Bài tham khảo số 3

Viết về đề tài người nông dân trước cách mạng trên văn đàn Việt Nam đã có rất nhiều những tác phẩm và những cây bút xuất sắc, nhưng ở mỗi một tác giả, tác phẩm ta lại thấy một khía cạnh riêng, mang tính cá nhân của người viết.

Ví như Nguyễn Công Hoan là giọt nước mắt đau đớn, nỗi khốn khổ của người nông dân dưới những mẩu truyện ngắn cười ra nước mắt ví như Tinh thần thể dục hay Kép tư bền. Hay Ngô Tất Tố là nỗi đớn đau, xót xa cho những kiếp người cùng cực dưới nạn thuế má trong Tắt đèn. Hoặc một Nam Cao lạnh lùng, với hiện thực trần trụi đau đớn với kiếp sống đầy bi kịch của Chí Phèo.


Và rồi đến với Kim Lân, một tác giả có số lượng tác phẩm cực ít thế nhưng lại là một trong 10 tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam với hai tác phẩm Làng và Vợ Nhặt. Thành công của Kim Lân đến từ sự khác biệt trong lối hành văn và cách tư duy, ông dùng cái hiện thực để làm nổi bật lên những cá tính và phẩm chất tốt đẹp của con người.

Lấy tư tưởng nhân văn nhân đạo phát triển lên, không chỉ có tính phản ánh mà còn mở ra cho nhân vật của mình một lối thoát mới ấy là Cách mạng, thứ mà những nhà văn viết về đề tài này trước đó chưa khai mở được. Trong tác phẩm Vợ nhặt bức tranh hiện thực hiện lên dưới ngòi bút của Kim Lân bằng những câu văn nhẹ nhàng, nhưng vô cùng ám ảnh và u ám.


Bối cảnh trong Vợ nhặt là một bối cảnh rất đặc biệt, là giai đoạn đau thương trong lịch sử dân tộc. Kim Lân đã phản ánh một cách chân thực tình cảnh khốn khổ của người nông dân trong nạn đói những năm 1944-1945 thông qua ba nhân vật Tràng, thị và bà cụ Tứ. Người nông dân đầu tiên hiện lên ấy là Tràng, một chàng trai còn trẻ, vô tư, nhưng cuộc sống nghèo khổ, sống vật vờ lay lắt như một cành củi khô dưới bầu trời u ám, ngày ngày lao động quần quật với công việc kéo xe.


Cái đói, cái khổ những năm tháng ấy khiến một anh con trai vốn sức vóc cũng trở nên tiều tụy, mệt mỏi “Tràng cúi đầu bước từng bước chậm chạp”, tàn tạ vô cùng. Còn thị, một người đàn bà, bị cái đói hành hạ đến độ cong cớn, sưng sỉa vì miếng ăn, rồi cuối cùng vì 4 bát bánh đúc mà đánh đổi cả một đời làm vợ người. Thị đã ở bên bờ vực của cái chết, nên thị phải chấp nhận mang trên mình cái danh người “vợ nhặt”, tựa như cọng rơm, cọng rác vứt đâu đó ngoài xó chợ.


Cuối cùng là bà cụ Tứ, một người đàn bà tội nghiệp, tuổi cao sức yếu, đáng lý ra nên ở nhà bồng cháu, bồng chắt, thế nhưng bà vẫn đăm đăm nỗi lo không lấy được vợ cho đứa con trai duy nhất, rồi cả nỗi lo đói kém, bà vẫn phải lao động miệt mài, với một tương lai u ám và một tia niềm tin còn lóe sáng, rằng cầm cự được qua cơn đói này tương lai sẽ tốt hơn.

Đó là nạn đói qua số phận ba nhân vật chính, nhưng nó còn khủng khiếp hơn khi người ta nhìn ra ngoài kia, nơi những con người của xóm ngụ cư đang đếm từng bước đến nghĩa địa. Có thể nói rằng chưa từng có một nhà văn nào lại có thể vẽ ra một bi kịch nạn đói kinh hoàng và ám ảnh đến thế, những người dân tản cư, bồng bế, dắt díu nhau nhếch nhác “xanh xám như bóng ma”, “ngổn ngang khắp lều chợ”, cảnh “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.


Khung cảnh thê lương, tối tăm và lạnh lẽo, “bóng người đói dật dờ lặng lẽ đi lại như bóng ma”, cùng với “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi khủng khiếp”, như tiếng vẫy gọi đầy ám ảnh của tử thần. Có thể nói rằng nạn đói đã biến một ngôi làng thành nơi mà cái chết hiện diện, bao trùm khắp không gian và thời gian, khiến con người ta không thể trốn chạy, vật vờ, ngột ngạt và tuyệt vọng.


Bức tranh hiện thực của Kim Lân hiện lên tàn khốc đến nỗi con người ở đây dường như đã nhìn thấy cái chết của mình, và đang chậm rãi chờ nó tới “khó ai có thể tin mình sống nổi” trong đó có cả 3 con người đang cầm cự là Tràng, thị và cụ Tứ. Bởi dẫu Chí Phèo dù đã ở dưới đáy của xã hội, nhưng vẫn có lúc tin vào hạnh phúc với Thị Nở, còn mẹ con Tràng và những con người ngoài kia thậm chí còn chẳng tin vào việc sống sót chứ đừng nói đến hạnh phúc gia đình.


Xóm ngụ cư ấy dường như đã bước một bàn chân sang nghĩa địa, sự sống và cái chết chỉ là một bức màn mỏng, mong manh vô cùng, động một cái thôi là đã có vài người ngã xuống, thảm hại và bi thương.


Bi kịch nạn đói còn thể hiện cả trong đời sống của gia đình Tràng, “bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại, giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo”. Nếu trong cảnh khác, mà không phải nạn đói, có lẽ chẳng ai nuốt nổi bữa cơm “đạm bạc” ấy, thế nhưng cả nhà Tràng đều ăn rất ngon lành vui vẻ.


Nhưng gây ấn tượng và có giá trị phản ánh hiện thực sâu sắc nhất vẫn là hình ảnh nồi cháo cám mà bà cụ Tứ bảo là món “chè khoán” mừng tân hôn. Vị đắng ngắt, nghẹn ứ nơi cổ họng của Tràng chính là mùi vị khốn khổ của những năm tháng kinh hoàng ấy, con người ta tàn tạ đến mức phải ăn cả thức ăn của gia súc để giành giật lại sự sống.


Và còn biết bao nhiêu cảnh đời khốn khổ vật vạ, không có cả cám để ăn rồi chờ thần chết đến đến mang mình đi. Rồi ám ảnh đến mức trong đêm tân hôn của Tràng và thị Kim Lân vẫn đặt vào đó “Tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”, u ám và thiểu não càng làm nổi bật lên cái hiện thực khốc liệt của người nông dân trong nạn đói.


Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc, người ta thấy ở đó một nạn đói kinh hoàng với những sinh linh bé nhỏ, tàn tạ bước từng bước lần về nghĩa địa, thấy được cái không khí tang thương, u uất, tràn ngập mùi tử thi bao trùm trên xóm nhỏ. Đồng thời có ý nghĩa phản ánh sự tàn ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật những kẻ đã gây ra thảm kịch cho hơn hai triệu đồng bào.


Người ta thường nói nghèo thường đi đôi với hèn. Nhưng khi đến với truyện ngắn “vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, ta sẽ hiểu vẫn có những con người đã sống rất thanh cao, rất lương thiện trong cái đói khủng khiếp với cái nghèo bần cùng. Không những thế, tác phẩm còn ẩn chứa giá trị hiện thực vô cùng sâu sắc mà Kim Lân đã gửi gắm vào đó.


Bản thân ông cũng là một người được sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khổ, nên hơn ai hết, ông hiểu rất rõ sự kham khổ của mọi người. Vì thế, trong những trang văn của ông vẫn thường thấp thoáng bóng dáng của những người nông dân tuy sống khắc khổ nhưng tấm lòng trong sạch.


Trong tác phẩm “Vợ nhặt” cũng vậy, Kim Lân cũng viết về cuộc sống cùng cực của vùng quê nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Khi đó, người sống và người chết xuất hiện lẫn lộn nhau. Người chết như ngả rạ, còn người sống dật dờ lang thang như những hồn ma. Kim Lân miêu tả rất chi tiết: những cái thây nằm còng queo bên đường, không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người, xóm chợ về chiều xơ xác hắt hiu, hai bên dãy phố úp sụp tối om không nhà nào có ánh đèn ánh lửa, tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết…Cảnh đói được nhà văn miêu tả lại quá thê lương và xót xa. Chỉ qua một vài hình ảnh, người đọc cũng có thể hình dung ra ngay trước mắt mình cảnh những người chết đói nằm rải rác ngoài đường ngoài chợ, người ta không cả nghĩ đến chuyện chôn cất, ma chay. Cái đói còn làm cho người ta không dám nghĩ đến chuyện dựng vợ, gả chồng. Khiến cho Tràng – một người cùng khổ trong nạn đói ấy phải “nhặt” vợ. Trong bữa cơm ngày đầu của gia đình mới lẽ ra là một mâm cơm dù không thịnh soạn thì chí ít cũng có đầy đủ chút cơm rau dưa muối.


Đồng thời, truyện ngắn “Vợ nhặt” cho chúng ta thấy được thân phận rẻ rúng của con người cùng với sự thê lương của số phận người nông dân trong hoàn cảnh bấy giờ. Điều này được thể hiện rõ nhất qua nhân vật người vợ nhặt. Cái đói cái nghèo đã đùn đẩy tới mức chỉ sau hai lần gặp Thị theo Tràng về làm vợ với mâm cỗ ra mắt là 4 bát bánh đúc và một câu bông đùa. Chỉ vì miếng ăn, cái đói cái nghèo mà đưa đẩy số phận của một con người. Để rồi Tràng lấy vợ mà Kim Lân gọi là “nhặt vợ” như nhặt những đồ vật chẳng có chút giá trị nào trên đường.Nhưng không, không cơm, không rau, cũng chẳng dưa cà dưa muối. Bữa cơm ngày đói chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Mỗi người chỉ ăn được hai lưng bát là hết sạch. Mẹ Tràng phải mang cháo cám ra cho cả nhà ăn. Nồi cháo cám đắng xít nhưng lại trở thành một thứ đồ ăn hiếm có.


Chính bọn thực dân phong kiến đã nhẫn tâm bắt người dân phải nhổ lúa trồng đay. Đay nào có thể ăn được. Rồi các loại sưu cao thuế nặng càng làm cho người dân khổ cực. Ăn còn không có miếng mà ăn thì lấy đâu ra tiền ra thóc mà đóng thuế. Bọn chúng đúng là muốn dồn người ta vào bước đường cùng, vào chỗ chết.


Tất cả những điều trên đã làm nên giá trị hiện thực sâu sắc cho tác phẩm. Nạn đói khủng khiếp, số phận bi thảm của những người đói là những mặt chủ yếu nhất của hiện thực lúc bấy giờ được Kim Lân phản ánh bằng những nét bản chất đã làm nên giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm như chứng tích văn học về một sự kiện lịch sử không thể nào quên.

Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3

Top 10 Bài văn phân tích giá trị hiện thực trong truyện ngắn "Vợ nhặt" hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy