy, hoang sơ mà thân thiện, huyền ảo mà nồng ấm, tràn ngập những âm giai bất tận của trời và đất quyện trong gió và mây giữa bạt ngàn thông mà sao lại thật bình yên êm đềm…


    Như một câu thơ của người bạn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, viết về tình yêu: “Đến bên nhau đừng kể những bao lần..”, kể từ đó tôi đã bao lần đến Đà Lạt, lúc thì như tâm thế của một người đang yêu say đắm si dại cuồng mê, lúc thì như của một kẻ lãng du phiêu bạt cho ngọn lửa trong tim được vun đắp tròn đầy, lúc lại như trốn chạy bao xáo trộn bộn bề để sắp xếp lại bình yên…


    Và trong tôi, dẫu Đà Lạt có bao thăng trầm dời đổi, có nhiều xoay vần kiến tạo, có mất mát thiếu hụt đi ít nhiều bởi trăm ngàn nguyên do, thì Đà Lạt vẫn là một dung nhan dịu dàng như hơi thở của gió hồ và mộng mơ như áng mây hồng bay qua ngọn đồi thông xanh mướt cỏ mượt.


    Lần này trở lại Đà Lạt, có một xao xuyến bâng khuâng, bao hoài niệm cứ bãng lãng dọc theo phố núi có ngôi biệt thự cổ còn vương chút uy nghiêm ma mị rêu phong vấn vít dây hoa ô cửa sổ, bước vào những tòa nhà ấy, có thể hình dung được những xa hoa thuở trước, những câu chuyện tháng năm ẩn sâu bên trong.


    Như có hơi thở huyền bí của Đà Lạt mà bao ký ức ùa về trong những câu chuyện hồng trần hằn xù xì thời gian trên cây thông già cao ngút mắt. Và như một hoài cảm cung đàn xưa, những giai điệu trầm buồn man mác của Trịnh, Ngô Thuỵ Miên hay miên man tự tình của Phạm Duy…, hòa cùng ngọt ngào đến mềm lòng của nhạc Pháp những thập niên 60- 70 của thế kỷ trước, trong các phòng trà mà chủ và khách khó phân biệt, mang những cái tên gợi thương gợi nhớ, nào Trịnh Memory, Lục Huyền Cầm, Căn nhà xưa, Cung đàn xưa, Song Vy…


    Tiết trời Đà Lạt tháng 6 hanh heo, nắng vàng như rắc mật, mưa lại như rây bạc, chỉ làm cho không gian thấm đẫm cái lạnh ngọt mát như kem. Bình minh sương giăng trong chút ánh hồng mong manh cho cảnh sắc Đà Lạt như một kiệt tác của thần tiên họa núi, họa cây, họa hoa, họa hồ, để người cũng cảm thấy choáng ngợp đến mê đắm, làm đẹp lòng bất kỳ lữ khách nào dừng chân nơi đây.


    Nhịp thời gian ở thành phố cao nguyên này chậm rãi, nhẹ nhàng rất riêng, một nét bình yên tĩnh lặng kỳ lạ, cho dù gió ràn rạt đuổi nhau trên những ngọn thông hay xào xạc xô đẩy những dàn hoa cẩm tú cầu, khiến cho khó mà vội mà gấp khi đến đây. Mà gấp hay vội ở thành phố này như một sự lãng phí, không cảm nhận được những khoảnh khắc mùa đi qua trong ngày, nó đặc biệt chùng chình thong thả, đủ cho ai biết lắng chút xôn xao, sẽ nhận ra sự thay đổi đầy tinh tế và thanh tao của tiết trời Đà Lạt.


    Và khi ấy, hình như ai cũng có thể thành thi nhân. Ừ ai nói Đà Lạt giờ đã bị “công nghiệp hóa” từ nụ cười đến những nét văn hóa đặc trưng của người Lạch- cư dân nguyên thủy của thành phố này, nên không còn quyến rũ như xưa, cũng đúng thôi vì Đà Lạt là thành phố du lịch thì không thể khác.


    Tôi đã có những đêm Đà Lạt len lỏi qua con phố đông người, mà như một mình độc hành, lắng nghe trong thinh không bầu trời sao cao nguyên những thầm thì gió kể câu chuyện trần gian đầy mộng mị… Không biết có phải vì tôi đến với thành phố cao nguyên này, là đến với hoài niệm, ký ức của mình, nên trong tôi Đà Lạt như gió mộng.


    Hoài Hương

    Đà Lạt như gió mộng
    Đà Lạt như gió mộng
    Đà Lạt như gió mộng
    Đà Lạt như gió mộng
  8. Đà Lạt mùa này sao mà ẩm ương, khó chịu quá. Cứ chợt nắng rồi chợt mưa tựa như nỗi nhớ về anh vậy. Anh biết không hôm nay em lại cố chấp mang chiếc giày năm đó, không phải em đã quên lời anh dặn đâu. Anh đã nói “Là con gái hãy chọn một chiếc giày vừa chân mình đừng cố chấp, nó sẽ làm em đau.” Đó anh thấy không em vẫn luôn nhớ từng lời anh nói, em không cố ý làm sai lời anh chỉ là… em nhớ quá !


    Anh biết đấy em vẫn luôn ngoan, có lẽ men tình là thứ thôi miên, xui kiến em mang vào mình những ngày xưa cũ. Vẫn con dốc thân quen, vẫn chiếc váy trắng ngà, vẫn đôi giày năm đó nhưng anh đâu rồi. Em ghé qua xóm trọ cũ kĩ, ngắm nhìn thật lâu. Ôi em thấy chúng ta của ngày trước, anh ngồi dưới xuýt xoa mấy vết trầy rồi càu nhàu “Đừng mang chiếc giày đó nữa em nghe không? Dẫu biết đó là món quà anh tặng nhưng cứ vứt đi anh sẽ mua đôi mới cho em.” Bàn chân em giờ cũng đang rên rỉ nhưng chẳng còn ai hỏi thăm, cơn mưa chiều xưa lại kéo đến thế nhưng chẳng ai cõng em về.


    Đà Lạt hôm nay buồn cười thật, tựa như tua lại mảnh phim tình cũ kĩ thế mà chỉ để mình em độc thoại, thật là nhẫn tâm. Mưa lạnh lùng hòa vào cơn gió chiều đông khiến trái tim em tê tái đến ngàn lần. À anh dàn hồng mình trồng đã rộ bông rồi đấy nhưng chẳng hiểu sao cái màu đỏ cứ muộn sầu tựa đôi mắt mất ngủ nhiều đêm, chẳng rạng rỡ như ngày anh gõ cửa. Bữa trà chiều em vẫn dạo ra hiên, chỉ khác là có trơ mình một chiếc tách, nhấp một ngụm sao lại chẳng bình yên mà đắng ngắt tỏa ra từ lồng ngực.


    Ngày anh cưới em đến rồi đây, đúng là khung cảnh tựa mình từng ao ước. Những bông cẩm tú cầu tươi thắm, càng long lanh hơn dưới ánh đèn vàng, chúng rung rinh cành lá chúc mừng anh, trái tim này cũng rộn lên chúc phúc. Đến lễ cưới em phải thật xinh, em vâng lời lũ bạn mà chọn cho mình một chiếc đầm lộng lẫy. Nhưng hình như chiếc váy hơi bực bội, tại sao lại kết hợp nó với chiếc giày cũ kĩ. Em đi đôi giày này đến chẳng phải để mong được anh thương hại, chỉ là em muốn đây sẽ là lần cuối mình đi, lần cuối em cố chấp khiến mình đau đớn, chỉ thế thôi. Anh trao nhẫn cưới trên lễ đường ngập hoa, những ánh đèn lung linh nhấn điểm rồi cùng cô ấy lập lời thề nên duyên nên nợ. Em bỗng nhớ đến chiếc nhẫn nơi góc tủ đầu giường, anh bảo chiếc nhẫn đó là lời nguyện ước. Em chợt nhận ra lời nguyện ước chỉ linh ứng ở nơi lễ đường.


    Tiệc tàn rồi, anh đã của người ta. Sao trời Đà Lạt hôm nay cũng vui mừng rủ nhau đi chúc tụng bỏ lại một ánh nhỏ le lói, cô đơn.

    Hôm đó em đã khóc thật nhiều nhưng chẳng phải vì tội nghiệp chính mình đâu anh, em thương cho đôi giày trong giỏ rác, thương cho chiếc nhẫn chẳng được thưởng ánh đèn lấp lánh nơi lễ đường.


    Sáng thức dậy, em cảm thấy bình yên đến lạ thường, dàn hồng cũng rạng rỡ thêm trăm lần, đến kệ giày sau vài lần ngẫm nghĩ, hôm nay chiếc giày thật vừa vặn chân em. Con đường Đà Lạt nâng bước chân em, hàng thông già reo vui hỏi nhỏ “cô gái à đã buông bỏ được chưa ?” Đôi mắt em đắm chìm trong những mảng xanh tít tắp, anh ơi em buông rồi.


    Thảo Nguyên.

    Đà Lạt và kỷ niệm
    Đà Lạt và kỷ niệm
    Đà Lạt và kỷ niệm
    Đà Lạt và kỷ niệm
  9. Chưa có dịp đi nhiều, nhưng thật lạ là mỗi lần được đi du lịch tới những vùng đất mới, tôi lại được chứng kiến cảnh mưa rơi của nơi ấy, đừng nói mưa nơi nào cũng giống nhau.


    Xa thành phố cao nguyên bé nhỏ mang tên Đà Lạt, tôi cố tìm cho mình một lý do trong hàng vạn lý do để níu bước chân lại, bởi nơi đây có quá nhiều điều để vấn vương, lưu luyến. Nhưng có lẽ, tôi nhớ nhất là những cơn mưa Đà Lạt. Không đến đột ngột rồi trôi tuột đi trong cái ướt át dầm dề, cuồn cuộn sình lầy như Sài Gòn, mưa Đà Lạt cứ lặng lẽ, nhỏ bé hóa thành những đóa hoa thủy tinh nhỏ xíu, vương trên tóc, trên tà áo cô thiếu nữ hai má hồng đào, như muốn gửi chút tâm tình của Đà lạt cho mỗi du khách thập phương. Đó là mưa phùn.


    Để ý cứ đến khoảng tháng sáu trở đi, người ta rỉ tai nhau :” Muốn tìm cảm giác lãng mạn không? Lên Đà Lạt nhé, mùa này đang mưa”. Thiệt lạ phải không? Vâng, Đà lạt là nơi thỏa mãn những nhu cầu lãng tử dù dị thường nhất của mỗi người. Bởi dẫu nắng hay mưa, Đà lạt vẫn đẹp, vẫn nên thơ hơn tranh vẽ.


    Mưa phùn thường xuất hiện vào buổi chiều trở đi, vừa lúc ấy hoàng hôn phủ xuống màu huyết dụ buồn bã. Mưa giăng. Trắng xóa những tàn cây ngọn cỏ. Những giọt mưa nhỏ như hạt pha lê vụn cứ âm thầm rơi nghiêng theo hơi thở của gió, lất phất vào mặt. Tôi co lại, không bởi cái lạnh, mà dường như muốn ôm trọn vào lòng mình thứ gì đó quá đỗi mong manh. Người ta ví mưa trắng đất trời, với tôi thì mưa Đà Lạt không có màu trắng, nó có màu của cuộc sống. Cơn mưa phùn buổi sáng trong trẻo, mát lành hơn trong hơi sương, một chút lành lạnh áp vào da thịt tạo nên sự thích thú kì lạ.Trong cái mờ ảo của thành phố Đà Lạt vào buổi sáng sớm, làn sương trắng như bông trôi bồng bềnh trên mái nhà, cuộn lại như chiếc vương miện dành cho nàng công chúa e thẹn, khép nép. Mây hay sương đó, mà gần gũi như những đôi tay đan vào nhau quyến luyến. Tôi mở toang cửa sổ, mặc cho cái lạnh buổi sớm mang hương thông ngan ngát ùa vào khắp phòng, mặc cho những tấm chăn kéo lên vội vàng, tôi đưa tay hứng vội những giọt long lanh của đất trời chớm nở. Lấp xấp những mái nhà thấp, cao, chìm cả vào trong mây và những hạt mưa bụi thoảng nhẹ trong hơi gió, nhìn xa xa như những mũ nấm màu rơm đang nấp vội đùa nghịch với mây. Đà Lạt buổi sớm đẹp tựa như cô bé vừa giã từ thời thơ ấu, cởi bỏ chiếc vòng hoa đội đầu, cô chạm vào tất cả, bừng dậy một sức sống khỏe khoắn, gọi về những ước mơ đẹp đẽ. Cô mang nhựa sống dạt dào cho từng ngọn cây, từng bông hoa không tên, cô mang cho tâm hồn con người cái náo nức lạ lùng. Có cái gì đó rất mong manh và tinh nghịch của buổi sớm mưa Đà Lạt. Dù sao cô cũng vẫn chỉ là một cô gái nhỏ, chưa hề vương bụi trần.


    Tôi ngóng mặt trời lên cao bằng những bước chân rảo quanh chợ Đà Lạt. Dù ở buổi nào trong ngày cũng mang vẻ tĩnh tại rất duyên, rất đằm. Đà Lạt hầu như ít mưa vào buổi trưa. Ngày xưa, người ta còn phải run mình vì cái lạnh buổi trưa của Đà lạt, vì buổi trưa nơi cao nguyên này không hề có nắng. Không khí vẫn mang hơi ẩm dịu dàng, dễ chịu, trời cứ âm âm, không chút nào gay gắt khiến những thiếu nữ Đà Lạt luôn tự hào khoe đôi má hồng đào và làn da trắng như sữa là vậy. Còn giờ đây, vào buổi trưa Đà Lạt không còn lạnh, đủ để người ta diện một chiếc áo tay ngắn mà phông phênh xuống phố hay đi ngoạn cảnh. Nhưng dẫu sao, nắng Đà lạt vẫn ngọt, cứ chậm rãi nhỏ từng giọt mật ong vàng óng, một lát thôi là cả thành phố phủ đầy mật nắng, cây cối, nhà cửa, mặt người cùng ánh lên như thủy tinh dưới nắng. Vì có cây cối bao phủ, nên dẫu nắng cỡ nào, tôi vẫn không cảm thấy nóng nực và bực bội. Nắng ư? Hãy cứ dạo bước, rồi khi mệt, kiếm một gốc thông nào đó trú chân. Ngồi dưới những tán thông xanh ươm, reo rì rào trong gió, người ta sẽ thấy tinh thần dịu mát và sảng khoái lạ lùng. Còn gì thích thú hơn là bắc võng giữa hai gốc thông nghỉ ngơi trong một buổi trưa yên ả, nghe tiếng thông hát khúc trầm ca? Vốn không đợi mưa vào buổi trưa, tôi dựa vào gốc cây, ngước lên nhìn mặt trời lấp lánh sau vòm lá. Cái chói chang thường ngày của vị thần sức mạnh ấy đâu, mà giờ đây tôi thấy như một hạt kim cương khổng lộ đang vắt chênh vênh trên những ngon cây vun vút cao kia? Thế đó, buổi trưa Đà Lạt-cô bé của chúng ta ngày nào bước chân vào tuổi mới lớn, một chút dỗi hờn, ương bướng, nhưng nét đáng yêu và bình yên nào dễ dàng chối bỏ.


    Đường đèo Đà Lạt lặng tắt nắng, bàn tay hoàng hôn đan vào những đám mây, bờ môi màu huyết dụ chạm khẽ tầng trời, mãi lang thang ở đồi Mộng Mơ,chiều xuống lúc nào tôi không hay. Thảng thốt như em bé lạc mẹ giữa chốn rừng núi mênh mông, đồi Mộng Mơ tuy chẳng còn hoang sơ lắm, thế mà cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống không báo trước, không còn là mưa phùn mỏng như tơ, đây là cơn mưa của núi, của rừng, cơn mưa của khao khát và tự do, tôi bỗng thấy mình cô đơn lạc lõng đến vô cùng… Mưa chiều Đà Lạt. Khoảng đồi thông chìm vào một màu tím u buồn, sầu thảm. Không phải mưa nơi xứ Huế, vậy mà sao tôi vẫn thấy cả một khoảng trời màu tím ngắt, tím tê tái tâm hồn, những giọt nước mắt cũng hòa vào màu tím, những tâm hồn yêu thương và lạc lõng được tấm áo nhung lụa ướt át choàng lấy, ôm vào mình bao nỗi đơn côi. Bạt ngàn những cánh tay thông xanh trĩu xuống như đôi mắt người thiếu phụ mênh mang buồn. Lá đổ muôn chiều, trong tiếng mưa rào rạt nghe vọng về một dư âm xa vắng, phảng phất khoái cảm của tâm hồn đang ướt mềm trong mưa.


    Sẽ có một lúc nào đó giữa muôn trùng đồi núi, ta thấy mình nhỏ bé và đáng thương như lúc này. Ai đang vui sẽ trở nên buồn, ai đã buồn xin hãy để nỗi buồn cứ theo mưa mà thấm vào khoảng hồn trống vắng, để cảm xúc theo cung bậc cứ nhẹ nhàng lên ngôi. Để ta thấy cuộc đời này, mọi thứ rồi cũng sẽ dần phôi pha. Nhưng “…làm sao em biết bia đá không đau…”. Muốn chạm được vào tâm hồn của cả đá sỏi vô tư, đừng ngồi ngóng mưa qua trong một quán cà phê nào đó nơi Đà Lạt, hãy đi đi, sải bước chân tự do lãng tử, tìm đến chốn núi đồi mông mênh. Và hãy đứng đó, trên những triền dốc vắng, hãy lặng người đi nghe tiếng mưa hát, nghe tiếng khóc âm i của gió và thông, để đi trọn cùng nỗi buồn. Để cúi xuống bên những hàng cát sỏi, nhặt lên và hôn vào ấy, gửi lại Đà Lạt một nửa hồn thương đau…


    Chiều mưa Đà Lạt. Cô thiếu nữ ngày nào giờ lỡ làng mối tình đầu, đôi mắt cô cứ âm thầm nhòe nước, mái tóc màu huyết dụ của cô lất phất bay trong chiều gió lạnh, mây quyện trong vạt váy tím đưa cô lặng lẽ về cuối trời…"Chiều nay còn mưa sao em không lại? Nhớ mãi trong cơn đau vùi..."


    "Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động..." .Người ta yêu Đà Lạt vì những cơn mưa, nhưng cũng sợ Đà Lạt vì Đà Lạt hay mưa. Ta sợ cái buồn của thành phố hoa mỗi khi mưa xuống, đã buồn nay càng thêm da diết, tê tái. Cái buồn rưng rức lê thê, dù Đà Lạt không hay mưa dầm. Nhưng cũng thật lạ, tôi thấy Đà Lạt càng buồn thì càng đẹp. Cảnh vắng người thưa, phố đêm chìm vào cơn mưa trong buốt giá… Đứng trên triền dốc vắng, như đứng bên lề cuộc đời tấp nập, tôi tưởng tượng đến một ngày Đà Lạt không còn nét hoang sơ trữ tình níu chân lữ khách, rũ mềm hồn ai, tôi không biết mình có đủ can đảm trở lại Đà Lạt chăng?


    Nến, hoa hồng, ly cà phê nóng, tiếng hát, và sự lặng im. Tối nay, giọng hát mênh mang của người ca sĩ phòng trà chốn sương rơi quyện vào tiếng guitar ấm áp, mọi cảm xúc lên ngôi. Ngoài trời mưa rất nhiều. Quán nằm khuất trong ngõ vắng, khiến cái lạnh Đà Lạt dễ dàng len vào qua khung cửa. Tôi quay mặt ra ngoài trời. Nước mắt tôi, sao lại rơi âm thầm mà vô vọng như thế?


    Đêm Đà Lạt - cô gái trẻ ngày nào ôm mối tình thầm lặng bước qua tuổi hoàng hôn. Bầu trời Đà Lạt dát đầy bụi cam tím, mây vằn vện như những giọt mưa ngắn dài chảy theo khung cửa sổ đêm nay.


    Ph Ng

    Mưa trên thành phố ngàn thông
    Mưa trên thành phố ngàn thông
    Mưa trên thành phố ngàn thông
    Mưa trên thành phố ngàn thông
  10. Chợt thèm một tách cà phê trong cái lạnh đìu hiu phố núi…
    Để mà chi?


    Để mà nhớ, mà thương một thời dường như chưa xa lắm. Ta tóc xanh, môi hồng, đến với cao nguyên mang trọn vẹn sự tinh khôi, ngỡ ngàng của cô bé sinh viên vừa rời giảng đường đại học Hà Nội. Đà Lạt đón ta ánh đèn vàng hiu hắt, những con đường dốc quanh co chìm dưới sương mù. Lặng lẽ u buồn, người thưa, phố vắng, chỉ tiếng thông reo, tiếng suối chảy làm nên một thành phố bình yên, thanh tịnh đến lạ kỳ.


    Đà Lạt những năm tám mươi thế kỷ trước như một nàng sơn nữ e ấp, dịu dàng bước ra từ buôn làng, chưa dám phô hết vẻ đẹp mặn mà sắc sảo của mình. Ấy thế mà cái vẻ trầm buồn hoang sơ của mảnh đất cao nguyên ngày ấy cứ đọng mãi trong tôi khiến những lần sau khi trở lại phố núi, tôi đi tìm hoài mà không bao giờ gặp lại.


    Đà Lạt trong tôi là những chiều lang thang đồi Cù, nằm trên thảm cỏ xanh ngắm mây trời lờ lững, đếm những chiếc lá xoay tròn rơi trong gió. Đà Lạt trong tôi là khuôn viên trường Cao đẳng sư phạm (trước kia là trường Grand Lycée Yersin) đẹp mê hồn với kiến trúc của người Pháp mà hàng ngày sau giờ dạy chị tôi làm hướng dẫn viên cho tôi đi khám phá mọi ngóc ngách của ngôi trường. Đà Lạt trong tôi là những ngày mưa phùn, ngồi ngắm những thiếu nữ cao nguyên bình thản bước chầm chậm dưới những cây dù đủ màu, mưa làm phố núi chợt mờ mờ ảo ảo cảnh sắc thật liêu trai, lòng mình cũng chợt chùng xuống xa xót nỗi buồn không hiểu từ đâu…


    Nhưng nhớ nhất là cà phê Đà Lạt. Người Đà Lạt không uống cà phê bằng ly to pha cùng với đá như ở Sài Gòn. Tách cà phê cao nguyên nho nhỏ, đặc sánh và nóng rẫy vì được ngâm trong chén nước sôi bốc hơi nghi ngút. Sáng sớm, khi sương còn chưa tan, phố vắng thưa tiếng người, tiếng xe, ta sà vào một quán nhỏ ven đường với bếp than rực hồng ấm áp, đón từ tay cô chủ quán có chất giọng miền Trung pha chút nhẹ nhàng âm điệu Nam bộ tách cà phê nóng, hít hà cái hương thơm tinh khiết của nó sao mà sảng khoái và thú vị đến thế!


    Những tối mùa Đông bạt ngàn gió, hàng thông xanh như rủ nhau tấu lên bản nhạc hùng tráng của núi rừng. Lạnh tê người, những đôi tình nhân ôm chặt nhau truyền hơi ấm trên con đường dốc lên quán cà phê nhạc hiếm hoi thuở ấy. Chị em tôi cũng ráng để dành chút tiền lâu lâu đến quán thưởng thức nhạc Bolero (hồi đó gọi là nhạc vàng bị cấm lưu hành trong những năm tám mươi). Các tình khúc “Thành phố buồn”, “Những ngày trên Đà Lạt”…với giai điệu u sầu da diết, bi thương đã ngấm vào hồn tôi thành một mảng ký ức sâu đậm không dễ gì phai nhạt. Cùng với bản nhạc buồn, bàn tay bao quanh ly cà phê nóng bỗng như cũng chợt lạnh hơn trong cái lạnh của đất trời, cái lạnh của sự chia ly những mối tình đẹp xứ cao nguyên. Sau này tôi không thích nhạc Bolero nữa, phải chăng dòng nhạc ấy chỉ hợp khi nghe trong khung cảnh tĩnh mịch trầm buồn của xứ núi ngày xưa?


    Đà Lạt là nơi tôi để lại một góc hồn mình, những xao xuyến rung động trước ánh nhìn của một chàng trai trong sương khói sớm mai tôi giã từ phố núi. Cái nắm tay vội vàng, cái ánh mắt hun hút như nhìn mà không nhìn, như nhìn mà chìm đắm vào một suy tư không tương lai không hứa hẹn dẫu hàng năm sau những cánh thư vẫn tiếp tục bay về xứ biển…Tôi chạy trốn người ta, tôi chạy trốn Đà Lạt – mảnh đất tôi yêu mà không dám sống hết mình vì nó. Trời bắt tôi tôi luôn trở trăn với những nỗi buồn, trái tim tôi luôn thắt lại với nỗi đau nhân thế, tôi biết “cái tạng” mình không thể gắn cuộc đời với xứ sở buồn, nơi chỉ có cỏ cây hoa lá, những con đường dốc thưa thớt người qua, mưa lạnh suốt mùa Đông dài…Nếu sống hoài trong khung cảnh ấy chắc đời tôi sẽ âu sầu không lối thoát. Tôi đi tìm nắng, tôi đi tìm gió biển và bầu trời khoáng đạt, nơi có nhiều niềm vui…mà vô tình để lại đất và người Đà Lạt chỉ còn trong hoài niệm.


    Cà phê nào cũng đắng, nhưng khi nhấp ngụm cà phê nhân nhẩn đắng ấy nuốt xuống ta thấy còn đọng lại chút vị ngọt đầu lưỡi. Phải chăng trong sự cay đắng nào nếu biết chắt lọc cũng sẽ tìm được chút ngọt ngào? Tôi yêu những khoảnh khắc cùng bạn bè ngồi nhâm nhi cà phê lặng im nghe nhạc hoặc chuyện trò tâm tình, tôi cũng yêu những phút giây thư giãn chỉ một mình bên ly cà phê và một cuốn sách hay. Thế nhưng, lâu lắm rồi tôi chưa quên được tách cà phê nóng cùng nỗi buồn những sớm mai se lạnh trên cao nguyên ngày ấy…Cà phê thật ngon, thật đắng và cái con bé “trẻ người non dạ” là tôi chẳng thể chắt lọc được chút ngọt ngào nào của miền sơn cước để rồi cứ day dứt mãi …


    Phố biển chiều nay mưa buồn. Những giọt mưa tí tách như thấm vào lòng người chút cô liêu của ngày cuối Thu. Tự dưng nhớ, tự dưng ao ước một tách cà phê nóng trong tiết trời se se của mùa Thu Đà Lạt. Thèm cái cảm giác bàn tay ấp áp đan nhau trên con đường quanh co dốc núi, nghe thông reo, nghe thác đổ, nghe niềm xưa tràn về giữa phố thị ồn ào sầm uất hôm nay.


    Còn mãi trong tôi Đà Lạt của những ngày thanh xuân năm ấy.


    Nguyen Minh Nguyet

    Nhớ cà phê phố núi
    Nhớ cà phê phố núi
    Nhớ cà phê phố núi
    Nhớ cà phê phố núi



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy