Bài tham khảo số 2
Có thể nói, "Đăm Săn" là một trong những pho sử thi nổi tiếng của người dân tộc Ê-đê nói riêng và người Việt nói chung. Qua tác phẩm, ta cảm nhận được tấm lòng ngợi ca, ngưỡng mộ vẻ đẹp sức mạnh, phẩm chất lí tưởng ở người anh hùng cùng những khát khao về cuộc sống tươi đẹp của người xưa. Điều này được khắc họa rất chân thực trong đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời".
Giành thắng lợi sau cuộc giao chiến, Đăm Săn thu về rất nhiều của cải. Cuộc sống sung túc lại thêm sung túc. Tuy nhiên, chàng vẫn khao khát chinh phục được Nữ Thần Mặt Trời. Chàng hi vọng nàng sẽ làm vợ của mình. Vì thế, với lòng quyết tâm cao độ, chàng đã lên ngựa ra đi. Chàng ghé thăm nhà Đăm Par Kvây, rủ bạn mình đi cùng. Tuy nhiên, người bạn thân thiết đã từ chối và cảnh báo về nguy hiểm, gian nan phía trước. Thế nhưng, Đăm Săn vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu. Chàng mạnh mẽ vượt qua các trở ngại, thành công tìm đến nhà Nữ Thần. Sau cùng, khi bị Nữ Thần từ chối, chàng không tỏ ra buồn bã, đau khổ. Chàng quyết định trở về quê nhà mặc những lời can ngăn từ Nữ Thần. Như vậy, chuyến đi đầy mạo hiểm đã góp phần tô đậm phẩm chất anh hùng ở vị tù trưởng Đăm Săn. Qua đó, các tác giả dân gian đã bày tỏ tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ người anh hùng sử thi. Đồng thời, thể hiện ước mơ, khát vọng về việc chinh phục, khai phá và mở mang bờ cõi. Những thông điệp ý nghĩa này cũng chính là chủ đề bao trùm đoạn trích.
Đầu tiên, thông qua nhân vật Đăm Săn, người xưa bày tỏ mong ước có những phẩm chất lí tưởng mà Đăm Săn là đại diện tiêu biểu. Ở chàng luôn ngời sáng bản lĩnh phi thường cùng khát vọng lớn lao. Đứng trước cuộc sống thịnh vượng, giàu có, chàng không lấy đó làm hài lòng. Chàng hi vọng đời sống sẽ tươi đẹp, rực rỡ hơn nữa. Vì thế, chàng đã quyết tâm lên đường tìm tới nhà Nữ Thần Mặt Trời.
Tiếp đến, các tác giả dân gian còn ngợi ca lòng dũng cảm, luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách ở Đăm Săn. Dù người bạn thân thiết Đăm Par Kvây đã ra sức khuyên ngăn "Chết thật đó, diêng ơi!", chàng vẫn kiên quyết lên đường "Mặc, diêng cứ để tôi làm bàn trang tôi san đường đi". Biết con đường sắp tới đầy ắp hiểm nguy, chàng chẳng chút sợ hãi hay nao núng. Chàng mạnh mẽ khẳng định "Để xem tê giác, hùm beo có chết dưới mũi giáo lưỡi gươm của Đăm Săn này hay không!", "Tôi không sợ đâu". Đứng trước thử thách của thiên nhiên núi rừng, chàng đã dũng cảm vượt qua, phá tan các trở ngại. Cuối cùng, giây phút tìm được đến nhà Nữ Thần và bị nàng từ chối, chàng vẫn tỏ quyết tâm muốn nàng làm vợ mình "Tôi không về [...] có lấy được nàng tôi mới về". Chỉ khi thấy thái độ nhất quyết không chịu của Nữ Thần, chàng mới chấp nhận từ bỏ ý định. Dẫu vậy, chàng cũng không tỏ ra chán nản, đau buồn khổ sở. Chàng vẫn kiên quyết lên ngựa trở về quê hương mặc lời dự báo từ Nữ Thần về việc bản thân sẽ gặp hiểm nguy lúc Mặt Trời lên cao "Sống được chết đành! Tôi về đây.".
Từ đây, bên cạnh việc bày tỏ tình cảm trân trọng, ngợi ca người anh hùng sử thi, các tác giả dân gian còn khéo léo gợi lên mong muốn được khai phá, chinh phục thế giới tự nhiên, mở mang bờ cõi. Họ hi vọng cuộc sống cộng đồng sẽ ngày càng giàu có và hạnh phúc. Có thể thấy, mong ước tươi đẹp ấy đã được khắc họa tinh tế trong đoạn trích này.
Bằng việc sử dụng các thủ pháp so sánh, phóng đại "trông nghênh nghênh như một con rắn, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung",... các tác giả dân gian đã phác họa hết sức chân thực người anh hùng tài giỏi, dũng cảm. Ngoài ra, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật cũng góp phần làm nổi bật chủ đề đoạn trích. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất hùng tráng cũng để lại ấn tượng cho độc giả.
Như vậy, qua đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời" người xưa đã gửi gắm mong ước về vị anh hùng dũng cảm, phi thường cùng khát vọng về cuộc sống tốt đẹp. Mong rằng, các ý nghĩa, giá trị nhân văn sẽ sống mãi theo dòng thời gian. Để rồi, mỗi khi nhắc tới sử thi "Đăm Săn", người ta sẽ không thể nào quên những lí tưởng cao cả của một thế hệ, một dân tộc.