Anh Tông hoàng đế (1293 – 1314)
Trần Anh Tông sinh năm Bính tý (1276) là con trưởng thượng hoàng Nhân Tông tên húy là Trần Thuyên. Ngay từ khi lên ngồi hoàng đế, Anh Tông đổi niên hiệu à Hưng Long. Từ nhỏ, vua đã được chứng kiến về cuộc chiến tranh nên cũng sớm có những suy tư về đất nước: các vị khai quốc công thần như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải hay các bậc danh tướng vào bậc quốc lão như Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư… đều tuổi cao sức yếu, nếu không tìm người kế cận thì việc trị nước sẽ ra sao? Chính vì vậy, trong 21 năm làm vua, Anh Tông luôn trú trọng việc kén chọn nhân tài lại đích thân cầm quân dẹp giặc, đối ngoại khôn khéo, mềm dẻo nhưng thái độ cương quyết với những quyết sách đúng đắn, đúng mực, thể hiện ý chí sắt đá, bảo tồn lãnh thổ, khi cương khi nhu nhưng đều đắc thế, như việc người Nguyên vào lấn chiếm hàng nghìn mảnh ruộng ở vùng biên giới và cướp đi nhiều vàng bạc của nhân dân, ông cho quân đánh đuổi và buộc nhà Nguyên phải định lại mốc biên giới cương vực.
Vua cũng là người biết nhìn người, dám giao trọng trách cho người trẻ tuổi tài cao như Đoàn Nhữ Hài tài ba lỗi lạc. Đường lối trị quốc của Trần Anh tông luôn tạo sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa cho nước nhà. Ông quan tâm đạo Thiền và động viên cung nhân ăn chay theo đạo, đồng thời quy tụ các tăng ni bàn về đạo Thiền ở Yên Tử, để tâm nhiều đến việc xây dựng chùa tháp, phụng sự đạo Phật.
Ngoài ra, Anh Tông còn là một ông vua có tâm hồn thi sĩ và hội họa nên ông lấy di dưỡng tinh thần bằng bút mực. Tuy không được lưu lại nhiều nhưng mỗi tác phẩm còn lại đều thể hiện được tâm tư của một đấng quân chủ anh minh.