Bài tham khảo số 7

Trong suốt sự nghiệp của mình, tuy sáng tác không nhiều, nhưng Kim Lân là một trong số nhà văn lại để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc. Vợ nhặt là một tác phẩm như thế. Truyện ngắn này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thế hệ độc giả bởi giá trị hiện thực sâu sắc.


Vợ nhặt là được viết lại từ một chương trong truyện dài Xóm ngụ cư mà Kim Lân viết dở năm 1946. Tác phẩm nói lên số phận của những con người bị khinh rẻ bởi cuộc sống nghèo đói. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, người dân xóm ngụ cư vẫn khát khao vươn lên trên cái chết, sự thảm đạm để mà vui, mà hi vọng, Sau đấy, do hoàn cảnh chiến tranh, bản thảo của tác phẩm bị mất. Sau 1954, nhân một số báo kỉ niệm Cách mạng tháng tám, Kim Lân liền nhớ lại, viết thành truyện ngắn Vợ nhặt, in trong tập Con chó xấu xí (1962).


Vợ nhặt đặc sắc ở chỗ xây dựng được một câu chuyện khác thường: giữa những ngày nạn đói hoành hành, người chết như ngả rạ, không ai dám chắc mình có sống qua nạn đói ấy không thì anh Tràng lại “nhặt” được một người đàn bà về làm vợ. Từ câu chuyện Tràng nhặt được vợ, tác giả thể hiện một sự cảm thông đến cảm động, một tình yêu thương nồng ấm đối với những con người cùng khổ.


Trước hết, phải khẳng định rằng nạn đói năm 1945 được rất nhiều nhà văn quan tâm và phản ánh. Hẳn chúng ta vẫn chưa thể quên được hậu quả, sự ám ảnh của nó trong Một bữa no của Nam Cao. Nạn đói mà vì nó, người ta có thể bất chấp tất cả danh dự, nhân phẩm chỉ để được ăn bữa no để rồi sau đó chết không phải vì đói. Nhưng dường như với Vợ nhặt, tác giả Kim Lân muốn tạo ra một ấn tượng khác về nạn đói qua hình ảnh của xóm ngụ cư nghèo xơ xác.


Ấn tượng ấy trước hết bởi âm thanh của “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết” và “tiếng khóc hờ người chết cứ văng vẳng trong đêm”. Mới chỉ nghe âm thanh ấy ta đã thấy rợn người bởi vì sự chết chóc, tang thương. Ấn tượng ấy còn gợi lên từ mùi vị rất riêng của xóm ngụ cư: “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người chết”. Đó là không khí của một bãi tha ma với mùi tử khí, ghê rợn.


Đặc biệt, cảm quan về cái đói và sự chết chóc thấm tận vào cái nhìn cảnh vật. Chẳng thế mà ngay ở những dòng đầu của tác phẩm, khi miêu tả con đường luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào trong bến, Kim Lân cũng thấy nó “khẳng khiu” còm cõi.


Trong cái không gian đặc biệt ấy, tác giả miêu tả hình ảnh của những con người nghèo khổ với nạn đói khủng khiếp. Người chết “như ngả rạ, không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Người sống thì cũng thê thảm, bởi họ sống nhưng lại chắc rằng cái chết đang chờ đợi minh ở trước. Đó là hình ảnh “những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế nhau, dắt díu nhau lên, xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”.


Trong số những người còn may mắn sống sót trong nạn đói ấy là nhân vật “thị”, người đàn bà sau này là vợ Tràng. Lần thứ nhất khi chở thóc lên tỉnh, Tràng gặp thị, thị còn “liếc mắt cười tít”. Nhưng đến lần thứ hai, chính Tràng cũng không nhận ra người quen cũ bởi vì “hôm nay thị rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gày sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Không những thế, vì quá đói, chỉ cần Tràng chào một tiếng cho có lệ, thị ngồi xuống chén một chặp 4 bát bánh đúc.


Cái đói làm cho con người ta biến đổi. Thị có thể bất chấp, miễn là được ăn. Và cũng vì đói, Thị đã theo không một người đàn ông không rõ gốc tích ngọn nguồn. Đó chính là cái đói là năm 1945 theo cách cảm nhận và miêu tả rất riêng của Kim Lân. Có thể xem hình ảnh xóm ngụ cư trong tác phẩm Vợ nhặt là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam trước Cách mạng mà ở đó thân phận của con người bị hạ thấp, bị rẻ rúng đến mức cùng cực.


Qua hình ảnh của xóm ngụ cư, Kim Lân muốn góp một tiếng nói đanh thép tố cáo hiện thực xã hội đương thời đã gây nên một thảm họa nhân đạo thảm khốc đối với một dân tộc vốn đã gặp nhiều tai ương. Nạn đói ấy đã cướp đi hàng triệu sinh mạng con người ở Bắc Bộ.


Nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở những kiếp người nghèo khổ không lối thoát đó thì có lẽ Kim Lân sẽ vẫn là một nhà văn trước Cách mạng và Vợ nhặt chỉ dừng lại là một tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Cảm quan của một nhà văn cách mạng không cho phép Kim Lân dừng lại ở đó, phải tìm cho nhân vật một lối thoát để giải phóng cuộc đời mình và như lời kể của Kim Lân.


Vợ nhặt được viết nhân dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Tám thành công. Nhà văn muốn thiên truyện ngắn mang “màu sắc Cách mạng tháng Tám thành công”, có lẽ và thế mà Kim Lân cho hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở cuối truyện.


Vẫn là sự ám ảnh của cái đói, sự chết chóc, nên mâm cơm đầu tiên đón nàng dâu mới nom thật thảm hại “giữa mẹt rách độc một làn rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo”, mọi người đều ăn ngon lành và cố làm cho nhau vui bởi những câu chuyện về gia cảnh về làm ăn. Nhưng bữa cơm đạm bạc ấy chưa đến nửa chừng đã hết mà mẹ già bưng ra một cái nồi nghi ngút khói gọi là “chè khoán”, nhưng kì thực là cháo cám – một thứ thức ăn vốn không phải là của con người.


Ngoài đình có tiếng trống dồn dập, vội vã. Tiếng trống thúc sưu, thúc thuế trên mảnh đất đầy chết chóc khiến đàn quạ hốt hoảng vù bay, khiến nền trời thành đen vẩn. Và từ tiếng trống ấy, người đọc hướng sự chú ý đến lời kể của cô con dâu “trên mạn Bắc Giang, Thái Nguyên, ở đấy người ta không chịu đóng thuế nữa. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”. Từ câu chuyện kể ấy Kim Lân chọn cho mình một kết thúc đầy ý nghĩa: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới…”


Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Kim Lân đã sáng tạo nên một tình huống truyện vô cùng độc đáo và có ý nghĩa: tình huống Tràng nhặt được vợ, tình huống vợ chồng Tràng dắt díu nhau về trong bóng chiều ảm đạm với tiếng khóc hờ người chết. Nhưng qua tình huống ấy, điều mà Kim Lân muốn nhắn nhủ đến mỗi chúng ta là niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Tình yêu và hạnh phúc của mỗi con người có thể được khai sinh từ nỗi đau khổ và tuyệt vọng nhất.

Bài tham khảo số 7
Bài tham khảo số 7
Bài tham khảo số 7
Bài tham khảo số 7

Top 10 Bài văn phân tích giá trị hiện thực trong truyện ngắn "Vợ nhặt" hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy