Bài soạn "Hoán dụ" số 4
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Bài này giúp các em tìm hiểu về hoán dụ như một phép tu từ. VI thế, các em cần:
- Hiểu thế nào là hoán dụ ;
- Biết các kiểu hoán dụ ;
- Bước đầu biết phân tích tác dụng của hoán dụ.
1. Thế nào là hoán dụ?
Hoán dụ là việc gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ:
Mười lăm năm ấy, ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà.
(Tố Hữu)
Trong câu thơ trên, quê hương cách mạng là một hoán dụ. Ở đây quê hương cách mạng được dùng để gọi khu căn cứ địa Việt Bắc, nơi Đảng và Bác lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của dân tộc.
2. Các kiểu hoán dụ
Dựa vào mối quan hệ có được giữa A và B, ta có thể chia hoán dụ ra thành 4 kiểu chính như sau:
a) Quan hệ bộ phận (B) - toàn thể (A): gọi tên một bộ phận thay cho toàn thể.
Ví dụ:
- Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
(Anh Thơ)
cánh bướm (bộ phận): thay cho bướm (toàn thể).
- Theo chân Bác (Tố Hữu)
chân (bộ phận) : thay cho Bác (toàn thể).
b) Quan hệ giữa vật chứa đựng (B) và vật bị chứa đựng (A) : gọi tên vật chứa đựng thay cho vật bị chứa đựng. Ví dụ:
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.
(Tố Hữu)
Việt Bắc (vật chứa đựng): thay cho người Việt Bắc, nhân dân Việt Bắc.
c) Quan hệ giữa dấu hiệu của sự vật (B) và sự vật (A): gọi tên dấu hiệu của sự vật thay cho sự vật. Ví dụ:
Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái.
(Nguyễn Tuân)
sáu bơi chèo (dấu hiệu của sự vật): được dùng để gọi thay cho sáu người chèo thuyền (sự vật).
d) Quan hệ giữa cái cụ thể (B) và cái trừu tượng (A): gọi tên cái cụ thể thay cho cái trừu tượng. Ví dụ:
Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ
Bắp chân đầu gối vẫn săn gân.
(Tố Hữu)
Bắp chân đầu gối vẫn săn gân (cái cụ thể) được dùng để gọi thay cho cái trừu tượng (tinh thần kháng chiến vẫn vững vàng, dẻo dai).
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Câu 1. Bài tập yêu cầu các em:
- Chỉ ra phép hoán dụ trong các câu văn, câu thơ.
- Xác định mối quan hệ giữa các sự vật trong phép hoán dụ đó là mối quan hệ nào trong số bốn mối quan hệ đã được học.
Để tìm được phép hoán dụ, các em cần hiểu hoán dụ là phép gọi tên sự vật này bằng tên một sự vật khác dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa hai sự vật ấy. Bởi thế, trong các câu văn, câu thơ, nếu các em thấy có trường hợp gọi A mà các em hiểu đó là nói tới B nhờ dựa vào mối quan hệ mật thiết giữa A và B, thì đấy chính là hoán dụ.
Sau khi tìm được phép hoán dụ trong câu văn, câu thơ, dựa vào mối quan hệ cụ thể trong hoán dụ đó, dựa vào 4 kiểu hoán dụ đã nêu trong SGK, các em sẽ xác định kiểu hoán dụ đã dùng.
a) Phép hoán dụ: làng xóm ta. Mối quan hệ giữa vật chứa đựng (B) và vật bị chứa đựng (A):
+ Gọi tên vật chứa đựng: làng xóm ta.
+ Thay cho vật bị chứa đựng: những người dân sống trong làng xóm.
b) Phép hoán dụ: mười năm, trăm năm. Mối quan hệ giữa cái cụ thể (B) và cái trừu tượng (A):
+ Gọi tên cái cụ thể: mười năm, trăm năm.
+ Thay cho cái trừu tượng: con số không xác định (nhiều năm).
c) Phép hoán dụ: áo chàm. Mối quan hệ giữa dấu hiệu của sự vật (B) và sự vật (A):
+ Gọi tên dấu hiệu của sự vật: áo chàm.
+ Thay cho sự vật: người Việt Bắc.
d) Phép hoán dụ: trái đất. Mối quan hệ giữa vật chứa đựng (B) và vật bị chứa đựng (A):
+ Gọi tên vật chứa đựng: trái đất.
+ Thay cho vật bị chứa đựng: nhân loại.
Câu 2. Bài tập yêu cầu các em phân biệt ẩn dụ và hoán dụ, vì thế các em phải chỉ ra được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng, sau đó cho ví dụ minh hoạ.
Hoán dụ và ẩn dụ có điểm giống nhau và khác nhau như sau:
a) Giống nhau
Chúng đều là sự chuyển đổi cách gọi tên: gọi B để thấy A, gọi B mà hiểu là nói đến A. Ví dụ:
- Ẩn dụ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
+ ăn quả (B) - người hưởng thụ thành quả (A)
+ trồng cây (B) - người gây dựng, người tạo thành quả (A).
- Hoán dụ: Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà.
+ quê hương cách mạng (B)
+ căn cứ địa Việt Bắc (A) dấu hiệu của sự vật.
c) Khác nhau
- Ẩn dụ là cách chuyến đối tên gọi dựa trên sự tương đồng, giống nhau nào đó giữa A và B, nhưng sự tương đồng đó không phải là hiển nhiên mà phải có sự tìm tòi, phát hiện mới thấy. Bởi vậy, có những ẩn dụ, người đọc không phải lúc nào cũng hiểu như nhau. Ví dụ: Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
+ thắp có sự tương đồng với nở hoa.
+ lửa hồng có sự tương đồng với màu đỏ của hoa.
- Hoán dụ là sự chuyển đổi tên gọi không phải dựa trên sự tương đồng giữa A và B mà dựa trên mối quan hệ gần gũi, hiển nhiên, dễ thấy giữa A và B.
Ví dụ:
+ Gọi người chèo thuyền là tay chèo vì khi chèo thuyền phải dùng tay và mái chèo để chèo.
+ Người chơi bóng bàn là tay vợt vì khi chơi bóng bàn phải dùng tay và chơi bằng vợt.
+ Người viết văn làm thơ phải dùng bút nên gọi là tay bút (hoặc cây bút).
+ Trong khi đó, người đá bóng phải dùng chân nên gọi là chân sút.
Chính vì mối quan hệ mật thiết đó mà cách hiểu hoán dụ thường được người đọc hiểu một cách nhanh chóng hơn, dễ dàng thống nhất với nhau hơn.
Các em có thể thấy được sự khác biệt giữa ẩn dụ và hoán dụ qua bảng so sánh sau:
Ẩn dụ
Hoán dụ
Có nét tương đồng về các mặt:
Có quan hệ mật thiết về các mặt:
- hình thức
- bộ phận - toàn thể
- cách thức thực hiện
- vật chứa đựng - vật bị chứa đựng
- phẩm chất
- dấu hiệu của sự vật - gọi sự vật
- cảm giác
- cụ thể - trừu tượng