Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 3

Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, với cuộc đời và sự nghiệp vô cùng vĩ đại, đã thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều thi phẩm của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên và được hình tượng hoá theo một phong cách rất riêng. Trong kho tàng đồ sộ và thiêng liêng về đề tài lãnh tụ với rất nhiều tuyệt phẩm, bài thơ “Người đi tìm hình của Nước” của Chế Lan Viên vẫn có chỗ đứng trang trọng và bền lâu.


Khổ thơ mở đầu là lời giới thiệu dung dị về bối cảnh ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước:


“Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi.

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác.

Khi bờ bãi dần xa làng xóm khuất.

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”.


Đó là cuộc chia ly trầm lặng, việc người lên đường cũng không một chút ồn ào, thậm chí đó là cuộc lên đường đơn độc, bởi từ đầu đến cuối bài thơ không có bóng dáng người tiễn đưa, ngoài một người tiễn đưa trong tưởng tượng – nhà thơ với mong muốn “làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”.


Người ra đi độc hành, dứt khoát, nhưng không dửng dưng, không cố nén tâm tư. Dường như tác giả cũng đã cố tình để cho nhân vật được sống rất thực với lòng mình khi tha thiết dõi nhìn quang cảnh quê hương trong phút giây từ biệt. Cái nhìn lưu luyến ấy theo mãi cho đến khi bờ bãi, xóm làng dần xa và mờ khuất hẳn tầm mắt, nhoè đi trong nhớ thương. Mấy câu thơ ngắn nhưng đã đi đến cõi sâu thẳm rất người của vị lãnh tụ.


Cuộc chia ly nào cũng ít nhiều có nỗi ngậm ngùi, nhưng cuộc chia ly này dường như ngậm ngùi hơn, sự ngậm ngùi đó bắt nguồn từ một nghịch cảnh: Bác “phải ra đi” trong khi “đất nước đẹp vô cùng”.


Non sông gấm vóc Việt Nam tươi đẹp, đáng ra mọi người, đặc biệt những người trẻ tuổi đều được an vui tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của xứ sở quê hương. Nhưng nhân dân đang chìm trong nô lệ, lầm than, người thanh niên ấy phải từ giã ra đi để tìm con đường cứu nước.


Đây không phải cái ngậm ngùi vì tiếc nhớ của một cá nhân con người trẻ tuổi với nhu cầu hưởng thụ, mà là nỗi ngậm ngùi sông núi. Vì thế nỗi ngậm ngùi đó không hề bi luỵ, mà ngược lại, đã hoá thành sức mạnh thôi thúc người trai trẻ lên đường, để cứu nước và bảo vệ vẻ đẹp của non sông.


Sự đối lập giữa “đất nước đẹp vô cùng” với “Bác phải ra đi” không chỉ tạo nên nghịch cảnh mà quan trọng hơn là tạo ấn tượng đặc biệt cho hình tượng Bác – với tâm thế dứt khoát lên đường. Người thanh niên đó, bằng tình yêu nước lớn lao, bằng nghị lực phi thường, bằng lòng can đảm và ý chí quyết tâm không gì lay chuyển được, đã dấn bước vào cuộc trường chinh vạn dặm thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng.


Khổ thơ chỉ kể lại sự kiện và mô tả ngoại cảnh, nhưng ngoại cảnh chính là tâm cảnh, và đáng nói hơn, đằng sau cái ngoại cảnh đời thường đó lại hàm ẩn một sự kiện và con người phi thường. Đằng sau xúc cảm đời thường của một cá nhân lại hiện lên tráng chí của một vĩ nhân. Cái hay, cái hấp dẫn kỳ lạ của thơ Chế Lan Viên cũng là ở điểm biến hoá thú vị bất ngờ ấy.


Rồi cứ thế, bài thơ đã đi trọn cuộc hành trình gian khó, hiểm nguy mà cực kỳ vinh quang của con người yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh. Từng khổ thơ tiếp sau đã lần lượt tái hiện lại toàn bộ cuộc hành trình đó của Người. Đó là cuộc hành trình đi qua bốn bể năm châu, qua bao nắng mưa, nóng lạnh của đất trời và bao hiểm nguy, gian khó của con đường cách mạng:


“Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê?

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá.

Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ.

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”.


Bước chân người đã chạm đến những chân trời rộng mở tự do và cả những miền đất mịt mù nô lệ, với khát vọng tìm được một lối đi riêng đúng cho dân tộc mình – cũng là tìm hình hài của nước. Khát vọng đau đáu đó luôn hiện tồn trong mọi thời khắc, dù ngày hay đêm, dù trong chiêm bao hay là đời thực, dù trong bữa ăn hay trong giấc ngủ:


“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của Nước.

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà.

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc.

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.


Nghĩ về nước, biết bao câu hỏi lớn đặt ra như thử thách lòng Người: “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây? Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử? Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ? Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây? Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?”. Dân tộc Việt Nam trải qua bao đau thương mà bất khuất anh hùng, rồi sẽ về đâu trong bão giông lịch sử? Quá khứ hào hùng đáng tự hào liệu sẽ còn vươn tiếp tới tương lai? Rồi màu cờ, tiếng hát… tất cả đều chưa rõ hình hài.


Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng lại chứa đựng tâm tư, tầm nhìn quán thông thời thế bởi hàm ngôn của nó xuyên suốt cả thời gian (từ qúa khứ tới tương lai), bao trọn cả không gian (suốt dặm dài sông núi). Đó là những trăn trở, đau đáu mà chỉ có ở con người yêu nước vĩ đại.


Và hơn thế, dù chưa có một đáp án rõ ràng, cụ thể, nhưng trong thẳm sâu tâm thức của Người, tương lai đất nước không hề bi luỵ mà hé lộ những tia sáng của niềm tin vui: Đó là hy vọng về ngày mai huy hoàng, khi Trường Sơn đại ngàn “bừng giấc ngủ”, khi cánh tay thần Phù Đổng “vươn mây”, khi lá cờ chiến thắng tung bay trong trái tim triệu con người đang cất cao tiếng hát, khi trời xanh chói sáng tự do: “Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc/Khi tự do về chói ở trên đầu”…


Đó không gì khác hơn là ánh sáng của tinh thần lạc quan cách mạng, cũng là ánh sáng toả ra từ tầm nhìn, sức nghĩ của một bậc minh triết đã nắm được quy luật vận động của lịch sử.


Cũng từ tinh thần lạc quan cách mạng, từ tư duy minh triết đó, tương lai của đất nước đã hiển lộ huy hoàng:


Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông.

Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt.

Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc.

Sao vàng bay theo liềm búa công nông”.


Trải qua biết bao gian khổ, bao hiểm nguy rập rình, cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy được Luận cương Lênin. Hạnh phúc quá bất ngờ khiến Người vỡ oà trong reo vui và nước mắt:


“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc.

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.

Bốn bức tường im nghe

Bác lật từng trang sách gấp.

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”.


Đoạn thơ miêu tả hết sức chân thực, sinh động và đầy xúc động về tâm lý, tình cảm của Bác Hồ khi đón nhận luận cương Lênin, tìm ra con đường cứu nước. Giây phút đó tất cả như ngừng lại, nín thở để rồi vỡ oà:


“Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:

“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”.

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.


Luận cương của Lênin là kim chỉ nam cho con đường giải phóng dân tộc. Giờ phút tiếp nhận văn kiện quan trọng đó là một giờ phút trọng đại, không chỉ đối với cá nhân Người đang đánh đổi cả đời để tìm kiếm mà còn với cả dân tộc ta, nhân dân, đất nước ta. Như giây phút đón chào một hài nhi – đây cũng là giây phút khai sinh ra cho một đất nước Việt Nam mới: tìm ra “hình của Nước”, tìm được “đường đi cho dân tộc theo đi”.


Từ ánh sáng Luận cương, Bác mường tượng một tương lai sáng ngời của đất nước: “Ruộng theo trâu về lại với người cày… Những đời thường cũng có bóng hoa che”. Việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn sẽ làm nên một cuộc đại cách mạng, để đất nước thay da đổi thịt: “trời xanh thành tiếng hát”, “điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân”, “mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói”; để trả lại cuộc sống yên bình vốn có cho nhân dân: “Ruộng theo trâu về lại với dân cày”.


Trên dặm dài Tổ quốc, không còn đau thương và cái chết, chỉ còn một xứ sở tươi đẹp, phồn vinh với “Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc”. Hơn thế, nhờ ánh sáng cách mạng, nhân dân ta đã thực sự làm cuộc cách mạng lớn lao cho đời mình: từ “kẻ quê mùa” “thành trí thức”, từ “tăm tối cần lao” thành “những anh hùng”, “Những đời thường cũng có bóng hoa che”.


Đó là sự đổi thay kỳ diệu mà tất yếu. Bởi lẽ chỉ có ánh sáng của lý tưởng cộng sản, chỉ có lý luận cách mạng đúng đắn mới có thể dẫn đường, soi sáng để đưa một dân tộc đi tới bến bờ, mới có thể làm một cuộc cách mạng thực sự làm thay đổi những kiếp người cần lao.


Đầu bài thơ là cảnh Bác Hồ ra đi, cuối bài thơ là cảnh Bác trở về, nhà thơ đã đưa chúng ta theo chân Bác đi trọn cuộc hành trình gian lao và vô cùng vĩ đại, đó là cuộc hành trình của một người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, là cuộc hành trình đi từ nỗi lo lắng, buồn thương đến niềm vui, hạnh phúc huy hoàng.


Bài thơ đã kết lại cũng là lúc hình tượng Bác thăng hoa trong vẻ đẹp siêu phàm lý tưởng. Đó là cái kết hoàn mỹ nhất của hình tượng nghệ thuật theo quan niệm thẩm mỹ của Chế Lan Viên. Nếu nói cả cuộc đời nghệ thuật của Chế Lan Viên ôm khát vọng thẩm mỹ về vẻ đẹp siêu phàm – gắn với hình tượng vĩ nhân, thì có lẽ bài thơ “Người đi tìm hình của Nước” với hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, là biểu tượng tuyệt vời nhất cho khát vọng đó.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy