Bài tham khảo số 5
Chế Lan Viên không viết bài thơ “Người đi tìm hình của nước” khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng mà 49 năm sau (năm 1960) bài thơ mới ra đời và in trong tập “Ánh sáng và Phù sa” - NXB Văn học - 1960. Bài thơ còn là món quà giàu ý nghĩa tác giả kính tặng Bác Hồ dịp 70 năm sinh nhật của Người (19/5/1960).
“Người đi tìm hình của nước” là bài thơ hay nhất của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ. Xuyên suốt bài thơ là hành trình từ lúc con tàu Latouche Tréville đưa người thanh niên yêu nước vượt chặng dài lênh đênh trên sóng bể; những năm tháng bôn ba “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ”, cho đến khi Người tìm thấy “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”...
Có thể thấy, Chế Lan Viên đã viết bài thơ bằng sự đúc kết hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước nơi đất khách quê người đầy gian nan, thử thách cho đến khi bắt gặp “... mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông” và khi: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc”... Để rồi Người mang ánh sáng Lênin về đất Việt, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), lấy lại “hình của Nước” - tên gọi Việt Nam thiêng liêng trên bản đồ thế giới:
Việt Nam, ta lại gọi tên mình
Hạnh phúc nào hơn được tái sinh
(Theo chân Bác - Tố Hữu)
Mặt khác, bài thơ còn được khởi nguồn từ Hồi ký của Bác Hồ viết vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Lênin (4/1960) “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”. Điều đặc biệt cũng là giá trị của bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đó là Chế Lan Viên viết bài thơ bằng sự chiêm nghiệm và “lồng” cảm xúc, suy tư của tác giả vào bài thơ; ở đó, giữa lúc nước mất, nhà tan, Nhân dân lầm than, nô lệ; lại có những con người bàng quan trước vận nước:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Mở đầu bài thơ, Chế Lan Viên viết: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”...
Bác ra đi giữa lúc đất nước chìm trong đau thương, khi triều đình nhà Nguyễn đang ở thời kỳ suy vong bạc nhược nhất; khi các phong trào kháng chiến do các sĩ phu yêu nước hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương của vua Hàm Nghi nổ ra như: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, phong trào Đông Du, Duy Tân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... cuối cùng đều bị thực dân pháp đàn áp, rơi vào bế tắc, thất bại. Khi mà:
Bao nẻo người đi, bước trước sau
Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu?
Nǎm châu thǎm thẳm, trời im tiếng
Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu.
(Tố Hữu)
Thất bại của các phong trào yêu nước ở nước ta cuối thế kỷ XIX xuất phát từ nhiều nguyên nhân; nguyên nhân chính là chưa có một chính đảng và đường lối lãnh đạo nhất quán. Bác ra đi là để tìm một đường lối đúng đắn, phương cách để lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi ngoại xâm, giành lấy độc lập tự do cho đất nước.
Và, trong cuộc hành trình ấy, “Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”, tình yêu nước, thương dân của thầy giáo Nguyễn Tất Thành cộm lên bao điều chất chứa, Người cảm nhận:
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương…
Trước cảnh xa lạ xứ người, Bác càng hiểu hơn nỗi niềm của người dân mất nước, thương Nhân dân mình phải chịu nô lệ cần lao và Người quặn thắt lòng khi đất nước chìm đắm trong đau thương. Chế Lan Viên đã “lồng” cảm xúc vào những câu thơ xúc động để nói hộ tấm lòng người dân yêu nước đối với Bác Hồ:
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.
Hành trình của người thanh niên yêu nước với mục tiêu chính trị cụ thể, cháy bỏng; không ảo tưởng, hão huyền. Điều mà Người đi tìm “Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người/... Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi” mà “Người đi tìm hình của Nước”; tìm dáng đi, thế đứng của đất nước, của dân tộc Việt Nam:
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.
Trong cuộc hành trình ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã trải qua những gian lao, thiếu thốn, giá rét…; tự lao động để sống, để đi và để hoạt động cách mạng. Chế Lan Viên khái quát hóa chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ trong những tháng năm nơi xứ người bằng những câu thơ đầy xúc động:
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?...
Vượt qua bao nhiêu gian nan, khắc nghiệt với lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết cách mạng bừng bừng, cuối cùng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”; và, hạnh phúc nhất khi Người tiếp cận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin:
Luận cương đến với Bác Hồ. Và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin…
“Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” - Hình tượng thơ vô cùng đẹp! Trong suốt hành trình đi tìm đường cứu nước, đây là lần đầu tiên Bác khóc, nước mắt của một nhà yêu nước thật quá đỗi thiêng liêng, khiến bất cứ ai cũng phải nghẹn ngào! Cái độc đáo, cái tài của Chế Lan Viên là từ một sự kiện chính trị trọng đại, tác giả đã “thổi” vào đó cảm xúc, nhân cách hóa giá trị lịch sử để trong phút giây thiêng liêng ấy vỡ òa niềm hạnh phúc làm xúc động lòng người!
Sau “Lệ Bác Hồ rơi...” , khổ thơ kế tiếp là tiếng reo cười:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười...
“Bác reo lên...”, câu thơ như sóng sánh tiếng cười làm ta liên tưởng đến niềm vui trong trẻo của một con người vì đã chịu quá nhiều khổ đau chợt vỡ òa hạnh phúc! Niềm hạnh phúc quá lớn; bởi nó không chỉ của một người mà là hạnh phúc của cả một dân tộc! Bác khóc và Bác cười - hình tượng thơ rất lãng mạn và đẹp vô cùng!...
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc mừng vui, xúc động vì đã tìm ra chân lý lịch sử, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dân tộc Việt Nam thực hiện thành công cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
Bằng những câu thơ lãng mạn cách mạng, tin tưởng một ngày mai khi “Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát”... Chế Lan Viên đã “vẽ” ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc Việt Nam:
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng...
Hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mang “Luận cương của Lênin” về đất Việt; và “... bóng Bác đang hôn lên hòn đất” - sự khởi đầu “ngày trở về” sau 30 năm xa Tổ quốc; từ đây, Người lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc ta:
Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai…
Chế Lan Viên đã khái quát toàn bộ hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu bằng hình tượng thơ rất xúc động. Bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc của toàn dân tộc Việt Nam đối với Người đã tìm lại hình đất nước...
Nguồn: THANH DƯƠNG HỒNG (baolamdong.vn)