Bài soạn "Chiều xuân" của Anh Thơ số 6

I. Tác giả
1. Tiểu sử - Cuộc đời
- Anh Thơ (1921 - 2005).
- Tên khai sinh là Vương Kiều Ân, bút hiệu Tuyết Anh .
- Quê: tỉnh Hải Dương, trong một gia đình viên chức nhỏ, xuất thân Nho học.
- Nhà thơ chưa học hết bậc tiểu học nhưng chịu khó đọc sách ham văn chương.
- Sống trong không khí gia đình buồn tẻ nặng nền nếp phong kiến, bà tìm đến thơ ca tự giải thoát và khẳng định mình như nhiều thanh niên thời đó.
-Tháng Tám 1945 hăng hái tham gia cách mạng kháng chiến và xây dựng đất nước bằng thơ ca, là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam

2. Sự nghiệp sáng tác
a. Tác phẩm chính
- Tiểu thuyết "Răng đen", thơ "Bức tranh quê".
- Sau cách mạng tháng Tám: Kể chuyện Vũ Lăng, Theo cánh chim câu, Đảo ngọc, Hoa dứa trắng, Quê chồng.
b. Phong cách nghệ thuật
- Thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc: bờ tre, con đò, bến sống, với những nét vẽ chân thực, tinh tế thấm đượm một chút tình quê đằm thắm pha chút bâng khuâng buồn của thơ mới.

II. Tác phẩm
1. Xuất xứ - Hoàn cảnh ra đời
- Được rút từ tập "Bức tranh quê", tập thơ đầu tay của Anh Thơ.

2. Bố cục: 3 phần
- Khổ 1: Bức tranh chiều xuân trên bến vắng.
- Khổ 2: Bức tranh chiều xuân trên đường đê.
- Khổ 3: Bức tranh chiều xuân trên cánh đồng.

3. Giá trị nội dung
- Vẻ đẹp chiều xuân bình dị, đơn sơ mộc mạc của làng quê Bắc Bộ.
- Tình yêu làng quê, đất nước sâu sắc và thiết tha.

4. Giá trị nghệ thuật
- Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, sử dụng nhiều từ láy.
- Thủ pháp lấy cái động để nói cái tĩnh.

Một số nhận định về tác giả, tác phẩm
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết: "Khi chị đến thì phong trào Thơ mới đã ổn định với các tên tuổi tiêu biểu của nó, nhưng chị vẫn có đóng góp riêng: những bức tranh thôn quê xứ Bắc. Cùng với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... Anh Thơ làm giàu thêm lòng yêu quê hương làng nước của người Việt Nam mình".

III. Trả lời câu hỏi

Câu 1. Bức tranh "Chiều xuân qua ngòi bút của Anh Thơ hiện nên như thế nào? Hãy chỉ ra nét riêng cho bức tranh đó?
Chọn chiều mưa bụi, Anh Thơ có dịp nói được cái đặc sắc của thời tiết xứ Bắc. Nông thôn ta hồi đó thưa vắng (cả nước hai mươi triệu dân), nền kinh tế tiểu nông càng khép kín xóm làng, cuộc sống yên tĩnh, có phần ngưng đọng. Trong chiều mưa lạnh này, nơi bến sông rìa làng càng tiêu điều vắng vẻ. Một khung cảnh không âm thanh, không sắc màu tươi sáng: mưa rơi rất êm, bến rất vắng, có được con đò thì cũng lười biếng bất động, một quán nước không người. Động đậy một chút chỉ là những cánh hoa xoan tím rụng tơi bời. Nhưng những cánh hoa ấy lại quá nhỏ và nhẹ, nó lẫn với màn mưa rồi cùng chìm vào cái vắng và lặng của trời chiều.

Ba đoạn thơ là ba khung cảnh. Cảnh đầu tiên là bến vắng. Cảnh hai là đường đê. vẫn làn mưa bụi ấy bay dăng nhưng đã có sự hoạt động: có dàn sáo khi bay khi đậu, có trâu bò gặm cỏ, và những cánh bướm rập rờn trôi trước gió. Đoạn thơ có nhiều nét tươi mát và thơ mộng, chứng tỏ người viết biết quan sát và có hồn thơ nên cảnh vừa thực lại vừa có cái kì ảo, như câu thơ: Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa hay cái sắc cỏ non tràn biếc cỏ và đàn sáo mổ vu vơ. Những ý thơ ấy điểm xuyết cho những câu thơ tả thực, tạo nên cái lung linh sinh động của cảm giác, ảo giác. Có những cảnh bình thường, quen thuộc, hằng ngày ai cũng thấy, qua mắt Anh Thơ bỗng nhiên mới mẻ đầy kì thú. Nhìn, đã thành một phát hiện của nhà thơ

Câu 2.
Anh chị có cảm nhận gì về không khí và nhịp sống thôn quê trong bài thơ? Không khí và nhịp sống ấy được gợi tả bằng những hình ảnh chi tiết và bằng thủ pháp nghệ thuật nào?
Năng khiếu thơ chính ở chỗ này, nó phải thấy được những gi mà người thường không thấy. Chị tả ông thầy bói:
Bước gậy lần như những bước chiêm bao.
Và một vệt khói buổi đầu ngày mùa hạ:
Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.
Điều đáng quý ở Anh Thơ là chị tìm cảm hứng ngay từ những khung cảnh bình thường quanh chị. Chị không mĩ lệ hóa nhưng vẫn tìm được cái đẹp trong sự bình dị. Đoạn cuối bài thơ Chiều xuân vần là cảnh thường thấy ở chốn thôn quê: cảnh ngoài cánh đồng đang mùa cào cỏ. Bài thơ rất dễ bằng phẳng nếu ở đoạn cuối này không có nét gì đột biến. Nét đột biến à đây là... một cô nàng yếm thắm, một cái giật mình:

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

So với câu đầu của bài thơ, ở đây không gian đã hoạt động hơn, đã có con người làm lụng và cảm xúc, ruộng lúa sắp ra hoa thay vì hoa xoan rụng. Cảnh sác bớt váng vẻ, bài thơ có được cái ấm áp của đời thường.
Các bài thơ trong Bức tranh quê có chất lượng khá gần nhau, ít cái hay đột xuất, nhưng bài nào cũng ý vị, cho ta thấy hình ảnh của quê hương ta cách đây nửa thế kỉ, hay cả vẻ đẹp lẫn nỗi nghèo khổ, thô thiển của đời sống dân quê

Câu 3
. Hãy thống kê những từ láy trong bài thơ và phân tích nét đặc sắc của những từ láy đó?
Các từ láy trong bài : êm êm, im lim, vu vơ, rập rờn, chốc chốc..
Các từ láy đã tạo nên nhịp điệu cho bài thơ . Tác giả không phải chỉ quan sát bằng nhìn ngắm mà phải sống với hồn của cảnh vật thì thơ mới tả được cái thần của cảnh. Đọc Bức tranh quê không nên đòi hỏi chiều sâu của tư tưởng, Anh Thơ không quen đặt những vấn đề lớn trong thơ, chị thích viết những điều trông thấy quanh mình. Thơ chị hay ở tài quan sát và cố nhiên cũng ở tình cảm của chị đối với làng quê.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy